Thay đổi thói quen đi lại của người dân
Sở GT-VT đang khẩn trương hoàn thiện Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có nội dung đến năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy tại các khu vực hạ tầng không bảo đảm, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt ngay trong năm 2016. Với lộ trình thực hiện 10 năm, cùng với các nhóm giải pháp đồng bộ, khoa học, chủ trương này được hy vọng sẽ từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Hà Nội sẽ áp dụng các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện vận chuyển công cộng. Ảnh: Như Ý
Từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, Hà Nội hiện đang có khoảng 5,5 triệu phương tiện, trong đó có hơn 500 nghìn ô tô và khoảng 5 triệu xe máy; chưa kể các phương tiện giao thông ngoại tỉnh qua lại và xe của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Lưu lượng xe lớn, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế, khiến ùn tắc giao thông (UTGT) trở thành nỗi lo thường trực đối với các cấp chính quyền và người dân Thủ đô. Điều đáng nói là, với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân bình quân ở mức 10% như hiện nay, ước tính tới năm 2025, thành phố sẽ có khoảng 11 triệu phương tiện các loại, trong đó xe máy vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Nếu không sớm có các giải pháp quản lý phương tiện phù hợp, hạ tầng giao thông sẽ quá tải, kéo theo là các vấn đề về môi trường và tai nạn giao thông… Chính vì thế, Chương trình 06 của Thành ủy về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020″ đã đặt ra mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới cấm xe máy tại các khu vực hạ tầng không bảo đảm. Thành phố giao Sở Giao thông – Vận tải (GT-VT) nghiên cứu, xây dựng đề án.
Video đang HOT
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Sở đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện đề án để trình UBND TP Hà Nội phê duyệt ngay trong năm 2016. Đây là nhiệm vụ cần sớm triển khai và hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung của các đô thị hiện đại. Lộ trình được thành phố đặt ra là đến năm 2025 sẽ bảo đảm cân đối các chủng loại phương tiện; quản lý sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân trên toàn thành phố và từng khu vực… Với lộ trình 10 năm, cộng với sự quyết tâm của thành phố, sự đồng lòng của người dân Thủ đô, đề án hy vọng sẽ từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng
Theo Sở GT-VT, dù đề án còn đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng về cơ bản đã hình thành được các nguyên tắc và các nhóm giải pháp để thực hiện. Tất nhiên, để hạn chế phương tiện thì người dân phải có các lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng phù hợp và hiệu quả hơn.
Dự án đường sắt trên cao
“Chúng tôi xác định 4 nguyên tắc khi xây dựng đề án” – ông Vũ Văn Viện nói: “Một là, nội dung đề án phải bảo đảm tính khoa học và thực tế, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, góp phần giảm ùn tắc giao thông và phát triển kinh tế – xã hội. Hai là, ưu tiên phát triển vận tải khách công cộng, như xe buýt, các tuyến buýt nhanh BRT, các tuyến đường sắt đô thị. Đây chính là các điều kiện tiên quyết để hạn chế gia tăng phương tiện giao thông cá nhân và cấm xe máy. Ba là, các giải pháp thành phố đưa ra không nhằm hạn chế việc sở hữu phương tiện cá nhân, mà chỉ kiểm soát việc tham gia giao thông tại các khu vực hạ tầng không bảo đảm. Bốn là, kết hợp hài hòa giữa các giải pháp hành chính và kinh tế”.
Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố sẽ triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ, khoa học. Cụ thể: Ưu tiên các nguồn lực nhằm tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng, tăng khả năng kết nối giữa các khu vực; tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống bến bãi phục vụ. Không gian ngầm tại các điểm kết nối sẽ được nghiên cứu quy hoạch để làm bến bãi đỗ xe… Người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đi đến các khu vực có phương tiện công cộng kết nối, có chỗ gửi xe. Cùng với đó, thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia giao thông…
Đến giai đoạn năm 2020-2025, Hà Nội cơ bản đầu tư hạ tầng khung, như Vành đai 1, 2, 2,5, 3, 4; đồng thời cải thiện các tuyến đường xuyên tâm. Hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn sẽ dần hình thành với 9 tuyến đường sắt đô thị và 8 tuyến xe buýt nhanh BRT. Mạng lưới xe buýt thường tiếp tục tăng thêm phương tiện, luồng tuyến, mở rộng vùng phục vụ tới các khu đô thị mới, khu công nghiệp, các vùng ngoại thành. Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đặt ra yêu cầu, năm 2020, phương tiện vận tải hành khách của Thủ đô phải đáp ứng được 20% và năm 2025 đáp ứng được 35% nhu cầu đi lại của người dân.
- Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh BRT, bao gồm: Kim Mã – Lê Văn Lương – Yên Nghĩa, dài khoảng 14km, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016; Ngọc Hồi – Phú Xuyên (đi theo quốc lộ 1 cũ), dài khoảng 27km; Sơn Đồng – Ba Vì, dài khoảng 20km; Phù Đổng – Bát Tràng – Hưng Yên, dài khoảng 15km; Gia Lâm – Mê Linh, dài khoảng 30km; Mê Linh – Sơn Đồng – Yên Nghĩa – Ngọc Hồi – Quốc lộ 5 – Lạc Đạo (Vành đai 4), dài khoảng 53km; Ba La – Ứng Hòa dài khoảng 29km; Ứng Hòa – Phú Xuyên, dài khoảng 17km. – Hệ thống đường sắt đô thị sẽ có 9 tuyến, kết nối với các đô thị vệ tinh gồm: Tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông sẽ hoàn thành và khai thác thương mại cuối năm 2016, đầu năm 2017; tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà Nội hoàn thành vào giai đoạn năm 2018-2019. Các tuyến đang trong giai đoạn nghiên cứu gồm: Tuyến số 1, với 2 nhánh: Ngọc Hồi – ga trung tâm Hà Nội – Gia Lâm – Yên Viên và Gia Lâm – Dương Xá (Phú Thụy), dài khoảng 36km; tuyến số 2 Nội Bài – Nam Thăng Long – Hoàng Hoa Thám – Bờ Hồ – Hàng Bài – Đại Cồ Việt – Thượng Đình – Vành đai 2,5 – Hoàng Quốc Việt, dài khoảng 42km; tuyến số 4 Mê Linh – Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy – Vành đai 2,5 – Cổ Nhuế – Liên Hà, dài khoảng 54km; tuyến số 5 đường Văn Cao – Ngọc Khánh – Đại lộ Thăng Long – Vành đai 4 – Hòa Lạc, dài khoảng 39km; tuyến số 6 Nội Bài – Phú Diễn – Hà Đông – Ngọc Hồi, dài khoảng 43km; tuyến số 7 Mê Linh – đô thị mới Nhổn – Vân Canh – Dương Nội, dài khoảng 28km; tuyến số 8 Sơn Đồng – Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) – Vành đai 3 – Lĩnh Nam – Dương Xá, dài khoảng 37km…
Tuấn Lương
Theo_Hà Nội Mới
Kon Tum: Cưa bom lấy thuốc nổ, 2 người tử vong
Một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, do người dân tự ý xử lý bom, mìn, đã làm 2 người tử vong.
Ngày 12/6, trong khi đi rừng, ông Bùi Văn Pướn phát hiện một quả bom. Sau đó, ông Pướn đưa ông Phước và ông Đế đến vị trí quả bom này để cưa lấy thuốc nổ, nhưng ông Pướn không tham gia. Đến tận ngày 20/6, người dân địa phương mới phát hiện nhiều mảnh thi thể của hai người đàn ông đang phân hủy và báo cho chính quyền địa phương.
Tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung là một trong những khu vực xảy ra tai nạn bom mìn nhiều nhất của nước ta.
Theo_VTV
Chuyện ít biết về "doanh nhân" Chính Hòa với mô hình "khoán xe chui" Tháng 8/2015, khi tỉnh Hải Dương tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành giao thông vận tải, các thế hệ cán bộ, nhân viên có mặt hôm ấy đã nhắc tới một nhân chứng từng để lại dấu ấn khó quên trong ngành vận tải thời kỳ đầu đổi mới. Đó là cựu chiến binh Hoàng...