Thanh tra Chính phủ nhận khuyết điểm vì bổ nhiệm cán bộ tràn lan
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thừa nhận, việc bổ nhiệm đến gần 50 cán bộ trong tháng 8/2011 là quá số lượng so với quy định, có Vụ đội lên 4 Vụ phó, có Cục tới 5 Cục phó. Thanh tra Chính phủ nhận khuyết điểm trong việc này…
Trong buổi họp báo thường kỳ quý I/2014 vừa kết thúc cách đây ít phút, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thẳng thắn trao đổi về vấn đề gây xôn xao dư luận vừa qua – đó là thông tin trước khi nghỉ hưu, nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền ký một loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ tại đơn vị này (đầu năm 2011).
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng (phải) thừa nhận, việc bổ nhiệm đến gần 50 cán bộ trong tháng 8/2011 là quá số lượng quy định.
Thừa nhận thực tế có việc này, ông Lượng giải thích, do đặc thù của công tác thanh tra, nhiều cán bộ có năng lực, kinh nghiệm nhưng đã quá tuổi bổ nhiệm nên năm 2010 Thanh tra Chính phủ ban hành quy chế về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ hàm cấp vụ. Trên cơ sở quy chế này, 8 tháng đầu năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã bổ nhiệm 23 người có hàm cấp vụ là những người đã từng đảm nhiệm các vị trí công tác, có kinh nghiệm.
Theo ông Lượng, đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ là các Bộ, cơ quan TƯ, UBND cấp tỉnh nên khi xác định địa vị pháp lý, đơn vị có tạo điều kiện để cho các cán bộ thuận lợi khi làm việc. Mục đích của việc này cũng là để thúc đẩy hiệu quả công tác tốt hơn.
Cùng với 23 cán bộ cấp vụ được bổ nhiệm này, Thanh tra Chính phủ khi đó cũng bổ nhiệm một số cán bộ (bao gồm cấp vụ và cấp phòng) để chuẩn bị nhân sự cho 3 đơn vị mới là Vụ thẩm định, giám sát và thực hiện kết luận sau thanh tra, Vụ hành chính tổng hợp, Vụ tiếp dân và giải quyết đơn thư với số lượng cần tối thiểu là 10 cán bộ cấp vụ, 15 cán bộ cấp phòng.
Tổng cộng số cán bộ bổ nhiệm như vậy lên đến gần 50 người, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nhận định, làm cho con số cán bộ được bổ nhiệm vào tháng 8/2011 đội lên khác với bình thường.
“Chúng tôi cũng nhận thức, so với quy định của Chính phủ, việc bổ nhiệm như vậy là quá số lượng vì Chính phủ quy định mỗi vụ có 1 Vụ trưởng và không quá 3 Vụ phó mà ở đây, thực tế, có vụ có đến 4 Vụ phó, có cục đến 5 Cục phó” – ông Lượng thừa nhận.
Ngoài việc quá số lượng, còn nhiều trường hợp cán bộ được bổ nhiệm chưa đảm bảo điều kiện về thời gian công tác, chứng chỉ lý luận chính trị… Cá biệt, có trường hợp sau thời gian bổ nhiệm rất ngắn, người được bổ nhiệm đã vi phạm pháp luật đến mức phải cách chức.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ quả quyết: “Tự kiểm điểm, chúng tôi thấy là mình có khuyết điểm. Vì vậy, trong đợt điểm kiểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XI, chúng tôi đã xác định trách nhiệm của từng cá nhân, từng tổ chức và đã có phương hướng, có kế hoạch để sửa chữa. Kết quả kiểm điểm, kế hoạch sửa chữa đó trong thực tế đã làm quyết liệt trong 2012, 2013 và được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá là việc thực hiện kiểm điểm, sửa chữa có hiệu quả, kết quả thực hiện Nghị quyết TƯ 4 theo đó là đạt yêu cầu”.
Video đang HOT
Việc sửa chữa cụ thể, đối với nội dung bố trí cán bộ vào 3 đơn vị mới, ông Lượng cho biết, thực tế Thanh tra Chính phủ đã bố trí 18 cán bộ cấp vụ, 16 cán bộ cấp phòng. Sau đó, tập thể Ban cán sự và lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã ra Nghị quyết không bổ nhiệm hàm cấp vụ nữa. Vậy nên, từ con số cán bộ rất lớn đó, đến nay, những cán bộ lớn tuổi cơ bản đã nghỉ hưu, một số sẽ nghỉ hưu tiếp trong năm nay và 2015, ông Lượng khẳng định, hiện tổng số biên chế đơn vị còn lại “một số không nhiều”.
Với những trường hợp cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện khi bổ nhiệm, Thanh tra Chính phủ đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng. Những trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu công việc đã điều chuyển vị trí khác để phát huy được năng lực sở trường. Ông Lượng nhấn mạnh, trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật đã bị cách chức, 3 trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đã miễn nhiệm. Tập thể lãnh đạo các đơn vị có thiếu sót khuyết điểm đã kiểm điểm, bỏ phiếu xem xét hình thức xử lý kỷ luật.
