Thanh tra Chính phủ: Hà Nội có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai
Theo kết luận thanh tra, việc thành phố cho UBND xã Mỹ Đình thuê đất để xây dựng Khu Thương mại Mỹ Đình là trái quy định.
Theo kết luận thanh tra số 1004 ngày 22/4 của Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã để xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai.
Kết luận của Thanh tra cho thấy qua kiểm tra thực tế đã xác định một số dự án vi phạm quy hoạch sử dụng đất, sử dụng đất sai mục đích; có dự án sau khi được giao đất, chậm triển khai trên 24 tháng, đồng thời vi phạm quy hoạch, xây dựng trái phép nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để. Việc thành phố giao chủ đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đã giải phóng mặt bằng thông qua hình thức tổ chức lựa chọn chủ đầu tư là chưa đảm bảo chặt chẽ theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định 181 của Chính phủ.
Việc thành phố cho UBND xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm thuê 10.224m2 đất để xây dựng Khu Thương mại Mỹ Đình là trái với quy định.
Thành phố ban hành quyết định giao đất tại một số dự án nhưng chậm tính tiền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, chậm bàn giao đất trên thực địa. Nhiều tổ chức sử dụng đất từ trước Luật Đất đai năm 2003 không có giấy tờ về sử dụng đất, chưa được công nhận quyền sử dụng đất, nên chưa có đơn giá thuê đất dẫn đến việc cơ quan Thuế phải tạm tính tiền thuê đất. Việc chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai gây khó khăn cho công tác thu tiền thuê đất vào NSNN của cơ quan thuế.
Việc quản lý, sử dụng nhà, đất của Công ty Bảo hiểm Hà Nội và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình tại 15C Trần Khánh Dư, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có sai phạm cần phải xem xét, xử lý.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thành phố chưa có các quy định cụ thể đối với trường hợp tái định cư bằng đất trong trường hợp trên cùng một thửa đất gồm nhiều hộ gia đình, nhiều thế hệ cùng sinh sống.
Tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng diễn ra tại các dự án còn quá chậm (năm 2011 có 291 dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng hoặc chưa triển khai giải phóng mặt bằng; năm 2012 có 154 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 6 tháng đầu năm 2013, 131/137 dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Một số dự án vi phạm pháp luật đất đai thuộc diện phải thu hồi nhưng gặp khó khăn, vướng mắc do chưa có quy định về trình tự, thủ tục và cơ chế dẫn đến chậm triển khai.
Video đang HOT
Công tác quản lý đất công còn thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, minh bạch. Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình trái phép trên đất nhận khoán, mua bán chuyển nhượng trái pháp luật, lấn chiếm, tranh chấp đất đai đang tiềm ẩn những mâu thuẫn phức tạp.
Từ những kết quả thanh tra nói trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những mặt còn hạn chế, thiếu sót. Trong thực hiện việc giao đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế phải thông qua đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức rà soát và có biện pháp xử lý đối với các chủ đầu tư đang sử dụng đất nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ; rà soát lại các dự án chậm triển khai, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, không có khả năng thực hiện, thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát lại tình hình quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn, hoàn thiện hồ sơ địa chính, hồ sơ quản lý đất công; kiểm tra việc bồi thường đất công, đất 5%.
Chỉ đạo xử lý việc quản lý, sử dụng nhà đất tại 15C Trần Khánh Dư, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội./.
Thanh Hà
Theo_VOV
Dự án hồ An Dương: UBND TP.Hà Nội hành động khó hiểu?
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rõ ràng là vậy, nhưng lãnh đạo UBND TP Hà Nội không làm đúng với nội dung đã ban hành.
Dự án hồ An Dương được triển khai xây dựng từ năm 1999. Với số vốn mà Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC đã bỏ ra đầu tư không hề nhỏ, nhưng đã hơn 15 năm trôi qua kể từ ngày dự án được phê duyệt, đến nay dự án vẫn chưa được khởi công. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ là những vướng mắc với nhiều sở ban ngành và UBND TP Hà Nội.
Tiền chạy vào túi ai?
Liên quan đến dự án hồ An Dương được hình thành từ năm 1990 và được phê duyệt thực hiện dự án vào những năm 1999. Tại quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 28/9/1999 (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) đã chỉ đạo rõ về việc "Cho Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC sử dụng đất để xây dựng khu nhà ở và văn phòng làm việc tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội" trên toàn bộ diện tích 13.970 m trong đó gồm 8.400 m đất do UBND quận Tây Hồ quản lý và 5.570 m do UBND phường Yên Phụ và các hộ dân quản lý sử dụng.
Tại điều 2 của quyết định này cũng nêu rõ rằng "Xác định cụ thể mốc giới các khu đất trên bản đồ và trên thực địa, đăng ký vào sổ địa chính Nhà nước, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sử dụng theo quy định hiện hành. Hướng dẫn việc đền bù thiệt hại cho các chủ sử dụng có đất bị thu hồi, giải phóng mặt bằngđảm bảo tiến độ thi công xây dựng công trình".
