Thanh tra giao thông mật phục bắt xe “dù”
Để có thể xử lý được tình trạng xe dù hoạt động công khai dịp tết, thanh tra Sở GTVT TP HCM phải mật phục, chốt chặn khắp nơi.
Nằm đối diện Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP HCM) là bãi giữ xe 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh. Những ngày qua, bãi xe này biến tướng thành một “bến cóc” và hoạt động khá rầm rộ.
Bên trong bãi xe 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh dịp Tết biến tướng thành “bến cóc”.
Dù là “bến cóc” nhưng hoạt động rầm rộ không kém Bến xe Miền Đông
Ghi nhận của phóng viên báo Người Lao Động vào trưa 2-2, tại bãi xe này có trên 40 xe khách đậu, đón khách. Phía ngoài “bến cóc” luôn có 3-4 lực lượng chuyên theo dõi mọi hoạt động diễn biến của thanh tra Giao thông, CSGT. Cửa vào “bến cóc” luôn luôn khép hờ, trừ khi có xe khách bật xi-nhan mới được mở ra để vào.
Lúc 10 giờ 30, có đến 4 chiếc xe nối đuôi nhau vào “bến cóc” khiến tình trạng ùn ứ diễn ra phức tạp.
Do không thể vào bên trong bãi xe để kiểm tra, xử phạt, tổ công tác thuộc Đội 3 Thanh tra Sở GTVT đã chia nhiều nhóm nhỏ chốt chặn phía cổng vào, ghi hình những chiếc xe vào bến. Khi thấy xe chở khách rời khỏi đây thanh tra sẽ điện đàm, cung cấp thông tin cho tổ công tác đang chặn tại giao lộ Đinh Bộ Lĩnh – Nguyễn Xí (Bình Thạnh) kiểm tra.
Ước tính mỗi ngày “bến cóc” này xuất bến trên dưới 40 xe.
Cổng vào “bến cóc” luôn có người canh gác, khép lại tránh soi mói từ bên ngoài.
Video đang HOT
Trong sáng 2-2, đã có 3 trường hợp xuất bến bị thanh tra dừng xe kiểm tra. Một số hãng xe khác nghe tin đã án binh trong bãi.
Trong đó, có xe BKS 49B-603.76 của hãng xe Phước Vũ, do tài xế Nguyễn Hồng Lâm điều khiển. Xe đăng ký chạy tuyến Bảo Lộc (Lâm Đồng) – Quảng Ngãi nhưng dịp Tết này chuyển thành TP HCM – Quảng Ngãi. Ngoài ra, trên xe còn nhồi nhét thêm 13 hành khách.
Một chiếc xe khách nhồi nhét thêm 13 người.
Lực lượng thanh tra xử lý những xe không đăng ký xuất bến.
Tài xế ký biên bản xử lý.
Theo chủ xe, do dịp Tết nhu cầu đi lại tăng cao nên nhà xe đã đổi tuyến tăng cường… phục vụ người dân!?.
Ông Nguyễn Văn Thành, đội trưởng đội 3 Thanh tra Sở GTVT cho biết, lực lượng thanh tra ra quân từ ngày 20-1 và kéo dài đến hết tháng giêng. Đa phần các xe vi phạm lỗi như: không có giấy xuất bến, chạy sai tuyến và đặc biệt là chở số người quá quy định.
Theo thống kê từ lực lượng Thanh tra Sở GTVT tính đến sáng 2-2 đã xử lý gần 55 trường hợp, phạt gần 100 triệu đồng
LÊ PHONG
Theo_Người lao động
TP HCM tăng cường chống thực phẩm bẩn dịp Tết
TP HCM đang tăng cường các đoàn đi kiểm tra chất lượng các sản phẩm, mặt hàng ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm.
Với hơn 10 triệu dân, TP HCM là thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn. Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của người dân thành phố tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, bốn lần so với ngày thường.
Để có thể đảm bảo một cái Tết an toàn cho người dân, các ngành chức năng của thành phố đang tăng cường biện pháp chống thực phẩm bẩn.
Kiểm tra cơ sở sản xuất bò khô tại quận Bình Tân
Những ngày này, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm của các đoàn thanh tra liên ngành, chuyên ngành ở TP HCM được tiến hành ráo riết. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Chỉ trong 14 ngày trung tuần tháng 1 vừa qua, các đội kiểm tra của Chi cục Thú y TP HCM đã lấy 365 mẫu từ 117 lô heo và phát hiện 64 mẫu của 22 lô heo dương tính với chất cấm sabultamol.
Ngay lập tức gần 1.000 con heo sống đã bị tạm giữ lại trong vòng 15 ngày để xét nghiệm chất cấm. Điều đáng nói là số lượng heo bị phát hiện có chất cấm sabultamol chủ yếu là từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Thuận...
