Thất kinh chuyện qua đường
Chuyện tưởng như đơn giản, nhưng thực tế người đi bộ băng qua đường thật không dễ dàng với mật độ xe cộ dày đặc trên đường phố.
Người đi bộ phải đi thành nhóm để có thể qua đường – Ảnh: Bạch Dương
Sợ hơn… vác súng ra chiến trường
Não bộ phải xử lý như một cái máy, tự tránh anh nào đang vừa lái xe vừa nhắn tin điện thoại, chú ý anh nào vừa chạy vừa kiếm số nhà, đoán hướng bác nào bị che chắn tầm nhìn không thấy mình… để quyết định đứng im, chạy, nhảy, đi thụt lùi hay từ từ tiến tới. Những chỗ không có đèn tín hiệu thì còn dễ sợ còn hơn là vác súng ra chiến trường
Ông Duke Godwin
Vừa được chúng tôi dẫn qua giao lộ Thủ Khoa Huân – Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), ông Duke Godwin (đến từ Thụy Sĩ) thở phào: “Hình như vạch kẻ đường của bạn chỉ vẽ để trang trí. Dù có đèn tín hiệu hay không, xe cộ vẫn liên tục lưu thông nên chúng tôi không thể nào đi sang được đường bên kia”. Ông Duke Godwin cho hay trước khi sang VN du lịch, ông đã lên mạng tìm hiểu, học kinh nghiệm về chuyện… đi bộ ở VN.
Tuy nhiên, sau 2 tuần ở TP.HCM và Hà Nội, vị khách từng đi du lịch nhiều nước trên thế giới đúc kết: “Ở VN, chúng tôi không có nhiều chỗ trống trên vỉa hè để đi bộ. Thỉnh thoảng còn phải xuống lòng đường đi chung với xe cộ. Còn qua đường thì thật khủng khiếp! Có người bảo: cứ bình tĩnh, hiên ngang mà đi như người VN, mọi phương tiện sẽ tránh bạn. Nhưng đừng dại dột nghe theo. Dù đèn xanh cho người đi bộ đã sáng nhưng vẫn phải quan sát tứ phía, xe máy vẫn rẽ trái, rẽ phải ào ào… Vì vậy, não bộ phải xử lý như một cái máy, tự tránh anh nào đang vừa lái xe vừa nhắn tin điện thoại, chú ý anh nào vừa chạy vừa kiếm số nhà, đoán hướng bác nào bị che chắn tầm nhìn không thấy mình… để quyết định đứng im, chạy, nhảy, đi thụt lùi hay từ từ tiến tới. Những chỗ không có đèn tín hiệu thì còn dễ sợ hơn là vác súng ra chiến trường. Sơ sảy một chút là có thể chết trong vòng vây xe cộ đen kịt đến nghẹt thở”.
Ngày 23.9 vừa qua, ông Blankenstein (46 tuổi, quốc tịch Hà Lan) băng qua đường tại khu vực có vạch kẻ trắng dành cho người đi bộ trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1) thì bất ngờ bị một người điều khiển xe máy tông vào khiến ông té ngã ra đường. Ngay lúc đó, một xe máy khác chạy hướng ngược lại không tránh kịp tiếp tục đụng vào ông. Hai cú va chạm liên tiếp khiến ông Blankenstein bị thương khá nặng, cổ không thể cử động.
Đặc biệt, vụ tai nạn xảy ra với bà Miyamoto Michiko (50 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) vào chiều 30.9 quá thương tâm. Bà Michiko (bị khuyết tật) đi xe buýt đến khu vực trung tâm, rồi định đón thêm một tuyến xe buýt nữa về nhà ở Q.7. Khi đến Trạm điều hành xe buýt Bến Thành, bà Michiko xuống xe chống nạng đi bộ qua đường nhưng bất ngờ bị trượt té xuống đường. Đúng lúc này một chiếc xe buýt vừa trả khách xong chạy tới không thắng kịp đã cán qua người khiến bà Michiko tử vong tại chỗ.