Đánh giá chung đợt bổ nhiệm cán bộ đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, đa số cán bộ được bổ nhiệm đã đáp ứng được các yêu cầu công việc.
Nói về trách nhiệm trong việc bổ nhiệm cán bộ vượt quy định, ông Lượng phân trần, công tác cán bộ theo quy định là trách nhiệm của tập thể, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu. “Vậy nên việc bổ nhiệm khi đó có trách nhiệm của tập thể Ban cán sự Đảng bộ TTCP khóa trước và trách nhiệm của cá nhân Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ khi đó” – ông Lượng trao đổi.
Về trường hợp cụ thể của Vụ trưởng Vụ 1 – ông Lê Sỹ Bảy, dư luận cho là có khuất tất, thể hiện ngay từ việc đưa ra một người duy nhất để bầu cho một vị trí, Phó Tổng thanh tra Trần Đức Lượng phủ nhận ngay. Ông Lượng chỉ rõ, đây là cơ chế bổ nhiệm, không phải bầu cán bộ vậy nên việc đưa ra một hay hai “ứng viên” là quyền của người đứng đầu đơn vị quyết định. Thanh tra Chính phủ khẳng định việc bổ nhiệm ông Bảy là đúng quy trình. Còn việc xem xét sai phạm, trách nhiệm của cá nhân này cần chờ cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng vì trong phạm vi quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền làm việc này.
P.Thảo
Theo Dantri
"Thành phố đáng sống không có ma túy, trộm cắp, ăn xin"
"Một thành phố đáng sống thì không có ma túy, không còn người bỏ học, người lang thang ăn xin, trộm cắp; một thành phố đáng sống không có ô nhiễm môi trường...". Đó là phát biểu của Bí thư Đà Nẵng, ông Trần Thọ, tại buổi đối thoai với lực lượng thanh niên TP. Đà Nẵng.
Buổi đối thoại diễn ra sáng nay 26/3, đúng ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; là buổi đối thoại thường niên của lãnh đạo Đà Nẵng với lực lượng thanh niên trên địa bàn.
Buổi đối thoại với chủ đề "Đối thoại tháng Ba: Vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội" với sự góp mặt của 83 đoàn viên thanh niên trên địa bàn Đà Nẵng với lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng là Bí thư, Phó Bí thư thường trực và Chủ tịch UBND TP.
Buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng và lực lượng đoàn viên thanh niên
Theo ông Lê Phú Nguyện, Trưởng phòng Công tác Thanh niên (Sở Nội vụ), mục đích của buổi đối thoại là tạo diễn đàn làm cầu nối để lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các cơ quan chức năng chia sẻ, lắng nghe, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và những kiến nghị, phản ánh của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; truyền thông điệp kêu gọi thanh niên tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của thành phố về phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung đối thoại xoay quanh quan điểm suy nghĩ, nhận xét, đánh giá, phản ảnh, kiến nghị của đại biểu thanh niên về tình hình kinh tế - xã hội của Đà Nẵng với tinh thần cởi mở; đặc biệt là những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà thanh niên quan tâm.
Một vấn đề thời sự đang còn nóng được các bạn đoàn viên quan tâm trao đổi với Bí thư Đà Nẵng là chỉ số cạnh tranh CPI. Một đoàn viên đặt câu hỏi: Điều gì làm Đà Nẵng trở lại vị trí dẫn đầu trong chỉ số CPI?
Trả lời câu hỏi này, Bí thư Trần Thọ cho rằng thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của Đà Nẵng. Nếu chỉ số cạnh tranh đứng ở dưới xã thì rõ ràng lãnh đạo TP Đà Nẵng chưa tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng lớn của lãnh đạo nên chỉ số CPI mới trở về vị trí quán quân như cách đây vài năm.
Bí thư Đà Nẵng cũng cho rằng, sau khi chỉ số CPI được công bố, ông nhận được nhiều tin nhắn của các doanh nghiệp, cán bộ về hưu chúc mừng nhưng: "Càng nhận được nhiều tin nhắn chúng tôi càng lo hơn nhiều vì để đạt được đã khó mà giữ được càng khó hơn", Bí thư Trần Thọ chia sẻ với các bạn đoàn thanh niên.
Trưởng ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - ông Bùi Văn Tiếng - chia sẻ với các tầng lớp thanh niên Đà Nẵng tại buổi đối thoại
Ông Trần Thọ cũng chia sẻ thêm chỉ số CPI cũng như bóng đá, có lúc lên lúc xuống và điều đó là bình thường, chỉ có điều phải nhìn vào sự thật và phấn đấu. Ông cũng dẫn một câu nói nổi tiếng của một huấn luyện viên nước ngoài: "Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi".
Một vấn đề cũng là thời sự được các bạn trẻ quan tâm là lâu nay người dân ở các địa phương khác và dự luận cho rằng TP Đà Nẵng là "thành phố đáng sống". Bí thư quận đoàn Hải Châu - Nguyễn Văn Thanh - đặt câu hỏi: Vậy "thành phố đáng sống" là thành phố như thế nào? Đây là "thương hiệu" hay tiêu chí để Đà Nẵng phấn đấu hướng đến trong tương lai và làm thế nào để xây dựng một thành phố đáng sống.
