Thấy con gần 6 tháng tuổi ăn được bánh ăn dặm, mẹ trẻ mừng rỡ nhưng lát sau hết hồn vì bé bỗng dưng tím tái, ngưng thở
Rút kinh nghiệm từ câu chuyện của chị Thanh Thủy, các mẹ cần hết sức cẩn trọng trong giai đoạn đầu cho con ăn dặm.
Khi con đến độ tuổi ăn dặm, không ít mẹ cảm thấy hào hứng vì chuẩn bị cùng con bước vào một hành trình mới. Nhiều mẹ tỏ ra sốt sắng, muốn con được ăn thử nhiều loại đồ ăn khác nhau nên đã vô tư cho bé ăn thử món này, món khác. Tuy nhiên nếu như trẻ chưa sẵn sàng với việc tiếp nhận những đồ ăn mới, đặc biệt là đồ ăn thô và khả năng nuốt của bé chưa tốt thì có thể dẫn đến việc bé bị hóc nghẹn.
Câu chuyện của bà mẹ trẻ Trần Thị Thanh Thủy (29 tuổi, hiện đang sống tại TP.HCM) dưới đây là một ví dụ hết sức cụ thể để cảnh báo cho các bậc phụ huynh, nếu không cẩn thận có thể sẽ gây ra những hậu quả vô cùng khó lường.
Nguyên văn chia sẻ của chị Thanh Thủy:
“ Chuyện đã qua ổn thỏa rồi nhưng sao trong lòng mình vẫn còn ám ảnh lúc đó quá! Mình kể cho các mẹ đang có con dưới 6 tháng tuổi rút kinh nghiệm nhé!
Chuyện là thế này, mình vừa sắm ít đồ ăn dặm cho con để vài ngày nữa đúng 6 tháng thì cho bé ăn. Nhưng hôm nay không hiểu sao mình lại lấy bánh cho con mình ăn. Mình cứ nghĩ bánh cho bé 6 tháng mà con mình vài ngày nữa cũng 6 tháng thì chắc là ăn được nên vô tư cho con cầm ăn rồi chụp hình, quay video.
Con cầm miếng bánh cho vào miệng 1 lát cho mềm ra rồi nuốt, thấy con ăn được mình cũng mừng. Đến khi con ngậm tan tầm 1 khúc bánh là lúc đó mình thấy khuôn mặt bé bắt đầu có dấu hiệu bất ổn, biến sắc hoàn toàn từ trắng hồng chuyển sang tím tái, mắt đỏ, thở sâu, nhìn dáng vẻ rất mệt mỏi.
Con trai chị Thủy ngồi ăn bánh ăn dặm trước khi sự cố diễn ra.
Phản xạ tự nhiên của một người mẹ khiến mình giật chiếc bánh trên tay bé vứt đi rồi vội ôm con để vuốt ngực nhưng không hết, càng lúc con càng thở khó hơn. Một lát sau mắt con tự nhiên chảy nước mắt dù không khóc, miệng nhiều nước miếng chảy ra từng dòng. Mình sờ mũi con thì thấy bé yếu, gần như không thở nổi. Vậy là mình cuống cuồng hét lên cầu cứu.
Ở nhà lúc đó chỉ có hai mẹ con, ở chung cư nữa nên không ai nghe, mẹ chồng mình đi chợ nên lại khóa cửa ngoài mình tìm mãi mà không thấy chìa khóa. Con mình mỗi lúc càng thở yếu hơn, người tím tái, nước mắt vẫn chảy ra, mặt không có một chút cảm xúc gì. Mình lay người con mà bé cũng không nhìn mẹ mà chỉ đơ ra, chân tay thõng xuống. Tim mình như nghẹt thở, chân tay cũng bủn rủn theo, muốn lấy điện thoại gọi cho mọi người cũng khó.
Lý trí không cho phép mình yếu đuối trong lúc này. Mình vội dốc đầu con sấp xuống rồi vỗ lưng, vỗ thật mạnh vì lúc đó không còn biết gì nữa. Mình vỗ 5,6 cái rất mạnh rồi ngửa con ra lấy hơi thật sâu thổi vào miệng bé mấy cái, rồi lại dốc đầu con xuống vỗ tiếp. Vừa vỗ mình vừa lấy điện thoại tìm số gọi mẹ chồng về vì chợ cũng ở gần nhà.
Chị Thủy và con trai.
Bà nội vừa về tới thì cũng đúng lúc con trai mình “hức” lên một tiếng rồi “e, e”, mặt bé hồng hào trở lại. Mình ôm con mà mừng như thể vừa đẻ nó ra thêm lần nữa, không nói được thành tiếng, mãi sau khi đã hoàn hồn mới hôn con tới tấp. Bà nội bé cũng một phen hú vía không kém mình.
