Thanh tra kiến nghị kỷ luật hơn 2.000 cá nhân, tổ chức
Qua công tác thanh tra năm 2018, ngành thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.076 tập thể và cá nhân.
Ảnh minh hoạ
Phát hiện vi phạm kinh tế gần 34 nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo tổng kết năm 2018 của Thanh tra Chính phủ, trong năm qua, kết quả thanh tra đã góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, xây dựng Đảng, nhiều vi phạm pháp luật đã được phát hiện, kiến nghị xử lý, chấn chỉnh, khắc phục.
Năm 2018, toàn ngành đã triển khai hơn 7.100 cuộc thanh tra hành chính và hơn 219.700 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 33.800 tỷ đồng, hơn 33.900ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 29.700 tỷ đồng, 1.007ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 4.000 tỷ đồng, hơn 32.900ha đất.
Qua thanh tra, đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.076 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 96 vụ, 151 đối tượng.
Riêng Thanh tra Chính phủ trong năm 2018 đã tiến hành 59 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa, đầu tư xây dựng của địa phương; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước…
Kết quả 25 cuộc, TTCP đã ban hành kết luận đã phát hiện vi phạm số tiền hơn 12.490 tỷ đồng, 23.918ha đất; kiến nghị thu hồi 11.761 tỷ đồng, 278ha đất; kiến nghị, xử lý khác 729 tỷ đồng; đất 23.790ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý 7 vụ.
Video đang HOT
Đặc biệt, đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như vụ Mobifone mua AVG, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Việc thu hồi tài sản vi phạm phát hiện qua các cuộc thanh tra đã có những tiến bộ đáng kể. Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.007 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 13.223 tỷ đồng, 339ha đất, đôn đốc xử lý 1.426 tập thể, 3.747 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 149 vụ (tăng 133 vụ), 31 đối tượng.
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, năm qua ngành thanh tra đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân gần 3.000 tỷ đồng, 100 ha đất; trả lại quyền lợi cho 1.505 người, kiến nghị xử lý hành chính 469 người, chuyển cơ quan điều tra 6 vụ, 8 đối tượng.
35 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng
Đặc biệt, trong công tác PCTN, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy năm 2018 đã phát hiện 39 đơn vị có vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch; xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập; xử lý 35 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 3 người đã bị xử lý hình sự; 32 người bị xử lý kỷ luật hành chính.
Đáng chú ý, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã pháthiện 80 vụ với 144 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Riêng qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 13 vụ, 14 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; việc tiếp dân định kỳ tại một số nơi còn chưa đảm bảo đúng quy định.
Đáng lưu ý, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Năm 2019, Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, sẽ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng…
Hoài Vũ
Theo baogiaothong
Bộ Công Thương "siết" DN đa cấp bán thực phẩm chức năng
Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp có bán các loại thực phẩm chức năng.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã thu giữ lượng lớn thực phẩm chức năng.
Ảnh: TTXVN.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, các công ty sản xuất, phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng đã tiến hành nhiều hoạt động quảng cáo, tuyên truyền quá mức về chức năng, công dụng của các loại thực phẩm chức năng, mập mờ coi thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh. Điều này đã góp phần gây ra những thiệt hại cả về mặt sức khỏe và vật chất cho người tiêu dùng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ trên cơ sở phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP, trong thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ Y tế sẽ tăng cường phối hợp hành động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc phân phối thực phẩm chức năng theo phương thức kinh doanh đa cấp.
Cụ thể, hai Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng phối hợp tổ chức các đoàn thanh tra kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của những doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp có bán các loại thực phẩm chức năng.
Đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, kiểm soát và giám sát chặt chẽ các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, thông báo từ Văn phòng Chính phủ phát ra ngày 12/1/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan liên quan kiên quyết chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Nội dung nêu rõ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thông báo, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các cơ quan báo chí quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng quy định của pháp luật. Bộ Công an tăng cường việc xử lý theo quy định của pháp luật hình sự đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Bộ Công Thương quản lý chặt chẽ các sàn thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng.
Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, vào năm 2000 mới chỉ có 13 doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm chức năng với 63 sản phẩm. Đến năm 2016 đã có 1.872 công ty sản xuất kinh doanh với 3.447 sản phẩm, trong đó sản phẩm sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ lớn.
Số người sử dụng thực phẩm chức năng liên tục gia tăng và tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Nếu năm 2005, có xấp xỉ khoảng 1 triệu người ở 23 tỉnh, thành phố sử dụng thực phẩm chức năng (chiếm 1,1% dân số) thì đến năm 2010, cả nước có khoảng 5,7 triệu người sử dụng (chiếm 6,6% dân số) ở khắp 63 tỉnh, thành.
Năm 2015, số người dùng thực phẩm chức năng đã tăng lên với khoảng 15,5 triệu người dùng (chiếm 17% dân số) ở khắp các tỉnh, thành và đến năm 2017, số người dùng thực phẩm chức năng đã tăng lên 21% dân số, tương đương gần 20 triệu người.
Phan Trang
Theo baochinhphu
Hà Tĩnh: Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Từ ngày 3/1 đến 25/3/2019, Đoàn liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiến hành thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP trên phạm vi toàn tỉnh dịp trước trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Theo đó, đợt thanh tra, kiểm tra này được tiến hành ở các hộ sản xuất,...