Thắp lại giấc mơ Thể Công
Chức vô địch mùa giải 2020 cho thấy vị thế đặc biệt của bóng đá quân đội.
Thời thế có thể xoay vần, nhưng lò đào tạo Viettel mà tiền thân là Thể Công vẫn cho thấy giá trị của mình. Và cũng vì điều này mà nhiều người yêu mến đội bóng lại được sống trong hy vọng về một ngày Thể Công sẽ trở lại.
Cái tên mất đi nhưng giá trị vẫn còn
Không phải ngẫu nhiên mà Thể Công được gọi là tượng đài bóng đá số 1 Việt Nam. Không tính quãng thời gian trước năm 1975 vốn mặc định Thể Công là đại diện ưu tú nhất thì kể từ năm 1980, Thể Công hay CLB Quân đội luôn là đội bóng dẫn đầu các cuộc đua. Tính đến năm 1998, đội bóng này đã có 5 chức VĐQG. Đáng nói, năm 1980, khi giải VĐQG lần đầu tiên được tổ chức thì Thể Công không tham dự do đội 1 trải qua giai đoạn chỉnh huấn tại trường Sỹ quan Lục quân 1. Và một thập kỷ qua, Viettel vốn chỉ chuyên tâm làm bóng đá trẻ nhưng ngay sau khi trở lại, Viettel đã có chức vô địch V.League.
Dẫu dòng chảy phát triển của Thể Công hay Viettel đã có những đứt gẫy từ năm 2009 nhưng về cơ bản, hồn cốt, hệ thống của đội bóng này vẫn còn. Từ năm 2005, Thể Công được chuyển từ Cục Quân huấn sang Viettel để phù hợp với xu thế bóng đá chuyên nghiệp. Từ năm 2005, cho dù Thể Công mang tên Thể Công Viettel, hay Viettel thì mô hình hoạt động vẫn không hề thay đổi. Đến năm 2009, sau những ồn ào của giai đoạn cuối mùa giải, Thể Công được đổi tên thành CLB Viettel. Phiên hiệu Thể Công được chuyển về Trung tâm tâm Thể thao Quân đội quản lý và có phân bổ biên chế phụ trách để chờ ngày trở lại. Viettel sau đó chuyển suất chơi chuyên nghiệp cho Thanh Hóa nhưng CLB thì vẫncòn và từ thời điểm đó, họ chỉ chuyên tâm vào đào tạo trẻ chuyên sâu và chỉ trở lại bóng đá đỉnh cao khi có những con người mới chất lượng cao.
Video đang HOT
Thầy trò HLV Trương Việt Hoàng đã vô địch V.League ngay trước mắt kình địch Hà Nội Ảnh: Quốc An
Sống lại giấc mơ
Cách đây vài năm, khi Viettel trở lại với giải hạng Nhất, một số cựu cầu thủ và những người yêu mến Thể Công đã phát động cuộc vận động lấy lại tên Thể Công. Đặc biệt, trước mùa giải 2019, đã có những cuộc hội thảo được tổ chức nhằm dọn đường cho việc lấy lại phiên hiệu Thể Công. Tuy nhiên, sau rất nhiều cân nhắc, đội bóng tiếp tục sử dụng tên gọi Viettel tham dự V.League. Một thông điệp được phát đi, thương hiệu Thể Công sẽ trở lại khi Viettel thực sử trở thành một thế lực hùng mạnh ở V.League. Các nhà quản lý muốn huyền hoại Thể Công một khi tái xuất phải thực sự hùng mạnh, lôi cuốn và có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ bóng đá.
Chức vô địch V.League 2020 của Viettel được giới chuyên môn và NHM đánh giá rất cao. Nó cho thấy bản lĩnh, khát vọng, sự hiệu quả và những giá trị đặc biệt mà Viettel sở hữu. Đó là sự bài bản trong đào tạo, chất thép trong thi đấu và sự hùng mạnh về tài chính. Đó cũng chính là những nền tảng để biến Viettel thành một trung tâm quyền lực của bóng đá nước nhà. Và cũng từ đây, nhưng người yêu mến đội bóng lại được sống lại giấc mơ tái hồi phiên hiệu Thể Công vốn đã trở thành niềm tự hào của bóng đá Quân đội.
Thể Công trở lại không phải giấc mơ xa vời. Nhưng, với những người am hiểu tình hình, giấc mơ ấy đòi hỏi phải có thời gian mới có thể thực hiện. Hay nói cách khác, Viettel cần có thêm nhiều chức vô địch. Họ phải thực sự xứng đáng là những người kế tục xuất sắc truyền thống Cơn lốc đỏ vốn đã đi vào huyền thoại. Một thế đứng vững chắc, một lối chơi có bản sắc và sự chuyên nghiệp ở mức độ cao chính là những lý do quyết định cho phiên hiệu Thể Công trở lại.
Chức vô địch của hoài niệm áo lính
11 năm từ thời điểm phiên hiệu Thể Công biến mất, 22 năm từ khoảnh khắc cuối cùng đội quân áo lính huyền thoại ấy bước lên đỉnh cao nhất của bóng đá nước nhà, chức VĐQG 1998, Viettel đăng quang V.League 2020. Một chức vô địch của hiện tại nhưng là gạch nối nhắc nhớ về hoài niệm đẹp của màu áo lính tung hoành trên sân cỏ trong quá khứ.
Viettel đăng quang V.League 2020.
