Thấy con dâu mới sinh đứng rửa bát, mẹ chồng em giật phăng bao tay ném thẳng vào con trai rồi tuyên bố một câu xanh rờn
Chắc kiếp trước em phải tu nhiều lắm, kiếp này mới gặp được người mẹ chồng tốt như vậy.
Em không biết sau này, vợ chồng em có còn sống chung với nhau được hay không. Chỉ chắc chắn một điều, dù như thế nào thì tình cảm và sự tôn trọng của em dành cho mẹ chồng là không đổi.
Mẹ chồng em tốt tính lắm. Với người khác thì em không biết thế nào, còn với con dâu, bà yêu thương và chăm sóc không khác gì con gái. Lúc em mới về nhà chồng, không dám thường xuyên về thăm bố mẹ đẻ. Thấy em cứ buồn rầu ủ rũ, mẹ chồng liền đi mua rất nhiều quà bảo em mang về biếu. Bà nói con gái lấy chồng càng phải thương bố mẹ mình. Có như thế bố mẹ mới thấy vui lòng.
Không chỉ quan tâm đến nhà thông gia, mẹ chồng em cũng rất tâm lý và luôn đứng về phía con dâu mỗi khi vợ chồng em có vấn đề. Chồng em là người vô tâm, anh thường khiến em buồn và suy nghĩ. Vì thế mà những ngày kỷ niệm, mẹ chồng em lại nhắc con trai rồi rủ anh đi mua quà cho em. Thật ra những món mà mẹ chồng em tặng có giá trị vật chất không lớn. Nhưng về mặt tinh thần, em thấy đó đều là những thứ vô giá.
Em mới sinh con được nửa tháng thôi. Con em hay khóc đêm, chồng em thì ngủ say chẳng bao giờ phụ vợ. Cũng may mẹ chồng em thương cháu, lại tỉnh ngủ nên đêm đến vừa nghe cháu ọ ẹ là bà chạy sang ngay. Có bữa bà bế cháu đến sáng, em bảo để em bế giúp thì mẹ chồng xua tay: “Mới đẻ xong, tranh thủ ngủ nhiều vào cho lại sức”.
Rồi anh bỏ đi uống rượu với bạn, đến giờ vẫn chưa về. (Ảnh minh họa)
Hôm qua mẹ chồng em đi đám cưới. Trước khi đi, bà đã nấu sẵn thức ăn cho vợ chồng em. Bà cũng dặn đi dặn lại là em phải kiêng, có gì cứ để bà đi đám về rồi làm giúp. Ăn cơm trưa xong, em bảo chồng đi rửa bát thì anh lười biếng không làm. Ngại phiền mẹ chồng, em đeo bao tay vào để rửa bát.
Đang lúi húi làm, em nghe tiếng mẹ chồng về. Thấy em đứng trước bồn rửa, mẹ chồng chạy đến rồi giật cái bao tay từ tay em. Bà ném về phía con trai rồi quát: “Vợ mới đẻ được mấy ngày đã bắt làm, mày có phải đàn ông không?”.
Bị mẹ cáu, chồng em cũng nổi điên cãi lại mẹ. Rồi anh bỏ đi uống rượu với bạn, đến giờ vẫn chưa về. Hơn một ngày rồi, mẹ chồng em vẫn bảo kệ, anh có chân đi thì có chân về. Nhưng em lo lắm. Giờ chồng em bảo về thì sẽ ra riêng ở cho thoải mái, anh không hợp ở với mẹ. Còn em thì chỉ muốn gần mẹ chồng để bà đỡ đần con cái. Theo các chị em phải làm gì?
(hatrangpita…@gmail.com)
T.T.H.N
Theo toquoc.vn
Con cầu tự
Mấy tháng không thấy Sinh về. Tôi ôm gối. Tiếng cọt kẹt bên buồng này vừa dứt thì lại nghe tiếng cọt kẹt trong buồng kia. Trăng mười sáu tròn vành vạnh treo trên ngọn cây mít ngoài sân nhà. Tiếng thở dài của mẹ chồng làm tôi không sao chợp mắt. Đêm cứ dài như thể...
