Thất đức khi nhập và bán thuốc ung thư kém chất lượng?
Với giọng đặc sệt Nam bộ, bà nói: “Có làm ác cũng vừa thôi, bệnh nhân ung thư 9 phần chết 1 phần sống, vậy mà không chữa cho người ta hết bệnh, đàng này còn nhập thuốc dỏm về cho uống”.
Sáng 28.8, ngồi chờ chụp phim tại khoa chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bà Nga, 62 tuổi, ngụ tại Tiền Giang, thốt lên: “Nhập thuốc ung thư kém chất lượng còn thất đức nào hơn?”, khi nghe tôi hỏi chuyện vụ xử một công ty nhập thuốc ung thư kém chất lượng diễn ra hồi tuần qua.
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: H.H
Bà Nga, được phát hiện ung thư đại tràng hồi tháng qua, cho biết mình không hề quan tâm đến chuyện thời sự, nhưng từ ngày phát bệnh, con cháu đọc báo, nghe đài nói lại cho bà, bà mới biết chuyện.
Với giọng đặc sệt Nam bộ, bà nói: “Có làm ác cũng vừa thôi, bệnh nhân ung thư 9 phần chết 1 phần sống, vậy mà không chữa cho người ta hết bệnh, đàng này còn nhập thuốc dỏm về cho uống”.
Không chỉ bà Nga, có lẽ mọi bệnh nhân ung thư đều quan tâm đến vụ xử công ty VN Pharma nhập thuốc ung thư kém chất lượng H-Capita, dù nó khép lại cuối tuần qua và toà sơ thẩm cũng đã ra bản án dành cho những người liên quan.
Ngồi trên ghế đá ngoài sân bệnh viện để chờ đến lượt siêu âm tuyến giáp, anh Xuân, đến từ Vĩnh Long, bị ung thư vòm họng, tỏ vẻ rành chuyện hơn: “Tôi không hiểu sao toà chỉ xử những người này tội buôn lậu mà không phải tội nhập thuốc ung thư kém chất lượng? Trên mạng người ta cũng cãi nhau quá trời, theo tôi nhập thuốc dỏm là rõ quá rồi”.
Như anh Xuân, phần lớn giới chuyên môn khẳng định đây là hành vi nhập thuốc kém chất lượng. Trong căn phòng làm việc nhỏ trên lầu 1 gần khoa xạ trị, DS.CK2 Nguyễn Văn Vĩnh, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết khó gọi thuốc này là thuốc thật vì hoạt chất thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, chưa kể tờ hướng dẫn sử dụng, hình thức trình bày vỉ thuốc và hộp thuốc sai với thiết kế trong hồ sơ xin nhập khẩu.
Nhưng quanh vụ án này, người ta không chỉ tranh cãi chuyện buôn lậu hay buôn thuốc kém chất lượng, mà còn cả chuyện nhận hoa hồng của bác sĩ. Bác sĩ K., công tác tại bệnh viện quận 8, TP.HCM nói: “Nhận hoa hồng hãng dược để kê thuốc cho bệnh nhân là thất đức, nhưng trong vụ này nếu nói bác sĩ nhận tiền để kê toa thuốc ung thư kém chất lượng là sai, vì thuốc đã được duyệt sử dụng rồi, bác sĩ không thể biết được đây là thuốc kém chất lượng”.
Video đang HOT
Theo một bác sĩ làm việc nhiều năm trong lĩnh vực ung thư, thuốc ung thư hiện là một trong những mặt hàng kinh doanh dễ dàng và có lãi nhất. Đơn giản vì người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều; và mắc bệnh này thì giàu, nghèo gì cũng cố chữa, dù có bán nhà cửa hay cầm cố tài sàn.
Một báo cáo công bố hồi tháng 5.2015 được tạp chí Forbes trích dẫn cho thấy thị trường thuốc ung thư toàn cầu đã chạm mức 100 tỉ USD hàng năm và có thể đạt đến 147 tỉ USD trước năm 2018.
Doanh thu nhiều, nên bác sĩ này cho biết các hãng dược ra sức cạnh tranh nhau thông qua chi hoa hồng cho bác sĩ bằng nhiều hình thức, phổ biến nhất là tài trợ dự hội nghị nước ngoài, nhưng chủ yếu là du lịch và mua sắm bằng tiền công ty.
Nhưng đừng tưởng chỉ có ngành y tế Việt Nam lùm xùm về các thuốc ung thư. Tháng 4 năm nay, hai giáo sư y khoa Tây Ban Nha của đại học Balearic Islands đã bị kết án khi quảng cáo thuốc chữa ung thư dỏm (không khác gì giả dược) trên mạng xã hội và trong những chiến dịch quảng bá sản phẩm.
