Thành sát nhân khi bị dồn ép
Đang lúi húi làm việc, Vân bị ông bố của chủ nhà ôm ngang người đòi quan hệ tình dục. Không đồng ý, cô vật lộn chống cự làm cụ ông chết vì ngạt thở.
Phiên xét xử Vũ Thị Vân (28 tuổi, ở Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) giết ông cụ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” diễn ra nhanh chóng bởi hành vi phạm tội của Vân được khai rõ ràng, gia đình bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Người đến dự phiên xử không “ném” về phía bị cáo những cái nhìn phẫn uất như trong các phiên xử tội phạm giết người khác mà ở đây ít nhiều Vân có được sự chia sẻ. Cơ quan tố tụng xác định Vân gây án trong lúc tinh thần bị kích động mạnh, lỗi một phần do nạn nhân.
Theo truy tố, Vân giúp việc cho một gia đình ở tỉnh Bắc Ninh từ năm 2010. Sáng 24/7, sau khi dọn dẹp xong các phòng ở các tầng dưới, cô lên tầng 4. Khi cô đang tháo ga trải giường để đi giặt, cụ ông 70 tuổi (bố đẻ của chủ nhà) đi vào phòng.
Cụ đóng cửa, ôm Vân nói muốn quan hệ tình dục. Cô giúp việc không đồng ý và bị cụ đẩy ngã xuống giường. Sau một hồi giằng co, do khỏe hơn, Vân lật được cụ ông nằm úp xuống đệm. Cô vơ tấm ga trải giường bịt vào mặt ông bố của chủ nhà khiến cụ chết ngạt.
Tại phiên xử mở cuối tháng 11, TAND tỉnh Bắc Ninh phạt Vân 3 năm tù do “giết người trong tình trạng bị kích động mạnh”.
Vũ Thị Vân tại tòa.
Video đang HOT
Theo một luật sư, Vân có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho như: đầu thú ngay sau khi gây án; phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi bị nạn nhân cố tình dùng vũ lực xâm hại; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…
Vị luật sư cho rằng, nạn nhân có lỗi khi đòi giao cấu, Vân không đồng ý và kháng cự dẫn đến làm chết người. “Như vậy hành vi của Vân cũng có thể được xem xét ở tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (điều 96 Bộ luật Hình sự) thay vì Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (điều 95)”, luật sư phân tích và cho hay nếu thấy mức án quá nặng, bị cáo có quyền chống án xin giảm hình phạt.
Cùng phạm tội do bị dồn ép như Vân là bà Nguyễn Thị Mỹ Năng. Bị chồng đuổi đánh, trong cơn cùng quẫn bà dùng dao tước đi mạng sống của người đầu gối tay ấp.
Bà Năng và ông Tôi (ở TP HCM) lấy nhau được gần 30 năm, có 4 mặt con. Với bản tính cần cù, chịu khó, cuộc sống của họ cũng không đến nỗi khó khăn. Sẵn có mặt bằng, bà Năng mở cửa hàng bán tạp hóa và nước giải khát trước nhà. Bà chủ quán xởi lởi được nhiều khách quý mến. Ông Tôi trở nên cộc cằn, thô lỗ khi thấy bà Năng đon đả bán hàng. Nghĩ rằng vợ ngoại tình, ông nhậu nhiều hơn, mỗi lần về nhà lại lôi vợ ra chửi mắng, đánh đập.
Một ngày, sau chầu nhậu, ông gây chuyện với bà Năng. Không muốn nghe chửi bới, người vợ ngoài tứ tuần dắt xe đi dù bị chồng ngăn cản. Để cản vợ, ông Tôi hai lần đâm thủng lốp xe. Tức giận vì hành động của người chồng, bà Năng lao vào cấu và xảy ra ẩu đả.
Quyết ra khỏi nhà trong lúc chồng đã như hóa điên, bà Năng bảo con trai dắt xe khác để đi. Ngăn cản vợ không được, ông Tôi tức giận cầm cây xà beng đứng chặn trước cửa nhà tuyên bố: “Mày mà đi tao giết”.
Thấy vợ ra ngoài uống nước, người chồng vẫn còn hơi men cầm ghế sắt lao đến đánh tới tấp. Bà Năng vừa đưa tay đỡ vừa chạy thụt lùi. Thấy con dao lúc nãy ông Tôi chọc thủng bánh xe đang để trên nóc tủ lạnh, bà lấy và khua về phía chồng. Khi hai cậu con trai chạy đến can ngăn cũng là lúc ông Tôi cầm ghế lao vào vợ… Con dao trên tay bà Năng đâm trúng nách chồng.
Với hành vi phạm tội trên, bà Năng bị VKS truy tố về tội “Giết người” theo điều 93, có mức án từ 7 đến 15 năm tù. Tuy nhiên, quá trình xét xử, HĐXX cho rằng hành vi của bị cáo là Giết trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (điều 95) nên dã chuyển tội danh. Xét bị cáo thành khẩn, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, nạn nhân cũng có một phần lỗi, mẹ chồng và các con xin giảm nhẹ hình phạt…, tòa phạt 2 năm tù.
