Thật ‘dởm’ cà phê dạo 10.000 đồng/cốc
Loại hình cà phê dạo đang khá phổ biến tại các đường phố Hà Nội. Theo chuyên gia thực phẩm, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của cà phê loại này không đáng lo ngại.
Vấn đề đáng lo ngại chính là cà phê thật hay “dởm” mà những người bán cà phê dạo dùng để pha chế.
Rẻ, tiện dụng
Tuy mới xuất hiện tại Hà Nội một thời gian ngắn nhưng loại hình cà phê dạo đã trở nên khá phổ biến.
Chỉ cần một chiếc xe đạp gọn nhẹ chở được một hộp giữ nhiệt để đựng đá, một vài chai đựng cà phê pha sẵn và các dụng cụ, thực phẩm pha chế khác là một người có thể hành nghề bán cà phê dạo.
Tại phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội thường có anh Đức “bệt” bán cà phê dạo hay đi vào thời điểm khoảng 8 giờ – 9 giờ sáng hàng ngày. Xe hàng của anh Đức khá gọn nhẹ, là một chiếc xe đạp điện cơ động, chở một thùng nhựa giữ nhiệt để đựng đá, chai cà phê pha sẵn. Quanh thùng có treo cốc chựa, ống hút, đánh tạo bọt bằng tay, túi nilong để đựng cà phê. Giỏ xe đựng rất nhiều lon sữa đặc và đường để pha hai loại cà phê “đậm chất Việt Nam” là cà phê đen và cà phê nâu.
Giá mỗi ly cà phê anh Đức bán đồng đều là 10.000 đồng, không kể đen hay nâu, nóng hay đá.
Thường đi vào khung giờ ổn định, thái độ phục vụ khá lịch sự nên hàng cà phê của anh Đức khá đông khách. Như sáng ngày 22/10, chỉ tại một con phố ngắn là Núi Trúc, anh Đức đã bán được hơn chục cốc cà phê.
Đen, nâu, nóng, đá đều 10.000 đồng/cốc. Ảnh: Bảo Anh
Người mua thường là những người dân tại các hộ, cửa hàng dọc hai bên đường của con phố. Anh Tân, chủ một cửa hàng bán bún, phở trên phố Núi Trúc vừa mua hai cốc cà phê đen đá của anh Đức, tay cầm cà phê, miệng cười cười nói: “Cà phê của chú Bệt này ngon phết, không thua kém gì cà phê ở các quán đâu. Mùa này trời mát hay buồn ngủ, sáng nào tôi cũng “làm” một cốc cho tỉnh táo”.
Vừa bán cho anh Tân xong, lại có một chị phụ nữ là dân văn phòng đi qua, mua một cốc nâu đá xách đi. Anh Đức nhanh chóng pha, đánh tạo bọt và đóng vào cốc, có ống hút túi xách tiện dụng để khách hàng xách đi. Tất cả quá trình chỉ mất 2 phút.
Video đang HOT
Hỏi anh Đức, sao giá cà phê lại rẻ vậy, anh Đức vừa cười vừa chậm rãi nói: “Mình không phải thuê cửa hàng, có mỗi cái xe này chở đi nên bán rẻ vậy”. Hỏi anh: “Rẻ vậy có ngon được như trong quán cà phê không anh?”, anh Đức không khẳng định hàng của mình là ngon nhất như những người bán hàng khác hay làm mà cười khá duyên dáng trả lời khách hàng: “Em cứ uống thử đi, nếu ngon lần sau lại mua cho anh nhé!”.
Cà phê được đựng trong các chai pha sẵn, khi có khách hàng mua, các cốc cà phê được pha rất nhanh, chỉ trong vòng 2 phút cho tất cả các công đoạn. Ảnh: Bảo Anh
Trên dọc các tuyến phố ở Hà Nội như Núi Trúc, Giang Văn Minh, Kim Mã, Đội Cấn, Hai Bà Trưng, Giảng Võ….không khó để bắt gặp một vài người bán cà phê dạo, nhất là tầm thời gian vào buổi sáng hoặc xế chiều.
