Thành triệu phú Khmer từ 1,5 công đất
Đến ấp 7, xã Vị Tân, TP.Vị Thanh (Hậu Giang) hỏi ông Danh Bình ai cũng biết, bởi ông nổi tiếng khắp vùng là một nông dân người dân tộc chịu thương chịu khó. Nhờ tính cần cù và năng động trong sản xuất, mỗi năm ông Bình thu lãi trên 300 triệu đồng.
Quyết tâm làm giàu từ 1,5 công đất
Nhớ lại những ngày tháng gian khó, ông Danh Bình chia sẻ: “Dù bây giờ có của ăn của để nhưng tôi không thể quên những ngày cơ cực mà mình từng nếm trải. Cách đây trên 20 năm, sau khi lập gia đình, tôi được cha mẹ cho 1,5 công đất ruộng (1.500m2) để sản xuất, mưu sinh. Lúc đó, vùng này các hệ thống tưới tiêu, kênh nội đồng chưa được hoàn thiện như bây giờ, nên năng suất lúa khá thấp, một năm chỉ canh tác 1-2 vụ, làm không đủ ăn”.
Ông Bình kiểm tra máy gặt đập liên hợp để phục vụ cho vụ gặt lúa sắp tới. Ảnh: Nhật Dương
Không cam chịu cảnh nghèo khó, vợ chồng ông quyết định đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. “Lúc đó còn trẻ nên sung sức dữ lắm, ai mướn gì tôi cũng làm, từ đào đất, vác lúa, làm hồ… Vì chịu khó, không sợ cực nên sau nhiều năm tích góp tôi cũng để dành được chút vốn rồi bàn với vợ nuôi lợn thịt” – ông Bình cho hay.
Không chỉ biết cách làm giàu cho gia đình, ông Danh Bình còn tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động ở địa phương, trung bình mỗi lao động thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Lúc đầu, ông nuôi khoảng 5 con lợn thịt, với khoảng 4 tháng nuôi sau khi trừ chi phí lãi trên 1 triệu đồng/con. Có thu nhập là vậy, nhưng gia đình ông khá tiết kiệm trong việc chi tiêu, nên mỗi năm đều mua thêm được một công đất để sản xuất. Từ đó, số ruộng đất của gia đình ông cũng dần dần nhiều hơn.
Video đang HOT
Có được vốn sau bao năm vất vả, với mong muốn kinh tế gia đình ngày càng vững chắc, năm 2013, ông Bình mạnh dạn mua máy gặt đập liên hợp với giá trên 600 triệu đồng để làm dịch vụ gặt lúa thuê. Không dừng lại ở đó, năm 2014 ông mua thêm một chiếc nữa với giá gần 700 triệu đồng.
Theo ông Bình, năm 2015, từ hai máy gặt đập liên hợp ông không chỉ gặt lúa thuê cho các hộ ở xã Vị Tân, mà còn sang các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… mỗi năm có thể gặt thuê khoảng 1.500 công đất. “Có máy gặt đập thì đòi hỏi mình phải chịu khó đi nhiều nơi để tìm mối nên nhiều khi tôi đi mười bữa, nửa tháng mới về nhà một lần. 15 công lúa ở nhà vợ tôi trông coi, nhưng khi có bệnh thì tôi phải về phun thuốc. Ngoài ra, gia đình tôi vẫn duy trì nuôi lợn thịt, để tăng thêm thu nhập” – ông Bình bộc bạch.
Theo ông Bình, việc phát triển kinh tế gia đình, vượt qua khó khăn thì có nhiều cách, nhưng chủ yếu là mình phải có sự cố gắng và kiên trì. Đến nay, ông đã có 15 công đất, hai máy gặt đập liên hợp, ngoài ra, hàng năm còn nuôi trên 100 con lợn thịt… trừ chi phí, lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Lẹ-cán bộ xóa đói, giảm nghèo xã Vị Tân, nhận xét: “Ông Danh Bình là một trong những hộ Khmer trên địa bàn xã chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong sản xuất. Cách làm giàu của ông rất đáng để nhiều người dân trong xã học hỏi, làm theo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình, cách thức làm ăn hay, hiệu quả, để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm dần, đời sống người dân phát triển”.
Theo Danviet
Thành triệu phú nhờ... gặt lúa thuê
Từng thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương nhưng giờ đây gia đình anh Trần Văn Phương (45 tuổi, hội viên chi hội nông dân thôn Trung Hóa, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã có mức thu nhập ổn định với 300 triệu đồng mỗi năm... nhờ nghề gặt lúa thuê bằng máy gặt đập liên hợp.
