Thất bại vì “yếu bóng vía” và cái dớp 17 năm không thắng của U23 Việt Nam trước khắc tinh
U23 Myanmar không được coi là một “ông lớn” tại SEA Games. Thế nhưng, lần cuối Việt Nam có thể đánh bại họ tại đấu trường này đã diễn ra từ năm 2005.
Những quả luân lưu nghiệt ngã
Sau kỳ tích đội U23/Olympic Việt Nam lọt vào Vòng loại cuối cùng Olympic 2008, người hâm mộ đã kỳ vọng rằng đoàn quân của cố HLV Alfred Riedl sẽ đem sự tự tin ở đấu trường châu lục để thể hiện thật tốt tại SEA Games 2007. Mục tiêu của U23 Việt Nam khi đó không gì khác ngoài tấm HCV.
Thực tế, U23 Việt Nam đã làm khá tốt ở những bước đầu. Đội bóng của HLV Alfred Riedl thắng 2 trận trước Malaysia và Lào, và dù thua 1 trận dưới tay của Singapore nhưng vẫn đủ để họ kết thúc vòng bảng với vị trí dẫn đầu. Tại bán kết, đối thủ của U23 Việt Nam là Myanmar.
Là đội được đánh giá cao hơn, U23 Việt Nam khởi đầu trận đấu với lối đá tấn công. Trong khoảng 20 phút đầu trận, lần lượt Công Vinh, Thanh Bình hay Công Minh đều có những cơ hội nhất định nhưng tâm lý không thực sự tốt khiến họ xử lý tình huống rất thiếu tự tin. Những cú đá lúc thì quá hiền, lúc lại bị thủ môn Myanmar xuất sắc cản phá. Hiệp 1 đã khép lại với tỉ số 0-0.
Bước sang hiệp 2, thầy trò HLV Riedl tiếp tục dâng lên nhằm tìm kiếm bàn thắng. Phút 68, bàn thắng tưởng chừng đã tới với U23 Việt Nam khi Lê Công Vinh độc diễn qua hàng loạt cầu thủ phòng ngự của Myanmar và tung ra pha dứt điểm rất mạnh. Tuy nhiên, thật không may khi bóng lại dội trúng xà ngang trong sự tiếc nuối của các cổ động viên Việt Nam.
Tấn công nhiều nhưng không ghi được bàn thắng, U23 Việt Nam dần đánh mất thế trận vào tay đối thủ vốn sở hữu nền tảng thể lực tốt hơn. 10 phút cuối cùng là thời điểm mà Myanmar nắm thế chủ động trong tấn công và những nỗ lực của đội bóng này giúp họ được hưởng quả phạt đền sau khi thủ môn Tô Vĩnh Lợi cản phá trái phép cầu thủ số 7 trong vòng cấm khi thời gian chính thức còn 2 phút.
Rất may cho U23 Việt Nam là thủ thành Vĩnh Lợi đã tự sửa sai cho chính mình để đưa trận đấu vào hiệp phụ. 30 phút hiệp phụ tiếp tục diễn ra mà không có bàn thắng nào được ghi. Thế rồi, trận đấu buộc phải quyết định bằng loạt “đấu súng” trên chấm 11m.
Lúc này, Myanmar chứng tỏ họ là đội bóng có sự tự tin tốt hơn (đá thành công 3/4 quả) trong khi phía U23 Việt Nam lại trở nên quá tâm lý và áp lực khi Vũ Phong và Mai Xuân Hợp lần lượt sút hỏng (Công Vinh đá vào quả đầu tiên). Cuối cùng, Long Giang với sức ép nặng nề cùng vẻ mặt căng thẳng đã đá quả quyết định quá nhẹ và bị thủ môn đội bạn bắt bài, khiến đội bóng của ông Alfred Riedl thua chung cuộc 1-3.
Video đang HOT
Ngay sau thất bại ở bán kết, HLV Riedl từ chức. Trong trận tranh HCĐ, U23 Việt Nam hoàn toàn đánh mất tinh thần và thua đậm 0-5 trước Singapore.
