Thất nghiệp, bực mình về núi nuôi con xương đen lại thành triệu phú
Ở xã vùng cao Pú Luông, huyện Mù Cang Chải xa xôi của tỉnh Yên Bái có những nông dân người Mông như anh Vàng A Công, Thào A Khày đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn nuôi những con đặc sản như gà đen, ong rừng, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.
Tại bản Mí Háng Tâu, xã Pú Luông có một mô hình nuôi gà đen (gà ác) có quy mô khá lớn. Hỏi ra được biết đó là mô hình của anh Vàng A Công. Sinh ra lớn lên tại Mí Háng Tâu, anh Công luôn chịu khó học hành để mong sau này sẽ có kiến thức phục vụ quê hương. Năm 2013, Công thi đỗ và theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên…
Vợ chồng anh Vàng A Công chăm sóc đàn gà xương đen (gà ác). Anh Công cho biết, sau mỗi lứa gà xuất bán, trừ chi phí, vợ chồng anh còn lãi 50 triệu đồng.
Thất nghiệp về núi nuôi gà đen
Ra trường, không xin làm việc tại cơ quan nhà nước mà Công quyết định ở nhà cùng vợ phát triển kinh tế. Sau nhiều đêm trăn trở, vợ chồng Công quyết định đầu tư nuôi gà đen. Đất đai rộng, sẵn nguồn nước, vợ chồng Công trồng cỏ, quây khu để nuôi gà. Áp dụng những kiến thức đã học, tìm hiểu thêm sách báo và sự giúp đỡ của cán bộ thú y, Công xây dựng chuồng, làm hệ thống máng ăn, uống cho gà và cất công xuống Viện Chăn nuôi gia cầm Thuỵ Phương (Hà Nội) để mua con giống.
“Ban đầu, vợ chồng mình cũng rất lo việc vay mượn hơn 100 triệu đồng đầu tư làm chuồng trại và mua con giống mà lỡ chăn nuôi không được thì biết trả nợ bằng cách nào. Nhưng nhờ áp dụng đúng kỹ thuật như: tiêm phòng dịch đầy đủ, thả gà khi trời đã tan sương, những ngày mưa hoặc thời tiết lạnh thì nuôi nhốt. Thức ăn gồm cám ngô và lúa, máng ăn uống luôn sạch sẽ nên đàn gà nhanh lớn” – Vàng A Công chia sẻ.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, ngay lứa gà đen đầu tiên, Công đã thu được trên 1 tấn gà. Với giá bán dao động từ 130 – 150 nghìn đồng/kg, đã mang về thu nhập gần 150 triệu đồng. Nhẩm tính trừ chi phí ban đầu, gia đình Công thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Thành công bước đầu đã giúp vợ chồng Công có thêm động lực tiếp tục mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống về nuôi.
Công cho biết thêm: “Chăn nuôi gà không mất nhiều sức lực như đi làm nương, nhưng phải chăm chỉ và tích lũy kinh nghiệm cộng với việc tìm hiểu thông tin trên đài, báo là rất cần thiết, vì hiện nay có rất nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, nên nguy cơ gia cầm mắc bệnh là rất lớn. Nhà mình hai vợ chồng phải làm lán và chuồng trại nuôi gà ở xa khu dân cư; quần áo, giày dép khi vào khu vực nuôi gà phải sạch sẽ để hạn chế việc mang mầm bệnh cho gà.
Video đang HOT
Thành công từ lứa gà đầu tiên, đến lứa sau mình sẽ tăng đàn. Nhưng một điều mà hai vợ chồng mình luôn băn khoăn là hiện nay số lượng gà ít thì còn bán được cho các nhà hàng và người dân có nhu cầu. Thời gian tới, nếu mình nuôi với số lượng nhiều hơn thì đầu ra không biết sẽ ra sao? Mình mong muốn được các cấp chính quyền giúp đỡ, giới thiệu những nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định để mình yên tâm phát triển kinh tế”.
Lập tổ nuôi ong rừng
Cũng như anh Công, tại bản Nả Háng Tâu, phong trào phát triển kinh tế của các bạn đoàn viên cũng được thể hiện rõ qua việc thành lập tổ nuôi ong mật với 6 thành viên và kết nối với các tư thương để có điểm tiêu thụ mật ong ổn định. Trong đó, Thào A Khày là một thành viên nuôi ong mật sớm nhất. Năm 2010, Khày tự bắt ong rừng về và đóng đõ nuôi ong, nhân đàn. Đến nay, Khày đã có trên 100 đõ và mỗi năm từ việc bán mật đã thu được 250 – 300 triệu đồng.
