Tháo gỡ vướng mắc dự án BOT quốc lộ 14 qua Đắk Lắk
Dự án xây dựng tuyến tránh thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) dài hơn 26 km được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) triển khai từ tháng 4-2016, với tổng mức đầu tư gần 574 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, từ khi có tuyến đường tránh, các phương tiện lưu thông qua khu vực này đã có cơ sở “tránh” luôn việc mua vé qua trạm thu phí của Công ty cổ phần BOT Quang Đức, doanh nghiệp (DN) dự án BOT qua Đắk Lắk, khiến DN gặp nhiều khó khăn trong việc thu phí hoàn vốn và có nguy cơ phá sản phương án tài chính đã được phê duyệt…
Trạm thu phí của Công ty cổ phần BOT Quang Đức trên quốc lộ 14.
Video đang HOT
Thời gian qua, hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải của Đảng, Nhà nước, trong đó có hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, trụ sở tại TP Pleiku (Gia Lai) đã tham gia trở thành nhà đầu tư thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14), đoạn Km1738 148 đến Km1763 610 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo hình thức BOT. Dự án có vốn đầu tư 836 tỷ đồng, quy mô hai làn xe, thời gian thu phí hoàn vốn 20 năm, vị trí đặt Trạm thu phí BOT tại Km1747, quốc lộ 14. Công ty cổ phần BOT Quang Đức (DN dự án trực thuộc Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức) đã hoàn thành dự án và được Bộ GTVT chấp thuận cho thu phí từ ngày 10-11-2015. Từ khi đi vào hoạt động, dự án đã góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông quốc lộ qua Tây Nguyên và Đắk Lắk nói riêng, bảo đảm lưu thông thông suốt cho hàng chục nghìn phương tiện mỗi ngày trên tuyến quốc lộ này. Trong hợp đồng BOT cũng ghi rõ: “Dự kiến từ năm 2030, đường cao tốc Hồ Chí Minh song song với dự án đi vào hoạt động, lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 14 sẽ được phân lưu một phần, trước mắt tạm tính tỷ lệ phân lưu sang tuyến cao tốc là 50%”.
Thời gian đầu, doanh thu của dự án khá ổn định, đáp ứng được các tiêu chí theo phương án tài chính đã được phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi thu phí chưa được 5 tháng, đến tháng 4-2016, Bộ GTVT đã ra Quyết định 1313/QĐ-BGTVT ngày 28-4-2016 về việc phê duyệt dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía tây thị xã Buôn Hồ. Giám đốc Công ty cổ phần BOT Quang Đức Hoàng Văn Trung cho biết: “Ngay khi Bộ GTVT có quyết định phê duyệt dự án tuyến tránh phía tây thị xã Buôn Hồ, Công ty cổ phần BOT Quang Đức đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT về vấn đề này, bởi tuyến đường tránh chạy gần song song và chỉ cách tuyến đường BOT do đơn vị quản lý gần 5 km về phía tây. Khi dự án tuyến tránh hoàn thành, đi vào hoạt động, đương nhiên các phương tiện giao thông sẽ chuyển sang đi tuyến đường này, “né” trạm thu phí hiện hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu phí hoàn vốn của dự án”.
Giữa tháng 8 vừa qua, chúng tôi đi thực tế tại tuyến đường tránh phía tây thị xã Buôn Hồ tại Km1758, cách trạm thu phí BOT Đắk Lắk quốc lộ 14 khoảng 10 km. Dù tuyến đường chưa đưa vào khai thác, nhưng chúng tôi chứng kiến khá nhiều xe ô-tô lưu thông trên tuyến đường này, “né” trạm thu phí. Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần BOT Quang Đức cho thấy, năm 2017, doanh thu thực tế của trạm đạt hơn 96 tỷ đồng, đến năm 2019 giảm xuống còn hơn 82 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu dự kiến của hợp đồng BOT, năm 2019 sẽ đạt gần 99 tỷ đồng. “Doanh thu tại trạm thu phí bảy tháng năm nay chỉ đạt hơn 33 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 50% so doanh thu dự kiến theo hợp đồng. Doanh thu không tăng theo phương án tài chính mà thậm chí giảm hơn một nửa khiến đơn vị gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trung cho biết thêm. Nếu sau này, tuyến đường tránh hoàn thành và đưa vào sử dụng, các phương tiện sẽ đi theo tuyến tránh, chắc chắn sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng hơn doanh thu hoàn vốn của dự án, ước khoảng 70 đến 80%, thậm chí cao hơn nữa.