Qua đây mình cũng khuyến cáo luôn các mẹ có con dưới 6 tháng tuổi, nếu có ý định cho bé ăn bánh ăn dặm thì không nên chọn loại bánh như bánh quy vì bánh có thể tan nhưng rất đặc dẫn đến ứ đọng lại trong cổ họng bé. Bé còn nhỏ nên chưa quen phản xạ nuốt, dễ nghẹn và dẫn đến bị hóc. Như trường hợp đã xảy ra với con mình, may mà lúc đó mình còn có thể đủ mạnh mẽ để cứu con khỏi bàn tay tử thần. Nếu lúc đó mình yếu đuối thì không hiểu bây giờ mọi chuyện thế nào nữa”.
Để tránh việc bé bị hóc nghẹn khi ăn dặm, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Chọn những loại thực phẩm phù hợp với giai đoạn bé đang học về kỹ năng nhai, nuốt.
- Cho bé ngồi thẳng khi ăn.
- Không có bé ăn nguyên hạt, cắt nhỏ những loại trái cây có lõi hạt.
- Không cho ai khác ngoài bé đút thức ăn vào miệng bé.
- Không bao giờ được cho bé ngồi ăn một mình.
Khi trẻ có dấu hiệu đột ngột ho sặc sụa nhiều, biểu hiện tím tái và khó thở bố mẹ lập tức tìm cách sơ cứu cho con.
Cách 1: Với trẻ dưới 1 tuổi
- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
- Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
- Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.
Cách 2: Với trẻ trên 2 tuổi
- Trường hợp trẻ còn tỉnh: Để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ.
Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
- Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái.
Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.
Con không chịu ăn rau, mẹ Sài Gòn chế biến rau, củ thành 1001 món bánh ăn dặm vừa ngon, vừa rẻ
Nhờ sự thay đổi trong cách chế biến của mẹ, con trai chị Yến rất hứng thú với những món bánh mẹ làm. Cũng nhờ cách này mà bé ăn được nhiều loại rau hơn.
Chị Nguyễn Mai Hoàng Yến (TP.HCM) chia sẻ, con trai của chị hiện được hơn 10 tháng tuổi, và chị đã bắt đầu cho bé ăn dặm từ khi được 5 tháng 20 ngày. Chị Yến cho con ăn dặm theo phương pháp BLW (Baby Led Weaning). Thay vì nấu bột, cháo thì chị Yến cho con ăn thức ăn thô từ sớm với các món củ quả luộc.
Chị Yến cũng có tìm hiểu để mua các loại bánh ăn dặm để đa dạng món ăn cho con. Tuy nhiên, vì thấy trong thành phần của bánh thường có trứng và muối, đường. Bé nhà chị Yến bị chàm sữa nên chị hạn chế cho con ăn trứng, muối, đường cũng không tốt cho bé dưới 1 tuổi. Vì vậy, chị quyết định tìm hiểu công thức làm các món bánh cho bé trên các group mạng xã hội dành cho các mẹ và các trang uy tín.
Chị Nguyễn Mai Hoàng Yến và con trai.
Bà mẹ trẻ tâm sự ban đầu chị làm cũng hỏng nhiều, bánh không mịn, đẹp như hình các mẹ khác chia sẻ. Một số công thức như hướng dẫn trên mạng chị không áp dụng được vì không có lò nướng. Bận đi làm nên bà mẹ trẻ cũng không có thời gian để thực hiện các công đoạn như nhào bột, ủ bột...
" Mình thấy pancake và bánh chuối hấp là dễ làm và làm nhanh nhất nên mình chủ yếu làm hai loại bánh này, kết hợp với một số loại trái cây, rau củ gia đình mua ăn và tiện thể làm cho bé luôn để tiết kiệm chi phí.
Bé nhà mình được 7 tháng là mình bắt đầu làm pancake ngọt (bánh với trái cây, rau củ) cho bé ăn sáng. Buổi tối bé ăn rau củ hấp. Từ 9 tháng mình tăng lên 3 bữa, sáng bé ăn pancake mặn (bánh với trái cây, rau củ và thịt, cá), trưa ăn bánh chuối hấp (trộn với nhiều loại thay đổi như bí đỏ, mít, thanh long...) hoặc pancake ngọt từ yến mạch và trái cây. Bữa tối bé ăn cơm.
Hiện tại bé được hơn 10 tháng tuổi, bé ăn sáng với pancake mặn, trưa pancake trái cây, tối ăn cơm và ngày uống 3 cữ sữa mẹ khoảng 70-80ml/lần" - chị Yến chia sẻ.
Các món bánh chị Yến làm không chỉ ngon miệng mà còn đẹp mắt.
Con trai của chị Yến rất hứng thú với những món bánh mẹ làm. Cậu bé thường ăn khoảng 2/3 hoặc có hôm ăn hết luôn đĩa bánh. Từ khi làm bánh cho con ăn, chị Yến nhận thấy bé ít bị táo bón, do trái cây bổ bung nhiều vitamin và khoáng chất, lại có vị ngọt tự nhiên, bổ sung chất xơ. Hơn nữa, bé nhà chị Yến ăn được các loại củ, hấp, luộc nhưng lại không chịu ăn rau lá, khi làm bánh rau củ thì bé ăn được nhiều rau hơn.
