Thanh xuân vô vị
Thanh xuân của chúng tôi thật vô vị. Chỉ vài cuộc đi chơi, đôi ba mối quan hệ quen biết cũng mờ nhạt, hội họp cùng nhau lúc này lúc khác, rồi những câu chuyện cũng cứ quanh quẩn mãi ở chỗ người quen, quần áo, phim ảnh…
Ngày mai, bạn tôi lấy chồng. Học theo kiểu Tây – tổ chức tiệc, sự kiện chia tay thời độc thân, nên cả nhóm bạn quyết định làm một trận đàn đúm không tên cho mình.
Bỏ ra ngoài tất cả những áo cưới, ảnh cưới, nhẫn cưới, anh ấy thích thế này mình thích thế kia; quên đi tất cả những viễn tưởng về chuyện đám cưới xong sẽ sống chung ở nhà chồng và ba mẹ chồng chưa chắc đã dễ thương, ngọt ngào như thuở chỉ vài lần đến chơi; sáu đứa con gái và một buổi chiều, chuyện không cần nhớ, cứ tự nhiên mà trở lại, vì ai cũng đang còn trẻ.
Cũng không có mấy chuyện. Thời phổ thông với những trò nghịch ngợm tuổi học trò, thời đại học lộn xộn vùng, miền và cách sống, nhóm này nhóm khác co cụm chơi với nhau… Nhắc một hồi, cả đám cười rũ khi nhận ra những chuyện ngày xưa như to lớn, từng chiếm bao nhiêu thời gian của cả nhóm, bây giờ đã trở lại đúng hình hài thật của mình – xẹp đến mức bình thường, là đà mặt đất, chẳng khác gì chuyện của người ta.
Thanh xuân của chúng tôi phẳng lỳ như mặt màn hình điện thoại. Ai cũng tưởng mình đọc nhiều, thấy nhiều, biết nhiều, tham gia rất nhiều, nhưng rốt cục thì mọi thứ ở trong cái điện thoại và ở trong đầu, trong tim, trong tính cách, trong hành xử của con người là rất khác nhau.
Năm lớp 12, Thùy còn được ba má chở đến trường, chở đi học thêm. Mãi đến năm thứ hai đại học, chuyện này mới chấm dứt, vì ba má Thùy đã đồng ý để cho Tuyền – cô bạn thân từ hồi cấp III – chở cô con gái rượu của mình đi học. Những con đường bằng phẳng và an toàn cho đến lúc cả đám ra trường, đi làm.
Nhìn lại, giật mình: chúng tôi đã thả trôi biết bao thời gian tuổi trẻ mà tất cả, chuyện gì cũng đều nhờ cái điện thoại. Tuyền nhận ra thời gian nhiều nhất của tuổi xuân đã được dành cho… cái màn hình – từ màn hình máy tính đến các loại màn hình điện thoại, ti vi. Lúc nào cũng chăm chăm lấy nó, không bỏ lỡ một tin nhắn nào dù chỉ là một cái mặt cười hay một ngón tay like, trong khi đó cuộc đời trôi vèo qua mà mình không biết đã bỏ lỡ những gì.
Video đang HOT
***
Ba từng có một chuyến bỏ quê vào thành phố, chỉ với vài ngàn bạc trong túi và chiếc xe đạp, oằn mình kiếm sống, từ ở nhờ bà con, đến ở phòng trọ, đến khi mua được nhà là những thành công xương máu không thể quên của ba. Thanh xuân của ông đầy dẫy thử thách, là tháng ngày bầm dập vì miếng cơm manh áo, bị người đời hắt hủi, khinh rẻ; chỉ biết cắn răng làm lụng để vươn lên. Bởi vậy, bây giờ, ba luôn cố gắng bảo bọc các con, bảo rằng đời ba khổ nên ba không muốn các con của ba cũng phải chịu khổ. Có phải vì vậy mà con không thể cúi xuống nếm vị mặn đắng của những kiếp đời nghèo? Đó cũng là nguyên nhân góp thêm vào cái phần vô vị của một cuộc đời được gói bọc kỹ.
Má là con nhà khá giả. Ba cưới má, được ông bà ngoại cho thêm một khoản tiền làm vốn, từ đó mới phát triển việc làm ăn của cả nhà. Má chịu cưới ba, vì người má thương đi vượt biên, nghe đâu đã chết ngoài biển. Má hơn ba tới bốn tuổi. Từ ngày lấy nhau, má một lòng nuôi con, chăm sóc gia đình. Những gì đã xảy ra trong quá khứ, má chôn kín trong lòng. Nhưng cái cục vốn thì chôn không xuống, nên thỉnh thoảng những lần về ngoại, ba từ chối đi cùng má, ba nói “nhà ngoại coi ba là thằng đào mỏ”.
Ảnh minh họa
Có phải những thăng trầm khổ nhọc trong đời, thế hệ trước đã gánh chịu hết cả? Những cuộc trường chinh đã kết thúc, thế hệ sau đang sống trong chiếc lồng ấp không gió bão, không thác ghềnh, không kẻ thù sinh tử, nên thanh xuân trở thành một thứ lụa nhàn nhạt màu, mềm mại, đèm đẹp, nhưng vô vị, cái nào cũng từa tựa như nhau.
Khi không phải đương đầu với thử thách bên ngoài thì việc đào sâu vào bên trong mình là điều dễ hiểu. Khó mà vượt qua những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống hôn nhân, vì ai cũng cho mình là đúng, là nhất. Khó gìn giữ cho tròn vẹn tổ ấm, bởi họ đâu có oằn mình trong gió bão mà biết quý cái ấm áp mình tìm được, đâu có biết cái “nhẹ như bấc nặng như chì” của cuộc đời để gìn giữ bớt lời cho khỏi làm đau người thương yêu…
Cuộc đàn đúm được già nửa thời gian, đã thấy các bạn mình lôi điện thoại ra hí hoáy chơi Facebook, check-in, rồi lại mỉm cười với những cái like từ những người bạn ảo.
