Thành phố tuyết giữa núi rừng Ấn Độ
Cánh rừng thông và những tòa nhà phủ đầy tuyết trắng ở thành phố Shimla khiến nhiều du khách ngỡ như đang lạc bước giữa trời Âu.
Tọa lạc tại vùng núi phía bắc ở độ cao hơn 2.200 m so với mặt nước biển, thành phố Shimla, thuộc bang Himachal Pradesh sở hữu khí hậu mát lạnh và dễ chịu, khác hoàn toàn với sự nóng bức thường thấy của Ấn Độ. Vào mùa đông, cảnh sắc nơi đây toát lên một vẻ đẹp sang trọng và tinh khôi với những cánh rừng sồi, rừng thông phủ đầy tuyết trắng, các tòa nhà mang kiến trúc Tây phương chìm trong hơi lạnh giữa sườn đèo. Nhiều du khách có dịp chứng kiến khung cảnh này đã ví von Shimla tựa như “một ngôi làng tuyết xứ Âu châu”.
Thành phố Shimla đẹp tinh khôi tựa trời Âu trong tuyết trắng.
Ngoài ra, Shimla cũng được biết đến với tên gọi “thủ phủ mùa hè”, do thực dân Anh dưới thời thuộc địa đã xây dựng nơi đây thành khu nghỉ dưỡng với mục đích tránh xa cái nóng như thiêu đốt của mùa hè Ấn Độ. Hiện nay, Shimla là thủ phủ của bang Himachal Pradesh và là trung tâm thương mại, văn hóa, giáo dục của toàn bang.
Mùa đông chính là thời điểm lý tưởng nhất để du lịch “thành phố tuyết”. Du khách cần chuẩn bị đầy đủ quần áo ấm vì nhiệt độ xuống thấp, dao động từ -1 đến 10 độ C. Shimla có nhiều con đường đẹp để tham quan, khám phá. Dạo bước qua quảng trường The Mall tại trung tâm thành phố, bạn sẽ bắt gặp những tòa nhà, đền thờ, nhà thờ được xây dựng theo phong cách Tây phương, mang hơi hướng của kiến trúc Phục Hưng, Tudor và tân Gothic từ thời thuộc địa. Nhà thờ Christ cũ, với màu vàng nổi bật và các cửa sổ kính màu đẹp mắt, là một trong những điểm đến thu hút khách tham quan. Đây cũng là nhà thờ hiếm hoi mà bạn có thể bắt gặp ở vùng Bắc Ấn này vì chỉ có hơn 2% dân số Ấn Độ theo Thiên chúa giáo. Ngoài ra, bạn có thể ghé thăm lâu đài Viceregal Lodge, Thư viện và bảo tàng Himachal State hay khu chợ vùng núi Lakkar Bazaar nổi tiếng với những món đồ thủ công mỹ nghệ bằng gỗ.
Hầu hết các tòa kiến trúc ở Shimla được xây dựng dưới thời thuộc địa đều mang đậm màu sắc châu Âu.
Từ quảng trường trung tâm phóng tầm mắt ra xa, sẽ thấy cảnh phố núi sầm uất được xây dựng và quy hoạch bài bản, trải dọc theo núi non trùng điệp với hai sắc màu chủ đạo là xanh lá cây và đỏ. Đến mùa đông, những đụn tuyết đọng trên mái nhà và chạc cây khiến cả thị trấn càng trở nên đẹp đẽ và bừng sáng. Bùi Việt Hà (sinh năm 1985) từng có chuyến du lịch đến Shimla vào năm 2019, cho biết vùng đất này gợi cho cô nhớ đến Đà Lạt, Sa Pa của Việt Nam. “Nhìn cả thành phố Shimla phủ một lớp tuyết trắng đang tan chảy dưới ánh mặt trời, lòng mình cũng muốn tan chảy theo vì khung cảnh quá thơ mộng. Rảo bước trên đường phố Ấn Độ mà mình ngỡ như đang lạc vào một ngôi làng cổ xưa ở châu Âu”, Hà nói.
Thể lực là một yếu tố rất quan trọng trong chuyến đi vì quảng trường và các khu lân cận đều được quy hoạch thành phố đi bộ, xe cộ không được phép ra vào nên du khách sẽ phải cuốc bộ khá xa, qua rất nhiều bậc thang và những con dốc cao. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đề phòng những chú khỉ nghịch ngợm và “manh động” ở xung quanh, luôn chực chờ cướp đồ ăn từ tay bạn bất cứ lúc nào.
