Thâu đêm tìm xác nạn nhân bị bác sĩ ném xuống sông
Suốt đêm qua 23.10, các lực lượng công an cùng người thân trong gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, trú phố Hàng Thiếc, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) thức trắng đêm quần thảo dọc tuyến sông Hồng với hi vọng sớm tìm thấy thi thể chị Huyền.
Chiếc thuyền đang tìm kiếm thi thể chị Huyền tại xã Hồng Vân – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Lúc 11 giờ 30 phút hôm nay 24.10, trao đổi với Thanh Niên Online, thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó phòng CSGT đường thủy (Công an TP.Hà Nội), cho biết từ đêm qua đến sáng nay, 15 cán bộ trong tổ công tác tìm kiếm thi thể nạn nhân Huyền đã trắng đêm rà soát nhiều luồng tuyến dọc sông Hồng.
Vị trí tìm kiếm được tổ công tác khoanh vùng xác định từ hạ lưu sông Hồng, đoạn từ cầu Thanh Trì đến hết địa phận tỉnh Hà Nam, đặc biệt chú trọng đến các dòng xoáy nước, các vùng ven tuyến sông nhiều khả năng thi thể bị dạt vào.
Theo thượng tá Cương, tính đến hôm nay, đã 4 ngày kể từ khi nạn nhân bị ném xuống sông, nên nhiều khả năng thi thể đã bị cuốn trôi khá xa. Vì vậy, phạm vi tìm kiếm đang được mở rộng qua địa phận H.Thường Tín, Hà Nam.
“Thông thường trong mùa hè, thi thể trôi sông sau 3 – 4 ngày sẽ nổi trên mặt nước. Nhưng hiện tại, thời tiết lạnh, nên có thể thời gian để thi thể nổi lên sẽ kéo dài hơn. Hơn nữa, dòng nước chảy xiết nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn”, thượng tá Cương nói.
Video đang HOT
Tính đến 12 giờ trưa nay, lực lượng chức năng vẫn chưa có manh mối gì về thi thể nạn nhân.
Lực lượng cảnh sát đường thủy liên tục cùng công an các tỉnh, thông báo cho các ngư dân vùng ven sông để phối hợp tìm kiếm.
Theo TNO
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lên tiếng vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân xuống sông
Trao đổi với báo giới bên lề phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng nay (24.10) xoay quanh vụ việc một bác sĩ vứt xác bệnh nhân xuống sông để phi tang, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định: Việc này xảy ra ngoài tưởng tượng, ngoài suy nghĩ bình thường của mọi người.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trả lời phỏng vấn - Ảnh: Trung Nguyễn
* Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về hành vi ông Nguyễn Mạnh Tường (bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai) phi tang xác nạn nhân sau khi nạn nhân tử vong trong quá trình phẫu thuật tại cơ sở riêng, gây phẫn nộ dư luận vừa qua?
- Việc này xảy ra ngoài tưởng tượng, ngoài suy nghĩ bình thường của mọi người. Một mức vi phạm không chỉ về phẩm chất đạo đức rất nghiêm trọng đối với một người thầy thuốc mà ngay cả mặt lý trí để xử lý hậu quả sau này do mình gây ra, nó cũng có gì đó vượt quá ngưỡng mà mọi người có thể suy nghĩ được. Nên mức độ gây chấn động trong xã hội rất là lớn. Qua vụ việc này, tất cả các cơ quan nào thấy mình có trách nhiệm đều phải vào cuộc, từ cấp phép, quản lý cán bộ cho tới những lĩnh vực có liên quan đến sức khỏe con người.
Việc xử lý phải rất đồng bộ, cương quyết để không những mình xử lý được việc này mà còn có giá trị giáo dục, cảnh báo, răn đe những việc khác trong tương lai không xảy ra theo hướng đó. Nên tôi nghĩ, báo chí ngoài việc thông tin, miêu tả, phân tích nguyên nhân thì làm sao cũng phải có định hướng cho dư luận xã hội nhìn nhận vấn đề này trở lại những phạm trù đạo đức để ngăn chặn tái diễn những vụ việc tương tự. Ví dụ cũng một người thầy thuốc, có thể là không cố ý gây ra hậu quả ấy, nhưng khi sự cố xảy ra thì phải ứng xử như thế nào chứ không thể xử sự như vừa rồi.
* Thưa ông, hiện các cơ quan liên quan cũng đã vào cuộc xử lý vụ việc, nhưng điều dư luận cần làm rõ là trách nhiệm chính trong quản lý khi để xảy ra vụ việc này thuộc về ai?