Căn cứ vào quyết định số 914/QĐ-TTg. Ngày 18/10/1999 UBND TP Hà Nội ra quyết định số 4385/QĐ-UB về việc giao nhiệm vụ thực hiện Quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 28/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Quyết định này cũng chỉ ra những nhiệm vụ cần phải thực hiện "Giao nhiệm vụ cho UBND quận Tây Hồ, các ngành chức năng của UBND TP và Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC thực hiện Quyết định số 914/QĐ-TTg". Trong đó phải thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, lập phương án đền bù thiệt hại cho người sử dụng đất bị thu hồi theo quy định hiện hành, hướng dẫn Chủ đầu tư (Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC) việc chi trả tiền đền bù và hộ trợ để giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư Dự án.
Để thực hiện hai quyết định trên ngày 15/04/2002 Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC đã nộp tiền thuế sử dụng đất tại phòng thuế trước bạ và các khoản thu khác số tiền 6083.834.000 VNĐ (sáu tỷ không trăm, tám ba triệu, tám trăm, ba tư ngàn đồng) để đảm bảo cho việc thực hiện Dự án theo quyết định số 914/QĐ-TTg và 4385/QĐ-UB.
Bên cạnh đó Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC cũng đã nộp thêm tiền thuê đất theo hợp đồng số 73/2001/ĐCNĐ-HĐTĐTN ngày 24/12/2001 là 121.323.000 VNĐ.
Khu đất dự án hồ An Dương
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rõ ràng là vậy, nhưng lãnh đạo UBND TP Hà Nội sau khi ban hành Quyết định 4385/QĐ-UB lại không quyết liệt thực hiện các nội dung chỉ đạo.
Không chỉ vậy, UBND TP Hà Nội và các đơn vị trực thuộc hiện không thanh toán lại tất cả số tiền mà Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC đã bỏ ra để thực hiện quyết định số 914/QĐ-TTg và 4385/QĐ-UB.
Một câu hỏi đặt ra ở đây khiến dư luận hết sức bức xúc, hiện nay số tiền đấy ở đâu và đã "chạy vào túi ai".
Trách nhiệm thuộc về ai?
Quay trở lại Hợp đồng kinh tế 124/HĐ ngày 26/01/1992 giữa Ban quản lý các Công trình xây dựng quận Ba Đình với Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC cũng đã nêu rõ:
Việc xây dựng nhà ở của Công ty phát triển đầu tư xây dựng sau đổi tên thành (Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC) sau khi hoàn thành và bán xong, về phía Công ty phải có trách nhiệm trích nộp cho ngân sách quận Ba Đình 20% lợi nhuận, sau khi trừ tất cả mọi chi phí bao gồm, giải phóng mặt bằng, đền bù giải phóng hợp lý, san lấp mặt bằng, làm cống thoát nước, xây dựng nhà ở xây dựng nhà cho phường.
Bên cạnh đó Ban quản lý các Công trình xây dựng có trách nhiệm, phối hợp với UBND phường để giải phóng mặt bằng các hộ dân đã lấn chiếm, phối hợp với UBND quận Ba Đình và Thành phố để phê duyệt các thủ tục về xây dựng cơ bản cho Công ty phát triển đầu tư xây dựng (Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC ).
Nội dung của hợp đồng là vậy, khi Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC thực hiện nghĩa vụ đóng tất cả mọi chi phí, với một số lượng tiền không hề nhỏ từ nguồn tiền của các cổ đông trong công ty để thực hiện dự án.
Nhưng một nghịch lý đáng nói ở đây, khi tiền được đầu tư vào Dự án hồ An Dương đang còn nóng thì các đơn vị chức năng lại không thực hiện đúng nội dung của Hợp đồng kinh tế 124/HĐ ngày 26/01/1992, không kết hợp với Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC thực hiện việc giải phóng mặt bằng nên phía Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC không triển khai được Dự án đúng tiến độ.
Theo tính toán sơ bộ, với số tiền mà Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC đã bỏ ra tại thời điểm đó nếu tính theo lãi suất ngân hàng thì đến thời điểm này nó đã lên tới hàng trăm tỷ đồng, vậy mức độ thiệt hại mà Công ty phải gánh chịu trong một thời gian dài. Cơ quan nào có trách nhiệm phải hoàn trả cho Công ty phát triển đầu tư xây dựng IDC?
Minh Diễn
Theo_Báo Đất Việt
Ba nông dân Kiên Giang vừa mất đất vừa bị đi tù: Vì sao? Hành vi cố tình vi phạm quây chiếm đất của các bị cáo đủ cấu thành tội vi phạm về các quy định sử dụng đất đai. Từ chỗ bị thu hồi đất phục vụ cho dự án, mất đất sản xuất, muốn tiếp tục được canh tác trên thửa ruộng mình đã khai phá từ năm 1990, ba nông dân ở Kiên...