Cái dớp 17 năm không thắng nổi khắc tinh
Tính từ năm 1991 (thời điểm bóng đá Việt Nam quay trở lại tham dự SEA Games), U23 Việt Nam toàn thắng trong cả 3 lần gặp Myanmar vào các năm 1995, 1999 và 2005. Nhưng trận thua Myanmar vào năm 2007 chính là khởi đầu cho chuỗi trận không biết thắng của U23 Việt Nam trước đối thủ này.
Trong khoảng thời gian từ SEA Games 2007 đến kỳ SEA Games gần nhất (2019), U23 Việt Nam đối đầu với Myanmar 4 lần và thành tích của “Những chiến binh sao vàng” trước đối thủ sẽ khiến tất cả chúng ta phải ngỡ ngàng: hòa 1 và thua 3.
4 năm sau trận thua Myanmar tại Nakhon Ratchasima (Thái Lan), U23 Việt Nam gặp lại “Sư tử ĐNÁ” ở vòng bảng SEA Games 2011. Đó là một trận đấu mà các học trò của HLV Falko Goetz tỏ ra bế tắc trong cách tiếp cận khung thành đối phương và đành chấp nhận kết quả hòa 0 bàn thắng.
Nhưng đó chưa phải là những gì tệ nhất của U23 Việt Nam tại giải đấu ở Jakarta. “Những chiến binh sao vàng” đã thất thủ 0-2 trước đội chủ nhà Indonesia ở bán kết và gặp lại chính Myanmar trong trận tranh HCĐ. Và lần này, U23 Việt Nam trở thành “miếng mồi” của đối thủ.
Những sai lầm liên tiếp ở hàng phòng ngự cũng như vị trí thủ môn khiến U23 Việt Nam trả giá với 4 bàn thua trong 90 phút của trận đấu. Tất cả những gì thầy trò ông Falko Goetz có được là bàn gỡ danh dự ở phút 86 của Lâm Anh Quang. Giải đấu khép lại với một nỗi hổ thẹn vô cùng lớn của U23 Việt Nam.
Đến SEA Games 2015, Việt Nam gặp Myanmar ở vòng bán kết. Tập thể U23 Việt Nam lúc đó được đánh giá rất cao với những cái tên tiềm năng như Quế Ngọc Hải, Công Phượng, Huy Toàn hay cầu thủ Việt kiều Mạc Hồng Quân giúp người hâm mộ tin rằng Myanmar không phải là đối thủ của đoàn quân HLV Miura.
Tuy nhiên, đội bóng đã ghi tới 17 bàn tại vòng bảng lại tỏ ra hoàn toàn vô duyên trước Myanmar. Hàng loạt cơ hội ngon ăn liên tiếp trôi qua trước mũi giày của Hồng Quân và các đồng đội. Ngược lại, Myanmar lại tỏ ra quá may mắn khi không tấn công nhiều vẫn có 2 bàn thắng, trong đó bàn ấn định tỉ số 2-1 đến sau cú sút chạm vào hậu vệ Thanh Hiền khiến bóng đổi hướng. Trận đấu khép lại với cái đổ gục đầy bất lực của đội trưởng Quế Ngọc Hải ngay trên sân.
Cái duyên của Myanmar và Việt Nam một lần nữa đưa 2 đội nằm cùng bảng tại SEA Games 31. Tất nhiên, người hâm mộ U23 Việt Nam có lý do để lo lắng khi đội nhà lại phải đối đầu với “khắc tinh” Myanmar, đối thủ mà lần cuối chúng ta đánh bại họ ở SEA Games đã diễn ra cách đây 17 năm.
