Thanh Thanh Hiền ‘trượt’ NSND vì bị kiện đời tư
Trường hợp của NSƯT Thanh Thanh Hiền bị đánh trượt không phải do thiếu phiếu bầu mà do có đơn kiện tụng, lại là đúng sự thật nên hồ sơ của chị không được đưa vào hội đồng bỏ phiếu.
Bộ VHTT&DL vừa công bố danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. VietNamNet đã có buổi trò chuyện với ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng xung quanh vấn đề xét duyệt này.
- Danh sách chốt trước khi trình Thủ tướng phê duyệt, Hội đồng cấp nhà nước xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT có &’đánh trượt’ ai không thưa ông?
- Đây là không đủ phiếu chứ không đánh trượt. Chúng tôi có trình ra Hội đồng 105 hồ sơ, có 1 hồ sơ không được đưa vào để bình bầu sau khi tổ thư ký báo cáo Hội đồng về việc có đơn thư kiện tụng, chứ không phải do số phiếu thấp như báo chí nêu. Tôi xin nói rõ là hồ sơ của chị Thanh Thanh Hiền không được đưa vào danh sách để Hội đồng bỏ phiếu chứ không phải là không đủ phiếu.
Hội đồng không bỏ phiếu vì có đơn thư ý kiến và bộ phận thư ký đã thẩm định. Chị Thanh Thanh Hiền bị kiện liên quan tới quá trình công tác và chuyện riêng tư. Đơn thư người ta nêu là đúng sự thật và chúng tôi đã báo cáo công khai tại Hội đồng.
Còn 2 trường hợp nữa là anh Nguyễn Thế Lượng hồ sơ do Đài PT-TH Hải Phòng gửi lên, anh Nguyễn Lê Văn hồ sơ do Sở VHTTDL Hà Nội gửi lên. Anh Nguyễn Lê Văn nguyên là cán bộ của Đài Truyền hình Việt Nam nay đã nghỉ hưu, có 2 kênh để gửi hồ sơ là Đài Truyền hình Việt Nam và đơn vị gần nơi tạm trú là Sở VHTTDL Hà Nội nên chuyện gửi hồ sơ của anh Văn là đúng tuyến. Về mặt hồ sơ của 2 trường hợp đều chuẩn cả. Nhưng khi đưa ra Hội đồng thì cả hai trường hợp đều không đạt số phiếu cần thiết. Có nghĩa là số phiếu dưới 90%.
Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền.
Video đang HOT
- Thế nhưng NSƯT Nguyễn Thế Lượng và NSƯT Nguyễn Lê Văn nói họ bị Vụ thi đua khen thưởng lược bớt thành tích?
- Trong Nghị định 89 xét NSND, NSƯT người ta quy định đối với xét NSƯT xem xét tính cả huy chương Bạc cho nghệ sĩ. Và đã có bản quy đổi cụ thể. Còn từ NSƯT lên NSND nói nôm na được hiểu là “cá chép hóa rồng” phải có sự biến đổi về chất. Mà đã gọi là những biến đổi về chất thì tất cả những HCV thì Hội đồng sẽ tính, còn kể cả nghệ sĩ có bao nhiêu HCB chúng tôi cũng chỉ đưa vào phụ lục trích ngang, không tính. Ở đây là do người nghệ sĩ không hiểu thực chất thực tế là như vậy. Còn chúng tôi cũng chẳng cắt đi làm gì vì nó chẳng thêm lợi hay thiệt gì cho Hội đồng.
Nghệ sĩ có thể có những kỉ lục này kỉ lục khác, nhưng nếu nó không nằm trong quy định của Nghị Định 89 thì sẽ không gây áp lực được cho Hội đồng. Vì Hội động chỉ làm những cái mà Nghị định quy định thôi. Cái gì mà Nhà nước quy định thì Hội đồng có trách nhiệm phải chấp hành. Tổ thư ký có trách nhiệm đưa vào trích ngang để trình Hội đồng. Người ta thêm vào cũng không được, cắt đi cũng không được. Bởi vì bản trích vẫn còn đấy, anh phản ánh hiện tượng đấy là đúng nhưng tại sao người ta cắt đi vì người ta chỉ cần những cái trình ra Hội đồng thôi. “Cá chép hóa rồng” phải có sự phân biệt là vậy.
- Đợt xét duyệt nào cũng có những đơn kiện từ phía nghệ sĩ được gửi đi khắp nơi. Theo ông, luật có nên thay đổi điều gì để hạn chế việc kiện tục tố cáo nhau làm giảm hình ảnh của người nghệ sĩ?