Qua đường đúng vạch xe cộ vẫn không nhường đường – Ảnh: Bạch Dương
Những lo lắng, bất an của nhiều người nước ngoài khi đến VN về vấn đề giao thông ở những TP lớn với lượng phương tiện đông đúc là có cơ sở. Mỗi khi bước chân ra đường, nỗi ám ảnh rủi ro tai nạn luôn rình rập bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Vì vậy, mới có chuyện du khách kháo nhau rằng nếu du lịch mạo hiểm chưa đủ thì cứ đến VN mạo hiểm với giao thông
Cho trèo qua dải phân cách ?
Đèn ưu tiên: có cũng như không Tại nhiều nước, người đi bộ được ưu tiên tuyệt đối. Cụ thể, trong khu dân cư, đường nội bộ thấy người đi bộ băng ngang đường các phương tiện giao thông đều dừng lại, nhường đường ngay; khi nào người đi bộ an toàn, xe mới tiếp tục lăn bánh. Ngoài các giao lộ có tín hiệu đèn giao thông, ở một số con đường có mật độ giao thông cao, khi muốn băng qua đường, người đi bộ có thể sử dụng trụ đèn tín hiệu có nút vỗ ưu tiên. Ở TP.HCM cũng có khoảng gần 20 đèn vỗ ưu tiên cho người đi bộ sang đường nhưng cái thì hỏng, cái thì không ai biết mà dùng.
Không chỉ có du khách nước ngoài mà ngay cả người dân ở các thành phố lớn, mỗi khi cần băng ngang đường cũng phải nín thở. Ngoài việc đi thành nhóm, người đi bộ phải dùng mọi phương tiện có thể như giơ cao tay, vẫy nón, vẫy khăn, thậm chí có người phải thổi còi báo hiệu mới qua đường được.
Nghị định 71/2012 (sửa đổi một số điều của NĐ 34/2010/ của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) quy định phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi “Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Chuyển hướng không nhường đường cho: người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ”. Tuy nhiên, hành vi không nhường đường cho người đi bộ chưa thấy bị xử phạt.
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Quyền của người đi bộ được ưu tiên lưu thông khi đi trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, các phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường đã được pháp luật quy định tại khoản 4 điều 11 luật Giao thông đường bộ năm 2008. “Nhưng trên thực tế quyền này không được tôn trọng. Không ai nhường đường nên dù đi đúng vạch hay không đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ cũng không khác gì nhau. Người đi bộ vẫn phải căng thẳng đầu óc, len lỏi giữa dòng xe cộ vì không ai nhường đường”, luật sư Quý nói.
Người đi bộ hoảng hốt mỗi khi phải qua đường – Ảnh: Diệp Đức Minh
Hơn nữa, việc cơ quan chức năng bố trí phần đường dành cho người đi bộ không hợp lý, thiếu khoa học đã góp phần vào tình trạng người đi bộ vi phạm luật, qua việc vẽ vạch kẻ đường cho người đi bộ ở bất cứ đâu. Trên đường phố, đôi khi vẫn thấy những vạch kẻ đường dành cho người đi bộ cho trèo qua dải phân cách vi phạm luật như trên đường Phạm Hồng Thái (Q.1), Cộng Hòa (Q.Tân Bình)…
Theo thống kê sơ bộ của Phòng CSGT đường bộ và đường sắt (PC67) – Công an TP.HCM, năm 2013, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 64 vụ TNGT (giảm so với năm 2012) liên quan đến người đi bộ làm 64 người chết. Một lãnh đạo của Đội Tham mưu (PC64) cho biết: Trước tình hình này, PC67 khuyến cáo người dân mỗi khi băng qua đường nên đi đúng phần đường dành cho đường bộ (vạch kẻ dưới đường). Tuy nhiên, có một số trường hợp người đi bộ dưới lòng đường bị TNGT tử vong là rất đáng tiếc vì do lề đường bị lấn chiếm buộc nạn nhân phải xuống lòng đường nên mới gặp nạn. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông TP.HCM, năm 2012, trong số 873 vụ TNGT đường bộ, làm 742 người chết thì TNGT liên quan đến người đi bộ có 137 vụ (16%), làm chết 126 người (chiếm 17%). Theo thống kê của tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 491 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 237 người. Trong số này có 22 vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ với 15 người thiệt mạng; so với cùng kỳ năm 2012, số người đi bộ gây tai nạn và chết tăng 6 trường hợp. Còn ở Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ TNGT có liên quan giữa người đi bộ và các phương tiện cơ giới làm 14 người chết… Riêng va chạm giữa xe cơ giới và người đi bộ xảy ra hàng chục vụ làm nhiều người bị thương tật.