Thế nhưng, trong tay U23 Việt Nam lúc này có HLV Park Hang-seo, một chiến lược gia đầy tài năng và từng nhiều lần giúp bóng đá Việt Nam “vượt ải khó khăn”. Bản lĩnh, sự tự tin và tinh thần chiến đấu của các cầu thủ đã tăng lên đáng kể kể từ khi chiến lược gia người Hàn Quốc dẫn dắt đội bóng. Đây là điều mà rất nhiều HLV trước đó không thể làm được khi huấn luyện U23 Việt Nam.
Và hy vọng với “phép thuật” của thầy Park, U23 Việt Nam sẽ giải thành công bài toán mang tên Myanmar.
Thất bại tệ hại của U23 Việt Nam và nước đi sai lầm từ VFF khi lựa chọn vị HLV "thảm họa"
Trước khi giành HCV năm 2019, U23 Việt Nam đã trải qua nhiều ký ức không đẹp tại các kỳ SEA Games trước đó. Và giải đấu năm 2011 chính là một trong những nỗi thất vọng lớn nhất...
Trận đấu tệ hại khép lại giải đấu tệ hại
4h chiều (giờ địa phương) ngày 21/11/2011, U23 Việt Nam bước vào trận đấu tranh HCĐ SEA Games 26 gặp U23 Myanmar. Trước đó tại trận bán kết, đội quân do HLV người Đức Falko Goetz dẫn dắt đã thất bại với tỉ số 0-2 trước chủ nhà Indonesia trong một trận cầu đầy rẫy sự thất vọng.
Tạm bỏ qua thất bại đau đớn tại bán kết, U23 Việt Nam quyết tâm giành HCĐ như một sự an ủi cho người hâm mộ. Thế nhưng, 90 phút trước Myanmar một lần nữa thể hiện bộ mặt bạc nhược của U23 Việt Nam tại giải đấu.
Trong khoảng 1/3 thời gian đầu trận, Thành Lương và các đồng đội chủ động dâng lên nhằm tìm kiếm bàn thắng. Tuy nhiên, khi mà hàng công của Việt Nam vẫn đang tỏ ra bất lực thì một sai lầm tai hại ở hàng phòng ngự đã khiến đội bóng của HLV Falko Goetz trả giá.
Phút 34, cầu thủ Myanmar thực hiện quả đá phạt không quá nguy hiểm nhưng thủ môn Tuấn Mạnh (bắt thay cho Bửu Ngọc chấn thương ở bán kết) đã xử lý thiếu dứt khoát để bóng bật ra khỏi tay vào đi thẳng vào lưới trong sự ngỡ ngàng của các đồng đội. Hiệp 1 khép lại với tỉ số 1-0 nghiêng về phía Myanmar.
Bước sang hiệp 2, ông Goetz quyết định mạo hiểm khi rút trung vệ Huỳnh Phú ra để tung tiền đạo Đình Tùng vào sân nhằm tìm bàn gỡ hòa. Nhưng sự thay đổi chưa kịp phát huy tác dụng thì U23 Việt Nam đã để đối phương đánh đầu tung lưới lần thứ hai ở phút 54 ở một pha bóng mà hàng thủ tỏ ra quá thiếu quyết đoán.
Đến phút 73, mọi thứ coi như kết thúc với U23 Việt Nam khi Hoàng Thịnh lúng túng phản lưới nhà. Bàn thua thứ tư tiếp tục đến như một lẽ đương nhiên với pha bóng Kyaw Ko Ko xỏ háng thủ môn Tuấn Mạnh ở phút 84. U23 Việt Nam có bàn danh dự do công của Lâm Anh Quang 2 phút sau đó nhưng như vậy là không đủ. Chung cuộc, U23 Việt Nam thua ê chề 1-4 trước Myanmar.
Chỉ hơn 1 tuần sau khi U23 Việt Nam khép lại giải đấu tệ hại trên đất Indonesia, HLV Falko Goetz bị sa thải. 6 tháng làm việc ngắn ngủi của ông Goetz giúp người ta nhận ra, VFF đã có một nước đi quá sai lầm.
