Thất nghiệp do Covid-19: Người lao động Hà Nội được hỗ trợ thế nào?
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, do tình hình dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất ngay trong tháng 4, kéo theo đó lao động có thể sẽ mất việc… nên cần thống kê các trường hợp thất nghiệp để có chính sách hỗ trợ.
Mới đây, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội cho biết, ngành đã phối hợp với 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn, khảo sát tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
“Từ kết quả khảo sát đó, Sở sẽ đánh giá phân tích và tổng hợp, tham mưu đề xuất TP phê duyệt phương án hỗ trợ về nguồn nhân lực, đào tạo nghề, tư vấn giải quyết việc làm cho lao động mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng và dừng hoạt động” – ông Dân cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, trước mắt, Sở LĐTBXH Hà Nội phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội, với các doanh nghiệp có từ 200 lao động mất việc làm trở lên, sẽ tiến hành tổ chức tư vấn, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngay lập tức.
Lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội cũng thông tin, trong bảo hiểm xã hội người lao động đóng có phần bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, khi người lao động bị thất nghiệp, bảo hiểm xã hội sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho người lao động. “Toàn bộ những người lao động bị thất nghiệp sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội thanh toán” – vị này nói.
Một người dân đang được cách ly Covid-19 tại nhà trên địa bàn Hà Nội. (ảnh: T.An)
Về việc này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung lưu ý, hiện nay châu Âu và Mỹ đã “đóng cửa”, nên các chuỗi cung ứng đã đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất ngay trong tháng 4, kéo theo đó, nhiều lao động có thể sẽ mất việc. Vì thế, các đơn vị phải phối hợp với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thống kê các trường hợp thất nghiệp để có chính sách hỗ trợ.
Theo ông Chung, UBND TP.Hà Nội giao cho các Công ty quản lý nhà, quản lý các khu nhà ở sinh viên, nhà ở cho công nhân để có chính sách hỗ trợ giảm giá thuê nhà.
Đồng thời, UBND TP.Hà Nội cũng sẽ xin ý kiến Thành ủy và HĐND TP, tiếp tục hỗ trợ thêm 650 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các hộ nghèo, hộ kinh doanh cá thể, kinh doanh nhỏ vay với lãi suất bằng 0%.
Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cũng cho biết, hiện đang có các chuyên gia đánh giá toàn diện tác động của Covid-19 lên nền kinh tế. Với lợi thế về sản xuất nông nghiệp, các quận, huyện cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất của vụ xuân trong thời gian tới để cung ứng lương thực, thực phẩm trong dài hạn.
“Cần suy nghĩ việc tái cơ cấu toàn bộ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP, làm sao nâng cao hiệu quả, chất lượng và năng suất trong thời gian tới. Đặc biệt cần chú ý đến toàn bộ hệ thống cung ứng, chuỗi sản xuất liên quan đến các mặt hàng nông nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc” – lãnh đạo UBND Hà Nội đề xuất.
Trước đó, cũng tại một cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đánh giá, khủng hoảng do Covid-19 gây ra chưa thể tổng kết được mức độ thiệt hại, nhưng qua đánh giá đầu tiên là gây một chuỗi khủng hoảng về lĩnh vực y tế, con người và về kinh tế.
“Về kinh tế có thể kéo dài hết năm 2021 đến 2022. Điều này rất dễ hiểu khi đơn cử như những ngành, các chuỗi cung ứng sản phẩm, công ăn việc làm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều bị ảnh hưởng” – ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội lấy ví dụ, các doanh nghiệp may, chuối cung ứng sản phẩm cho thể thao như giày thể thao, dù đã có nguyên liệu đảm bảo cho 70% đơn hàng nhưng không có người nhận vì các nước hiện đang đóng cửa. Các sự kiện văn hóa thể thao trên toàn thế giới cơ bản đều đã dừng, trừ trường hợp Olympic tháng 7 ở Nhật Bản còn đang bấp bênh. Vì thế, toàn bộ chuỗi cung ứng cho thể thao đã cơ bản chấm dứt, thiệt hại đi theo là rất lớn.
Video đang HOT
Nguồn cung từ Trung Quốc bắt đầu phục hồi, nhưng nguồn tiếp nhận ở Châu Âu, Mỹ lại không có trong 1 – 2 tháng tới. “Cho nên nó là khủng hoảng kép của kép và có thể trở thành đại khủng hoảng”. Vì thế, Hà Nội sẽ bổ sung, đánh giá thêm tình hình, báo cáo Thường trực Thành ủy, thống nhất về phương án phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo chính xác, kịp thời.
37 ca mắc Covid-19 mới và 8 ngày ứng phó, chặn đà tăng
Chỉ trong 8 ngày, số ca nhiễm virus corona của Việt Nam tăng từ 16 lên 53. Chính phủ, các địa phương đã thực thi hàng loạt biện pháp mạnh nhằm chặn dịch lan rộng.
