Tháo “ngòi nổ” hàng không
“Ngòi nổ” của một cuộc chiến thương mại giữa Liên minh châu Âu với các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… đã tạm được tháo gỡ khi Ủy ban châu Âu (EC) tạm dừng kế hoạch cấp phép phát thải khí carbon cho các hãng hàng không.
EC muốn các hãng hàng không đến châu Âu phải mua hạn ngạch khí thải
Quyết định tạm dừng kế hoạch buộc các hãng hàng không trên thế giới phải mua giấy phép phát thải khí carbon khi tới các sân bay ở châu Âu được EC đưa ra ngày 12-11. Tuy quyết định từ cơ quan hành pháp của EU chỉ có giá trị trong thời gian nhất định song cũng đủ ngăn chặn một cuộc chiến thương mại giữa EU với các cường quốc thế giới ngoài châu Âu.
Trước đó, các cường quốc thế giới ngoài châu Âu, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc đã phản đối quyết liệt kế hoạch buộc các hãng hàng không quốc tế khi bay tới các sân bay châu Âu phải mua hạn ngạch khí thải dioxide carbon ( CO2). Nhằm mục đích đi đầu trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, các nước EU đã thông qua quyết định áp thuế đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2.
EC cho biết khí thải CO2 từ ngành công nghiệp hàng không chiếm 3% tổng lượng khí thải nhà kính của EU, cao hơn nhiều so với nhiều ngành công nghiệp khác, ví dụ như thép. Kể từ năm 1990, khí thải từ ngành hàng không đã tăng gấp đôi và nếu không kiểm soát chặt chẽ, nó sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
Video đang HOT
Chính vì thế, EC đã đi tới quyết định buộc các hãng hàng không đi và đến hoặc bay qua không phận 27 nước thành viên EU từ tháng 1-2013 phải mua giấy phép từ Cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải (ETS) của tổ chức này đối với 15% lượng khí CO2 mà mỗi chuyến bay xuyên Đại Tây Dương thải ra. Tính toán ban đầu cho thấy, chi phí cho mỗi giấy phép như vậy là hơn 6 euro/hành khách.
Quyết định của EU sẽ tác động tới gần 4.000 hãng hàng không trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng các hãng lớn trên thế giới phải chi phí hơn 17,5 tỷ euro (21,2 tỷ USD) trong vòng 8 năm từ 2013-2020.
Lo ngại quyết định của EU sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh cũng như việc kinh doanh, các hãng hàng không lớn trên thế giới thông qua Chính phủ đã phản đối mạnh mẽ, đồng thời đe dọa trả đũa. Tháng 9 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép Bộ trưởng Giao thông nước này có quyền ra lệnh cho các hãng hàng không Mỹ không hợp tác với EC với lý do kế hoạch này vi phạm luật pháp quốc tế.
Mỹ cũng như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… cho rằng, bất cứ đề xuất nào liên quan đến vấn đề phát thải khí nhà kính CO2 đều phải do Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đưa ra. EC đã tuyên bố sẵn sàng tham gia đối thoại song vẫn khẳng định sẽ chỉ điều chỉnh quyết định của mình nếu ICAO có thể đưa ra một kế hoạch toàn cầu hiệu quả hơn để hạn chế mức khí thải hàng không đang tăng lên.
Ủy viên phụ trách môi trường của EC Connie Hedegaard cho biết, EC nhất trí tạm dừng thực thi kế hoạch trên và đề nghị ICAO trong 12 tháng tới phải đưa ra kế hoạch của cơ quan này. Trong trường hợp ngược lại, EC sẽ tiếp tục đề xuất thực thi kế hoạch nói trên.
Theo ANTD
Làm rõ nguyên nhân "siêu chiến hạm tàng hình" KRI Klewang bị cháy rụi
Có rất nhiều ưu điểm khi sử dụng vật liệu carbon composite trong việc chế tạo tàu chiến, tuy nhiên, nhược điểm của vật liệu này là dễ cháy hơn.
Theo phân tích và đánh giá của một nhóm kỹ sư ĐH Surabaya, nguyên nhân khiến một vụ cháy nhỏ dẫn tới phá hủy hoàn toàn tàu tên lửa tàng hình cao tốc KRI Klewang (giá 12 triệu USD) bắt nguồn từ việc lạm dụng vật liệu carbon để chế tạo thân tàu.
