Tháp truyền hình bị quật đổ không đạt chuẩn?
Sự cố đổ háp truyền hình của Đài phát thanh – truyền hình Nam Định (NTV) do bão số 8 (Sơn Tinh) gây ra ước tính thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng khiến toàn bộ tỉnh mất sóng phát thanh truyền hình.
Nguyên nhân do công trình kém chất lượng đã được đặt ra.
Sáng 29/10, tại cuộc họp chỉ đạo khắc phục hậu quả bão Sơn Tinh, ông Trần Anh Tú – giám đốc NTV – cho biết vào thời điểm 20g45 ngày 28/10, gió giật mạnh khiến cột tháp thu phát sóng NTV đổ ập xuống đất. Tại hiện trường, cột tháp bị vặn gãy từ phần đế, cách mặt đất khoảng 30m, xô vào tòa nhà phát sóng kề bên, sau đó đổ hướng ra phía tường rào và ngoài đường, sát một nhà dân đối diện đài. Theo quan sát tại hiện trường, phần thân cột có điểm bị gãy rời ra khỏi phần đế, điểm bị gãy như một nhát cắt, không có mối ốc vít nào bị long rời ra.
Cột tháp truyền hình Nam Định cao 180m trở thành đống sắt rúm ró sau cơn gió giật cấp 12 của bão Sơn Tinh. Trong khi đó, nhiều nhà chuyên môn đặt vấn đề: tiêu chuẩn quốc gia là phải chịu được gió cấp 15 – Ảnh: Việt Dũng
Toàn tỉnh mất sóng phát thanh truyền hình
Trao đổi với PV, ông Tú cho rằng thời điểm đó gió giật khoảng trên cấp 12 nên đã gây ra sự cố này. Báo cáo với lãnh đạo tỉnh Nam Định, ông Tú cho biết bước đầu đã xác định 4/5 độ dài của cột hư hỏng hoàn toàn, vị trí bị đổ cách mặt đất khoảng 30m. Sự cố này còn làm hư hỏng tòa nhà đặt máy phát sóng bị một thanh giằng xuyên qua, một số thiết bị của Đài truyền hình VN (VTV) và NTV hư hỏng.
Để đảm bảo việc phát sóng không bị gián đoạn, NTV đã đề nghị viễn thông Nam Định kéo cáp quang cho hệ thống truyền hình cáp. NTV cũng đề nghị VTV cho mượn thiết bị để phát sóng, đề nghị VTV và Truyền hình An Viên (AVG) góp vốn để xây dựng lại công trình. Ông Tú cũng cho biết cột phát sóng của Đài PTTH huyện Giao Thủy cũng bị gãy đổ do gió bão.
Đến 17g ngày 29/10, NTV đã cấp lại hệ thống truyền hình cáp đến tất cả các huyện trong tỉnh. Riêng sóng truyền hình analog vẫn đang tiếp tục được khắc phục.
Tháp truyền hình Nam Định sau khi đổ như những cọng bún – Ảnh: VIỆT DŨNG
Video đang HOT
Chưa xác định có vấn đề chất lượng hay không
Sáng 29/10, lực lượng cảnh sát bảo vệ đã căng dây bảo vệ hiện trường, không cho người dân ra vào khu vực xảy ra vụ đổ tháp. Một số cán bộ Công an Nam Định đã đến xem xét, ghi hình hiện trường. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tú khẳng định đó chỉ là người đến làm việc quay lại hình ảnh chứ hoàn toàn không có chuyện khám nghiệm hiện trường.
Ông Tú khẳng định nguyên nhân xảy ra sự cố là do gió bão quá to, gió giật làm đổ cột tháp nên có thể kết luận được nguyên nhân như vậy. Việc có điều tra hay không, ông Tú cho rằng còn chờ sự chỉ đạo của tỉnh. Về việc có hay không một phần nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo, ông Tú khẳng định không phải. Ông Tú cho biết thiết bị của công trình được nhập từ Malaysia, toàn bộ đều nhập khẩu và đều đã được kiểm tra chất lượng.
Về thi công, ông Tô Văn Hùng – giám đốc Công ty TNHH một thành viên công trình Viettel, đơn vị thi công tháp truyền hình NTV – cho biết đơn vị chỉ thi công phần móng và lắp dựng cột nên cứ đúng theo thiết kế mà làm. Ông Hùng khẳng định đơn vị đã làm đúng theo thiết kế, đã bàn giao cho NTV từ tháng 6/2010. Theo ông Hùng, khi xảy ra sự cố đã quá thời gian bảo hành 12 tháng nên đơn vị thi công không liên quan.