Gần 30 ngày trước, số người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam dừng ở 16, không phát sinh thêm bệnh nhân nào mới. Bất ngờ, tối 6/3, Hà Nội triệu tập cuộc họp khẩn, xác nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên của thủ đô, cũng là ca thứ 17 của cả nước.
CHUYẾN BAY VN54
N.H.N. (27 tuổi, ngụ phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) đi trên chuyến bay mang số hiệu VN54 từ London (Anh) đáp về sân bay Nội Bài sáng 2/3.
Cô gái sau đó được xác định là bệnh nhân số 17, lây nhiễm cho 3 bệnh nhân số 19, 20 và 47. Họ là bác ruột, lái xe riêng của N. và giúp việc trong tòa nhà của chị này.
Người thứ 2 trên chuyến bay VN54, ca nhiễm Covid-19 thứ 21, là người đàn ông ngồi tại ghế 5A, cùng khoang thương gia với N. Người này trước khi đến Anh đã có chuyến công tác tại Ấn Độ.
Tối 9/3, 10 bệnh nhân người nước ngoài cùng trên chuyến bay này được phát hiện nhiễm virus corona, nâng tổng số người mắc dịch Covid-19 tại Việt Nam lên 31. Trong số này có 9 bệnh nhân cùng ngồi hạng thương gia và 1 người ngồi khoang phổ thông.
Trong 10 hành khách này có 2 người được điều trị ở Đà Nẵng (đã có kết quả âm tính lần 2 vào ngày 13/3); 2 người điều trị ở Lào Cai; 4 người ở Hà Nội; 1 ca ở Huế; và 1 trường hợp ở Quảng Nam.
Ngày 11/3, người đàn ông mang quốc tịch Anh cùng đi trên chuyến bay VN54 được xác định nhiễm Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh lên 33.
Đáng chú ý, 2 trong 11 du khách Anh trên chuyến bay nói trên đã lây virus corona cho bệnh nhân số 35 ở Đà Nẵng. Chị này là nhân viên bán hàng tại Siêu thị Điện máy Xanh ở quận Hải Châu, có tiếp xúc trực tiếp với hai bệnh nhân số 22 và 23. Và ca nhiễm thứ 39 ở Hà Nội là hướng dẫn viên du lịch cho nhóm du khách Anh từ chuyến bay.
Hôm 14/3, người đàn ông ở Anh (chồng của bệnh nhân số 30) đi cùng chuyến bay VN54 được xác định dương tính tại Thừa Thiên - Huế. Bên cạnh đó, một nữ du khách nước ngoài cùng trên chuyến bay này được xác định nhiễm virus corona đã bay sang Campuchia.
Chuyến bay VN54 về Việt Nam ngày 2/3 có tổng cộng 217 người gồm tổ bay 16 người, 21 khách thương gia, 180 khách phổ thông. Tính đến 14/3 đã có 16 người đi chuyến bay này nhiễm Covid-19.
Người không đi trên chuyến bay VN54 nhưng nhiễm virus là một phụ nữ 24, quốc tịch Việt Nam, sống tại London và đang điều trị cách ly tại TP.HCM. Bệnh nhân số 32 này từng tiếp xúc với bệnh nhân số 17 tại Anh.
LÂY LAN Ở BÌNH THUẬN
Ngoài nguồn khởi phát virus corona là chuyến bay VN54, bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận đang được xem là nhân tố lây lan dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Người này là nữ doanh nhân Đ.T.L.T. (51 tuổi, ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận), ngày 22/2 đã từ sân bay Tân Sơn Nhất bay sang New York (Mỹ), có quá cảnh ở sân bay Incheon (Hàn Quốc) trong 3 giờ. Sau đó, bà T. bay qua Washington DC tham quan. Từ Mỹ, bà quá cảnh Qatar rồi đáp về Tân Sơn Nhất trên chuyến bay Qatar Aiways QR974 sáng 2/3 - cùng ngày với chuyến bay VN54.
Bệnh nhân này khai sau đó đã đi xe riêng về quê. Sáng 9/3, người này nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận và đã được xác nhận dương tính với virus ngày hôm sau. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định bệnh nhân số 34 không khai báo đầy đủ khiến cho việc khoanh vùng những người tiếp xúc và kiểm soát dịch trở nên khó khăn.
Chiều 11/3, Viện Pasteur Nha Trang xác định 3 trường hợp tiếp theo dương tính Covid-19 gồm người giúp việc, nhân viên và con dâu của bệnh nhân số 34.
24 giờ sau, 5 ca nhiễm mới được công bố đều liên quan đến bà T. Những người này gồm chồng, cháu, con, thông gia và người làm việc cùng với bệnh nhân 34.
Trong ngày 13 và 14/3, TP.HCM xuất hiện 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 lên 48. Hai người này là nhân viên một công ty, có ăn tối và làm việc cùng với vợ chồng bệnh nhân 34 ở Bình Thuận và cùng đi chung xe trở về TP.HCM.
