Thành ủy Hà Nội: Chọn đường xứng đáng nhất mang tên Đại tướng
Ngày 7/10, chia sẻ với Đất Việt ông Phan Đăng Long – Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội – thành viên Hội đồng đặt tên đường phố Hà Nội khẳng định: “Hà Nội chắc chắn sẽ có đường mang tên đại tướng”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hà Nội lựa chọn con đường xứng đáng nhất mang tên đại tướng
Ông Long cho hay, việc nghiên cứu lựa chọn, đặt tên đường mang tên đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Hà Nội dự liệu từ rất lâu. Đại tướng là một vị tướng đặc biệt có những cống hiến, công lao to lớn xuyên suốt bề dày lịch của Việt Nam.
Theo quy chế đặt tên đường đối với danh nhân phải sau khi mất 10 năm mới được đặt tên, nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể ngoại lệ mà không phải theo quy chế này. Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một ví dụ.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là nhân vật lịch sử đặc biệt, được Hà Nội quan tâm, dư luận quan tâm. Việc dành một còn đường hiện đại, xứng đáng, có ý nghĩa nhất hiện nay mang tên đại tướng là điều chắc chắn.
Hà Nội đang nghiên cứu để đưa ra quyết định lựa chọn con đường nào để đưa ra quyết định trong thời gian sớm nhất”, ông Long cho biết.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng đặt tên đường phố Hà Nội – bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chia sẻ mong muốn được lấy tên Đại tướng để gắn với một tuyến đường phố của thủ đô.
Bà Ngọc cho hay, “Với một người có nhiều đóng góp cho đất nước như Đại tướng, nếu nhận được đề xuất TP sẽ nghiên cứu ngay. Và ngay cả khi không có đề xuất, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu và nếu điều kiện cho phép sẽ lựa chọn những con đường xứng tầm để xin ý kiến đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thận trọng và nghiêm túc về việc này”.
Hội Sử lựa chọn tuyến Nội Bài – Nhật Tân
Trước sự quan tâm của dư luận cũng như mong muốn của nhiều nhà khoa học và người dân thủ đô, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cũng đưa ra mong muốn lựa chọn tuyến đường cao tốc từ Nội Bài – đến cầu Nhật Tân, nối sân bay vào trung tâm Thành phố để đặt tên đường mang tên Đại tướng.
Video đang HOT
“Đó là phương án lựa chọn tối ưu nhất” – GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định.
GS Ngọc cho biết thêm, Hội sử học Hà Nội và hội khoa học lịch sử Việt Nam chắc chắn sẽ có đề xuất, đề xuất ngay. Tinh thần các thành viên Hội sử học hiện đầu ủng hộ phương án này.
Theo GS, việc đề xuất tên đường mang tên danh nhân, bao giờ cũng phải tuân thủ theo quy trình, từ đề xuất từ phía các hội khoa học, các nhà khoa học lịch sử rồi Hội đặt tên đường phố Hà Nội mới họp bàn và đề xuất lên HĐND thành phố thông qua.
Quy trình là như vậy, nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không thể so sánh với những trường hợp khác. Đây là vị anh hùng dân tộc có những đóng góp, ghi những dấu ấn đặc sắc nổi bật trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc ta (từ 1945) vì vậy, đối với Đại tướng thì không cần phải tuân theo quy định đó.
Những cống hiến, công lao, đóng góp của Đại tướng với dân tộc là không thể chối cãi, được lịch sử ghi nhận, cả dân tộc ghi nhận vì vậy không cần phải lùi lại 10 hay 20 năm để đánh giá lại nữa.
“Việc đặt tên đường phố mang tên Đại tướng rất cần được thành phố quan tâm và hoàn toàn ủng hộ. Hà Nội nên nghiên cứu đặt tên đường mang tên cụ ngay, việc đặt tên này là làm đẹp thêm cho Thủ đô Hà Nội.
Không nên vì bất cứ lý do gì mà phải lùi lại, đặt tên đường mang tên Đại tướng hoàn toàn có đủ lý lẽ, đủ cơ sở, và phải được thực hiện ngay trong năm nay”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.