Bước chân Sinh sàn sạt trên đường cát giữa trưa oi nồng, thời tiết qua một trận mưa nước chưa thấm đất sau những ngày nắng nóng kéo dài. Tôi vẫn nằm trên vạt đồi cạnh chỗ hai cây phi lao già sần sùi những vết chém ngang dọc mà có lần tôi ví như hai chàng hiệp sĩ đang bảo vệ mình. Sinh nhếch mép. Chẳng lẽ anh không bảo vệ được em? Tôi nhìn vào mắt Sinh. Đôi mắt chứa ánh nhìn rất gắt. Không phải một đôi mắt hiền.
"Anh không bảo vệ em bao giờ".
"Sao em lại nói thế?".
"Thì cứ xem cách mẹ anh đối xử với em. Anh biết làm gì ngoài lặng im hoặc khoác áo ra khỏi cửa".
"Nhưng đấy là mẹ anh!".
"Vâng. Là mẹ anh nên bà muốn đối xử với em thế nào em cũng phải chịu, đúng không?".
Sinh im lặng. Sinh luôn im lặng mỗi khi cuộc tranh luận của chúng tôi nhắc tới mẹ anh. Sinh làm kỹ sư trong Trạm nghiên cứu ươm giống cây lâm nghiệp trên một tỉnh vùng cao, cách nhà chừng nửa ngày đường đi ôtô.
Ngày còn yêu nhau, tôi nhất quyết không cho Sinh làm xa nhà như thế. Đàn ông xa nhà chẳng nói trước được điều gì. Nhưng cuối cùng vì yêu, vì tin Sinh tôi đồng ý. Cha Sinh bỏ đi từ ngày anh mới chào đời. Mẹ anh ở vậy nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Tôi biết tình cảm giữa hai mẹ con anh là điều mà tôi không thể xen vào được. Dù gì tôi cũng chỉ là con dâu, là người "không thể hiểu hết những chuyện trong gia đình" như Sinh nói.
Ngày bước vào nhà Sinh tôi cũng không có ý nghĩ mình sẽ có được tình cảm trọn vẹn của mẹ anh. Tôi chỉ là con dâu. Ánh mắt bà ngay từ ngày đầu tiên tôi bước qua cánh cửa của ngôi nhà năm gian cột lim bóng nhẫy ấy là đôi mắt rất khó hiểu. Đôi mắt đầy niềm hy vọng xen lẫn sự đau khổ. Một gương mặt buồn đến bức bối. Nhiều lúc tôi muốn bà cứ mắng, cứ chửi thì tôi còn cảm thấy dễ chịu hơn. Hoặc bà cứ bảo Sinh bỏ tôi. Như vậy tôi còn có cớ để khóc lóc, kể lể về cái sự "khác máu tanh lòng của bà". Đằng này, cả ngày bà chẳng nói với tôi một lời. Cũng chẳng sai bảo tôi làm việc gì. Bà cứ lùi lũi như chiếc bóng. Bà chỉ quan tâm đến mỗi một điều, ấy là cái bụng của tôi có nhô lên tẹo nào không. Thỉnh thoảng bà lại mang về vài ba thang thuốc Bắc, sắc rồi mang bảo tôi uống hết.
Tôi chán ngấy và sợ hãi mùi thuốc Bắc lan khắp căn nhà. Bao lần tôi nhất quyết không uống. Nhưng nhìn Sinh khổ sở và mong ước có đứa con bấy lâu tôi đành nhắm mắt nuốt thứ thuốc đắng nghét.
Sinh lên đến nơi, tiếng thở dốc. Sinh luôn biết tìm tôi khi không thấy. Nếu không về nhà mẹ đẻ thì chỉ là ở chỗ hai cây phi lao già trên đồi Trọc. Ngày còn yêu nhau Sinh hay dẫn tôi ra đây, chúng tôi trốn trong một lô cốt bỏ hoang.
Video đang HOT
Sinh ngồi xuống cạnh tôi. Tôi vẫn nhắm mắt. Tôi cảm nhận được ánh mắt của Sinh dọc thân thể mình. Chúng tôi lấy nhau ba năm nhưng thời gian để gần nhau thì chẳng nhiều. Mỗi lúc Sinh ôm tôi, muốn gần hơn nữa thì tôi lại cảm thấy khó chịu với tiếng trở mình của mẹ chồng trong căn buồng bên cạnh. Tiếng kẽo kẹt, tiếng thở dài, tiếng bước chân trở dậy từ sáng sớm của bà luôn khiến tôi bị ám ảnh. Cả mùi hương nồng nặc đốt giữa lúc đêm khuya khi "mẹ cảm thấy không yên lòng".