Không chỉ huy động toàn bộ lực lượng chốt chặn các cửa ngõ vào thành phố để kiểm soát heo có chất cấm, các đoàn thanh tra liên ngành còn tập trung kiểm soát tình trạng heo bơm nước từ các tỉnh khác đưa vào.
Đoàn thanh tra liên ngành trung ương phối hợp kiểm tra bánh kẹo mứt
tại chợ Bình Tây (quận 6)
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cho biết: "Tình hình an toàn thực phẩm tại thành phố rất đáng báo động vì không giảm so với lúc trước. Nguy cơ này còn nhiều hơn nữa khi số lượng thực phẩm cho thị trường Tết gấp đôi so với ngày thường. Như vậy là quá khả năng sàng lọc và kiểm soát của TP HCM. Chúng tôi đã khoanh vùng được nguy cơ theo từng vùng. Do đó, các tỉnh cần tăng cường kiểm soát tình trạng sử dụng chất cấm trên heo trước khi xuất về thành phố".
Để kiểm soát tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, TP HCM đã ban hành Kế hoạch 8124 và sau đó là Quyết định 38 về thành lập các đoàn Thanh tra liên ngành cấp thành phố. Tổng số đoàn thành tra, kiểm tra thực phẩm Tết Bính Thân 2016 lên đến 405 đoàn. Trong đó, 3 đoàn thanh tra liên ngành cấp thành phố sẽ đi kiểm tra tại tất cả 24 quận huyện.
Các sở ngành có liên quan cũng thành lập 44 đoàn thanh tra chuyên ngành. Các quận huyện cũng thành lập 39 đoàn kiểm tra. Các phường xã thành lập 319 đoàn kiểm tra về thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành quận 6 phát hiện một cơ sở sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ .
Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm trong sản xuất, chế biến thực phẩm như phát hiện một số hộ nông dân sử dụng nhớt trong trồng rau muống ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi và tại phường Thạnh Xuân, Quận 12.
Theo ông Thái Thành Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Thành phố Hồ Chí Minh, để hạn chế tình trạng này, ngoài việc tăng cường tần suất lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng..., thành phố sẽ tổ chức các lớp tập huấn và yêu cầu các hộ nông dân kí cam kết sản xuất rau sạch:
"Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương thanh tra việc sử dụng thuốc ngoài đồng, kiểm tra kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm của nông dân. Với chợ đầu mối thì chúng tôi tiến hành lấy mẫu rau tại các ô vựa. Cũng tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có sản xuất, sơ chế, chế biến về thực phẩm. Nếu nặng thì sẽ xử lý vi phạm hành chính"- ông Thái Thành Tâm nói.
Sau gần 1 tháng ra quân kiểm tra thực phẩm Tết tại 1.975 cơ sở, cơ quan chức năng đã phát hiện 602 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ đến 30,5%, xử phạt 179 cơ sở với số tiền trên 1 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành tiêu hủy sản phẩm của 21 cơ sở với trên 1,8 tấn thực phẩm bẩn.
Ngoài việc tăng cường kiểm tra thực phẩm trong thời điểm trước, trong và sau Tết, một số cơ quan còn cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân thông tin về thực phẩm bẩn và chất cấm B-agonist. Những sản phẩm nông sản thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết sẽ được tăng cường lấy mẫu với khoảng 500 mẫu để phân tích nhiều chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra sẽ nhiều hơn 10% so với năm 2015.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố cho biết: "Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân thành phố trong dịp Tết Bính Thân, TP HCM triển khai 2 hoạt động chính.
Thành phố sẽ có đợt cao điểm về truyền thông, phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm cho tất cả các đối tượng từ người sản xuất, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh cho đến người tiêu dùng. Thứ 2 là tăng cường tần suất kiểm tra để phát hiện ngăn chặn thực phẩm không an toàn như thực phẩm có chất cấm, sử dụng phụ gia trái quy định, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật...".
Việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại TP HCM trong những ngày giáp Tết càng thêm khẩn trương khi mà lượng hàng đổ về thành phố ngày càng nhiều. Mới đây đoàn thanh tra của trung ương về an toàn thực phẩm cũng đã phối hợp tổ chức kiểm tra thực phẩm Tết tại TP HCM. Hy vọng với những nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, người dân thành phố sẽ đón một cái Tết an toàn và an vui./.
Hiếu Hiền
Theo_VOV
TP HCM khánh thành cầu Rạch Chiếc mới Cầu Rạch Chiếc tạo trục đường mới kết nối Xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái thông qua khu Công nghệ cao, giúp kéo giảm ùn tắc ở cửa ngõ phía Đông TP HCM. Sáng 30/1, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM tổ chức lễ khánh thành cầu Rạch Chiếc dài hơn 540 m, 4 làn xe, tổng mức đầu...