Theo TNO
Hàng ngàn ngôi nhà vẫn ngập sâu trong nước lũ
Nước lũ đã rút xuống khá chậm từ rạng sáng nay 16/11. Cho đến trưa nay hàng ngàn nhà dân ở sát các sông tại tỉnh TT-Huế vẫn còn ngập chìm trong nước lũ. Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Bình Định.. cũng không thoát cảnh ngập lụt.
Video đang HOT
Tại TP Huế, đến 8h sáng 16/11, mặc dù mưa đã giảm từ tối qua nhưng hầu hết các tuyến phố chính như Bà Triệu, Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Bến Nghé vẫn còn ngập sâu trong nước, việc đi lại hết sức khó khăn.
Tại đường Trần Quang Khải, chúng tôi ghi nhận nước vẫn còn đang ngập hơn 0,5m, giao thông trên tuyến đường này đã bị tê liệt. Đã có rất nhiều người đi xe máy đã phải dắt bộ vì xe bị vào nước và chết máy. Ô tô cũng rất khó lưu thông. Giao thông ách tắc và hết sức lộn xộn.
Một số đường trong Thành nội ở TP Huế cũng đang bị ngập do nước ứ chưa thoát xuống được và hệ thống ao hồ ven đó đã quá đầy làm nước rút chậm như đường Lê Thánh Tôn, Nhật Lệ, Ngô Đức Kế...
Ghi nhận của PV Dân trí vào 8h30 tại phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà), nước sông tràn vào gây ngập sâu; người dân phải đi lại bằng ghe.
Ghe chờ khách để đưa về vùng trũng ở đoạn phố cổ Bao Vinh
Đoạn từ Bao Vinh về làng Thanh Phước để dẫn về huyện Quảng Điền ngập nhiều nơi gây chia cắt. Theo người dân, nước hiện đã xuống chậm; nhưng đêm qua thực sự là một đêm đáng sợ khi nước lên rất nhanh khiến người dân Huế đã nghĩ tới cơn lũ lịch sử năm 1999 tại Huế lấy đi mạng sống của hàng trăm người.
Ông Nguyễn Văn Giáo, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mậu, huyện Phú Vang cho biết, tối qua nước tràn qua tỉnh lộ 2 gây ngập gần 1m, cho đến 9h30 sáng nay nước đang xuống rất chậm. Nhiều nơi khác cũng ngập chừng 0,7m. Một vùng trồng hoa tết rộng 2.500m2 đang bị ngập.
Tuy nhiều nơi nước đang xuống nhưng vào 10h sáng nay, qua điện thoại với PV, bà Ngô Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù, Thị xã Hương Thủy cho biết rất nhiều nhà sát sông Phú Bài bị ngập lớn 1-1,5m. Ước tính có hơn cả ngàn nhà bị ngập tập trung ở thôn 2,4,6, 8a, 8b, 9. "Khá nhiều gia cầm như gà, heo bị chết do lũ lên nhanh và cả lúa bị ngập do nhà thấp, không đưa lên chỗ cao kịp. Hiện nước khi sáng mới rút nhưng giờ đã lên lại do mưa đang lớn, hồ Khe Đầy bị tràn và nước trên đồi núi đổ xuống. Trận lũ này nhanh và nước lên cao chứ 2 trận trước do bão không thấy nước to như ri" - bà Ngọc nói.
Ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, ghi nhận nước lũ sâu hơn được trước. Toàn xã hiện đã bị cô lập, các tuyến đường dẫn lên TP Huế có nơi nước lút ngang ngực. Hiện có hơn 300 nhà dân tại đây ngập từ 0,2-0,4m, nhà sâu nhất 0,8m. Nước đang hạ xuống chậm và mưa vẫn đang to. Xã bị nước ngâm làm thiệt hại 4 hecta hoa cúc và hoa lay ơn cùng 200m2 hoa lyly. Toàn bộ 40 ha rau má bị nước nhấn chìm, nếu ngập thêm mấy ngày nữa thì rau má sẽ hư hết" - ông Hoàng Công Phong, PCT xã Quảng Thọ cho hay vào 10h30 ngày 16/11.