Đó cũng chính là đề xuất của Giáo sư sử học Phan Huy Lê. GS Lê cho rằng, trong quy chế đặt tên đường của Hà Nội, các nhân vật hiện đại sau khi mất 10 năm, mới xem xét đặt tên đường. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, đặc biệt không cần chờ đến 10 năm, sau khi mất có thể đặt tên phố ngay. Các nhân vật lịch sử như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… là tiền lệ.
Theo GS Phan Huy Lê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần đặc cách như vậy. Vấn đề là chọn con đường nào xứng đáng, khang trang tiêu biểu cho công lao cống hiến của Đại tướng đối với đất nước, Thủ đô.
Với tư duy như vậy, các nhà khoa học đưa ra lựa chọn tuyến đường cao tốc từ Nội Bài – đến cầu Nhật Tân, nối sân bay vào trung tâm Thành phố để đặt tên đường mang tên Đại tướng.
Theo các nhà khoa học, đây là con đường xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, hạ tầng cơ sở hiện đại. Cầu Nhật Tân đang gấp rút xây dựng, con đường sắp hình thành, lấy tên Đại tướng đặt tên có vẻ hợp lý.
Hà Nội nên đặt tên Đại tướng ngay
TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp UBTVQH – Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, “không chỉ lựa chọn đặt tên đường mà còn phải tạc tượng Đại tướng đặt ơ 3 nơi ghi dấu của người”.
Theo ông Thảo, đối với tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi lựa chọn tuyến đường phải lựa chọn đó là trục đường mới, hiện đại, xứng tầm với Đại tướng. Tuyến cao tốc Nội bài – Nhật Tân cũng là một lựa chọn tốt.
Ông Thảo cho rằng, với sự cống hiến của Đại tướng thì Hà Nội không chỉ lựa chọn đặt tên đường ngay trong năm nay mà còn phải đúc tượng để người dân ghi nhớ công lao của người.
“Tôi cho rằng, cần phải có một nhà tưởng niệm ở Quảng Bình, hoặc quảng trường Đồng Hới cũng cần có tượng Đại tướng. Hà Nội thì nên đặt ở công viên hoặc vườn hoa lớn. Và một tượng nữa nên đặt ở Điện Biên Phủ. Ít nhất cũng là 3 nơi có ghi nhiều dấu ấn với đại tướng”, TS Thảo bày tỏ.
GS-TSKH Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh-thiếu niên – Nhi đồng của Quốc hội cũng nhận định việc đặt tên đường mang tên Đại tướng là điều Đó là điều rất hay, rất tốt.
Trước nguyện vọng của đông đảo nhân dân, Hà Nội nên lựa chọn một con đường xứng đáng với danh tiếng, tên tuổi của Đại tướng.
Theo Hiếu Lam (ghi)
Báo Đất Việt
Choáng ngợp tình dân dành cho Đại tướng
Hôm nay (12/10), hàng loạt các trang báo quốc tế tiếp tục đưa tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với vị anh hùng huyền thoại của dân tộc Việt Nam, các bài báo đều thể hiện sự choáng ngợp trước tình cảm yêu mến của hàng triệu triệu người dân dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Biển người chờ đợi được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng dân tộc được người dân rất mực yêu kính và ngưỡng mộ. (Ảnh: Duy Huy)
Tờ AP mở đầu bài viết ngày hôm nay của mình bằng câu viết: "Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại nỗi niềm tiếc thương sâu sắc với người dân Việt Nam và điều này chưa từng được thấy kể từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời cách đây hơn 4 thập kỷ".
Lễ Quốc tang hai ngày dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bắt đầu từ 12h trưa ngày hôm qua (11/10) và sẽ kéo dài đến 12h trưa ngày mai (13/10). Cờ đã rủ trên khắp đất nước Việt Nam. Tất cả các chương trình, sự kiện giải trí đều bị hoãn lại. Các kênh truyền hình cáp về thể thao và giải trí quốc tế cũng tạm ngừng cung cấp dịch vụ từ ngày thứ Sáu cho đến Chủ nhật, tờ AP đưa tin.