Mức giá hầu hết chỉ từ 10.000 đồng – 12.000 đồng/cốc cà phê đen hoặc nâu. Thậm chí có người chỉ với bán giá 7.000 đồng/cốc.
Túi, cốc, ống hút được treo quanh thùng bảo quản đá. Ảnh: Bảo Anh
Chất lượng như thế nào?
Nhìn bề ngoài, thùng đựng đá, chai đựng cà phê pha sẵn, cốc, ống hút, túi nilong, xe chở và các dụng cụ pha chế khác của các hàng cà phê dạo so với mặt bằng chung của các hàng, quán vỉa hè và thức ăn đường phố khác được mọi người đánh giá là khá sạch sẽ.
Về chất lượng cà phê của các hàng bán dạo, không chỉ anh Tân, chủ cửa hàng bún, phở trên phố Núi Trúc khen mà khá nhiều người đã mua và uống thử loại cà phê này đánh giá là ngon không khác gì so với uống cà phê trong quán.
Chị Lan, nhân viên văn phòng làm việc tại phố Hoàng Cầu cho hay: “Tôi uống thấy khá ngon, nói chung không khác mấy cà phê quán, lại rẻ bằng 1/2, thậm chí 1/3 gọi ở quán”. Anh Đào Văn Kha, người hay uống cà phê cho hay: “Uống cũng được, mùi vị và độ đặc cũng giống như một số quán quen tôi hay uống”.
Còn theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội thì vấn đề an toàn thực phẩm ở các hàng cà phê dạo kiểu này không đáng lo ngại. Vấn đề là cà phê dùng để pha chế là cà phê thật hay cà phê “dởm”.
Tuy nhiên, theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cà phê “dởm” không phải là riêng vấn đề của các hàng cà phê dạo mà là vấn đề chung của hầu hết các quán cà phê hiện nay.
Bởi hiện tại, tỷ lệ các cửa hàng, quán cà phê bán cà phê thật rất ít, hầu hết họ đều sử dụng cà phê “dởm”, tức là cà phê đã pha, trộn thêm các thành phần không phải là cà phê để giảm giá thành và tăng vị đậm đà cho cà phê. Thông thường, để làm cà phê “dởm”, cà phê thật sẽ được trộn thêm ngô, đậu tương…rang cháy theo tỷ lệ sau đó trộn trên tinh dầu cà phê để tạo mùi đặc trưng.
Theo nhìn nhận của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cà phê “dởm” so với cà phê thật về độ độc hại với sức khỏe người tiêu dùng thì không cách xa lắm bởi bản thân cũng đều là các loại hạt được rang cháy. Chỉ là họ thay hạt loại đắt bằng các loai rẻ hơn (gian lận thương mại) để giảm giá thành.
Yếu tố độc ở đây được kể đến nhiều nhất là “rang cháy”, khi các loại hạt được rang cháy đều được khuyến cáo không nên sử dụng bởi khi vào cơ thể nó sẽ sinh ra các chất lạ gây bệnh. “Điều này thì không chỉ có ở cà phê “dởm” mà bản thân cà phê thật cũng có, vấn đề ở đây là nếu muốn uống cà phê thật thì nên tìm đến những quán cà phê rang xay hoặc những quán cà phê thật đã có thương hiệu mà người sành cà phê hay lui tới”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Theo Khám Phá
7 thói quen không ngờ khiến bạn chết sớm
Làm việc quá tải, uống cà phê, ngồi nhiều, đi giày cao gót, uống nhiều thuốc ngủ... là những thói quen thường ngày dễ khiến bạn đoản thọ.