Du lịch ở Shimla có đủ hoạt động nghỉ dưỡng và thể thao, như chèo thuyền kayak, trekking, leo núi… Đặc biệt bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm trượt băng trên sân băng tự nhiên lớn nhất vùng Nam Á khi đến Shimla vào mùa đông. Tiết trời lành lạnh là điều kiện lý tưởng để thưởng thức một ly cà phê nóng đậm đặc cùng các món ăn ngon tại Himachal như chha, patore và khoru…
Đến với Shimla, du khách sẽ được trải nghiệm cưỡi ngựa qua những cánh rừng tuyết trước khi đi vào khu trượt tuyết.
Có nhiều con đường để đến Shimla. Du khách có thể di chuyển bằng xe lửa trên tuyến đường sắt di sản thế giới Kalka – Shimla được người Anh xây dựng từ năm 1898, hoặc đi máy bay đến sân bay Chandigarh (Delhi), rồi tiếp tục đi đường đèo đến thành phố này, để được một lần đắm mình trong cảnh sắc kỳ vĩ của “thành phố tuyết” giữa núi rừng bắc Ấn vào đông.
28 ngày du lịch 'bụi' một mình khắp Ấn Độ
"Là con gái thì đừng đi Ấn Độ nếu không muốn thành nạn nhân.", Bùi Việt Hà đã nghe điều này nhiều lần trước khi lên kế hoạch du lịch Ấn Độ một mình.
Video đang HOT
Ấn Độ là một đất nước mà khi nhắc đến đều ít nhiều làm chùn bước chân những người ưa khám phá. Một đất nước được gọi bằng nhiều cái tên đáng sợ: xứ sở của dịch bệnh, xứ sở của đói nghèo, nơi ô nhiễm và bất bình đẳng nhất thế giới... Thế nhưng, đó có phải là tất cả những gì về Ấn Độ? Nỗi băn khoăn cùng tò mò đã thôi thúc Bùi Việt Hà, sinh năm 1985 hiện sống ở TP HCM, thực hiện một chuyến đi liều lĩnh đến với nơi đầy rẫy định kiến này.
Một xứ sở "không như lời đồn"!
Mùa hè năm 2019, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), với hành trang là hai chiếc ba lô nặng gần 40 kg, một mình - Hà bắt đầu hành trình phiêu lưu Ấn Độ trong 28 ngày. Theo kế hoạch, cô sẽ du lịch từ miền Bắc xuống miền Trung vì con người Bắc Ấn thường hiền hòa, thân thiện, sẽ giúp cô đỡ "sốc văn hóa" trong những ngày đầu của chuyến hành trình một mình này.
Như đóa xương rồng trên cát, Hà liều lĩnh, gan góc, quyết tâm một mình đến Ấn Độ.
Sau 3 tiếng xuất phát, Hà quá cảnh tại sân bay Changi (Singapore) và đặt chân đến thành phố Amritsar (Ấn Độ) vào lúc 18h. Tổng thời gian của hai chặng bay là 14 tiếng. Amritsar thuộc bang Punjab, tọa lạc phía tây bắc Ấn Độ. Việc đầu tiên Hà làm khi đến đây là đổi tiền và mua sim nội địa để thuận tiện cho việc xem bản đồ, đặt xe, tìm kiếm thông tin... Tiếng Anh là ngôn ngữ cô dùng giao tiếp với mọi người.
Đến với Amritsar, Hà đã có trải nghiệm đầu tiên đầy thú vị tại chốt cửa khẩu Wagah ở biên giới Ấn Độ - Pakistan, nơi mà cô gọi vui là "cửa khẩu hài hước và kỳ lạ nhất thế giới". Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh những bốt canh gác, những trạm kiểm soát nghiêm ngặt vẫn thường thấy, ngay tại bang Punjab, đường biên giới đầy căng thẳng giữa hai nước lại trở thành "sân khấu" với màn trình diễn đẹp mắt của lính gác cộng hưởng trong tiếng nhạc, tiếng hò reo cổ vũ của người dân hai bờ Wagah. Mọi người còn cùng nhau đổ xuống sân nhảy múa. Màu áo, màu khăn rực rỡ hòa vào nhau như những đóa hoa bừng nở, tạo thành một cảnh tượng khó quên trong lòng cô gái Việt. Buổi lễ hạ cờ ở Wagah diễn ra vào mỗi buổi chiều trước khi mặt trời lặn, là dịp người Ấn thể hiện lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc.