Vết gãy như một nhát cắt – Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhìn từ góc độ người trong nghề, ông Trương Mỹ – kỹ sư quản lý chất lượng hạ tầng mạng Gmobile – cho biết, một công trình xây dựng phải xét đến ba bài toán: thiết kế, gia công, lắp dựng. Nếu công trình bị sập phải kiểm tra lại toàn bộ quy trình trên. Thông thường nếu thiết kế đúng và thi công đúng theo thiết kế thì khó mà sập được.
Ông Mỹ còn cho biết thêm trong xây dựng công trình sau khi thiết kế phải nhân với hệ số an toàn. Hệ số này được lựa chọn tùy theo chủ đầu tư cũng như mức độ quan trọng của công trình. Hệ số an toàn càng lớn thì độ bền, khả năng chịu lực của công trình càng cao. Tuy nhiên hệ số an toàn càng cao thì giá thành xây dựng cũng tăng lên tương ứng. Để xác định chính xác nguyên nhân tháp truyền hình NTV bị đổ cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Ông Lê Huy Lộc (chuyên gia về kết cấu công trình dây tải điện): Cần xem lại thiết kế
Theo tiêu chuẩn VN về tải trọng và tác động – tiêu chuẩn thiết kế (TCVN 2737 – 1995) hiện hành các công trình ở TP Nam Định phải thiết kế với cấp gió IV.B theo phân vùng áp lực gió. Nghĩa là lực gió tác dụng lên cột tối đa 155 daN/m2 (hay gọi là kg/cm2). Tính theo tốc độ gió, tháp truyền hình phải chịu được áp lực gió gần 48,9 m/giây (tương đương cấp 15).
Theo tốc độ gió mạnh nhất mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương ghi nhận được thực tế tại Nam Định trong bão số 8 thì cũng chỉ là gió giật cấp 12 (tương đương 32,7-36,9m/giây). Như vậy gió bão ở Nam Định chưa đạt tới cấp gió theo quy chuẩn mà công trình cột tháp truyền hình có thể chịu đựng được, vậy tại sao đổ cột?
Trước hết cần làm rõ ban quản lý dự án đặt mua cột từ Malaysia thì có căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn để đưa ra các thông số kỹ thuật cho phía bán hàng không. Hoặc đơn vị tư vấn thẩm định không soát xét để mua, lắp đặt tháp truyền hình đúng yêu cầu.
Qua ảnh chụp tôi thấy tháp quá thanh mảnh. Tôi từng tham gia thiết kế cột tháp vượt sông Amur tại Liên Xô cũ cũng cao 180m, thiết kế cột điện vượt sông Hồng cao 150m cũng kiểu ống thép này nhưng kết cấu vững chắc hơn nhiều. Có thể người đi mua hàng không nêu rõ đầu vào thế nào nên vấn đề này phải tìm hiểu. Nếu đặt hàng theo yêu cầu, đủ thông số kỹ thuật chắc chắn sẽ đảm bảo.
Nếu còn bản vẽ thiết kế công trình phải tìm hiểu người duyệt là ai, khi duyệt thiết kế của cột có làm công tác thẩm định thiết kế theo quy định hay không. Muốn biết sai thế nào phải có bản vẽ thiết kế và đi thẩm định thiết kế đó. Giờ khôi phục lại tháp thì phải làm rõ vì sao tháp đổ. Nếu không làm rõ mà khôi phục thì lại mắc sai lầm.
Theo 24h
Lý giải sự bất thường siêu bão Sơn Tinh
Không tuân theo quy luật, siêu bão Sơn Tinh đi từ bất thường này sang bất thường khác khiến chính nhà dự báo cũng bị bất ngờ.
Ngay sau khi cơn bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, 2 cơ quan dự báo là Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đã có cuộc họp khẩn nhằm rút kinh nghiệm.
Không thể ngờ tới sức mạnh của bão
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, Bùi Minh Tăng, đặc điểm của bão ở nước ta là từ mùa hè tới tháng 8-9 là bão sẽ đổ bộ vào miền Bắc. Từ tháng 10 trở đi, xu hướng là sẽ lệch dần về miền Trung và tháng 11 lệch dần về miền Nam. "Nói vậy không có nghĩa vào tháng 10 không có bão vào Bắc bộ, nhưng thời điểm này mà bão đi vào miền Bắc là khá bất thường. Không chỉ lướt dọc bờ biển, cường độ bão cũng rất phức tạp".