Sinh đặt một nụ hôn lên má. Tôi mở mắt. Sinh thì thầm:
- Về thôi! Mẹ đang đợi cơm đấy!
- Em muốn nằm thêm một lúc nữa, hít thở không khí trong lành.
- Về nhà không khí không trong lành sao?
- Em sợ mùi thuốc Bắc của mẹ lắm rồi!
- Cũng chỉ vì mẹ thương em!
- Thương em. Hay mẹ mong có cháu. Mẹ chỉ mong có cháu. Mẹ sợ em không đẻ được.
- Sao em lại nghĩ thế!
- Mẹ bắt em uống thuốc Bắc. Chắc mẹ mong em chết sớm vì mùi thuốc Bắc.
Sinh đứng dậy, tay vịn vào cây phi lao già.
Chúng tôi bước xuống đồi Trọc khi ánh chiều đã dần tắt, chỉ còn sót lại mảng màu gạch kéo dài trên đỉnh ngọn đồi phía sau lưng.
Mâm cơm chiều đã được dọn sẵn trên chiếc mâm gỗ trên hiên nhà. Bốn cái bát. Bốn đôi đũa. Nhà chỉ có ba người mà bao giờ mẹ anh cũng dọn bốn. Cứ như bà trách móc khéo em chưa sinh được con. Tôi ấm ức. Bữa cơm qua trong yên lặng. Tôi cũng chẳng nuốt nổi khi nhìn vẻ mặt sầu khổ của bà, cả trong lúc ngồi ăn cơm.
Sinh mang vào một bát thuốc. Tôi hậm hực:
- Anh xem, cả xóm này họ nhìn em như con bé bệnh hoạn ấy. Đi đến đầu ngõ đã ngửi mùi thuốc Bắc.
Tôi bước ra khỏi cửa, bỏ mấy bộ quần áo vào túi sang nhà mẹ đẻ. Vừa lúc mẹ anh đi chợ về, tay cầm mấy thang thuốc bọc trong giấy báo màu vàng xỉn. Tôi chẳng nhìn bà.
Tôi ở bên nhà mẹ đẻ được một ngày thì bà cho người sang bảo tôi về làm lễ.
Mâm cơm cúng được dọn sẵn ra chiếc phản kê giữa nhà. Mùi khói hương nồng nặc suýt thì khiến tôi nôn thốc. Bà thầy cúng đã khăn áo chỉnh tề, ngồi khoanh chân trước tấm ảnh phủ vải đỏ. Nến cháy lập lòe. Bà múa, bàn chân giậm chiếu như con chim chích, chiếc quạt giấy đỏ xòe ra rồi lại cụp vào che khuôn miệng nhai trầu đỏ hơn màu son. Kết thúc điệu múa, bà xoay một vòng, phun rưụ phì phì. Rồi bà nhìn chằm chằm vào tôi: "Số này phải nuôi con cầu thì mới có con. Cái số lận đận. Được rồi mất. Mất rồi lại được. Để cô xin cho một quẻ xem Ngài đồng ý ban không?".
Bà thầy bói gieo quẻ bằng hai đồng xu. "Cười! Cười rồi! Lần này sẽ được". Mẹ chồng tôi cúi rạp người lễ tạ. Mắt bà rưng rưng, hai tay nâng xấp quần áo trẻ con cắt khéo bằng giấy màu xanh, đỏ đặt lên bàn thờ. Lại rạp người lễ. Bà thầy cúng múa một vòng, châm lửa đốt. Ngọn lửa đỏ rực, bùng bùng cháy. "Ngài nhận được rồi. Từ mai đi chợ bà mua thêm mấy xấp vải đủ các màu, chia ra một nửa đặt lên bàn thờ gia tiên. Một nửa mang đặt lên điện cô để cháu về còn có quần áo mặc". Mẹ chồng cúi rạp người.