- Có một thực tế các nghệ sĩ tiếp cận với văn bản của nhà nước cũng có mức độ nhất định. Các nghệ sĩ nhiều khi với nghề nghiệp thì rất nhiệt tình, sôi nổi nhưng nhiều khi tiếp cận với các văn bản lại không được chính xác, đôi khi là bộc trực. Nhưng khi được giới thiệu, giải thích, trình bày lại thì cũng hiểu ra được vấn đề.
Còn danh hiệu NSND, NSƯT là một danh hiệu cấp nhà nước, bất cứ người nghệ sĩ nào cũng mong muốn. Tôi nghĩ không phải đợt này mà những đợt trước thế hệ các anh, các chị đi trước cũng bị như thế. Và tôi nghĩ là sau thế hệ chúng tôi vấn đề này cũng khó tránh. Vì khi chúng ta phục vụ một bữa tiệc cho quá nhiều người ăn sợ rằng không đáp ứng hết được. Vì mỗi người đều có sự mong muốn khác nhau. Quả thực là tôi cũng thấy khó. Tuy nhiên, ở đợt này tôi thấy nó đỡ khó hơn một chút.
Có nghĩa là lần này là lần đầu tiên các Bộ được Thủ tướng giao cho xây dựng Nghị định. Đây cũng là lần tiên chúng ta thực hiện theo Nghị định. Còn trước đó chúng ta làm theo Thông tư của Bộ. Một loạt danh hiệu nhà nước bây giờ cũng đã được nâng lên Nghị định hết rồi từ phong tặng NSND, NSƯT, NGND, NGƯT… Khi ở mức cao hơn, sự điều tiết tốt hơn. Nhưng tôi nghĩ chắc cũng khó tránh khỏi những trường hợp ngoài ý muốn. Bởi nó đa dạng mà sự mong muốn của mọi người là rất nhiều. Mà khả năng đáp ứng cũng không thể đáp ứng hết được.
- Nghệ sĩ này gửi đơn tố cáo nghệ sĩ kia cũng nhiều mà nghệ sĩ tố thẳng những thành viên trong Hội đồng thiếu tư cách cũng không ít. Tiêu chuẩn để lựa chọn một nghệ sĩ để vào Hội đồng xét duyệt là như thế nào thưa ông?
- Để vào được một hội đồng phải qua nhiều khâu giới thiệu trước khi Bộ trưởng quyết định. Thứ nhất, Vụ Thi đua Khen thưởng không phải cơ quan giới thiệu vì chúng tôi không phải là cơ quan chuyên ngành. Người giới thiệu trước hết phải là Cục quản lý nhà nước về vấn đề đó. Bộ VHTT&DL có 2 Cục quản lý nhà nước là Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Điện ảnh. Ngoài ra, chúng tôi còn có văn bản gửi các cơ quan khác giới thiệu các thành viên ngồi Hội đồng. Tôi ví dụ trong Lực lượng Vũ trang chúng tôi mời Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Phát thanh truyền hình mời Bộ TT&TT, Đài truyền hình VN, Đài tiếng nói VN. Hay một số đối tượng khác chúng tôi có công văn gửi cho các hội chuyên ngành cấp TƯ để người ta giới thiệu. Bên cạnh đó, còn có những đơn vị khác như Ban Khen thưởng TƯ, Văn phòng Chủ tịch nước… phối hợp để làm.
Do đó, việc giới thiệu quy trình khá chặt chẽ. Còn việc người A, người B bị có ý kiến này khác là phản ánh không đúng thực chất. Chúng tôi không có áp lực gì ở đây, bởi người đấy vào ngồi trong Hội đồng thì số phiếu chỉ là 1 trên bao nhiêu thành viên Hội đồng. Như Hội đồng cấp nhà nước là 25 thành viên. Nếu người A, B nói ghét thì một mình lá phiếu người đó so với 24 phiếu còn lại cũng chẳng làm được gì. Đây là một quy trình rất chặt chẽ.
Có một điều chúng tôi cũng phải tiếp thu đó là các văn bản quy phạm pháp luật không bao giờ tuyệt đối vấn đề. Bao giờ cũng có một số vấn đề thỏa mãn một số đông nhưng cũng có vấn đề chưa đáp ứng được. Do đó, buộc những người thực thi pháp luật phải luôn lắng nghe. Chúng tôi cũng luôn trân trọng lắng nghe từ các nghệ sĩ, người quản lý nghệ sĩ qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cái gì thấy mình phải tiếp thu thì mình phải tiếp thu. Sau khi chúng tôi hoàn thành được quá trình xét, họp lại, tiếp thu những gì mà mọi người góp ý cho mình để làm được tốt hơn. Sau khi chúng tôi tôi chức lễ trao tặng sẽ làm một cuộc họp rút kinh nghiệm. Công khai rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người nghệsĩ.