Hà cũng không quên ghé thăm Đền Vàng linh thiêng của những người đạo Sikh, sẵn tiện... "ăn chực" tại bếp ăn miễn phí lớn nhất thế giới nằm trong khuôn viên đền. Vào những ngày cao điểm, nơi đây có thể cung cấp đến 40.000 suất ăn miễn phí mỗi ngày. Khách du lịch cũng có thể trải nghiệm làm sewa (tình nguyện viên) phụ giúp sản xuất những phần ăn. Tò mò, Hà đã tiến vào bếp thử xin làm sewa nhưng thay vì đưa cho cô nàng công cụ để bắt tay vào việc thì những người ở đây lại tặng Hà bánh và một nụ cười.
"Mình đã có cảm giác vô cùng bình yên khi ở đền, mọi người đều tử tế và tốt bụng. Có rất nhiều người khi thấy mình là người nước ngoài liền vui vẻ bắt chuyện. Những đứa trẻ thì đến xin chụp hình và còn mời mình về nhà dùng trà nữa. Tiếc là mình không còn đủ thời gian vì phải chuẩn bị lên đường đến thành phố kế tiếp", Hà nói. Cô nàng cũng tranh thủ dạo bộ qua những con đường di sản ở Amritsar trước khi tạm biệt thành phố hiền hòa này.
Điểm đến tiếp theo của cô chính là thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Tại đây, Hà đã có dịp hội ngộ cùng người bạn cũ Lê Tú, hiện sống và làm việc tại Delhi. Trong ba ngày ở nơi này, cả hai cùng nhau trải nghiệm ẩm thực địa phương và khám phá các khu mua sắm dành cho giới nhà giàu như chợ Khan, Trung tâm Thương mại Tài chính Connaught Place cho đến những ngôi chợ bình dân hơn như Janpath, Chandni Chowk. Hà và Tú cũng lần lượt ghé qua Cổng Ấn Độ (India Gate), viếng thăm lăng mộ Humayun, một tuyệt tác kiến trúc theo phong cách Ba Tư và ngắm hoàng hôn tại Pháo Đài Đỏ (Red Fort), nơi cư ngụ chính của các Hoàng đế Mughal trong gần 200 năm.
Vỏn vẹn năm ngày ngắn ngủi ở hai thành phố đã vẽ nên trong lòng Hà một Ấn Độ rất khác. Một Ấn Độ "không như lời đồn", với con người thân thiện, cảnh quan xinh đẹp và nền văn hóa đa dạng, củng cố niềm tin cho cô gái Việt Nam bước tiếp những bước chân kiêu ngạo và dạn dĩ trên hành trình chinh phục vùng đất còn nhiều bí ẩn này.
Những trải nghiệm ngoạn mục để đời
Nghe Hà chia sẻ về hành trình "Ấn Độ 28 ngày phiêu lưu ký" của mình, tôi không ngăn được suy nghĩ nếu đem những điều mà cô đã nghe, đã thấy, đã cảm nhận viết thành một quyển sách, hẳn quyển sách ấy sẽ đầy màu sắc và tuyệt vời hơn bất cứ giấc mơ nào. Nhưng tôi khá chắc dù là giấy mực, ảnh chụp hay những thước phim đều không đủ lột tả trọn vẹn chuyến hành trình có thể nói là... ngoạn mục và đầy ấn tượng của cô gái này.
Từ vùng tây bắc sang đông bắc, Hà in dấu chân mình trên những con đường của thành phố Shimla ở độ cao 2.000 m, nơi được ví von như "ngôi làng châu Âu cổ xưa giữa núi rừng". Du hành trên tuyến đường sắt di sản thế giới Kalka - Shimla, Hà như thu vào tầm mắt khung cảnh hùng vĩ của vùng đồi núi và những tòa kiến trúc bao phủ trong tuyết trắng, lấp lánh như thể sắp tan chảy dưới ánh mặt trời.
Từ Shimla, Hà đi lên vùng núi cao phủ tuyết quanh năm ở thung lũng Spiti, nơi sở hữu những kỷ lục Guinness thế giới đầy thú vị. Để đến được nơi này, cô gái sinh năm 1985 phải đi qua một trong những cung đường nguy hiểm bậc nhất thế giới, chốn không dành cho những tài xế non tay. Xe lăn bánh mở ra một khung cảnh nơi đất gần trời, một bên là vách núi cao sừng sững, một bên là vực sâu với dòng sông Spiti cuồn cuộn chảy xiết. Đường rất hẹp chỉ đủ chỗ cho một làn xe, nhiều đoạn xe chạy sát mép vực mà Hà tưởng chừng như "sai một ly thôi thì cả người lẫn xe tải sẽ rơi xuống dòng sông bên dưới". Đến khi xe lên 3.000 m thì bên đường hoàn toàn không một bóng cây, không một dấu hiệu của con người ngoại trừ những cung đường ngoằn ngoèo cắt ngang qua núi. Hà thậm chí đã gặp hội chứng sốc độ cao, bị khó thở và nhức đầu nhưng tất cả đều không thể ngăn cản cô gái liều lĩnh này chinh phục những kỳ quan ở độ cao gần 4.500 m của Spiti.
