Thấp thỏm nuôi tôm nước lợ
UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp với huyện Nhà Bè và Cần Giờ tăng cường nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, nhiều nông dân nuôi tôm tỏ ra khá lo lắng trước thực trạng tôm mất giá và mùa dịch bệnh phát triển.
Lo “gãy” vẫn làm
Ông Phan Văn Chính – một nông dân nuôi tôm (tổ 17, xã Bình Khánh, Cần Giờ) cho biết, khu vực nuôi tôm ở Cần Giờ là vùng dịch bệnh, nhất là vào những tháng cuối năm khi thời tiết giao mùa, vì thế đẩy mạnh việc nuôi tôm vào thời điểm này sẽ khá rủi ro, chưa kể giá tôm trên thị trường đang rớt sâu.
Nông dân xã Hiệp Phước (Nhà Bè) chuẩn bị vào vụ nuôi tôm nước lợ. Ảnh: T.Đ
Ông Chính có đến 5ha diện tích nuôi tôm công nghiệp, được chia ra 12 ao. Ông đang cho xây một hồ nuôi ương tôm rộng 100m2 với hy vọng hạ thấp tỷ lệ tôm giống thả ra ao bị chết. “Trước đây khi mua tôm giống về là tôi thả ra ao nuôi chứ không ương tôm giống trước. Làm như vậy tỷ lệ chết tôm giống hơn 50 %. Cụ thể tôi thả 12 ao thì “vứt” 6 ao. Khu vực này là vùng dịch bệnh phát triển mạnh nên nuôi tôm phải rất cẩn thận” – ông Chính nói.
Một tháng trước ông đã thả nuôi 6 ao tôm. Hỏi sao ông không thả hết 6 ao còn lại ông bảo nước đang ngọt không đủ độ lợ nên phải chờ đến đầu tháng 10 tới.
Theo ông Chính, giá tôm cũng không thuận lợi cho việc thả giống. “Hiện, giá tôm trên thị trường khá thấp. Tôm hơn 30 con/kg bán tại chợ đấu mối Bình Điền (quận 8) chỉ khoảng 140.000 đồng, trong khi đó giá thường phải là 190.000 đồng/kg”- ông Chính nói.
Video đang HOT
Tại tổ 17, có khoảng 40 hộ dân thì có đến hơn 40ha ao tôm. Ao tôm núp sau những đám dừa nước, ken dày hai bên đường vào tổ. Một số hộ nuôi tôm đã bắt đầu thả giống, số khác mới xử lý đất ao…
Trong khi đó, tại xã Hiệp Phước (Nhà Bè), trong số 7 ao tôm thì ông Huỳnh Công Phúc mới chỉ thả giống có 3 ao. Ông cũng cho biết một số hộ nuôi tôm lân cận cũng đã thả tôm giống. “Không muốn thả giống cũng không được vì chủ ao tôm đã “ăn chịu” với cửa hàng vật tư nông nghiệp rồi”- ông nói. Theo ông Phúc, khá nhiều hộ nuôi tôm không tuân thủ kỹ thuật làm ao, quy trình thức ăn, con giống… Họ nuôi tự phát nên rất dễ đón nhận rủi ro, nhất là vào những lúc giao mùa tôm thường phát bệnh.
Tại khu vực ấp 2, 3, 4 (xã Hiệp Phước) có hơn 200ha diện tích ao nuôi tôm đang chuẩn bị thả giống nuôi tôm nước lợ.
Ngại thả giống tôm nước lợ
Theo ông Trương Văn Năm – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cần Giờ ( Trung tâm Khuyến nông TP.HCM), việc tăng cường thả nuôi tôm nước lợ vào những tháng cuối năm nay đã được trạm triển khai đến các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Ông cũng cho biết, thời điểm này, một số xã nuôi tôm ở huyện như xã Bình Khánh nước đang bị ngọt hóa nên diện tích nuôi tôm giảm nhiều. Bên cạnh đó, tôm mất giá, thời điểm hiện nay dễ bùng phát dịch bệnh cũng khiến một số hộ nuôi tôm ngán ngại thả tôm giống vào lúc này. Hiện, Cần Giờ có khoảng 3.000 ha diện tích nuôi tôm. Tuy nhiên, những năm qua do một số hộ nuôi tôm chưa đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, dẫn tới ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lan rộng, tôm chết sớm gây thiệt hại kinh tế lớn cho nông dân. Theo UBND huyện Cần Giờ, thời gian tới huyện sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm; đưa khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm để nông dân tiếp cận mô hình hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.