Ngồi quá nhiều
Nếu bạn đang ngồi vào thời điểm bạn đọc bài này, hãy đứng lên. Vài nghiên cứu chứng minh ngồi quá lâu có thể gây nên nhiều tình trạng tồi tệ về sức khỏe. Một nghiên cứu do Đại học Leicester chỉ ra rằng nếu con người ngồi trong phần lớn thời gian của ngày dù ngồi tại nhà hay nơi làm việc nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường sẽ tăng. Ngoài ra, nghiên cứu - với đối tượng là 800.000 người - cũng cho thấy ngay cả khi con người tập thể dục đều dặn, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch và béo phí vẫn không giảm nếu chúng ta ngồi trong phần lớn thời gian của ngày trên ghế.
Ngồi nhiều khiến bạn mắc nhiều bệnh.
Đi giày cao gót
Theo các nghiên cứu, việc đi giày cao gót hàng ngày có thể làm thay đổi tư thế tự nhiên của cơ thể, dồn áp lực lên các khớp xương và gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe như: tổn thương dây thần kinh gây biến dạng ngón chân hình búa, viêm khớp, đau cột sống, bong gân, đó là chưa kể đến tai nạn xảy ra khi đi giày cao gót.
Công việc căng thẳng
Khi một người nói "Công việc sắp giết chết tôi", phần lớn chúng ta nghĩ đó là câu đùa. Nhưng một số nghiên cứu mới cho thấy công việc có thể khiến chúng ta chết sớm. Một nghiên cứu của Đại học UCL tại Anh vào năm 2012 chỉ ra rằng nguy cơ đau tim ở những người theo đuổi công việc căng thẳng cao hơn 23% so với những người làm việc nhẹ nhàng.
Uống quá nhiều cà phê
Cà phê mang tới nhiều lợi ích về sức khỏe. Tuy nhiên, uống quá nhiều cà phê lại có thể dẫn tới nhiều bệnh và thậm chí khiến con người chết sớm. Một nghiên cứu mà các nhà khoa học công bố trên tạp chí Journal Mayo Clinic Proceedings chỉ ra rằng nguy cơ chết sớm của những người dưới 55 tuổi uống từ 4 tách cà phê trở nên hàng ngày cao hơn tới 56% so với những người uống với liều lượng thấp hơn.
Nghiện cà phê sẽ giảm tuổi thọ
Sử dụng máy tính
Sử dụng máy tính có thể làm hại sức khỏe của bạn. Ánh sáng trên màn hình khiến mắt bạn bị căng thẳng, mỏi và gây đau đầu. Một số máy tính còn chứa độc tố toxin ảnh hưởng đến thần kinh.
Ăn ngũ cốc nguyên hạt
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ngũ cốc nguyên hạt, đặc biệt là lúa mì, có thể dẫn tới sự phát triển của một số bệnh tự miễn dịch. Lectin, chất tồn tại trong hạt lúa mì, có thể gây bệnh Lupus ban đỏ, nhược giáp, chàm và một số bệnh tự miễn dịch khác.
Uống thuốc ngủ thường xuyên
Ngày nay nhiều người mắc chứng mất ngủ. Để giải quyết vấn đề này, các bác sĩ thường kê thuốc ngủ cho họ. Tuy nhiên, một nghiên cứu chỉ ra rằng uống thuốc ngủ thường xuyên có thể khiến con người chết sớm. Nguy cơ tử vong sớm của những người uống thuốc ngủ cao gấp 5 lần so với những người không uống.
Theo Khỏe và đẹp
Uống nhiều cà phê khi mang thai con dễ bị máu trắng Các em bé có mẹ uống 2 cốc cà phê hoặc nhiều hơn mỗi ngày thì tăng 60% nguy cơ bị bệnh bạch cầu khi còn nhỏ. Theo cảnh báo của các nhà khoa học thì mẹ bầu uống nhiều hơn 2 cốc cà phê mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị bệnh máu trắng tới 60%. Tỷ lệ mắc bệnh...