Nuôi ong là nghề được nhiều nông dân Mù Cang Chải, trong đó có các thành viên tổ nuôi ong bản Nả Háng Tâu, xã Pú Luông lựa chọn.
Khày chia sẻ “Tham gia nhóm nuôi ong mật, nhóm mình giúp đỡ lẫn nhau về kỹ thuật, con giống và tiêu thụ mật. Hiện tại, thành viên ít nhất cũng có trên 50 đõ và có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên mỗi năm. Nhóm mình cũng luôn sẵn sàng hướng dẫn nếu các bạn đoàn viên trong xã muốn nuôi ong phát triển kinh tế”. Được biết, hiện nay xã Púng Luông có trên chục mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên có thu nhập trên 100 triệu đồng. Đây là bước khởi đầu khả quan cho những người dám nghĩ, dám làm.
Từ thành công của Vàng A Công và nhóm nuôi ong mật, một lần nữa khẳng định ý chí vượt khó để khởi nghiệp của những “ông chủ” trẻ ở xã Púng Luông là bước khởi đầu quan trọng cho việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Theo Minh Huyền (Báo Yên Bái)
Thu nhập cao từ nuôi trồng "hàng độc": Sống khỏe với con đặc sản
Chăn nuôi lợn, gà công nghiệp hay trồng lúa, rau màu... thường bấp bênh, rủi ro cao, lợi nhuận thấp. Do đó, thời gian gần đây, một bộ phận nông dân đã chuyển hướng sang đầu tư chăn nuôi các loại con đặc sản, nhờ đó luôn giữ được giá bán cao, thu nhập ổn định. Đáng chú ý, việc chăn nuôi con đặc sản đã thu hút một số doanh nghiệp tham gia, biến những vật nuôi đặc sản trở thành hàng hoá có giá trị cao.
Trong lúc ngành chăn nuôi lợn công nghiệp đang rơi vào "tâm bão" giảm giá, nhiều người bị thua lỗ nặng thì những người nuôi lợn Mông, lợn rừng, hay nuôi gà đặc sản như gà Hồ, gà Đông Tảo... vẫn sống khoẻ.
Nhu cầu cao, nguồn cung còn ít
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhờ phát triển những giống gà đặc sản mà nhiều vùng chăn nuôi đã khởi sắc nhanh chóng về kinh tế, điển hình như tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có phong trào nuôi gà Đông Tảo; thị trấn Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) với việc bảo tồn và phát triển giống gà Hồ; xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam) với con gà Móng; hay giống gà mía ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)... Những con gà đặc sản có giá trị lên tới vài triệu đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người chăn nuôi.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trong số những vật nuôi truyền thống, bản địa của Việt Nam thì thành công nhất chính là con gà lông màu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện tổng đàn gia cầm của cả nước khoảng 300 triệu con, trong đó chiếm 20 - 25% là gà công nghiệp lông trắng; 15 - 20% là gà đẻ trứng, còn lại chiếm khoảng 50 - 60% là gà lông màu mang gen bản địa.
Anh Nguyễn Văn Trường cho đàn gà Hồ ăn tại trang trại của gia đình ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). ảnh: Trần Quang
Các giống gà lông màu đang thống trị thị trường Việt Nam đều có nguồn gốc từ giống gà bản địa của nước ta như: Gà mía, gà ri, gà chọi, gà Đông Tảo, gà Hồ, gà tre... trên cơ sở kết hợp ưu thế lai với giống gà mái nền Lương Phượng nhập ngoại. Ông Nguyễn Quý Khiêm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) chia sẻ, đa phần các giống gà bản địa của Việt Nam đẻ kém, tốc độ sinh trưởng chậm, dài ngày nên giá thành cao, nhưng đổi lại khả năng chống chịu, thích nghi với thời tiết tốt, thịt thơm ngon hợp khẩu vị người Việt. Do đó, để phát huy tối đa lợi thế của các giống gà bản địa, chúng ta phải tận dụng thế mạnh của ưu thế lai.
TS Võ Văn Sự - Chi hội động vật quý hiếm (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cũng nhận định, do dễ nuôi và ít vốn hơn để nuôi so với các loài vật nuôi khác, nên việc chăn nuôi gà đặc sản trong giai đoạn vừa qua khá phát triển. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của gà đặc sản hiện nay vẫn khá hạn hẹp, phần lớn chỉ tiêu thụ trong các dịp lễ, tết hoặc chỉ bán được cho các nhà hàng, khách sạn; người tiêu dùng bình thường rất ít mua cho bữa ăn hàng ngày do giá bán còn tương đối cao. Đó là lý do khiến các mô hình nuôi gà Hồ, gà Đông Tảo... còn quá ít và nhỏ bé, không thấm thía so với nhu cầu ăn ngon của người tiêu dùng hiện nay.