Hôm sau đi chợ về mẹ chồng đặt lên bàn thờ một xấp quần áo cắt khéo bằng giấy màu vàng ngay ngắn.
Những ngày Sinh không về cả căn nhà cổ năm gian chỉ có tôi và bà. Buồn đến tẻ nhạt. Những bước chân đi như chạy của bà trên nền nhà khiến tôi đang làm gì cũng phải giật mình. Bà quen đi chân đất. Bà chỉ xỏ dép vào những ngày phải đi qua cổng làng. Sinh bảo cả đời mẹ vất vả. Về làm dâu bà nội lúc mười bảy tuổi. Cả đời mẹ làm dâu mà như người ở trong nhà chồng. Đến mức bà quên đi thân phận làm dâu mà chỉ nghĩ mình như một người ở. Mẹ chồng bước vào làm dâu chỉ quen ở dưới bếp ít khi được bước chân lên nhà trên.
Bố Sinh đi suốt, hiếm khi về. Mỗi lần về ông lại lấy tiền trong chiếc tráp đồng của bà nội rồi đi. Đến khi Sinh được hai tuổi thì ông đi luôn, không về nữa. Bà nội gằn hắt mẹ Sinh ăn ở thế nào mà để chồng phải bỏ nhà ra đi, không trở về. Rồi bà nội ốm. Bà nằm liệt ba ngày trong căn buồng mà bây giờ mẹ chồng ở. Rồi bà nội gọi mẹ Sinh vào, đưa cho chiếc tráp đồng. Trong ấy là số vàng cả đời bà tích cóp. Bà không nói được gì, nước mắt lưng tròng. Mẹ chồng nhận chiếc tráp cũng chỉ cất vào tủ, khóa trái lại. Sinh bảo lần mẹ mang ra đầu tiên là lần Sinh vào đại học. Bà chỉ lấy hai chiếc nhẫn mang đi bán lấy tiền cho Sinh nhập học, số còn lại bà cất nguyên vào trong tủ. Tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy chiếc tráp đồng đó.
Tôi chẳng thấy đó là nỗi khổ của bà, chỉ thấy đó là tội. Tự bà cứ làm khổ bà thế. Có ai bắt tội bà đâu.
Quần áo bà chỉ có ba bộ, thay nhau mặc lại. Mùa đông bà chỉ mặc thêm chiếc áo len, quàng chiếc khăn nhung đen. Đến bữa ăn bà cũng chỉ cá kho mặn, chan nước mắm. Nhiều lúc nhìn bà ăn tôi xót ruột. Nhưng Sinh bảo, mẹ quen ăn thế. Em cứ để mẹ ăn. Tôi vùng vằng, nhà có mấy mẹ con mà bữa nào cũng phải nấu mấy chế độ ăn.
Từ khi làm lễ cúng xong bà chăm đi lễ đền, miếu rồi đi xem bói. Năm nào bà cũng làm lễ giải hạn. Vật cúng lễ gồm ngựa, hình nhân thế mạng, hương hoa. Rồi bà bắt tôi ra đền quỳ vái lạy. Bà bảo làm như thế hạn sẽ bớt, thánh thần không trách quở, mọi việc làm sẽ thuận lợi. Cứ đến rằm là bà sắp giỏ, đội nón đi lễ.
Sau mỗi lần bà đi đền, đi lễ là lại có một gói "thuốc" mang về. Bà gói ghém trong chiếc túi bóng, bọc giấy đỏ vuông vắn. "Thuốc thầy cho. Cố mà uống hết". Tôi giở gói ra, là một nhúm tro hương. Sinh dỗ dành mấy tôi cũng nhất quyết không uống. Sinh lặng lẽ mang thả ra sông. Nhìn đám tro hương bay trong gió mà tôi cứ nghĩ Sinh đang tiễn một sinh mạng về cõi vĩnh hằng. Không biết tôi và Sinh đã thả bao nhiêu gói tro hương xuống mặt sông lúc ánh chiều đỏ gắt...