Một trường hợp khác “vô lý làm chết người” là Hoàng Kha Ly (24 tuổi, huyện Bình Chánh, TP HCM). Theo hồ sơ, một ngày cuối tháng 8/2010, Ly cùng vợ là Nguyễn Thị Bé Ngoan đi bộ từ nhà mẹ đẻ ra quốc lộ 50 thuộc địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh để về nhà trọ. Khi ra đến đầu quốc lộ, bỗng dưng chị Ngoan ngất xỉu.
Hay tin, mẹ của Ly và một người gần đó vội đến chăm sóc cho con. Riêng Ly chạy đi tìm người nhờ phụ chở vợ đi bệnh viện cấp cứu. Thấy anh Cao Tuấn (chạy xe ôm) đang ngồi trong quán nhậu gần đó, Ly đến năn nỉ chở vợ nhưng bị từ chối.
Lo cho tính mạng của vợ, Ly lớn tiếng với anh Tuấn dẫn đến cãi nhau. Ly chạy theo nắm cổ áo đẩy người lái xe ôm ra đường. Một chiếc xe ben đi ngang qua không kịp phanh đã đâm vào anh Tuấn. Do phạm tội Vô ý làm chết người (điều 98), Ly lĩnh án 2 năm tù.
Theo VNE
Phòng vệ chính đáng sẽ không phạm tội
Theo khoản 1 Điều 15 Bộ luật hình sự, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác... mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích trên.
Ảnh minh họa: PL TP HCM
Sở dĩ pháp luật không coi phòng vệ chính đáng là tội phạm nhằm khuyến khích mọi công dân đấu tranh chống lại hành vi tội phạm cũng như ngăn chặn, hạn chế những thiệt hại do hành vi đó gây ra.
Như vậy. hành động phòng vệ chính đáng theo luật định có phạm vi rất rộng. Nó không chỉ là hành động chống trả lại người đang có hành vi xâm phạm tới lợi ích của mình mà còn có thể chống trả lại người đang có hành vi xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, của tổ chức hoặc của người khác.
Điều luật chỉ quy định "chống trả lại một cách cần thiết" chứ không đòi hỏi phải tương xứng do vậy vẫn có thể sử dụng các công cụ, phương tiện mà có thể gây nguy hiểm hơn so với công cụ, phương tiện mà người có hành vi xâm phạm đang sử dụng.
Thậm chí, người có hành động phòng vệ có thể sử dụng công cụ, phương tiện để chống trả khi người đang có hành vi xâm phạm chỉ tay không. Pháp luật chỉ quan tâm đến thiệt hại mà người có hành động phòng vệ gây ra có vượt quá giới hạn hay không, có nằm trong mức độ cho phép để việc chống trả được coi là cần thiết hay không.
Tuy nhiên luật không đòi hỏi thiệt hại mà hành vi phòng vệ gây ra cũng phải ngang bằng thiệt hại mà người tấn công đe dọa gây ra. Nhiều trường hợp phòng vệ chính đáng chỉ phát huy hiệu quả khi phải gây thiệt hại lớn hơn cho kẻ tấn công, có như vậy mới có thể chấm dứt được hành vi tấn công. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa người phòng vệ muốn gây thiệt hại đến mức nào cũng được.
Nhìn chung, việc đánh giá có là phòng vệ chính đáng hay không là hết sức phức tạp, đòi hỏi phải đặt sự việc trong hoàn cảnh cụ thể, phải so sánh tương quan lực lượng, xem xét tính chất quan hệ xã hội mà kẻ tấn công đang xâm phạm, phương pháp, phương tiện, công cụ mà kẻ tấn công sử dụng cũng như điều kiện, khả năng phòng vệ của người phòng vệ...
Như vậy, các quy định về phòng vệ chính đáng chỉ mang tính định tính chứ không định lượng cụ thể. Do đó, với trường hợp bạn hỏi, chúng tôi không thể đưa ra một đáp án cụ thể được. Người bị tấn công trong từng trường hợp cụ thể phải tự phán đoán, quyết định phòng vệ thế nào và đến mức nào. Nếu kẻ trộm tấn công bằng dao, cách phòng vệ hoàn toàn khác với việc kẻ trộm tấn công bằng tay không.
Khoản 2 Điều 15 quy định "Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại". Quy định này có thể hiểu là người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây ra thiệt hại quá đáng cho người xâm hại mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó (Chỉ thị 07/TATC ngày 22/12/1983 của TAND tối cao).
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đây được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phòng vệ.
Theo VNE
Vào tù vì rủ nhau đi lấy lại cái cộ bò Chỉ vì muốn lấy lại cái cộ bò bị giữ, 15 bị cáo cùng trú xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa đã rơi vào vòng lao lý. Ngày 6/12, TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận kháng cáo sửa một phần án sơ thẩm giảm cho bị cáo Võ Hồng Khánh (SN 1990) từ 7 năm tù xuống còn 5...