Mỗi loại bánh chị Yến làm cho con mất khoảng 30 phút. Về chi phí thì cũng tuỳ từng loại bánh, gia đình chị thường mua trái cây ăn và tiện thể làm bánh cho con luôn để tiết kiệm. Trung bình mỗi món bánh chị làm không quá 20 nghìn đồng cho món bánh ngọt và 30 nghìn đồng cho món bánh mặn, có món chỉ 5 nghìn đồng.
Nhắn nhủ các mẹ đang loay hoay trong việc ăn uống của con và dự định làm bánh ăn dặm cho bé, chị Yến chia sẻ: " Làm bánh cho con không khó đâu các mẹ ạ. Chỉ cần chịu khó để ý bé thích loại trái cây nào, rau củ gì thì mình phối hợp đúng ý bé là bé sẽ thích ăn. Các bé ăn dặm kiểu BLW thì 6-7 tháng tuổi là ăn được bánh này. Còn các bé ăn dặm truyền thống thì khi nào con biết nhai là ăn được".
Trái cây, rau củ nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp bé đỡ bị táo bón.
Dưới đây là công thức làm bánh ăn dặm của chị Yến cho các mẹ tham khảo:
Bánh trái cây
Nguyên liệu:
- Trái cây nghiền: Chuối, đu đủ, thanh long trắng, thanh long đỏ, xoài, bơ...
- Trái cây ép rây lấy nước: dưa hấu, lê, thanh long đỏ, cam xoàn ngọt...
- Bột gạo, bột mỳ, bột năng, yến mạch, quinoa...
Nếu làm bánh hấp: Trộn thêm bột gạo, bột năng theo tỷ lệ 1:1 vào hỗn hợp hoa quả nghiền hoặc nước ép. Thoa chút dầu dưới đáy bát. Bỏ bát vào nồi cho nước cao đến 1/3 bát, đậy nắp, buộc khăn sữa vào nắp nồi để không đọng nước. Hấp cách thuỷ trong vòng 20 phút là được.
Nếu làm pancake: Trộn thêm bột gạo với bột mỳ theo tỷ lệ 1:2 (có thể cho thêm yến mạch, quinoa để đa dạng hương vị) vào hỗn hợp hoa quả nghiền hoặc nước ép, cho thêm bột nở nếu muốn có độ phồng. Thêm nước/sữa mẹ/sữa công thức/nước trái cây nếu hỗn hợp quá đặc.
Làm nóng chảo, thêm chút xíu dầu, dùng khăn giấy lau đều dầu khắp đáy chảo, lau khô hết dầu rồi múc từng muỗng hỗn hợp bột áp chảo. Để lửa nhỏ, đợi bánh khô mặt hãy trở bánh để bánh không vỡ.
Chị Yến luôn cố gắng để làm đa dạng các món bánh cho con ăn.
Bánh với rau củ thịt cá
Nguyên liệu:
- Rau củ xay ép lấy nước, lấy thêm 1 muỗng canh bã rau củ để có chất xơ.
- Nước ép dưa leo, lê, củ cải đỏ, cà rốt, su hào, ớt chuông vàng, đỏ (cho có vị ngọt) hoặc có thể dùng nước để xay với rau dền, chùm ngây, cải kale, bó xôi, cải cầu vồng...
- Ruốc gà, cá, heo, bò... hoặc cá thịt hấp với gừng, sả, lá chanh băm nhỏ.
- Bột gạo, bột mỳ, quinoa, yến mạch... (luôn trộn bột gạo và bột mỳ tỷ lệ 1:2).
Cách làm: Trộn đều các nguyên liệu với nhau thành hỗn hợp. Làm nóng chảo, thêm chút xíu dầu, dùng khăn giấy lau đều dầu khắp đáy chảo, lau khô hết dầu rồi múc từng muỗng hỗn hợp bột áp chảo. Để lửa nhỏ, đợi bánh khô mặt hãy trở bánh để bánh không bị vỡ.
Lưu ý: Chị Yến thường làm khoảng 40g bột và 40g trái cây (cho bánh trái cây) hoặc 40g bột, 30g rau củ và 15-20g thịt/cá (cho bánh rau củ thịt cá). Các mẹ có thể tăng, giảm tuỳ vào khẩu phần ăn của bé nhà mình.
Với tiêu chí "nhà ăn gì, bé ăn nấy" nên chị Yến cũng tiết kiệm được chi phí làm các món bánh, chủ yếu dao động từ 20-30 nghìn đồng, có món chỉ 5 nghìn đồng.
Mẹ Quảng Nam khoe thực đơn ăn dặm cho con nhìn như nhà hàng 5 sao, bé 11 tháng đã "ăn cả thế giới" nhờ bí quyết đặc biệt Những chia sẻ của chị Phương Vy chắc chắn sẽ ít nhiều giúp các mẹ đang muốn cho con ăn dặm theo phương pháp BLW học hỏi thêm được nhiều bí quyết thú vị. Nếu như hành trình mang thai và sinh nở khiến chị em phụ nữ phải đối diện với nhiều sự mệt mỏi, đau đớn thì hành trình nuôi con...