Hình ảnh ngập lụt ở Huế sáng và trưa 16/11:
Nước lũ trên sông đi qua Bao Vinh
Tràn vào nhiều nhà ven sông
Xe cứu hộ đến giúp một xe hơi bị tắt máy ở đường Bà Triệu
Lũ tràn vẫn còn ngập ở nhiều nhà dân trong TP Huế
Nước chảy qua cống tràn (ảnh: T.Thủy)
Người dân Hương Trà vội vã mua đồ tích trữ
Đưa xe máy lên ghe qua vùng nước sâu.
Tính đến sáng ngày 16/11, mưa lũ đã làm một số nơi ở trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị chia cắt, đặc biệt là đèo An Khê trên SL19 từ Gia Lai đi Bình Định đã bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông.
Theo thống kê của Ban Phòng chống bão lụt tỉnh Gia Lai, khu vực bị nặng nhất là huyện Kbang. Tính đến sáng nay, tại đây có 8 hộ dân bị ngập phải di dời đi tránh lũ, 1 máy hút cát của ông Đinh Quang (xã Kon Pla) bị nước cuốn trôi; đoạn đường từ trung tâm huyện Kbang đi các xã Kroong, Đăk Mei, Kon Pla một số đoạn bị sạt lở ta luy đường, đất đá vùi lấp và có 2 cây to đổ chắn ngang đường khiến giao thông bị ách tắc.
Ngoài ra, một ngầm nước thuộc xã Đăk Kroong đoạn qua thôn Hà Đừng đã bị nước ngập qua tràn khoảng 0,5m và dân quân tự vệ đã lập rào chắn không cho người dân mạo hiểm đi qua ngầm. 1 cầu dân sinh ở thôn Lơ Vi (xã Lơ Ku) đã bị lũ cuốn trôi; tại xã Kon Pla cũng đã có 17ha hoa màu bị ngập lụt. Đau lòng nhất là vào khoảng 5h30' sáng 15/11, 2 cô giáo trong lúc đi dạy học cũng bị lũ cuốn trôi.
Sáng nay, QL25 đoạn qua xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa cũng đã bị nước dâng ngập lụt, một số đoạn đường người dân phải lấy xuồng ra chở xe máy đi qua. Cầu sông Ba trên QL19 đoạn qua thị xã An Khê hôm qua bị ngập lụt, đến sáng nay cũng đã rút nước do lượng mưa tại địa bàn đã giảm.
Nghiêm trọng nhất là đèo An Khên trên QL19 đoạn giáp danh Gia Lai- Bình Định bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều điểm đất đá đổ xuống chèn lấp đường, gây ách tắc giao thông kéo dài khoảng 6km.
Hiện Ban Phòng chống bão lụt tỉnh Gia Lai vẫn đang tiếp tục cập nhật thông tin ở một số địa bàn khác.
TP Đà Nẵng sau cơn mưa tầm tã kéo dài từ sáng 15/11 đến gần trưa 16/11 cũng ngập nặng nhiều nơi. Tại một số khu dân cư thuộc khu vực Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, xe không thể lưu thông. Từ nửa đêm qua đã có đoạn nước dâng lên gần nửa người, sáng nay đã rút hơn. Người dân phải dùng ghe, thuyền hoặc chế các mảng bè để đi lại.
Cơn mưa tầm tã kéo dài từ sáng 15/11 đến gần trưa sáng 16/11 đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập
Tại tuyến đường đi vào Trung tâm bảo trợ xã hội, nước cũng ngập khá cao. Một số xe máy đã bị chết máy khi đi qua tuyến đường này.
Tại ngã tư đường Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, ngã Ba Huế đến sáng nay cũng đã bắt đầu ngập. Người đi đường phải đi sát mép dải phân cách hoặc chạy hẳn lên lề đường để đi.