Mặc cho sự cố gắng mấy của bà thì cái bụng tôi vẫn không to lên. Bà lại bắt đầu sắc thuốc Bắc. Mùi thuốc ám đặc cả năm gian nhà, lan ra sân. Từ sân ra ngõ. Người trong xóm đi qua lại nhòm vào sân, nhòm vào cái bụng của tôi. Cứ như thể họ mong cho cái bụng tôi to lên để khỏi phải ngửi thấy mùi thuốc Bắc. Tôi ngượng đến nỗi không dám một mình ra khỏi cổng nhà.
Tiếng bà trầm, rõ đến từng từ: "Đàn bà không có con thì có tốt mấy cũng chỉ như người ở trong nhà". Hóa ra là mấy năm nay bà cũng chỉ coi tôi như người ở trong nhà. Sinh về, tôi gục đầu vào vai chồng, tấm tức thuật lại lời mẹ. Sinh chỉ vỗ vai tôi cười cười "cũng chỉ vì mẹ thương em". Đêm ấy tôi vùi mặt vào vai chồng dấm dứt khóc. Sinh về được mấy ngày rồi lại đi. Bà nhìn tôi: "Đàn bà không biết giữ chồng thì chỉ khổ". Tôi chẳng nói chẳng rằng, gói ghém mấy bộ quần áo, buộc sau xe đạp về nhà mẹ đẻ.
Mấy tháng không thấy Sinh về. Tôi ôm gối. Tiếng cọt kẹt bên buồng này vừa dứt thì lại nghe tiếng cọt kẹt trong buồng kia. Trăng mười sáu tròn vành vạnh treo trên ngọn cây mít ngoài sân nhà. Tiếng thở dài của mẹ chồng làm tôi không sao chợp mắt. Đêm cứ dài như thể...
Sáng sớm, bà tất tả bê nồi, mâm bát dọn ra thềm. Tro bếp ám vàng xỉn vung. Bà giục tôi ngồi ăn cơm.
- Ăn cơm sớm rồi bắt xe lên chỗ thằng Sinh một chuyến xem.
- Anh ấy bảo bận việc không về được thì lên chắc gì đã gặp ạ.
- Thì cứ phải lên.
Cơ quan Sinh tít trên tận vùng cao, đi xe ôtô mất nửa ngày. Đường núi gập ghềnh hiểm trở. Trời nhá nhem tối thì xe đến nơi. Tôi được bà hàng nước chỉ cho đường vào Lâm trường. Từ Lâm trường tôi được dẫn vào khu nhà ở của cán bộ, công nhân viên. Đó là một dãy nhà cấp bốn núp dưới hàng cây cối um tùm.
Trạm trưởng sau khi nghe tôi giới thiệu là vợ của Sinh và lên đây tìm anh thì lặng im rất lâu. Phải chừng mười lăm phút sau ông mới trả lời rằng Sinh đã xin nghỉ phép về quê thăm mẹ, thăm vợ. Tôi bàng hoàng. Mấy tháng nay Sinh không về nhà. Anh đi đâu?
Trạm trưởng giữ tôi ở lại vì trời đã bắt đầu tối, đường rừng núi thân con gái không tiện. Tôi được sắp xếp cho ngủ lại trong căn phòng nhỏ của người trạm trưởng già. Đêm nằm trong căn phòng lạ lại lo lắng khiến tôi không tài nào chợp mắt. Tiếng trò chuyện của mấy người trong khu nhà vọng vào qua khe cửa rõ mồn một.
"Cậu Sinh này ghê thật. Giấu vợ kỹ thế".
"Nghe nói cô này không có con!".
"Mà cô kia hình như sắp sinh con trai thế nên cu cậu không về nhà là đúng rồi!".
Tôi giật mình. Lẽ nào Sinh lại lừa dối tôi? Tôi luôn có niềm tin ở anh. Không đời nào thế được! Tôi chạy ra ngoài. Những gương mặt nhìn tôi thôi cười. Ông trạm trưởng già vịn vào vai tôi chắc nịch. Tôi bám vào gốc bưởi già nức nở. Chưa bao giờ tôi khóc nhiều đến thế! Tôi luôn có niềm tin ở anh.
Căn nhà nhỏ nằm cheo leo trên vạt đồi đã sạt nham nhở. Tôi khom người qua những tán cây lá buông chen lối chân người. Cố giẫm chân thật chắc vào những rễ cây oằn mình dài như thân rắn trườn dưới đất sỏi.
