Thắt lưng buộc bụng, Toyota và Honda cắt bớt model xe
Hai hãng xe lớn của Nhật Bản tuyên bố sẽ áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong các năm tới nhằm giảm chi phí, đồng thời dồn tiền cho sản xuất xe điện.
Hãng tin Reuters dẫn lời đại diện của Toyota cho biết công nghệ mới tốn kém chi phí đang tạo áp lực lớn khiến hãng phải “thắt lưng buộc bụng”, trong khi Honda sẽ cắt bớt model xe để giảm chi phí sản xuất.
“Năm ngoái, mức giảm chi phí của chúng tôi vẫn chưa thực sự hiệu quả. Chúng tôi cần tìm ra cách mới để cắt giảm chi phí trong năm nay”, giám đốc tài chính Koji Kobayashi của Toyota nói với Reuters.
Ông Koji Kobayashi cho biết phát triển công nghệ mới đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, đồng thời chi phí cho R&D cũng khiến các biện pháp cắt giảm chi phí trở nên khó khăn hơn.
Video đang HOT
Koji Kobayashi khẳng định Toyota sẽ “tiết kiệm từng đồng xu”, và quan điểm này sẽ áp dụng vào tất cả hoạt động kinh doanh của hãng.
Trong khi đó, CEO Honda Takahiro Hachigo khẳng định hãng sẽ giảm số model xe xuống chỉ bằng 1/3 so với hiện nay, đồng thời giảm 10% chi phí sản xuất toàn cầu và dồn tiền cho khâu R&D trong 5 năm tới.
“Chúng tôi nhận ra rằng các model và biến thể xe đã tăng chóng mặt trong thời gian qua. Việc này ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của chúng tôi”, ông Takahiro Hachigo nói với báo giới.
Tại Bắc Mỹ, Toyota sẽ tiếp tục một năm ảm đạm khi doanh số bán hàng thấp hơn kỳ vọng. Lượng cầu dòng sedan Corolla và Camry tiếp tục giảm trước xu hướng người dùng chuyển sang SUV. Hãng này sẽ tập trung nguồn lực cho xe bán tải và SUV trong ngắn hạn.
Về phía Honda, hãng này cũng có bước đi tương tự nhưng chưa công bố sẽ cắt giảm model nào. Tuy nhiên, không khó có thể nhận ra các mẫu sedan và hatchback bán chậm sẽ trong danh sách cắt giảm đầu tiên.
Ảnh: CarBuzz
Theo Zing
Honda sẽ ra mắt nền tảng khung xe hoàn toàn mới vào năm 2020
Ra mắt nền tảng khung xe toàn cầu mới, cắt giảm chi phí sản xuất và thực hiện các biện pháp điện khí hóa sẽ là chiến lược kinh doanh trong ngắn hạn của hãng xe Honda.
Honda Fit - Mục tiêu đầy tham vọng
Trong bài phát biểu về định hướng kinh doanh của hãng, CEO Honda Takahiro Hachigo cho biết sẽ ra mắt kiến trúc toàn cầu mới mang tên Honda Architecture vào năm tới. Nền tảng khung xe này sẽ giúp nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Mặc dù ông Takahiro Hachigo tiết lộ chi tiết các mẫu xe sẽ được phát triển dựa trên nền tảng mới nhưng cho biết sẽ sử dụng chung tới 70% các bộ phận và thành phần của hệ truyền động cho nhiều mẫu xe khác nhau trong danh mục sản phẩm. Đương nhiên, phong cách thiết kế ngoại thất và nội thất sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng mẫu xe.
Nền tảng Honda Architecture được cho là sẽ giúp Honda cắt giảm 30% số giờ làm việc cho quá trình phát triển các phương tiện sản xuất hàng loạt vào năm 2025 và công ty muốn tái đầu tư thời gian đó vào quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.
Ngoài ra, CEO Honda Takahiro Hachigo cũng cho biết công ty sẽ đẩy mạnh quá trình điện khí hóa sản phẩm bằng việc áp dụng hệ thống hybrid hai motor điện i-MMD (Intelligent Multi-Mode Drive) trên toàn bộ các mẫu xe. Honda cũng đã phát triển một hệ thống i-MMD nhỏ gọn hơn để trang bị cho các mẫu xe cỡ nhỏ như Fit/Jazz thế hệ mới sẽ được ra mắt tại Tokyo Motor Show 2019. Honda đặt mục tiêu điện khí hóa 2/3 dòng sản phẩm toàn cầu của mình vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Honda cũng sẽ thực hiện kế hoạch giảm tổng số biến thể và cấp độ tùy chọn của các mẫu xe toàn cầu đến năm 2025 xuống còn 1/3 so với hiện tại. Ông Hachigo cho rằng công ty đang cung cấp quá nhiều sự kết hợp trang bị dẫn đến sự phức tạp quá mức và chi phí sản xuất cao hơn mức cần thiết. Vị CEO Honda hy vọng việc đơn giản hóa sản phẩm sẽ giúp cắt giảm 10% chi phí sản xuất toàn cầu vào năm 2025 so với năm 2018.
Đánh giá Honda Accord Hybrid 2018: Xuất sắc cùng công nghệ hybrid
Theo Trang Nguyễn (Forum.autodaily.vn)
10 ôtô đắt khách nhất tháng 3/2019 Tháng 3/2019, các mẫu xe trong top 10 đều có doanh số cao hơn 1.000 chiếc, đặc biệt sau 2 tháng liên tiếp thất thế, mẫu Toyota Vios bất ngờ dành lại ngôi vị quán quân với 3.161 chiếc... Theo VnE