Thoát nghèo nhờ máy gặt
Về làng Trung Hóa, khi hỏi Phương "gặt lúa thuê" ai cũng biết, bởi lẽ anh là nhân vật được người trong làng cần nhất mỗi khi mùa gặt đến. Tại căn nhà khang trang, 3 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) được gia đình anh đặt cẩn thận trong góc an toàn nhất của khu vườn. "Đó là cả gia tài của tôi, nhiều năm quần quật dưới ruộng sâu và đắn đo lắm tôi mới bỏ tiền mua nó. Lúc mới mua sợ gặt không được, tiền đâu ra mà trả nợ nhưng giờ tôi đã biết mình đang đi đúng hướng"- anh Phương cười nói giòn giã.
Nhờ vào máy gặt đập liên hợp, anh Trần Văn Phương thu về 300 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Dũ Tuấn
Rót ấm trà đãi khách, anh Phương kể tiếp: "Lúc trước tôi cũng làm nghề gặt lúa thuê bằng tay, máy cắt... tốn thời gian và rất nhiều công sức nhưng tiền thù lao lại không bao nhiêu. Cách đây 3 năm, thấy nông dân rất chuộng máy GĐLH, tôi lặn lội ra tận Quảng Ngãi tìm hiểu và học tập cách điều khiển loại phương tiện khá mới mẻ này. Sau khi thành thạo các thao tác, tôi bàn với vợ vay mượn tiền khắp nơi để mua cho được 1 máy GĐLH phục vụ người dân tại xã".
Theo anh Phương, việc điều khiển máy gặt này không khó, tuy nhiên cần phải cẩn thận trong từng công đoạn vì đường ruộng không bằng phẳng nên rất khó để điều khiển máy đi đúng hướng. Mặc dù chưa trải qua lớp học nào đào tạo kiến thức về cơ khí hay sửa chữa máy móc... thế nhưng bằng sự quyết tâm giờ đây anh Phương trở thành "địa chỉ" tin cậy mỗi khi người dân cần bảo dưỡng máy GĐLH.
"Lúc mới mua về, đây là loại phương tiện rất mới nên phụ tùng sửa chữa chưa được bán phổ biến mà phải đặt hàng tận TP.HCM. Khi máy hư thì tôi tự mày mò rồi mua đồ về tu bổ, sửa chữa. Từ 1 máy GĐLH thì giờ gia đình tôi đã có 3 máy với trị giá hơn 500 triệu đồng. Gặt thuê 2 vụ/năm, gia đình tôi thuê thêm 3 nhân công, sau khi trừ tất chi phí thì thu về được khoảng 300 triệu đồng. Nhờ vậy mà tôi có được thu nhập ổn định để nuôi 2 đứa con ăn học"- anh Phương cho hay.
Hội viên Trần Văn Phương đã đạt thành thích nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Đây là một trong những nông dân tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trên đồng ruộng".
Ông Nguyễn Trọng Tốt- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Quan Nam
Gặt "nợ" cho hộ nghèo
Cứ mỗi độ mùa thu hoạch về, sau khi nhận các mối đặt hàng, anh Phương lại vội vã điều khiển máy GĐLH để thu hoạch lúa thuê của người dân tại địa phương. Là người tiên phong đưa máy GĐLH về làng lại hay gặt giúp cho hộ nghèo, khó khăn trong vùng nên anh Phương là điểm đến tin cậy của rất nhiều người dân.
Theo ông Hoàng Đôn Tự (trú xã Tam Quan Nam), 4 sào lúa của gia đình ông lúc chưa có máy GĐLH để thuê thì mỗi khi thu hoạch ông chi trả tiền thù lao, kêu nhân công gặt khoảng 1,6 triệu đồng, chưa tính thêm tiền ăn uống...
"Nhưng khi thuê máy GĐLH của anh Phương thì chỉ mất khoảng 800.000 đồng/4 sào. Vì sống cùng trong thôn nên nếu thiếu tiền trả tiền công thì thu hoạch về, người dân bán lúa rồi mới trả tiền cũng chẳng sao. Tôi quý anh Phương bởi anh thật thà lại rất hay gặt "nợ" cho những hộ khó khăn"- ông Tự chia sẻ.
Theo Danviet
Phụ nữ thông minh chọn chồng như thế nào? Mỗi người phụ nữ có cách nhìn nhận và chọn lựa đàn ông khác nhau. Vậy hãy xem, những người phụ nữ thông minh chọn chồng theo tiêu chí nào? Chọn người luôn tôn trọng bạn Người phụ nữ thông minh phải biết chọn cho mình một đối tượng biết tôn trọng mọi sở thích, ý kiến, ước mơ, nguyện vọng của mình....