- Sáng nay tôi đi trên đường, đọc báo thì thấy nói đại thể trách nhiệm này thuộc về tất cả, thứ nhất là hệ thống cơ chế chính sách quản lý của mình hiện nay về các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cấp phép như thế nào, rồi kiểm tra sau khi được cấp phép ra sao. Bởi vì có khi cấp phép một đằng, nhưng những người thực hiện dịch vụ y tế lại chuyển sang làm một việc khác. Cơ sở này chưa được cấp phép để làm kỹ thuật thẩm mỹ, nhưng lại tự ý làm. Bác sĩ dù có tay nghề chuyên môn "cứng" nhưng để làm được một việc như vậy cũng cần phải có một hệ thống trang thiết bị, rồi những người giúp việc phải am hiểu lĩnh vực chuyên môn thì mới có thể làm được.
Nếu việc ấy xảy ra ở một bệnh viện hiện đại thì chưa chắc đã chết người, người ta có những phương tiện cấp cứu kịp thời.
Vấn đề khác tôi thấy báo chí hay dư luận ít đề cập là sự thiếu cẩn trọng trong việc lựa chọn các dịch vụ có liên quan đến sức khỏe rất lớn của con người. Một việc như vậy tôi cho là rất quan trọng đến sức khỏe, nhưng việc lựa chọn dịch vụ này xem ra vẫn bất cẩn.
Bây giờ việc xảy ra rồi, TP.Hà Nội là địa bàn xảy ra, nhưng nhiều cơ quan ban ngành cũng phải có trách nhiệm cùng xử lý, thậm chí cả những cơ chế chính sách mà lâu nay chúng ta cũng muốn tạo ra sự thông thoáng để cho người dân lựa chọn các dịch vụ y tế thì bây giờ cũng phải tính lại xem "thoáng đến mức nào là vừa", giới hạn được làm đến đâu và việc gì không được phép.
Vừa rồi cũng muốn để cho bác sĩ ngoài giờ làm việc có thể làm ngoài, quy định về luật cho phép như vậy. Nhưng làm ngoài đến mức độ thế nào thôi, loại dịch vụ y tế nào thôi. Những cái rất hệ trọng đến sức khỏe con người thì phải được thực hiện ở những bệnh viện hiện đại, chứ không phải một con dao, một dụng cụ, một người thầy thuốc là có thể làm được mọi thứ.
* Ở góc độ địa phương nơi xảy ra vụ việc, ông đã yêu cầu xử lý vụ việc này như thế nào?
- Bây giờ tất cả các khâu phải rà soát lại hết, ngay như quảng cáo thôi, những người đăng đấy có chịu trách nhiệm không, có đến thẩm tra xem người ta quảng cáo như vậy nhưng chất lượng, chuyên môn, thiết bị có đúng như thế không, hay là người ta cứ gửi quảng cáo tới, đưa tiền là mình đăng thôi? Nên có thể nói có rất nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm. Ví dụ quảng cáo về chuyên môn y tế phải được sự đồng ý của cơ quan y tế đánh giá xem nội dung quảng cáo có đúng không; hay thực phẩm phải là cơ quan quản lý thực phẩm. Nhưng lâu nay mình cứ thấy họ đưa quảng cáo tới, trả tiền dịch vụ thế là đăng.
* Cơ sở thẩm mỹ này đã hoạt động được 6 tháng nhưng không có giấy phép thì cũng phải xem xét trách nhiệm về công tác quản lý của ngành và địa phương?
- Thì đã nói chính quyền địa phương gồm có ủy ban (UBND - PV), nhưng ủy ban lại không cấp phép mà do Sở Y tế, nên nói trách nhiệm của một người là rất khó. Ông bác sĩ này bệnh viện quản lý, nhưng người ta lại làm ngoài giờ hành chính, mà luật lại cho phép làm ngoài. Cho nên tôi mới nói tất cả mọi thứ đều phải kiểm soát lại.
Theo TNO
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường sẽ phải nhận khung hình phạt nào? Liên quan đến vụ bác sĩ vứt bệnh nhân xuống sông Hồng, các chuyên gia pháp lý đều chung một nhận định việc tìm được thi thể của nạn nhân, để xác định chị Huyền chết trước hay sau khi bị vứt xuống sông, sẽ là căn cứ để biết bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phải nhận khung hình phạt nào. Ông Tường...