Trong khi đó, Hợp tác xã dịch vụ Hiệp Thành (Nhà Bè) cũng vừa tổ chức tập huấn cho gần 50 hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện để triển khai việc nuôi tôm nước lợ đón vụ tôm tết cuối năm nay. Theo ông Trần Văn Mùa – thành viên Hội đồng quản trị HTX Hiệp Thành, hiện nay một số hộ nuôi tôm tỏ ra ngán ngại thả giống tôm nước lợ do giá cả thấp và vào thời điểm giao mùa. “Phải bước qua tháng 10, các hộ nuôi tôm mới ồ ạt thả giống” – ông Mùa nói.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhà Bè Phạm Văn Quý cho biết, Nhà Bè hiện có khoảng 400ha diện tích nuôi tôm. Tập trung chủ yếu tại xã Hiệp Phước và Nhơn Đức. Tuy nhiên, vào thời điểm này chỉ có những hộ nuôi tôm khu vực ven sông Soài Rạp (xã Hiệp Phước) là có nước lợ để nuôi tôm, còn những xã nằm xa sông Soài Rạp thì nước đã hoàn toàn ngọt hóa nên không thể nuôi tôm được.
Theo Danviet
Tôm Việt Nam kỳ vọng thành thương hiệu hàng đầu thế giới
Vấp phải vô vàn rào cản, khó khăn, việc tìm ra giải pháp để con tôm nâng cao giá trị kinh tế là cực kỳ quan trọng. "Các ngành, các cấp cần khẩn trương xây dựng sản phẩm con tôm Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia và hướng đến Việt Nam hình thành ngành công nghiệp tôm" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Hôm qua (14.9), tại TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Bộ NNPTNT phối với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị "Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ". Với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long cùng các viện, trường và ngành nông nghiệp 27 tỉnh, thành ven biển phía Nam.
Nhiều rào cản, khó khăn
Người dân huyện Châu Thành, Trà Vinh thu hoạch tôm. Ảnh: H.X
Tính đến đầu tháng 9, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước hơn 664.000ha, (bằng 101% so với kế hoạch); trong đó diện tích nuôi thả nuôi tôm sú hơn 587.000ha, tôm thẻ chân trắng hơn 76.000ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 334.000ha, (bằng 104% so với kế hoạch). Phấn đấu cuối năm 2016, cả nước thả nuôi tôm nước lợ đạt hơn 683.000ha, với sản lượng hơn 680.000 tấn.
Nói về việc phát triển con tôm nước lợ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Việt Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, nhất là các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau có tiềm năng, lợi thế nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản. Trong đó, mô hình nuôi tôm nước lợ đang được đánh giá cao, ít tác động đến môi trường".
Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: "Tính đến đầu tháng 9, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước hơn 660.000ha. Mô hình nuôi tôm nước lợ hiện có sự thay đổi về cơ cấu đối tượng nuôi, khi người dân đã chuyển sang nuôi tôm sú trở lại, với trên 580.000ha".
Tại hội thảo, lãnh đạo Sở NNPTNT các địa phương cho rằng: Mô hình nuôi tôm nước lợ và xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do công tác giám sát vùng nuôi, đặc biệt là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh chưa có hiệu quả; hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm nước lợ chưa đảm bảo...
"Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho ao nuôi chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; khó kiểm soát chất lượng giống thủy sản; giá thành sản xuất tôm trong nước còn cao hơn các nước trong khu vực nên khó cạnh tranh; thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do gặp phải hàng rào kỹ thuật, thuế quan..." - ông Cẩn cho biết thêm.
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NNPTNT) nêu thực trạng: "Tình trạng bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, tồn dư kháng sinh vẫn còn diễn ra, làm mất uy tín thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường thế giới...".
Tập trung biến tôm thành thương hiệu
Nhiều giải pháp để phát triển các mô hình nuôi tôm nước lợ trong thời gian tới đã được các đại biểu đưa ra mang tính khả thi cao. Một số đại biểu cũng lo lắng về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm tôm xuất khẩu, như: Cần có chế tài xử phạt thật mạnh đối với hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu; buộc các nhà máy chế biến cam kết không thu mua tôm nguyên liệu có bơm chích tạp chất...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, mô hình nuôi tôm nước lợ ở địa phương trong thời gian qua đạt năng suất còn thấp; thường xuyên đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh; môi trường đất, nước đang có dấu hiệu suy thoái, ô nhiễm; hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm thủy sản còn thấp...
"Vì vậy, để con tôm nâng cao giá trị kinh tế, các ngành các cấp cần khẩn trương xây dựng sản phẩm con tôm Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia và hướng đến Việt Nam hình thành ngành công nghiệp tôm" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Song song đó, trong thời gian tới để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, phát triển vùng nuôi được thuận lợi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tập trung trọng tâm vào các công việc cụ thể: Theo đó, trước mắt các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các giải pháp quản lý tiên tiến vào sản xuất; tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng nuôi, ao nuôi; tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung triển khai xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng; phát triển mở rộng một số diện tích tôm- lúa ở những nơi có đủ điều kiện; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt Nam hàng đầu thế giới...
Theo Danviet
Con tôm Việt Nam: 2 khâu "ngon nhất" - nước ngoài hưởng lợi Cùng với giống, một khâu thiết yếu đối với ngành tôm là thức ăn hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ gần như 100% thị phần cho các doanh nghiệp nước ngoài. Để phát triển ngành tôm nước lợ, mới đây, Tổng cục Thủy sản đã kiến nghị Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ đưa con tôm trở thành "sản phẩm chiến lược quốc...