Việt Hà trên chặng đường chinh phục những kỷ lục cao nhất thế giới ở thung lũng Spiti.
Tại thành phố Jaisalmer nằm gần biên giới Pakistan, Hà có thêm một trải nghiệm để đời là tận hưởng khách sạn "ngàn sao" trong cái nắng nóng của sa mạc Thar, sa mạc lớn thứ 3 châu Á. Một chuyến đi vào sa mạc nghe thì lành ít dữ nhiều nhưng lại có sức mê hoặc kỳ lạ đối với những đôi chân ham khám phá. 15h, giữa đợt cao điểm nắng nóng, Hà thuê xe jeep đến Thar rồi chuyển sang lạc đà để đi vào sa mạc.
Lạc đà ở Ấn Độ là giống lạc đà một bướu, có thể dễ dàng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt ở vùng sa mạc mà đặc sản chỉ toàn gió với cát. Đồng hành cùng Hà có người quản lạc đà và tài xế xe jeep, lúc cả nhóm đến được điểm dừng chân thì cũng đã chiều tối. Tại đây, Hà lần đầu tiên ngủ qua đêm trên giường sắt, dưới cái nóng 46 độ, với mùng là bầu trời đầy sao còn chăn là những đợt gió nóng mang theo cát hoang mạc, phả vào mặt rát buốt. Nơi này trời vẫn sáng như ban ngày dù đã 19h.
"Với mình đây là một trải nghiệm vừa lạ lẫm vừa thú vị. Mình ngủ không được ngon lắm vì bị gió nóng thổi suốt đêm. Sau đó có một đàn chó hoang tới đây, chúng lùng sục và liên tục hít ngửi ngay dưới chân mình, rất đáng sợ. Tay mình thậm chí đã thủ sẵn cây tripod, lỡ mà nó đụng vô người là... phang luôn! Cũng may hai chú đi cùng đã giúp mình đuổi đàn chó đi", Hà kể lại trải nghiệm thót tim.
Ngoài ra, cô nàng còn đi "săn ma" ở ngôi làng bị nguyền rủa Kuldhara, nằm cách Jaisalmer khoảng 15 km về phía tây trong sự sợ hãi xen lẫn tò mò, kích thích. Toàn bộ người dân của ngôi làng này đã biến mất đầy bí ẩn chỉ qua một đêm vào khoảng 200 năm trước, để lại nhiều nghi vấn cho đến tận ngày nay. Những người sống ở khu vực xung quanh thì tin rằng làng Kuldhara vướng vào một "lời nguyền" hắc ám khiến bất cứ ai sống ở đây đều bỏ mạng.
Trên hành trình rong ruổi qua muôn nẻo đường xứ Ấn, Hà lần lượt ghé thăm lăng Taj Mahal là biểu tượng về tình yêu vĩnh cửu ở cố đô Agra, hòa mình vào những buổi lễ vinh danh sông Hằng và chứng kiến tập tục hỏa thiêu trên dòng sông linh thiêng ngàn năm này, đến với xứ sở những tòa lâu đài của ông Hoàng xứ Ấn ở thành phố Hồng Jaipur và thành phố Xanh Jodhpur, tìm hiểu về các tôn giáo độc đáo của Ấn Độ như đạo Sikh, đạo Jain, đạo Baha'i, Phật giáo Tây Tạng, Hindu giáo và Hồi giáo.
Du lịch xứ Ấn, cô gái Việt Nam được dịp vi vu trên nhiều phương tiện khác nhau từ taxi, xe jeep, motor, tàu hỏa, tàu điện ngầm, xe khách đường dài, hitchhike cho đến xe lam, xe đạp lôi, xe ngựa và lạc đà. Di chuyển trên đường phố Ấn Độ, đôi lúc du khách sẽ bất ngờ khi gặp những chú ngựa thồ hàng chạy cùng làn với phương tiện hiện đại. Nhưng động vật tham gia giao thông trên đường phố Ấn Độ không phải điều lạ lẫm, thi thoảng cô còn thấy cả voi, cả lạc đà di chuyển trên đường.