Sinh ngồi xổm bên chậu thau đầy bọt xà phòng trắng tinh. Trắng hơn chiếc áo may ô anh đang mặc. Người đàn bà cố ưỡn cái bụng to vượt mặt lại gần, vất thêm chiếc khăn vào chậu. Cô ta nhìn tôi với đôi mắt đầy vẻ thương hại.
- Chị lên chơi. Em đã nghe anh Sinh kể về chị...
- Thế này là sao? Anh lỡ lừa dối tôi?
- Thì là như chị thấy. Em sắp sinh. Anh Sinh là cha của đứa con trong bụng em!
Sinh nhìn tôi:
- Em lên tận đây?
- Còn không? Anh định giấu tôi đến bao giờ?
- ...
- Người đàn bà nhỏ nhẹ, cố ưỡn cái bụng to ra trước mặt tôi như khoe thành tích:
- Chị không đẻ được thì phải để em đẻ con cho anh ấy chứ!
Tôi đưa tay gạt những mảnh tã lót lất phất trên dây phơi. Chúng bay xuống, chạm cả vào mặt người đàn bà. Chị ta khẽ ôm bụng rên lên. Sinh quay sang tôi, ánh nhìn rất gắt. Tôi ôm mặt chạy xuống vạt đồi sàn sạt.
Tôi không đủ can đảm để chạy đến cào cấu vào vai người đàn ông bao năm mình tựa đầu vào. Không đủ can đảm để tát vào gương mặt người đàn bà đang ngập tràn hạnh phúc kia. Bước chân giẫm trên những rễ cây trơn trượt. Tôi ngã sấp. Những mảnh vải trắng, quần áo trẻ con lất phất trên dây phơi, dáng vẻ người đàn bà bám riết lấy tôi.
Chuyến xe cuối ngày lao dốc băng băng...
Bố tôi vất chén rưụ đang uống dở xuống nền gạch. Tiếng thủy tinh sắc lạnh.
- Nhà này không có cái thói ấy!
Rồi bố bỏ ra ngoài. Mẹ ôm tôi kéo vào trong buồng.
- Thôi con ạ. Bố mày không chấp nhận. Cả cái làng này cũng không ai chấp nhận người đàn bà bỏ chồng. Đời người đàn bà mười hai bến nước. Phải bến đục thì phải chịu con ơi!
Tôi cúi mặt quay lại ngôi nhà năm gian vắng lặng. Mẹ chồng ngồi trên bậc thềm, tỉ mẩn tung những hạt thóc ra sân. Mấy con gà lục tục chạy lại, xấn xổ, mổ cả vào chân, vào tay bà. Từ ngày tôi về làm dâu chưa lần nào bà bán gà. Đàn gà cứ vơi dần mỗi lần Sinh có dịp về nhà.
Chính cái mong mỏi có cháu nối dõi của bà đã khiến Sinh phản bội tôi. Nhìn gương mặt đau khổ của bà tôi càng thấy ấm ức. Tôi không nói với bà câu nào từ cái ngày hôm ấy.
Mùi thuốc Bắc vẫn lan từ năm gian nhà ra ngoài sân. Từ ngoài sân ra ngõ. Những người hàng xóm qua lại vẫn ngó vào nhà, nhìn chằm chằm vào bụng tôi.
- Tôi không đi tìm Sinh cũng không uống thuốc Bắc. Mặc cho bà sắc rồi chắt ra bát để thiu. Bà để dành đàn gà chờ ngày Sinh về. Nhưng Sinh không về. Một năm. Hai năm. Bà cũng đã già đi nhiều. Bà ốm. Nằm trong căn buồng âm ẩm mùi đất. Sinh dắt người đàn bà cùng thằng con giống anh như hai giọt nước bước qua cửa nhà. Gương mặt anh hốc hác, râu ria lởm chởm. Sinh quỳ bên giường mẹ. Bà mở mắt. Nhìn thằng cháu cầu tự. Rồi bà lận đận đi đến bên bàn thờ, tay bà run run mở chiếc hòm lấy ra chiếc tráp đồng phủ vải đỏ. Trong chiếc tráp có tấm vải đã ố màu và số vàng bà cất giữ bấy lâu. Gương mặt bà sầu khổ như thể bà sắp mất đi đứa con bao lâu mình thương quý.