Theo Tinmoi24
Không phải hoàng tử nhưng cầu hôn cô gái của mình, đàn ông nên quỳ gối!
Cái quỳ gối cầu hôn người mình yêu, người mình muốn gắn bó cả đời đối với đàn ông không phải là một điều gì đáng xấu hổ. Đó chỉ là một hành động cho thấy anh trân trọng cô gái trước mắt, sẵn sàng dùng cuộc đời về sau để bên cạnh, chở che cho cô gái ấy.
Cả cuộc đời một người con gái, ai cũng từng ao ước một lần được giống như công chúa, khoác trên mình bộ váy xinh đẹp, hoàng tử quỳ xuống cầu hôn rồi trao cho cô ấy một chiếc nhẫn. Việc khác có thể anh không làm được, nhưng cầu hôn cô gái của đời mình, đàn ông nhất định phải làm.
Đừng xem thường việc cầu hôn người con gái của đời mình, mặc dù các anh biết rõ ràng rằng dù anh không cầu hôn cô ấy vẫn sẵn sàng về một nhà cùng mình, sẵn sàng nắm tay anh vượt qua mọi sóng gió trước mắt.
Thế nhưng đàn ông à, dù cô gái của anh có tự nguyện hy sinh tất cả năm tháng thanh xuân của mình mà không cần hồi báo, các anh vẫn nên là người đàn ông mang lại hạnh phúc cho cô gái của mình. Dùng cả đời để che chở và bảo vệ cho cô ấy, trân trọng cô ấy bắt đầu từ những việc làm đơn thuần nhất: Quỳ gối và cầu hôn!
Thử hỏi có người con gái nào trên đời này lại không mong muốn có được một diễm phúc như thế? Thử hỏi cô cô gái nào trên đời này không xúc động đến mức rơi nước mắt mà gật đầu theo anh dẫu năm tháng phía trước sẽ còn nhiều phong ba, vất vả?
Chỉ cần cô gái của mình được hạnh phúc, bất kể điều gì cũng xứng đáng.
Nhiều người đàn ông lại quan trọng chuyện quỳ gối cầu hôn người yêu và cho rằng đó là điều xỉ nhục, là hèn hạ, van lơn tình yêu. Nhưng sự thực chắc các anh chẳng hiểu được sự thiêng liêng trong hành động được coi là hạ mình đó. Ai yêu cũng mong cầu một tình yêu hạnh phúc, đó là mưu cầu, vậy có điều gì khiến anh thấy xấu hổ khi cầu hôn cô gái của đời mình?
Không có gì phải xấu hổ, không có gì gọi là hạ mình vì tình yêu. Đó đơn giản chỉ là hành động thay cho lời ngỏ ý về chung nhà, là hành động thay cho việc trao cho nhau chiếc chìa khóa mở cánh cửa một ngôi nhà. Thay cho việc nói: "Lấy anh đi!".
Cuộc đời này, dẫu sướng khổ, hạnh phúc hay chia ly, là đàn ông thì đừng nên so đo, tính toán với người phụ nữ của đời mình. Hãy hiểu rằng, một khi người phụ nữ gật đầu khi anh quỳ xuống cầu hôn, cả cuộc đời cô ấy đã gắn liền với sự hy sinh cao cả, cho anh, cho gia đình, cho cả những tương lai trước mắt.
Cầu hôn cô gái của đời mình, đàn ông nên quỳ gối.
Đàn ông không phải người nào cũng là hoàng tử, hành động lịch thiệp và lãng mạn như quý tộc, hoàng gia, nhưng cầu hôn người con gái của đời mình thì nhất định phải làm, nhất định phải quỳ gối. Bởi đó là sự trân trọng cô gái trước mắt, trân trọng công sức người sinh thành đã nuôi nấng cô ấy cho tới giây phút anh ngỏ ý muốn đón cô ấy về.
Chắc đàn ông sẽ không biết rằng hành động quỳ gối cầu hôn sẽ ghi điểm tuyệt đối trong mắt người anh yêu và khiến cho họ cảm thấy hạnh phúc như thế nào? Bao nhiêu người đàn ông coi hành động đó như một lời tỏ tình ngầm, như một bản cam kết tình cảm không gì so sánh được?
Hành động quỳ gối cầu hôn cho thấy rằng anh ấy sẵn sàng chấp nhận những mong muốn và đáp ứng nhu cầu, thật sự tin tưởng đối tác của mình và hoàn toàn cam kết cũng như gắn bó cuộc sống với người con gái họ thương.
Đừng coi hành động đó là thấp tầm khi đó là hành động khiến người con gái vô cùng hãnh diện. Cả cuộc đời cô gái ấy chưa chắc được là công chúa, vậy hãy để cô ấy một lần được trở thành cả thế giới của một người. Không cần hành động gì to tát, để khiến cô ấy gật đầu đồng ý về chung một nhà, đàn ông nhất định nên quỳ gối cầu hôn!
Theo Emdep
Yêu người yêu người ta Tình yêu chưa bao giờ là dễ dàng, yêu người yêu người ta là thứ tình yêu đau lòng nhất. Yêu thương liệu có bao giờ thiên vị cho những kẻ đến muộn? Tình yêu luôn là một điều rất khó lí giải, nó chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với cả nam và nữ. Nếu như trên đời này, tình...