Thành triệu phú nhờ đặc sản bưởi đào Thanh Hồng
Hàng chục năm nay, đời sống người dân xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đã không ngừng được cải thiện nhờ vào cây bưởi đào. Trong xã, khoảng 15 hộ gia đình có doanh thu hàng trăm triệu đồng từ vườn bưởi.
Thành triệu phú nhờ bưởi
Tháng 9 âm lịch là thời điểm thu hoạch chính vụ bưởi đào Thanh Hồng. Từ sáng đến chiều tối, hầu như lúc nào cũng nườm nượp lái buôn về mua bưởi đi các tỉnh lân cận bán. Khoảng 1 tháng nay, gia đình ông Nguyễn Văn Nghiễm (xóm 15, thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng) đã thu hoạch được khoảng 1.500 quả. Dự tính, vườn bưởi sẽ thu hoạch được rải rác đến tháng 12 mới hết. Ông Nghiễm bắt đầu trồng thử nghiệm cây bưởi đào từ năm 1993. Thấy đồng đất thích hợp, cây cho quả tốt nên đến năm 1996, ông Nghiễm bắt đầu mở rộng diện tích. Hai mươi năm nay, vườn bưởi đã trở thành nguồn thu chính của gia đình ông. “Ước tính cả vụ, gia đình sẽ thu được khoảng 50 triệu đồng”, ông Nghiễm nhẩm tính.
Video đang HOT
Thu hoạch bưởi đào tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Nghiễm, thôn Lập Lễ.
Theo ông Đào Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hồng, bưởi đào là loại cây đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Xã có 3 thôn: Tiên Kiều, Nhan Bầu, Lập Lễ. Toàn xã có gần 2.000 hộ gia đình trồng bưởi, với tổng diện tích khoảng 100 ha. Hơn 70% diện tích tập trung tại thôn Lập Lễ. Quả bưởi đào Thanh Hồng đang được tiêu thụ trong tỉnh Hải Dương và một số tỉnh, thành lân cận như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn bưởi của các gia đình trong thôn, ông Ngô Bá Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hồng cho biết, trong xã có hơn 10 gia đình thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ bưởi. Có thể kể đến như: vườn bưởi nhà ông Phạm Văn Chiên, ước tính năm nay phải cho thu trên 200 triệu đồng; vườn nhà ông Ngô Hồng Quảng cho doanh thu khoảng 170 triệu đồng; nhà ông Phạm Văn Miễu ước thu khoảng 100 triệu, ông Hoàng Văn Định khoảng 100 triệu đồng… Có những cây bưởi cho thu hoạch tới hơn 1.000 quả/vụ/cây.
Theo Hội Nông dân xã Thanh Hồng, tổng sản lượng bưởi toàn vụ năm 2015 chỉ đạt khoảng 90.000 tấn thì năm nay dự kiến đạt khoảng 120.000 tấn. Với giá bán đầu vụ từ 20.000 – 22.000 đồng/quả nhưng hiện tại, giá bưởi đã giảm xuống chỉ còn 14.000- 17.000 đồng/quả.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Những người cao tuổi trong thôn Lập Lễ kể lại, bưởi đào Thanh Hồng có cách đây gần 60 năm, do những lái buôn trong làng Lập Lễ mua giống nơi xa về trồng. Tuy nhiên, khoảng 30 năm trở lại đây, giống bưởi đào Thanh Hồng mới được người tiêu dùng biết đến. Với đặc tính ít hạt, ngọt dịu, cùi và múi bưởi có màu hồng đào, giống bưởi này được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Mỗi vụ, tôi mua buôn từ 15 – 17 chuyến đi bằng xe máy, chưa kể thỉnh thoảng còn thuê ô tô đi mua chung với bạn”, chị Nguyễn Thị Khuyên (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), người có thâm niên 7 năm liền mua buôn bưởi đào Thanh Hồng cho biết.
Bên cạnh nguồn thu chính từ quả, việc bán cây bưởi giống cũng mang lại nguồn thu quanh năm cho các gia đình trồng bưởi Thanh Hồng. Theo ông Nghiễm, trồng bưởi nhàn hơn trồng vải mà cho thu hoạch ổn định. Mỗi năm, gia đình ông Nghiễm thu khoảng 15 triệu đồng từ việc chiết cành để bán bưởi giống.
“Rất nhiều gia đình trong xã giàu lên, nuôi con cái ăn học đại học và thành đạt cũng nhờ vườn bưởi”, ông Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hồng cho biết.
Theo đánh giá của các nhà khoa học ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giống bưởi đào Thanh Hồng có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh cao, năng suất cao ổn định, ưu điểm là độ đồng đều quả cao hơn giống bưởi Diễn, thích hợp với sản xuất hàng hóa. Những cây bưởi trồng trên 10 năm có thể cho năng suất từ 500 – 700 quả/cây. Hiện nay, với diện tích đất nông nghiệp trên 500 ha, xã Thanh Hồng vẫn còn tiềm năng mở rộng thêm diện tích giống cây ăn quả đặc sản này.
Được sự hỗ trợ của các nhà khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, tỉnh Hải Dương đã công nhận 10 cây bưởi đào ở thôn Lập Lễ là cây đầu dòng, cho phép khai thác mắt ghép và chiết cành phục vụ nhân giống sản xuất. Cuối năm 2015, Hội Nông dân xã Thanh Hồng đã được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp nhãn hiệu tập thể cho bưởi đào Thanh Hồng. Đi cùng với đó là những quy chế về kỹ thuật trồng, chăm bón, quản lý nhãn hiệu tập thể.
“Hy vọng sau khi được cấp nhãn hiệu rồi, bưởi đào Thanh Hồng sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, sản xuất và tiêu thụ thuận lợi. Từ đó, quả bưởi đặc sản quê tôi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, thêm nhiều hộ gia đình giàu lên”, ông Trịnh bày tỏ mong muốn.
Theo Mạnh Minh (Báo tin tức)