Trước đó một năm, tại TP Chicago (Mỹ) một chuyên gia ung thư cũng bị phát hiện bán “thuốc ung thư dỏm” (giả nhãn hiệu và không được cho phép lưu hành sử dụng) trong suốt thời gian từ 2008 – 2012.
Bác sĩ N., làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HC M, nói: “Lĩnh vực điều trị nào cũng có thuốc kém chất lượng, nhưng đây là lần đầu tiên có vụ việc về thuốc ung thư kém chất lượng. Đây là loại bệnh nhạy cảm, nên sự căm phẫn của xã hội là cũng đúng.Qua vụ việc này, ngành chức năng cần tăng cường vai trò quản lý, vì bệnh nhân ung thư phải tốn tiền rất nhiều để chữa bệnh rồi, nay còn xài phải thuốc giả thì quá đau khổ”.
Theo DS Vĩnh, bệnh viện Ung bướu TP.HCM chưa từng sử dụng thuốc H-Capita của công ty VN Pharma, vì thuốc đã bị niêm phong và bắt giữ trước khi đưa ra thị trường, cho dù VN Pharma đã trúng thầu sở Y tế TP.HCM. Cũng may mắn cho biết bao bệnh nhân vì nếu không thì lâm cảnh “tiền mất tật mang”.
Nhưng nếu nói sòng phẳng, ngoài thị trường vẫn còn nhiều sản phẩm được quảng bá “hỗ trợ điều trị” ung thư, nhưng thực hư hiệu quả và chất lượng thế nào thì có trời mà biết.
Tháng 4 qua, cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc men Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo 187 loại sản phẩm chữa ung thư dỏm mà người bệnh cần tránh, phần lớn số này là… thực phẩm chức năng.
Theo Tâm An ( Thế Giới Tiếp Thị)
Vụ VN Pharma: Có kẽ hở của luật?
"Phải xem Công ty VN Pharma có người nhà của Bộ trưởng Bộ Y tế hay không và nếu có người nhà thật thì có liên quan đến sai phạm của công ty này hay không? Thanh tra khi vào cuộc cũng phải xem có ảnh hưởng gì không, trực tiếp hay gián tiếp? Vì nhiều khi có thể chỉ cần một câu nói, một tác động từ lãnh đạo là cơ quan chức năng cũng bị ảnh hưởng", ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương đánh giá khi trao đổi với Dân Việt.
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng phải làm rõ để kết luận, không oan ai cả nhưng cũng không để lọt tội những người liên quan trong vụ việc dư luận đang rất quan tâm. (Ảnh: IT)
Dư luận đang rất quan tâm tới thông tin em chồng của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm lãnh đạo ở Công ty VN Pharma. Nếu đúng vậy, dư luận đặt câu hỏi liệu vị này có liên quan gì đến những sai phạm của VN Pharma? Dân Việt đã phỏng vấn các chuyên gia và luật sư để làm rõ hơn vấn đề này.
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương cho rằng, trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc, thanh tra toàn diện và làm rõ vụ việc để công khai trước dư luận. Động thái này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong vụ việc, bởi đây là vấn đề rất hệ trọng, khi nó liên quan tới việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
"Tất cả mọi việc đều phải làm rõ để kết luận, không làm oan cho ai nhưng cũng không để lọt tội những người liên quan. Đây không phải là vụ việc độc nhất vô nhị. Đảng và Nhà nước có nhiều quyết tâm trong suốt 72 năm qua, nên chúng ta đã xử lý nhiều vụ việc với tinh thần không nể nang, né tránh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm như thế là rất đúng với nguyện vọng của nhân dân. Cần phải làm đến cùng để tạo niềm tin cho nhân dân", ông Hùng nói.
Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, qua sự việc này, có thể thấy tới đây, luật pháp cũng phải có những quy định cụ thể hơn.
"Tôi không rành các quy định về luật, nhưng theo các luật sư, luật của chúng ta rõ ràng còn kẽ hở để người ta có thể lách", ông Hùng nói.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư, thực tế, người nhà của các vị lãnh đạo, kể cả là em vợ, em chồng đều sẽ có những ảnh hưởng nhất định trong quan hệ công việc. Những sai phạm trong công ty có em vợ, em chồng của lãnh đạo ngành đều phải được xem xét. Có thể lấy luôn vụ việc ở VN Pharma làm ví dụ điển hình để xem xét chỉnh sửa lại luật định.