Sáng ngày hôm nay (12/10), lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chính thức diễn ra. Các đoàn lãnh đạo cấp cao ở trong và ngoài nước đã đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cùng với đó, hàng nghìn người dân cũng lặng lẽ xếp hàng đợi đến lượt mình để vào viếng và bày tỏ lòng thành kính trước vị Đại tướng của Nhân dân.
Trong số người hòa mình vào dòng người trên có một người đến từ Italia. Ông Polo Giovanni đã bay đến Hà Nội để hòa mình vào những người đến tiễn biện Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tờ AP cho biết. Ông Giovanni bồi hồi nhớ lại: "Trong những năm 60 và 70, chúng tôi đã từng hô to Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Việt Nam chiến thắng. Và đúng như thế, Việt Nam đã giành chiến thắng. Điều đó đại diện cho hy vọng của thế hệ chúng tôi và cho nhân loại".
Theo tờ báo của Mỹ, có khoảng 150.000 người đã xếp hàng trước cửa nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 Hoàng Diệu trong 5 ngày qua để được vào viếng vị anh hùng dân tộc rất mực kính yêu của mình. Và hôm nay, hàng chục ngàn người vẫn tiếp tục xếp hàng để chờ đợi cơ hội được nhìn mặt Đại tướng của Nhân dân lần cuối. Tình cảm trào dâng và tràn ngập trong lòng khắp người dân đất Việt đã khiến gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự xúc động và kinh ngạc, thư ký riêng của Đại tướng - Đại tá Trịnh Nguyên Huấn đã cho biết như vậy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lừng danh khắp thế giới vì đã dẫn dắt quân đội Việt Nam đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, đánh bại hai cường quốc hàng đầu thế giới. Một trong những chiến công hiển hách nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954.
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng kiệt xuất nhưng ông lại là một người rất giản dị và bình dân. Đối với chúng tôi, ông ấy là một vị Tổng chỉ huy, một thầy giáo và cũng là một người cha", ông Nguyễn Chấn, một cựu chiến binh 78 tuổi từng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, hôm nay đã nói như vậy với phóng viên của hãng tin AP.
Cùng với hãng tin của Mỹ, hãng tin AFP của Pháp cũng có bài viết dài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tình cảm mà người dân dành cho vị anh hùng dân tộc. Tờ báo này đã phải thốt lên rằng, tình cảm của người dân Việt Nam đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp "vượt qua sự tưởng tượng".
Bản thân nhiều người thân trong gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không ngờ được tình cảm của người dân với ông lại lớn như vậy. "Chúng tôi nghĩ mọi người sẽ đến viếng Đại tướng nhưng chúng tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng được là lại có nhiều người như vậy. Kể cả khi giờ viếng đã kết thúc, nhiều người vẫn chưa muốn rời đi", ông Lê Văn Hải, cán bộ giúp việc kề cận Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho biết.
Hôm 10/10 - ngày cuối cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở cửa cho người dân vào viếng, hàng chục ngàn người xếp hàng dài nhiều km để chờ đợi cơ hội được đến lượt mình dù nhiều người biết cơ hội đó còn rất ít.
"Cả gia đinh tôi ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp", bà Phan Thị Oanh, 47 tuổi, nói trong nước mắt. Bà đã cùng với hai người cháu 3 và 6 tuổi xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong khi đó, sinh viên kiến trúc 18 tuổi Bùi Công Giáp nghỉ học cả ngày để xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng. Cậu sinh viên này cho biết: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã già. Chúng tôi đều biết ngày này rồi sẽ đến nhưng chúng tôi vẫn thấy sao quá buồn".
Theo_VnMedia
Bài thơ tiếng dân tộc thiểu số của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Trong thời kỳ hoạt động ở Cao Bằng năm 1941, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng tác nhiều thơ ca phục vụ cách mạng bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến của ông với nhân dân, với đất nước Việt Nam vẫn còn mãi...