Nước đi sai lầm của VFF
HLV Falko Goetz được VFF bổ nhiệm vào tháng 6/2011 với mục tiêu lớn nhất không gì khác ngoài tấm HCV SEA Games 26. Ở thời điểm đó, chiến lược gia người Đức được xem là HLV ngoại có bản lý lịch tốt nhất từ trước tới giờ của Việt Nam với kinh nghiệm dẫn dắt một số CLB có tiếng như Hertha Berlin, 1860 Munich (Đức).
Tuy nhiên, những gì mà HLV Falko Goetz thể hiện tại SEA Games 26 đã khiến tất cả vỡ mộng. Sau chiến thắng thiếu thuyết phục trước U23 Philippines tại vòng bảng, ông từng phát biểu xanh rờn và thiếu trách nhiệm: "Tôi phải nói rõ cho các bạn biết điều này, rằng tôi không phải là phù thủy để có thể biến trắng thành đen. Tôi không thể đá thay cầu thủ trên sân. Tôi chỉ hướng dẫn, chỉ bảo những gì tốt nhất cho họ ở sân tập, còn chơi hiệu quả thế nào là do cầu thủ chứ không phải do tôi".
Khi U23 Việt Nam thất bại chung cuộc, ông Goetz đổ lỗi cho tất cả, từ cầu thủ chất lượng kém, VFF cung cấp không đủ thông tin về đối thủ, V.League đá giống "kiểu bóng đá Anh" đến cả sức ép không đáng có từ người hâm mộ và báo giới.
Ngoài ra, HLV Falko Goetz với sự cứng nhắc của mình còn khiến U23 Việt Nam gặp bất ổn trong nội bộ. Mọi mâu thuẫn cứ bị dồn nén do HLV Goetz thích họp hành nhiều, cách quản lý đội bóng cũng chưa phù hợp. Một vài trợ lý đã góp ý nhưng đều bị chiến lược gia người Đức bỏ ngoài tai.
Thậm chí, có thông tin cho rằng một trợ lý của ông Goetz bức xúc tới nỗi đã tố HLV sinh năm 1962 chính là "thảm họa" của U23 Việt Nam sau thất bại ở SEA Games. Trợ lý giấu tên này nói:
"Người trực tiếp tạo nên "thảm họa" cho đội ở SEA Games 2011 chính là HLV Goetz. Thất bại bắt nguồn từ vấn đề chuyên môn của nhà cầm quân người Đức này. Tôi cho rằng gần 6 tháng dưới sự dẫn dắt của HLV Goetz, cả ĐTQG lẫn đội U23 Việt Nam đang thay đổi theo chiều hướng tiêu cực."
Tất nhiên, chúng ta cũng không thể đổ mọi lỗi lầm lên HLV Goetz. Chính VFF cũng cần phải chịu trách nhiệm cho thất bại của U23 Việt Nam khi đó bởi cách điều hành còn nhiều vấn đề trong mọi mặt. Và khó hiểu nhất có lẽ là quyết định bổ nhiệm HLV Falko Goetz - người vốn không biết gì về bóng đá ĐNÁ - vào vị trí HLV trưởng trong khi tiêu chí quan trọng nhất ban đầu lúc tuyển chọn lại là "HLV ngoại phải am hiểu bóng đá ĐNÁ và Việt Nam".
Tại SEA Games 31, U23 Việt Nam nằm ở bảng A cùng với Indonesia, Thái Lan, Philippines và Timor Leste. Trận đấu giữa Việt Nam và Myanmar sẽ diễn ra vào ngày 13/5.
HLV Đinh Thế Nam: Vượt bão hoài nghi, thành công cùng U23 Việt Nam Thành công của HLV Đinh Thế Nam cùng U23 Việt Nam cho thấy trong tương lai, bóng đá Việt Nam vẫn có thể giao phó các đội tuyển trẻ cho các HLV nội. HLV Đinh Thế Nam nhận nhiệm vụ nắm quyền ở U23 Việt Nam trong bối cảnh không được đặt nhiều kỳ vọng, song đã giúp đội nhà lần đầu tiên...