"Tâm lý của người Việt là khi có người dính dáng tới cấp trên, đôi khi cũng phải có sự kính nể nhất định. Nếu như lãnh đạo của Công ty VN Pharma là người nhà của Bộ trưởng Bộ Y tế thì phải điều tra xem họ có liên quan đến sai phạm của công ty hay không? Thanh tra khi vào cuộc cũng phải xem việc này có ảnh hưởng không, trực tiếp hay gián tiếp? Đôi khi có thể chỉ cần một câu nói của lãnh đạo, cơ quan chức năng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều", ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phải đặt ra vấn đề tổng kết vụ việc để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định cho hợp lý. (Ảnh: I.T)
Cùng chung nhận định trên, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Luật đã quy định thì cứ theo luật mà xử lý. Trong câu chuyện của Công ty VN Pharma, cái chính là phải xem xét việc làm ăn của họ có vi phạm pháp luật hay không, nếu có thì ở mức độ nào?
"Cơ quan chức năng khi tiến hành thanh, kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có thể phải đặt ra vấn đề, sau đó tổng kết để đề xuất sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định của pháp luật cho hợp với thực tiễn. Nếu phát hiện những khe hở trong quy định hiện hành thì cần phải thay đổi để đạt hiệu quả cao nhất trong quản lý", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài Chính). (Ảnh: I.T)
Trong khi đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài Chính) cho rằng, các quy định của pháp luật không thể kín kẽ hết.
"Quy định của chúng ta chỉ loại trừ bố mẹ, anh chị em ruột hoặc vợ chồng chứ không nói tới người bên nhà vợ hay bên nhà chồng không được làm trong lĩnh vực mình quản lý. Do đó, với các đối tượng như anh chị em vợ, anh chị em chồng cũng phải có quy định chặt chẽ hơn. Mặt khác, trong luật, ngôn từ nếu dùng quá cụ thể sẽ không bao quát được hết mối quan hệ vốn rất phức tạp của người Việt Nam", ông Thịnh nói.
"Khi giải quyết vụ việc ở Công ty VN Pharma là phải làm cho tới nơi tới chốn, quan trọng hơn là phải giải quyết được gốc rễ vấn đề của ngành dược nên cần có quyết tâm rất cao của các cơ quan chức năng", PTS Thịnh nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ chiều ngày 30.8, trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị Bộ Y tế cho biết có nắm được thông tin em chồng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là Phó giám đốc VN Pharma, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Bộ trưởng Kim Tiến không nói em chồng không làm ở VN Pharma mà Bộ trưởng không nói về việc này. Bộ trưởng cũng chưa từng nói việc này với lãnh đạo Bộ. "Theo quy định, khi làm ở những vị trí này (Bộ trưởng - PV) thì vợ, chồng, con hoặc bố, mẹ không được làm. Còn quy định không cấm anh hoặc em chồng được làm. Việc Thanh tra Chính phủ vào cuộc để thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng là cần thiết, như vậy mọi thắc mắc của dư luận sẽ được giải đáp một cách minh bạch", ông Tiến cho biết. Còn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng khẳng định: Đây là sự việc rất đáng tiếc trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng Đề án nâng cao chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đề án này dự kiến sẽ báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 31.8, sau đó trình lên Hội nghị T.Ư 6. Đây là việc rất quan trọng, bởi trách nhiệm của các cấp, các ngành là phải chăm lo sức khoẻ của nhân dân. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo về vụ việc. Tuy nhiên báo cáo chưa nêu được rõ được những nội dung Thủ tướng quan tâm. Vì vậy, trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu và đăng ký thuốc của Bộ Y tế. "Thanh tra Chính phủ sẽ rà soát toàn bộ lại cho minh bạch, rõ ràng để công bố trước nhân dân, không phải chỉ riêng với lô thuốc trị bệnh ung thư nhập khẩu giả mà báo chí phản ánh. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh quan điểm của Thủ tướng là rất cương quyết trong việc tìm ra sự thật và không loại trừ bất cứ trường hợp nào, giống như Tổng bí thư từng nói không có bất kỳ vùng cấm nào", người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.
Theo Danviet
Bộ trưởng Y tế nói gì về vụ VN Pharma? Báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, để làm rõ các vấn đề dư luận đặt ra đối với trách nhiệm của Bộ Y tế và cá nhân bộ trưởng trong vụ VN Pharma. Gần đây, dư luận xôn xao trước một số thông tin về việc người thân Bộ trưởng Bộ...