Cần doanh nghiệp khai phá
Hiện bình quân mỗi năm Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cung cấp ra thị trường cho các doanh nghiệp, người dân khoảng 500.000 gà bố mẹ, đồng nghĩa với việc tạo ra khoảng 60 triệu gà thương phẩm, trong đó hầu hết gà giống có sử dụng mái nền là gà Lương Phượng. Gà mái Lương Phượng đẻ tốt, tốc độ sinh trưởng nhanh nên khi lai tạo với trống các giống gà bản địa như gà mía, gà Hồ, Đông Tảo, gà chọi sẽ cho ra con lai F1 có ưu điểm cả về hình thức, chất lượng thịt cũng như tốc độ sinh trưởng.
Để phát huy tốt tiềm năng vật nuôi đặc sản nói chung, cũng như những giống gà bản địa nói riêng, các chuyên gia ngành chăn nuôi đều cho rằng người nuôi cần chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách nuôi theo quy trình VietGAP; quay trở lại nuôi theo kiểu truyền thống (tức không kháng sinh, không cám tăng trọng, cho ăn nhiều rau xanh, lúa ngô...). Đặc biệt là cần phát triển với quy mô lớn hơn nhằm đảm bảo sự đồng đều, nhiều mẫu mã, nhất là giảm giá thành sản phẩm và tăng cường các mặt hàng chế biến.
Ông Nguyễn Đăng Chung - Giám đốc HTX Chăn nuôi gà Hồ, thị trấn Lạc Thổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết ông rất tin tưởng vào tương lai sáng của con gà Hồ. Sau thời gian vất vả giữ gìn giống gà Hồ quý khỏi nguy cơ tuyệt chủng, hiện trên địa bàn đã có khoảng 100 hộ nuôi gà Hồ, với tổng đàn gà gần 3.000 con.
Cũng gắn bó với vật nuôi đặc sản, từ nhiều năm nay chị Lê Thị Thuý Dung (Công ty Nông lâm ngư Quảng Ninh, đơn vị sở hữu trang trại lợn Móng Cái lớn nhất Quảng Ninh) đã nhận thấy tiềm năng kinh tế rất lớn từ giống lợn Móng Cái so với các giống lợn ngoại. Sau 5 năm gây dựng, hiện trang trại của chị Dung sở hữu trên 500 con lợn Móng Cái bố mẹ thuần chủng, mỗi năm cung cấp cho người dân khoảng 8.000 con lợn giống.
Chị Dung cho biết, ngoài những ưu điểm nổi trội, lợn Móng Cái có hai nhược điểm liên quan tới khả năng sinh sản và thịt hơi mỡ. Để khắc phục hạn chế này, chị Dung đã sàng lọc, tuyển chọn được những con nái Móng Cái có thể đẻ tới 15 - 18 con/lứa, còn lại đại đa số bình quân 12 - 14 con/lứa. Để giảm tỷ lệ mỡ, trang trại của chị sử dụng 100% thức ăn tự phối trộn từ ngô, sắn, cám gạo, rau xanh... và tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp, nhờ đó tỷ lệ nạc của con lợn tăng lên đáng kể, phù hợp với đa số đối tượng người tiêu dùng. Nhờ kết hợp với xây dựng thương hiệu, tích cực quảng bá nên sản phẩm tại trang trại của chị Dung hiện tiêu thụ rất thuận lợi, giá bán ổn định.
Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, hiện các công ty cung cấp giống gia cầm lớn cũng chủ yếu tập trung vào giống gà lông màu có sử dụng nguồn gen từ giống gà đặc sản bản địa trên cơ sở kết hợp ưu thế lai với giống gà mái nền Lương Phượng nhập ngoại.
Điển hình như Công ty Giống gia cầm Lượng Huệ mỗi năm sản xuất gần 20 triệu gà giống với tỷ lệ thuần chủng khoảng 70%. Còn Công ty Dabaco (Bắc Ninh) từ năm 2008 đến nay đã tập trung phát triển các giống gà lông màu, và gần đây còn nghiên cứu, phát triển giống gà 9 cựa đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế cao để tung ra thị trường. /.
Theo Danviet
"Thót tim" lần đầu đi săn đặc sản U Minh Hạ Nghe danh tiếng của tập đoàn lấy mật (tiếng địa phương là ăn ong) Phong Ngạn (nay là hợp tác xã 19.5) xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã lâu, nhưng trực tiếp gặp gỡ những người thợ ăn ong ở đây mới thấy hết tâm huyết với nghề của họ và những điều thú vị về nghề. "Thót tim"...