Aries Sulisetyono, một kỹ sư ngành hàng hải và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Hàng hải Indonesia lưu ý, ngọn lửa bùng cháy đến tận đáy tàu KRI Klewang. Hỏa hoạn có sự dữ dội tới bất thường.
"Nó (con tàu) bị đốt cháy quá nhanh. Từ trước tới giờ, chúng tôi chưa bao giờ thấy một vụ cháy nào dữ dội và nhanh chóng như vậy, có một cảm giác nghi ngờ rằng thân tàu có thể bị đốt cháy quá nhanh chóng", ông nói.
"Có rất nhiều ưu điểm khi sử dụng vật liệu carbon composite khi so sánh với vật liệu kim loại trong việc chế tạo thân tàu. Tuy nhiên, nhược điểm của vật liệu này là nó dễ cháy hơn và do đó, nguy cơ cháy tăng lên", ông Baheramsyah nhận định.
Surjo Widodo, chuyên gia động cơ đẩy hàng hải bình luận rằng, việc lựa chọn các vật liệu được sử dụng trong thiết kế một con tàu cần phải được thực hiện cẩn thận hơn, đặc biệt là vật liệu trong khoang máy. Ông Widodo nói rằng, động cơ V-12 lắp trên tàu KRI Klewang có thể hoạt động ở nhiệt độ lên tới hơn 250 độ C.
Giáo sư toán ứng dụng Subchan, ĐH Surabaya, đồng thời là thành viên nhóm nghiên cứu do Chính phủ Indonesia chỉ định, tham gia vào nghiên cứu thiết kế tàu chiến lấy làm tiếc vì Bộ Quốc phòng Indonesia không cho phép các nhà nghiên cứu tham gia vào việc thiết kế và đóng tàu Klewang.
Tàu KRI Klewang được Công ty Lundin Industry Invest tiến hành chế tạo ở Banyuwangi. Con tàu được hạ thủy vào hôm 31/8, 4 tuần trước khi xảy ra đám cháy.
Bỏ qua có yêu cầu an toàn tối thiểu
Ông Subchan lưu ý, trong quá khứ, Hải quân Indonesia đã không đặt ra các yêu cầu tuân thủ qui định an toàn và phòng hỏa hoạn tối thiểu, thậm chí, đối với tàu dân sự, bởi không có một cơ quan giám sát chung của Bộ Quốc phòng.
Ông Subchan cũng nhấn mạnh, nước này cần phải xây dựng một tiêu chuẩn đóng tàu quốc gia hoặc ít nhất là phải thực hiện theo qui định tiêu chuẩn và được quốc tế công nhận, bởi đó là những yêu cầu quan trọng, bảo đảm an toàn cho những thủy thủ vận hành và đảm bảo con tàu có thể thực hiện đúng vai trò thiết kế.
Ông Subchan và các nhà nghiên cứu khác, tới từ nhiều trường đại học đang sẵn sàng giúp Bộ Quốc phòng và Hải quân Indonesia thực hiện đánh giá các vấn đề đã xảy ra với Klewang, nhằm phòng tránh các sự cố đáng tiếc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Tàu tên lửa tàng hình cao tốc KRI Klewang bị cháy vào hôm 28/9 khi đang neo đậu tại bến cảng ở căn cứ hải quân Banyuwangi để bảo trì. Con tàu đã được lên kế hoạch để bắt đầu một cuộc thử nghiệm kéo dài trên biển nhưng chưa kịp thực hiện.
Cả Hải quân Indonesia và nhà sản xuất đều nhiều lần đổ lỗi do mạch điện trên tàu bị chập làm bùng phát ngọn lửa. Trong khi đó, Ủy ban Hạ viện không ngoại trừ một hành động phá hoại ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Theo ANTD
Thổ Nhĩ Kỳ lại lục soát máy bay tới Syria Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-10 đã lục soát một chiếc máy bay từ Armenia tới Syria sau khi yêu cầu máy bay hạ cánh xuống thành phố Erzurum, phía đông Thổ Nhĩ Kỳ. Kênh truyền hình NTV dẫn lời các quan chức Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chiếc máy bay này đang chở hàng cứu trợ nhân...