Thấp thỏm chờ tan bão số 10 để làm cầu cho dân đi dịp Tết
15 năm làm cầu cho dân đi, sau mỗi lần cầu bị lũ cuốn, ông Thuận lại làm lại, có năm 2-3 lần làm cầu như thế. Mưa lũ chưa lúc nào “cuốn đứt” mong ước “nối đôi bờ vui” của người đàn ông này.
15 năm qua, ông Nguyễn Xuân Thuận làm cầu gỗ bắc qua sông Cái – con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hòa để cho dân đi
Những ngày này, khi cơn bão Nock-ten đang quần thảo trên Biển Đông, giật cấp 13-14 khiến ông Nguyễn Xuân Thuận (54 tuổi, xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang) đứng ngồi không yên. Người đàn ông này hàng ngày theo dõi tin tức về cơn bão để sớm có phương án khắc phục lại cầu gỗ Phú Kiểng – đã bị nước lũ trên sông Cái cuốn trôi 2 lần trong gần 2 tháng qua.
Cha ông ngày trước đưa đò trên sông nên ông thấu hiểu sự gian nan của người dân khi bị cách trở đò ngang. Lớn lên, ông nhận thấy nhu cầu qua lại của người dân đôi bờ đoạn qua xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang) ngày càng cao nên từ năm 2001, được sự đồng thuận của địa phương, ông đã bỏ tiền ra làm một cây cầu gỗ dài 400m để giúp học sinh, giáo viên, người dân… qua lại.
Đến nay, cầu gỗ Phú Kiểng do ông gây dựng đã qua 15 năm gắn bó với người dân. Tuy nhiên, cũng ngần ấy thời gian, cây cầu này bị lũ cuốn trôi mỗi khi mưa bão ập tới. Năm 2008, cây cầu này bị cuốn trôi đến 3 lần, còn năm nay bị cuốn trôi 2 lần.
Sau những lần cầu bị mưa lũ cuốn phá, ông Thuận lại mua vật tư, ván gỗ… làm lại cầu cho dân đi. Có lẽ, mong ước “nối đôi bờ vui” trong người đàn ông này chưa lúc nào bị cắt đứt bởi nước lũ. Có những lần khi cầu đang được khắc phục, chỉ còn vài nhịp thì lại bị lũ cuốn.
Cầu gỗ Phú Kiểng (TP Nha Trang) đang khắc phục còn vài nhịp trước lúc bị cuốn trôi lần thứ 2 trong đợt mưa lũ giữa tháng 12 năm nay
Video đang HOT
Vào đầu tháng 11 năm nay, cầu gỗ này bị nước lũ cuốn trôi 300m. Những ngày sau đó, cuộc sống của người dân đôi bờ bị đảo lộn, nhất là với hàng nghìn người dân ở phía bắc sông Cái. Nhiều giáo viên, học sinh phải đi thuyền hoặc bất chấp tính mạng chui hầm tàu hỏa đến trường.
Tưởng rằng lũ đã qua, người đàn ông mua 150 triệu đồng ván gỗ, 200 triệu đồng tiền sắt lót đà, cùng 10 nhân công… trầm mình trong mưa gió làm lại. Điều đáng tiếc, khi cầu được khắc phục 2/3 thì lại bị lũ cuốn vào giữa tháng 12. Không ít người xót xa, nuối tiếc khi những thanh sắt bị gỉ sét, những thanh ván gỗ còn mới nguyên… bị nước lũ cuốn đứt, nằm vương vãi.
2 lần cầu bị nước lũ cuốn, người đàn ông điêu đứng. “Tốn công, tốn sức vì lũ nó xé nát hết cả rồi! Tôi cho anh em trục vớt lại một ít để còn khắc phục lần sau”, ông chủ cầu bùi ngùi tâm sự. Thiệt hại liên tiếp chưa cho phép người đàn ông này vội làm lại cầu dù Tết nguyên đán đang đến gần.
“Tôi dự định khi bão Nock-ten tan thì mới cho làm lại cầu. Có lẽ phải đến đầu tháng 1/2017 mới khởi động và cố gắng hoàn thành trước Tết Nguyên đán 10 ngày”, ông nói.
Theo người đàn ông này, hiện phải mua vật tư thêm hàng trăm triệu đồng để khắc phục lại cầu. “Làm cầu này chủ yếu là để làm phước chứ không hẳn là để thu phí. Nếu không bị lũ cuốn thì mỗi năm đều phải thay mới toàn bộ hàng trụ, gia cố ván lại vì hà dưới sông nó ăn mục gỗ, mất an toàn. Còn năm nay lũ lớn, cầu bị cuốn trôi 2 lần thì chẳng còn gì, cháy túi”, ông chia sẻ.
Hiện nay, cầu đã bị cuốn trôi hoàn toàn, chờ ngày khắc phục. Trong ảnh: đoạn khắc phục trước khi bị cuốn lần thứ 2 trong năm nay
Để có vốn duy trì việc làm cầu, ông Thuận thu mức phí 2.000 đồng/lượt xe máy, xe đạp 1.000 đồng/lượt; miễn phí cho học sinh, giáo viên, bộ đội, công an, gia đình chính sách…
Chủ tịch xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang) – ông Lê Văn Mỹ cho biết, năm nay cầu gỗ bị cuốn 2 lần thiệt hại hơn nửa tỷ đồng: “Ông Thuận là người tự bỏ tiền ra làm cầu cho dân qua lại, mỗi năm đóng cho địa phương 6 triệu đồng”.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án xây cầu kiên cố thay cho cầu gỗ Phú Kiểng đã được thông qua. Theo đó, cầu xây mới có chiều dài khoảng 400m, cách cầu đường sắt hiện hữu 75m về phía hạ lưu. Đây là dự án cầu kết hợp với đập ngăn mặn, có tổng mức đầu tư 760 tỷ đồng nằm trong Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ. Trước mắt, ngân sách TƯ bố trí 265 tỷ đồng để thực hiện dự án này. Tuy nhiên, Chủ tịch xã Vĩnh Ngọc cho biết, hiện kế hoạch cụ thể thì chưa nghe gì.
Viết Hảo
Theo Dantri
Bão số 10 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Đêm qua (27/12), sau khi đi vào khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, bão số 10 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Từ ngày 29/12/2016 đến 1/1/2017, các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng.
Bão số 10 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (Ảnh: NCHMF).
Hồi 1h sáng nay (28/12), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 280km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9-10.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 20km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10, sóng biển cao 2-4 mét. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Mưa lũ xuất hiện ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ
Đêm qua (27/12) không khí lạnh đã ảnh hưởng tới các tỉnh Nam Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, vùng biển Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo: Ngày hôm nay (28/12), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở các tỉnh miền Bắc trời rét, vùng núi có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 12-15oC, vùng núi 10-12oC, vùng núi cao dưới 10oC. Hà Nội trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16oC.
Vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Cảnh báo: Từ ngày 29/12/2016 đến 1/1/2017, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng (100-300mm/đợt), trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở mứcbáo động 1 (BĐ1)-BĐ2, riêng tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên lũ lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Bão cấp 12 trên biển Đông Chiều 26/12, bão Nock-ten đã đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 10 trong năm. Bão được dự báo sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền Việt Nam. Sau khi đổ bộ vào đảo Catanduanes thuộc miền trung Philippines với sức gió mạnh nhất 180 km/h (cấp 15), bão Nock-ten đã đi vào khu...