Thanh tra giao thông vận tải: Những cái khó không nói thành lời
Thời gian qua, tình trạng xe quá khổ, quá tải đã giảm rõ rệt trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là với lực lượng thanh tra Sở GTVT Hà Nội.
Mỗi ngày là một cuộc chiến
Hà Nội đang trong thời kỳ đô thị hoá mạnh mẽ, các công trình xây dựng lớn, nhỏ mọc lên khắp nơi; nhu cầu về vật liệu xây dựng, vận chuyển phế liệu, bùn đất rất cao. Từ nhu cầu thực tế đó, vài năm qua, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện không ít xe ô tô kinh doanh vận tải tự ý cơi nới thành thùng, chở quá tải, gây mất trật tự, ATGT, hư hại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của các lực lượng chức năng của TP, trong đó có Thanh tra Sở GTVT, khoảng 2 năm trở lại đây, hiện tượng xe quá khổ, quá tải đã giảm đến 90%, đặc biệt là tại nội thành.
Lực lượng Thanh tra giao thông làm nhiệm vụ tại một trạm cân ở huyện Thanh Trì. Ảnh: Chiến Công
Đội phó Đội Thanh tra GTVT huyện Đông Anh Đỗ Việt Hải cho biết, sau một thời gian truy quét gắt gao, xe quá khổ, quá tải đã giảm mạnh. Nhưng đồng thời, các DN, tài xế xe tải cũng ngày càng nghĩ ra nhiều chiêu trò tinh vi, phức tạp hơn để đối phó với lực lượng chức năng. “Nào là thuê người dò chốt; bỏ chạy bạt mạng hoặc cố tình chây ì, không chấp hành kiểm tra; tụ tập đông người gây sức ép với Thanh tra GTVT. Thậm chí là cố tình ghi hình, chụp ảnh, tung lên mạng xã hội với nội dung phiến diện, bôi nhọ, hạ uy tín lực lượng chức năng nhằm gây sức ép” – ông Hải nói, đồng thời cho biết, có lần xử lý xe quá tải về, đêm đến có nhiều tin nhắn hoặc cuộc gọi tới gia đình, người thân “vu” cho cán bộ Thanh tra GTVT có lối sống không lành mạnh…
Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến thẳng thắn chia sẻ: “Với chúng tôi, mỗi ngày là một cuộc chiến với các loại vi phạm trong lĩnh vực GTVT, đặc biệt là với xe quá khổ, quá tải. Khó khăn rất nhiều nhưng không phải ai cũng biết và cảm thông”.
Hà Nội hiện có 7.472 DN, hộ cá thể kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô với 25.038 phương tiện gồm: 3.848 xe container, 1.833 xe đầu kéo, 19.357 xe tải. Từ ngày 1/1 đến nay, lực lượng Thanh tra GTVT đã kiểm tra, xử lý 7.343 trường hợp, phạt tiền 19.969.400.000 đồng, tạm giữ 85 phương tiện, tước GPLX 870 trường hợp.
Video đang HOT
Nhọc nhằn không ai thấy
Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT đường bộ, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quang Lượng cho hay: “Lực lượng hầu như ứng trực 100% quân số vào tất cả các ngày lễ, Tết, ngày nghỉ. Anh em đi làm có hôm đến 2 giờ sáng mới về, 6 giờ đã lại ra chốt phân luồng giao thông. Có người thì địa bàn công tác cách nhà đến trên 60km, đi sớm về khuya thường xuyên, gia đình lục đục”. Nhiều trường hợp, Thanh tra GTVT còn bị đe doạ hành hung, quấy rối cuộc sống gia đình khi thẳng tay xử lý xe quá khổ, quá tải.
Nhiều cán bộ Thanh tra GTVT có thâm niên trong ngành chia sẻ, việc kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải trên đường không thể chỉ dùng các biện pháp mạnh, cứng rắn mà còn phải khéo léo. Lãnh đạo Đội Thanh tra GTVT quận Bắc Từ Liêm phân tích, có nhiều tuyến đường nhỏ hẹp hoặc mật độ giao thông cao, mỗi khi dừng xe để kiểm tra, xử lý, nếu để kéo dài sẽ gây UTGT, ảnh hưởng đến toàn tuyến. Không ít tài xế “bắt bài” được lo ngại này nên cố tình chây ì, câu giờ. Mỗi khi gặp trường hợp như vậy, nếu không kiên quyết, linh hoạt có khi mất cả ngày chỉ phạt được 1 – 2 xe. Thậm chí còn bị người dân hiểu lầm, thể hiện thái độ phản cảm.
Ông Lê Xuân Tiến chia sẻ thêm, kết quả xử lý xe quá khổ, quá tải thời gian qua là rất tích cực. Thế nhưng có đôi lúc, bên cạnh những dư luận tích cực vẫn có khá nhiều đồn đoán phiến diện, thiếu căn cứ. “Chúng tôi vẫn luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhưng những khó khăn khách quan còn rất nhiều. Điều chúng tôi luôn mong muốn là bên cạnh những ý kiến góp ý xác đáng, thẳng thắn, người dân cũng chia sẻ phần nào nỗi nhọc nhằn, nhìn nhận kết quả mà lực lượng chức năng nói chung, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội nói riêng đã đạt được trong lĩnh vực xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn TP thời gian qua” – ông Tiến nói.
Theo kinhtedothi
Cảnh sát giao thông nhiều quyền hơn thanh tra giao thông?
Tôi xin hỏi, quyền, nhiệm vụ của thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông khác nhau thế nào? (Huệ Hợp).
Điểm a khoản 2 điều 86 Luật Giao thông đường bộ 2008 và Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT ngày 25.2.2014 về quy trình thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính; công tác lập kế hoạch, chế độ báo cáo và quản lý nội bộ của thanh tra ngành giao thông vận tải quy định:
Thanh tra giao thông được phép dừng xe và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ;
Cảnh sát giao thông dừng người vi phạm. Ảnh: Vietnamnet
- Vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ;
- Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định;
- Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ, theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó;
- Thanh tra việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ;
- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được người có thẩm quyền đang thi hành công vụ áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra nhằm chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát giao thông:
Khoản 2 điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 4.1.2016 quy định CSGT được phép dừng xe trong các trường hợp:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy, cả hai lực lượng đều có quyền dừng xe đang lưu thông. Nhưng thanh tra giao thông chỉ được dừng xe để kiểm tra hành chính trong các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính xâm hại đến công trình đường bộ (chở quá trọng tải, dừng đỗ trái phép gây cản trở giao thông...) nhằm buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm hành chính, cũng như kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ.
Còn cảnh sát giao thông có quyền dừng xe đang lưu thông để kiểm tra hành chính trong các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính xâm hại đến trật tự an toàn giao thông (đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ...).
Theo Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (VnExpress)
Lũ quét tràn về giữa đêm, thầy trò nháo nhác chạy "giặc nước" Trận lũ quét xảy ra khoảng 1h sáng 18/9 khiến hai trường học cùng hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Yên Tĩnh (huyện Tương Dương, Nghệ An) ngập trong bùn đất, nhiều tài sản của người dân bị cuốn trôi... Trận lũ quét khiến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBTTHCS Yên Tĩnh), Trường Tiểu học...