- Đây là những gì của con. Tất cả của con.
Bà khóc. Sinh lặng lẽ cúi đầu. Gương mặt chạm vào tấm vải ố màu trong chiếc tráp đồng. Đó là một bộ quần áo trẻ con màu hoa vàng bà đã cất giữ từ khi Sinh được bố mang về trao vào tay bà.
Thì ra bí mật mà bao nhiêu năm nay trong căn nhà này tôi không hề hay biết. Sinh không phải là con đẻ của bà.
Bà về làm dâu cũng không sinh được con nên nuôi đứa bé do bố Sinh đem về từ khi mới lọt lòng. Vậy mà tôi không phút nào nghĩ Sinh không phải là con do chính bà dứt ruột đẻ ra. Tôi nhìn Sinh rồi nhìn những tấm vải đủ màu bà mới mua trên bàn thờ. Khói hương đã lạnh từ khi bà ốm.
Sinh nói không muốn bỏ tôi. Tôi cười bâng khuâng. Ánh mắt anh nhìn tôi đầy xót thương lẫn đau khổ. Tôi ngồi im như tượng. Hình ảnh Sinh bên chậu áo quần và dáng vẻ người đàn bà ưỡn bụng mỉm cười ẩn hiện trong trí nhớ tôi. Tôi biết giữa chúng tôi đã chẳng còn gì.
Sức khỏe mẹ chồng tôi đỡ dần. Bà lại chăm đi lễ chùa nhưng không còn mang về những gói thuốc bọc vuông vắn trong tờ giấy đỏ nữa. Bà cũng quên thói quen sắc thuốc Bắc mang vào trong buồng cho tôi.
Tôi dọn dẹp bàn thờ, sắp những tấm vải áo trẻ sơ sinh gọn gàng. Mỗi năm cứ đến rằm tháng bảy là tôi mời bà thầy bói đến cúng. Bà thầy bói khăn áo chỉnh tề, múa một vòng rồi phun rưụ khắp nhà. "Ta gieo quẻ này để gọi cậu lên nói chuyện với mẹ nhé! " - Bà cầm đồng xu gieo quẻ vào chiếc đĩa sành màu xanh. "Cậu cười. Cậu cười khi gặp được mẹ đấy". Rồi bà trùm khăn đỏ lên đầu tôi. Đặt vào tay tôi hình hài một đứa trẻ con bọc bằng sấp vải hoa vàng. Khói hương nghi ngút. Tôi nhắm mắt nghe tiếng đứa bé khóc gọi mẹ. Đôi mắt nó tròn đen nhánh như hạt nhãn. Đôi môi đỏ tươi nhìn tôi mỉm cười. Tôi ôm con vào lòng, ấp lên ngực, khe khẽ: "À... ơi...".
Mẹ chồng bảo tôi gắng nuôi con cho chóng lớn. Ngày nào đi chợ bà cũng mua thêm sấp vải hoa vàng, tỉ mẩn ngồi khâu áo. Bà còn bảo tôi phải năng đến đền, đến điện để hát cho con nghe.
Căn nhà năm gian trở nên nhộn nhịp vì tiếng bước chân vào, ra xen lẫn tiếng nói cười của bà. Tôi cũng đã không còn giật mình với những bước chân trần đi như chạy của bà trên nền đất trong căn nhà ngập nắng.
Những người hàng xóm đi ngang qua ngõ ngó vào sân nhà. Họ hỏi bà: "Thằng cháu bà lớn bằng từng nào rồi?". Bà chỉ cười. Khuôn mặt hằn những nét khắc khổ giãn ra, hiển hiện một nụ cười.
Truyện ngắn của Dương Giao Linh
Theo vnca.cand.com.vn
Bố chồng khó tính khiến nàng dâu khó ở Một lần, Thủy Nguyên ốm nặng, chồng lại công tác xa, mẹ chồng ở nhà đau yếu, cô không quên cảnh đêm hôm bố chồng đưa cô vào viện rồi ngược xuôi chăm sóc cô. Sau 3 năm tìm hiểu, Thủy Nguyên và Bách Hợp đến với nhau trong sự chúc phúc của gia đình hai bên và bạn bè. Là một cô...