Chỉ trong vòng 4 ngày, 10 người bị lây virus corona từ bệnh nhân số 34. Có những người là F1 (tiếp xúc gần) rồi trở thành F0 (người mắc bệnh) và có cả F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần) thành F0. Việc khoanh vùng những người tiếp xúc để cách ly vẫn đang là nỗ lực của các ngành chức năng.
37 ca nhiễm Covid -19 được phát hiện trong vòng 8 ngày. Ngoài bệnh nhân số 17, hiện cơ quan chức năng chưa công bố còn có nguồn lây nào khác cùng trên chuyến bay VN54 khởi hành từ London (Anh) về Việt Nam ngày 2/3.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân số 36, 37, 38, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 48 thì đều bị lây virus từ chính bệnh nhân số 34. Bà này từ Mỹ trở về, quá trình di chuyển đã quá cảnh ở Hàn Quốc và Qatar.
Ngoài ra, ca nhiễm Covid-19 thứ 18 được phát hiện vào ngày 7/3 là thanh niên ở Ninh Bình đến Daegu (Hàn Quốc) vào ngày 1/2. Người này trở về Việt Nam bằng máy bay từ Busan đến Vân Đồn ngày 4/3 và được cách ly theo quy định. Đến nay, chưa có ca nhiễm nào lây từ bệnh nhân này.
Cũng trên chuyến bay mang số hiệu VN54 từ London về Nội Bài sáng 9/3, một nữ tiếp viên hàng không ở quận Thanh Xuân, Hà Nội và một nữ du khách vừa được phát hiện dương tính Covid-19 (bệnh nhân số 46, 52).
Và chiều qua, Việt Nam ghi nhận tiếp bệnh nhân 50, 51, 53. Trong số này có một người về từ Paris (Pháp), một người là du học sinh từ châu Âu về và người còn lại quốc tịch Czech có quá cảnh ở Qatar trước khi về TP.HCM.
Trước đó, cả nước có 16 ca nhiễm Covid-19. Đến ngày 25/2, một tháng sau khi có ca bệnh đầu tiên, bệnh nhân thứ 16 cũng đã bình phục và xuất viện.
HÀNG LOẠT BIỆN PHÁP MẠNH ĐỂ CHẶN DỊCH
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành và địa phương đã có những chỉ đạo mạnh mẽ, khẩn trương.
Chính phủ quyết định tạm thời chưa cho nhập cảnh đối với khách du lịch đến từ hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Schengen, Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam; tạm dừng việc cấp thị thực tại cửa khẩu. Các quyết định nêu trên có hiệu lực 30 ngày, kể từ 12h ngày 15/3 và không áp dụng với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao và công vụ.
UBND TP.HCM chỉ đạo 24 quận, huyện tạm ngừng hoạt động rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu từ 18h ngày 15/3 đến hết ngày 31/3, nhằm hạn chế tụ tập đông người.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quán bar, karaoke, các chương trình ca nhạc, các di tích trên địa bàn Hà Nội (kể cả ngoại thành) phải phun khử khuẩn và tạm thời đóng cửa đến hết tháng 3. Ông Chung kêu gọi thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa dịch trên diện rộng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng đã ký văn bản gửi các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu tạm dừng các dịch vụ karaoke, quán bar, game online, phòng gym, yoga, cho đến khi không còn người nhiễm virus corona...
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Năm học này sẽ kết thúc trước ngày 15/7. Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11/8. Hầu hết tỉnh, thành phố đã thông báo lịch nghỉ học mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh. Trước Thường trực Chính phủ, Thủ tướng lưu ý chuẩn bị khẩn trương các điều kiện chống dịch, phản ứng nhanh và có hiệu quả, hành động kịp thời, bình tĩnh và đúng đắn. Đặc biệt, các cấp, các ngành và toàn dân không được chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc đưa ra mục tiêu, cam kết đẩy lùi dịch bệnh và làm mọi việc để người dân yên tâm, an toàn. Chúng ta đã có kịch bản cụ thể và nâng tầm kịch bản lên, sát với thực tế, kể cả việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống.
"Nếu chúng ta chậm trễ sẽ bị dịch bệnh sẽ hạ knock-out", Thủ tướng nói và yêu cầu mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch. Phải tuyên truyền đến từng người dân hiểu được phương pháp phòng chống cho cá nhân, cho gia đình và cộng đồng một cách tốt nhất.
Theo news.zing.vn
Hà Nội cách ly toàn bộ hộ dân từ số nhà 125 đến 139 phố Trúc Bạch Sau ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở thủ đô, Hà Nội quyết định cách ly toàn bộ hộ dân từ số nhà 125 đến 139 phố Trúc Bạch nhằm kiểm soát dịch. Tại cuộc họp khẩn của Hà Nội khuya 6/3, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chính thức thông tin về trường hợp bệnh nhân có kết quả...