Bí thư Đà Nẵng chia sẻ rằng, để trả lời câu hỏi thế nào là "Thành phố đáng sống" cũng không phải dễ, "bí" quá ông vào google tìm kiếm cụm từ "thành phố đáng sống" là gì và ông đọc ra vài khái niệm, định nghĩa của các học giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng trên khắp thế giới để chia sẻ với các bạn trẻ.
Vấn đề các bạn trẻ quan tâm là xây dựng TP Đà Nẵng thành "Thành phố đáng sống"
Bí thư Đà Nẵng cho rằng "Thành phố đáng sống" là chúng ta hướng đến xây dựng một thành phố như thế; ông phát biểu: "Làm sao thành phố đó từ trẻ em đến người già mọi người được chăm lo chu đáo từ ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí như thế nào...? Một thành phố không những thanh bình mà còn thái bình".
Rồi ông đặt tiếp câu hỏi cho các bạn trẻ suy nghĩ: Thành phố Đà Nẵng đạt được đến ngưỡng đó chưa? Trên thế giới bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.300 USD; trong khi Đà Nẵng gấp 1,6 lần so với bình quân cả nước với khoảng 2.600 USD nhưng mình còn thua xa các nước.
"Thành phố đáng sống" mà vẫn còn 818 ngôi nhà đang xuống cấp, mùa mưa mùa nắng cũng phải lo, bão đến càng lo hơn nữa. Nói thành phố đáng sống nhưng ma túy có không? Còn nhiều. Một thành phố đáng sống thì không thể có ma túy, không còn người bỏ học, không còn người ăn xin, trộm cắp, một thành phố đáng sống thì không thể có môi trường ô nhiễm", ông Trần Thọ phát biểu.
Các bạn trẻ Đà Nẵng cũng đề xuất nhiều ý tưởng để xây dựng TP Đà Nẵng ngày càng giàu mạnh
Ông Trần Thọ kể ra một câu chuyện bên lề đã làm ông phải xấu hổ. Có lần đang đi trên đường, ông gặp 2 thanh niên đi taxi trên đường Bạch Đằng rồi dừng lại "tè" xuống sông Hàn, ngày hôm sau ông đi cũng bắt gặp một thanh niên lái taxi khác cũng có hành động tương tự. Ông rút điện thoại gọi ngay cho hãng taxi đó đề nghị kỷ luật. Đó không thể xem là hành vi ở một thành phố đáng sống.
Ông Thọ cũng kể câu chuyện có xe tải chở heo chạy đến cầu vượt Hòa Cầm không may heo bị rớt xuống đường chạy lung tung nhưng tất cả người dân ở đó, kể cả xe thồ không ai bảo ai đều một tay giúp bắt hết heo trả lại để cho họ đi tiếp. Rồi một xe chở đầy trái cây bị lật trên QL14B đoạn Dốc Võng, mọi người cùng xúm lại giúp tài xế thu gom trái cây. "Đó mới là thành phố đáng sống", Bí thư Trần Thọ nói.
Bạn Mai Thị Đoan Thanh, Bí thư đoàn trường CĐ Đà Nẵng đặt câu hỏi: Thành phố đáng sống sao mỗi năm có hàng ngàn thanh niên vào Nam lập nghiệp. Thành phố đáng sống của chúng ta chỉ là nơi để tiêu tiền thôi còn kiếm tiền là ở nơi khác?
Chia sẻ điều này, ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - cho rằng: "Thành phố đáng sống" là mục tiêu, là khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng hướng đến. Con đường chúng ta tiến lên thành phố đáng sống còn khá xa. Trước đây thanh niên từ Đà Nẵng ra đi nhưng mấy năm gần đây có một dòng chảy ngược lại. Đó là chính sách thu hút nhân tài của Đà Nẵng. Ra đi cũng có dòng khác trở lại.
Chốt lại vấn đề, Bí thư Trần Thọ cho rằng chúng ta đang hướng tới xây dựng một "thành phố sống tốt" nhưng hiện nay còn rất nhiều điều chưa đạt được. Một "thành phố sống tốt" thì phải dựa vào ai? Đó là dựa vào thanh niên. Ngày mai là dựa vào thế hệ trẻ, dựa vào các bạn. Hãy truyền đến tất cả các bạn trẻ trên địa bàn Đà Nẵng thông điệp này để chúng ta hướng tới một thành phố tốt đẹp, một "thành phố sống tốt".
Theo Dantri
Hà Nội: Chỉ định Bí thư 2 quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị vừa ký quyết định chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Bí thư, Phó Bí thư Quận ủy Nam và Bắc Từ Liêm. Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Nam Từ Liêm gồm 36 ủy viên, trong đó ông Nguyễn Văn Hải giữ chức Bí thư quận ủy Nam Từ Liêm....