Tuyến quốc lộ 1A đoạn ngã Ba Huế
Đường vào Trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng mênh mông nước
Ngập sâu trong các khu dân cư
Phố cổ Hội An ngập trong biển nước, nhiều ngã tư đường dẫn vào vùng thấp lụt đã hình thành các bến thuyền tự phát
Đến 10h sáng nay, nước lũ tại phố cổ Hội An - hạ lưu sông Thu ( Quảng Nam) vẫn đang tiếp tục dâng lên. Mưa đã bắt đầu nhẹ hạt hơn so với đêm qua và sáng sớm nay. Chị Nguyễn Thị Thơm chèo đò đưa người dân qua lại khu vực trung tâm phố cổ Hội An và An Hội cho biết: "Nước lụt ngập mấy tuyến phố bên phố cổ trước. Tới 3h sáng sớm ni (16/11) thì nước lớn gần tới bụng tui (chừng gần 1 mét) rồi nước cứ lớn miết lên rứa. Chừ qua cầu An Hội chỉ có ghe máy đi thôi chớ ghe bình thường thì chịu vì nước xoáy dữ lắm, chèo không nổi.
Hôm qua thấy mưa to ngó bộ lụt là bà con kê đồ lên tầng hai hết rồi, nhà mô không có tầng trên thì qua nhà hàng xóm ở ké. Ở đây mấy năm lụt miết, nhưng năm ni là nước lớn. Cứ đà ni nước còn ngập lên tới chiều ni là hơn 1 mét, dễ bằng năm 2009 lắm".
Theo quan sát thực tế của PV Dân trí tại phố cổ Hội An, nhiều nhà dân ở các tuyến đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học đã ngập sâu khoảng 1 mét. Nước lũ gần như nhấn chìm cầu phao bắc từ khu trung tâm phố cổ Hội An và An Hội. Nước cũng đã ngập quá gối trên đường Châu Thượng Văn và tràn lên tấn công Chùa Cầu - biểu tượng đô thị cổ Hội An.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Ngay từ chiều qua, Hội An đã triển khai công tác phòng chống lũ theo chỉ đạo của Ban Phòng chống bão lụt tỉnh. Chính quyền địa phương đã tiến hành di dời dân tại chỗ ngay các địa bàn lũ ngập sâu.theo đó, đã sơ tán 370 hộ dân với khoảng 1.400 khẩu ở các nhà thấp sang các nhà có tầng trên khô ráo ngay trong địa bàn dân cư cục bộ. Tất cả các phương tiện đã được huy động để khẩn trương di dời dân tránh lũ.
Hiện mực nước trên sông Hoài - hạ lưu sông Thu Bồn đã ở mức 2,6 mét (vượt báo động 3 hơn 0,5 mét). Tình hình này đến trưa chiều nay, nước trên sông Hoài có thể dâng cao lên 2,8 mét thì đạt đỉnh và rút dần trong điều kiện trời ngớt mưa.
Hình ảnh phố cổ ngập trong biển nước do PV Dân trí ghi nhận tại Hội An sáng 16/11
Lũ ngập sâu từ 0,5 - 1 mét tại nhiều tuyến phố trong trung tâm phố cổ Hội An
Lực lượng chức năng túc trực từ 3h sáng 16/11 tại các bến đò tự phát trong lũ để kiểm soát an toàn đi lại trong vùng ngập
Nhu cầu đi lại bằng ghe thuyền trong phố cổ lớn khiến nhiều người nóng ruột ngóng đợi tới lượt
Nước lũ bắt đầu tấn công Chùa Cầu
Người dân và du khách khẩn trương di dời tới nơi cao ráo hơn.
Đại Dương - Văn Danh - Thiên Thư - Khánh Hồng - Khánh Hiền
Theo Dantri
Giải mã vụ mặt đường tự nổ và cháy Hôm qua 2.11, theo nguồn tin từ Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, sở này đã chính thức báo cáo UBND TP.HCM về vụ mặt đường tự nổ và bốc cháy xảy ra trên đường Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh) vào sáng 28.10 (Thanh Niên đã thông tin). Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường vụ cháy nổ mặt đường -...