- Tại sao Vụ thi đua khen thưởng không công khai luôn các thành tích, số huy chương giải thưởng mà nghệ sĩ có được lên trang tin để người dân tiện theo dõi, các nghệ sĩ cũng vì thế mà đỡ cảm thấy mập mờ trong việc xét, quy đổi huy chương thưa ông?
- Tiêu chí để đánh giá nghệ sĩ được xét tặng gồm 4 tiêu chí. Nếu chỉ xét NSND, NSƯT bằng thành tích huy chương vàng, bạc chắc chắn Bộ VHTT&DL sẽ nhờ FPT cài một phần mềm thống kê và chỉ ấn tên nghệ sĩ là có kết quả. Tuy nhiên, ở đây có 4 tiêu chí: trung thành với Tổ quốc, phẩm chất đạo đức, lan tỏa và cuối cùng mới là huy chương. Sở dĩ, tại sao không thông báo rộng rãi vì Hội đồng đánh giá toàn diện cả 4 yếu tố này với từng trường hợp nghệ sĩ. Khi Hội đồng xem xét đánh giá là xem xét từng hồ sơ một với 4 tiêu chí.
Mỗi một khi xét duyệt tới một nghệ sĩ nào đó, cả Hội đồng đều thảo luận kỹ càng. Chúng tôi thường ví hồ sơ nghệ sĩ lúc đó như là một khối rubic nhiều mặt, mặt này có thể được nhưng mặt khác thì chưa chắc, chúng tôi phải xoay đi xoay lại, thảo luận lên thảo luận xuống mới ra quyết định được.
- Bình thường những đợt xét duyệt trước, cứ ngày 2/9 sẽ vinh danh các nghệ sĩ, năm nay, cho tới giờ phút này các Hồ sơ vẫn chưa trình Thủ tướng được, có khúc mắc gì không thưa ông?
- Tôi rất hiểu những mong mỏi của người nghệ sĩ nhưng đúng là làm gì thì cũng phải có quy trình nghiêm ngặt. Năm nay nhiều hồ sơ lại làm theo Nghị định mới và cũng còn nhiều khúc mắc kiện cáo từ phía các nghệ sĩ nên Hội đồng phải làm việc và thẩm định nhiều.
Chúng tôi cũng đang giải quyết một hồ sơ cũng có đơn kiện và chờ báo các từ các cấp dưới xem xem hồ sơ này có thực sự trung thực hay không. Nếu không trung thực thì chúng tôi sẽ trình Thủ tướng, ngược lại hồ sơ đó bị loại. Mong các nghệ sĩ hết sức bình tĩnh và chờ Hội đồng chúng tôi làm việc cho đúng quy trình.
Theo Tình Lê/Vietnamnet
488 hồ sơ đủ điều kiện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT
Bộ VHTTDL vừa công bố danh sách 488 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Trong số đó có 102 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 386 hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT. Chỉ có 3 hồ sơ NSND (2 hồ sơ thuộc lĩnh vực phát thanh - truyền hình, 1 hồ sơ âm nhạc) không đủ điều kiện trình Thủ tướng xem xét đợt này so với danh sách được Hội đồng chuyên ngành Nhà nước công bố ngày 10/7.
NSƯT Tự Long là một trong những nghệ sĩ được xét tặng lên NSND lần này.
Hai lĩnh vực sân khấu và âm nhạc có số lượng hồ sơ đông nhất: Sân khấu có 53 hồ sơ xét NSND và 190 hồ sơ NSƯT; âm nhạc có 23 hồ sơ NSND và 103 hồ sơ NSƯT. Theo quy định, danh sách 488 hồ sơ này được đăng tải trong 15 ngày để lấy ý kiến nhân dân trước khi Hội đồng cấp nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8.
Theo H.L.T/Lao Động
Xét tặng danh hiệu NSND: 'Hết nạc vạc đến xương' Danh hiệu NSND bị "huy chương hóa" làm sai lệch chuẩn? Huy chương có phải bao giờ cũng đồng nghĩa với tài năng? NSND dành cho hàn lâm hay cộng đồng? Hết nạc vạc đến xương Chính vì mắc những "chuẩn", nhiều nghệ sĩ không được xét trao tặng danh hiệu. Nhưng cũng chính vấn đề thiếu HCV hay thiếu năm đặt ra...