Hơn bốn năm từ khi dự án đường tránh phía tây thị xã Buôn Hồ được triển khai “chồng” lên dự án BOT Quang Đức, DN dự án gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ vốn vay ngân hàng, bảo đảm đời sống người lao động… Hiện nay, DN dự án bị xếp loại quá hạn tín dụng nhóm 5, ảnh hưởng liên đới làm đình trệ hoạt động kinh doanh. Chưa kể, các khoản chi phí đầu tư khác với tổng giá trị gần 50 tỷ đồng đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, xác nhận nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ GTVT thỏa thuận để chủ đầu tư phê duyệt quyết toán. Nhà đầu tư Quang Đức đã có nhiều văn bản kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền phương án tháo gỡ, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư. “Nhiều phương án, kiến nghị được đưa ra nhưng chưa tìm được cách giải quyết dứt điểm. Phương án di dời trạm thu phí lên phía trước tuyến đường tránh được đưa ra nhưng lại tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về an ninh trật tự, làm tăng chi phí đầu tư dự án. Công ty đang lâm vào tình trạng nguồn thu hoàn vốn không đủ trả lãi vay ngân hàng”, ông Trung chia sẻ.
Trên cơ sở tiếp nhận kiến nghị của DN, cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập đoàn thanh tra dự án tuyến tránh phía tây thị xã Buôn Hồ và ban hành Kết luận thanh tra số 4553/BKHĐT-Ttr, kết luận một số vấn đề phát sinh có liên quan bất cập giữa việc xây dựng tuyến tránh với việc triển khai hoạt động thu phí tại Trạm BOT Quang Đức. Theo đó, ngoài những vấn đề bất cập, sai sót, việc đầu tư tuyến tránh có tổng mức đầu tư gần 575 tỷ đồng bằng vốn trái phiếu Chính phủ đã “chưa cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư” cũng như “không đánh giá đầy đủ tác động của dự án”. Bên cạnh đó, “khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT – chủ trì thẩm định) đã không tham vấn ý kiến của Vụ PPP (Bộ GTVT), nhà đầu tư,… không có đánh giá tác động dự án tuyến tránh ảnh hưởng đến việc thu phí hoàn vốn của dự án BOT và nhiều bất lợi khác về kinh tế – xã hội,… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay những vướng mắc được chỉ ra vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Gần đây nhất, ngày 29-5-2020, nhà đầu tư Quang Đức tiếp tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, cho phép bố trí vốn ngân sách nhà nước bồi hoàn cho dự án để xóa trạm thu phí nhằm trả nợ ngân hàng, không làm phát sinh chi phí đầu tư, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý và phù hợp nguyện vọng của nhà đầu tư cũng như ngân hàng tài trợ vốn tín dụng, tránh phát sinh các yếu tố bất lợi về an ninh trật tự. Đề xuất này của công ty cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk ủng hộ và có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xem xét chấp thuận. Hy vọng, những đề xuất của DN sẽ được quan tâm xem xét, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Bảo đảm an toàn các công trình xây dựng do ảnh hưởng bão số 4
Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành văn bản 7547/SXD-GĐXD ngày 20-8-2020 về việc bảo đảm an toàn các công trình nhà ở, công sở, công trình xây dựng do ảnh hưởng cơn bão số 4 (tên quốc tế là Higos).
Bảo đảm an toàn các công trình.
Theo đó, để chủ động đối phó, xử lý kịp thời các tình huống mưa lũ có thể xảy ra trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng cơn bão số 4, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư các dự án xây dựng trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch, các phương án phòng chống lụt, bão do áp thấp nhiệt đới cụ thể, chi tiết, sát với yêu cầu thực tiễn trên công trường; theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến mưa, lũ, bão; kịp thời kiểm tra, bổ sung phương án sát với thực tế, khả thi, bảo đảm chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả với mọi diễn biến của lụt bão, bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa, lũ gây ra.
Đồng thời, Sở chỉ đạo các nhà thầu chủ động bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, các điều kiện bảo đảm để thực hiện phương án phòng, chống thiên tai, lụt, bão theo phương châm "4 tại chỗ", triển khai các phương án bảo đảm kịp thời xử lý các sự cố do lụt, bão gây ra ngay từ giờ đầu.
Sở Xây dựng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội; Ban Quản lý các công trình nhà và công sở - Sở Xây dựng; UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát để phát hiện các khiếm khuyết của công trình đang sử dụng gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Đối với các công trình nhà cao tầng có tầng hầm phải có biện pháp chống ngập tầng hầm; tổ chức kiểm tra, rà soát lại hoạt động của các máy móc, thiết bị nhằm bảo đảm cho việc bơm tiêu nước trong tầng hầm...
Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở đôn đốc, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội có phương án phòng chống và chuẩn bị địa điểm di chuyển nhân dân khi công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới gây ra.
Xuất hiện "ổ gà" dày đặc trên QL1A qua TP.Tam Điệp, Ninh Bình Sau những trận mưa đầu mùa, trên QL1A, đoạn qua địa bàn TP.Tam Điệp - Ninh Bình, đã xuất hiện chi chít ổ gà trên mặt đường, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông qua đây. Theo ghi nhận của Tạp chí GTVT, mặt đường QL1A (đoạn qua phường Nam Sơn, TP.Tam Điệp, Ninh Bình) bị bong tróc, xuất hiện nhiều ổ...