Cụ thể, ông Tăng cho biết, lúc xuất hiện mới chỉ cấp 8. Từ ngày 23/10 bão đã mạnh lên và đã được cảnh báo sẽ mạnh nhất đạt cấp 12 khi tới Hoàng Sa. Tuy nhiên khi đã vào tới nam vịnh Bắc bộ, ngang tỉnh Quảng Trị thì chỉ trong buổi chiều 27/10 bão đột nhiên"nhảy" từ cấp 12 lên cấp 14. "Trong vòng có 4-5 tiếng thì việc nhảy cấp này không có mô hình đài nào có thể dự báo trước được, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Các đài đều cho rằng bão chỉ đạt cấp 12 sau đó giảm cấp. Không ai tính toán được là vào tới đó mà bão còn mạnh lên" ông Tăng thừa nhận.
Đê biển nối cảng Hòn La với đảo Hòn Cỏ đã bị sóng đánh vỡ (Ảnh: Quốc Nam/Sài Gòn tiếp thị)
Phải cho tới 21 giờ ngày 26/10, cơ quan dự báo mới cập nhật thêm khả năng bão sẽ đi vào khu nam đồng bằng Bắc bộ, báo động rằng vùng gió mạnh sẽ kéo ra tới tận tỉnh Quảng Ninh. "Khi bão đi vào biển Đông, Bộ trưởng Cao Đức Phát có hỏi tôi liệu bão có đi về phía Nam không, tôi đã trả lời bão nhiều khả năng lệch Bắc chứ không lệch Nam" ông Tăng cho biết.
Dự báo chỉ là dự báo thôi!
Cho rằng cơn bão số 8 là cơn bão hiếm có, Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Bùi Văn Đức lý giải, mùa này là mùa bão tập trung vào miền Trung và chủ yếu đi vào phía Nam Trung bộ. Nhưng cơn bão Sơn Tinh xuất phát từ vĩ độ tương đương miền Trung song lại đi ra phía Bắc và vào tới bờ rồi lại quay ra.
"Về dự báo, chúng tôi đã theo dõi bão sát sao, điều chỉnh kịp thời mỗi khi nhận biết được các dấu hiệu thay đổi. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình. Còn qua theo dõi chúng tôi cũng biết ở một số địa phương ven biển có thiệt hại lớn là rất đáng tiếc. Tôi nghĩ khi đã có những thiệt hại lớn về người và của thì không ai dám nói là mình đã hoàn thành tốt, nhưng chúng tôi chỉ có thể nói là chúng tôi đã cố gắng hết sức mình" ông Đức nói.
Lúc 12h, gió bão ở khu vực Hoằng Trường (Thanh Hóa) giật cấp 8, cấp 9, biển động dữ dội (Ảnh: Đồng Thành/Khampha.vn)
Trước thông tin hoàn toàn có thể dự báo bão mạnh lên phía Bắc ngay từ 26/10, tại sao lúc đó bản tin phát trên truyền hình vẫn đưa tin bão tiến vào khu vực miền Trung? Ông Đức cũng thừa nhận mặc dù đã phát hiện rãnh gió Tây Nam trên cao nhưng nó còn phát triển và thay đổi chứ không phải như đoàn tàu đi theo một đường cố định. Lúc nó có thể mạnh lên, lúc lại yếu đi.
"Người làm công tác dự báo không thể dám chắc gió Tây xuất hiện thì cơn bão sẽ đi thế này thế kia, và chúng tôi cũng đã tham khảo tất cả các mô hình dự báo khác. Khi chúng tôi phải trình bày trước Ban chỉ đạo PCLB Trung ương thì chúng tôi phải phân tích tất cả khả năng, có thể xác suất rất nhỏ song vẫn phải nói để ban chỉ đạo lường trước được mọi tình huống, nhưng trong bản tin thì chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ vì nói cho dân thì chỉ được chọn một cái, không thể đưa ra nhiều tình huống thì bà con biết đường nào mà chọn. Dự báo chỉ là dự báo thôi".
Theo ông Đức, người dân cũng có chút hiểu biết về quy luật của khí hậu, như mùa này thì bão dồn vào miền Trung và dần dần vào miền Nam. Chính sự "hiểu" này dần dần làm bà con mình chủ quan khi cơn bão số 8 đổ bộ.
Theo 24h
Bão Sơn Tinh suy yếu nhanh Sáng nay (29/10), sau khi đi vào khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh, bão số 8 đã suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của bão số 8, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được tính đến...