Người khắt khe cho rằng giữa Thể Công huyền thoại và Viettel hiện tại thực tế chẳng hề liên quan đến nhau. Không sai về mặt lý trí. Nhưng với cảm xúc, cân đo đong đếm là điều không thể. Bằng chứng là khoảnh khắc Viettel đăng quang, ký ức hào hùng về Thể Công, tượng đài lừng lẫy một thời của bóng đá nước nhà lại ùa về. Đó đơn giản là sự tiếp nối truyền thống vẻ vang của bóng đá Quân đội.
Điều đáng nói, trong chiến thắng của Viettel cũng in đậm dấu ấn của những chàng trai mặc áo lính. HLV Trương Việt Hoàng có thể xem như gạch nối của lịch sử. Vị chiến lược gia đầy cá tính này chính là thành viên CLB Quân đội giành chức vô địch giải VĐQG 1998. Trong khi đó, một thành viên quan trọng khác, trung vệ Bùi Tiến Dũng, thủ quân CLB Viettel cũng trưởng thành từ quân đội.
Có lẽ từ chất những thành viên trưởng thành trong quân đội, từ truyền thống hào hùng của Thể Công, Viettel đã chinh phục đỉnh cao V.League 2020 một cách đầy chất lính. Họ đánh chắc tiến chắc bằng lối chơi "phòng ngự chặt, phản công nhanh" để cuối cùng bước lên bục vinh quang. Bằng chứng là với lối đá không hoa mỹ nhưng vô cùng hiệu quả này, Viettel liên tiếp giành những chiến thắng với tỷ số tối thiểu 1-0 (5/7 trận). Ngoài ra, Viettel có chuỗi 7 trận bất bại, bao gồm mạch 6 trận liền không bị thủng lưới. Thành tích này giúp Viettel san bằng kỷ lục 6 trận giữ sạch lưới của Bình Định năm 2006.
Càng đáng nể hơn, sự chắc chắn của Viettel đến từ sức mạnh nội lực nhiều hơn là đẳng cấp ngoại binh. Không thể phủ nhận bộ đôi Caique và Bruno có những đóng góp đáng kể trong hành trình chinh phục chức vô địch của đội bóng áo lính nhưng điểm nhấn vẫn đến từ nội binh. Sự chắc chắn của hàng thủ được hình thành từ bộ đôi trung vệ ĐTQG là Quế Ngọc Hải và Bùi Tiến Dũng. Phía trên là sự bền bỉ của Trọng Hoàng, cũng như những khoảnh khắc lóe sáng của những tài năng mới nổi như Đức Chiến, Khắc Ngọc hay Hoàng Đức.
Cuối cùng, để hoàn tất màn chinh phục ngôi vương là cú nước rút thần tốc ở đoạn cuối mùa giải. 7 trận cuối mùa, Viettel bất bại, thắng tới 6 trận và chỉ 1 lần duy nhất bị cầm hòa. Thực tế, trận hòa ấy thầy trò Trương Việt Hoàng lại được nhiều hơn mất, bởi đối thủ là Hà Nội. Nhờ 1 điểm trên sân Hàng Đẫy ấy, Viettel nắm toàn quyền tự quyết trong cuộc đua đến chức vô địch với đội bóng vẫn được đánh giá là hùng mạnh nhất V.League.
Xúc cảm càng dâng trào ở vòng đấu hạ màn, khi Viettel làm khách của Sài Gòn trên sân Thống Nhất còn Hà Nội chinh chiến trên sân Cẩm Phả của Quảng Ninh. Viettel buộc phải thắng để chắc chắn đăng quang. Và những người hâm mộ đội bóng này đã được trải qua 90 phút nghẹt thở thực sự khi thầy trò Trương Việt Hoàng chỉ có thể dẫn trước đội chủ nhà với tỷ số 1-0. Chỉ một sơ suất nhỏ, mọi công sức trong suốt mùa giải của Viettel đều bỏ bể. Bi kịch ấy đã đến rất gần qua cú sút dội xà của Quốc Phương. Nhưng chung cuộc, Viettel đã thắng 1-0, vẫn 1-0.
Sau khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc, mọi thành viên Viettel đều như vỡ òa cảm xúc. Mọi thứ càng trở nên lung linh huyền ảo trên nền ca khúc "Hát mãi khúc quân hành" vốn được người hâm mộ đồng thanh hát vang trong suốt 90 phút. Viettel đăng quang, xen lẫn đâu đó là tiếng hô Thể Công vô địch. Dù muốn chối bỏ hay không thì chiến quả này vẫn là gạch nối lịch sử, vẫn làm vẻ vang màu áo lính.
Nhưng, có lẽ sau đỉnh vinh quang này, đã đến lúc người hâm mộ cất Thể Công vào kỷ niệm. Thể Công là huyền thoại, là viên gạch dựng xây nền bóng đá nước nhà nhưng Viettel mới là hiện tại. Đội bóng này không chỉ đánh thức niềm tự hào áo lính mà còn chứng minh mô hình doanh nghiệp nhà nước vẫn có thể làm bóng đá thành công trong dòng chảy chuyên nghiệp. Không những thế, Viettel còn trở thành kẻ soán ngôi và là đối trọng của Hà Nội tại V.League, sau nhiều năm đội bóng này thống trị.
Đối với thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, cạnh tranh là yếu tố tiên quyết để phát triển, bên cạnh tình yêu và niềm tự hào, những thứ Viettel sẵn có từ Thể Công.
VFF bỏ mô hình 'siêu mẫu' Sau rất nhiều năm sử dụng mô hình "siêu mẫu" cho các giải vô địch quốc gia, VFF từ mùa bóng sau dần đoạn tuyệt với kiểu tổ chức không giống ai để đi theo xu hướng... cả làng cùng vui. Đã rất lâu rồi, giới chuyên môn kêu gọi các nhà làm bóng đá Việt Nam cần bãi bỏ cách tổ chức...