Hà cũng nếm thử ẩm thực địa phương ở khắp các nơi cô đi qua từ nhà hàng cho đến đường phố, như bánh roti, kulcha, momo... để rồi ngạc nhiên nhận ra rằng sức ăn của người Ấn Độ khỏe hơn người Việt Nam, nên mỗi phần ăn được bán ra ở đây đều đầy ắp, làm cô nàng ăn đến no căng.
Hơn cả một chuyến đi
Khi những ngày rong ruổi sắp kết thúc, lòng Hà quay cuồng giữa bao nhiêu thứ cảm xúc xốn xang, bồi hồi kỳ lạ. Một chút nhớ Việt Nam, xen lẫn nỗi tiếc nuối vì không thể kéo dài hành trình thêm được nữa. 28 ngày, Hà đi một mình, về một mình nhưng hoàn toàn không đơn độc. Một cách vô tình hay hữu duyên mà cô đã có những người bạn đồng hành cực kỳ đáng nhớ, như Hiếu, Lê Tú, như Akin, Naina, Mayank...
Hà nhớ hoài chuyến đi xe bus cùng Lê Tú đến thung lũng Spiti. Tại trạm nghỉ ở Reckong Peo, khi cô nàng còn đang mơ màng sau chặng đường dằn xóc dài 21 tiếng thì nhận "tin sét đánh": chiếc ba lô hành lý của Tú đã biến mất khỏi nóc xe! "Do xe chật nên toàn bộ hành lý phải để trên nóc và không được ràng buộc kỹ, đường lại xóc nên mình nghĩ hành lý đã rớt lại dọc đường", Hà thở dài, lo lắng khi không còn quần áo ấm để đi lên vùng núi cao giá lạnh.
Đôi bạn đã đến khiếu nại với nhà xe trong vô vọng, rồi đến đồn cảnh sát báo mất đồ nhưng vẫn không giải quyết được gì. Trước tình thế đang không biết làm sao thì may mắn xảy đến. Hà và Tú được hai người bạn Ấn Độ là Akin và Naina mời đi chung xe taxi trên chặng đường còn lại đến với Spiti, cùng chia sẻ đồ ấm cho nhau để đi tiếp.
Hiếu là một trong những người bạn đồng hành cùng Hà tại Ấn Độ.
"Những người bạn Ấn Độ mình vô tình gặp và kết thân thật sự rất tốt bụng và giúp đỡ mình nhiệt tình, khác hẳn những định kiến mà mọi người thường được nghe, thường suy nghĩ về đàn ông, về xã hội Ấn Độ", Hà nói. Cô thầm thấy may mắn vì sau những hoang mang đã không bỏ lỡ cơ hội đến với quốc gia đầy màu sắc này, để rồi nhận lại những món quà vô giá: học được nhiều bài học mới, có thêm những người bạn mới, thưởng thức hương vị của những món chưa từng ăn, chiêu đãi đôi mắt bằng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, để trái tim mở lòng tiếp thu, cảm nhận và tôn trọng phong tục tập quán của quốc gia này.
"Càng đi mình càng thấy bản thân trưởng thành và mạnh mẽ hơn, đồng thời nhận ra sự hữu hạn của đời người. Tự bao giờ mình biết trân trọng từng khoảnh khắc bé nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như việc biết ơn cuộc đời đã cho mình nhìn thấy bình minh đỏ rực mỗi sớm mai", Hà bộc bạch.
Với cô, Ấn Độ là một vùng đất rất nên đến đối với những ai yêu thích tìm hiểu và khám phá. Tuy nhiên, Hà vẫn khuyên mọi người nên đi theo nhóm nếu như chưa trang bị đủ tự tin để du lịch "bụi" một mình. Thi thoảng, ngồi nhìn lại những tấm hình ngày trước, cô gái Việt lại thấy trái tim mình dậy lên những cảm xúc nóng rẫy, bồi hồi về cái nơi "chưa đi thì sợ, đến rồi hết sợ, và về thì tha hồ mà nhớ" ấy. Đâu đó trong Hà luôn ấp ủ hy vọng một ngày không xa sẽ có dịp đặt chân lên xứ sở diệu kỳ này lần nữa.
4 quán cà phê ẩn mình giữa núi rừng Đà Lạt Đến với 'vương quốc cà phê' Đà Lạt (Lâm Đồng), bạn đừng bỏ lỡ trải nghiệm 'chill' giữa rừng thông, cảm nhận không khí se lạnh, thiên nhiên trong lành. Nếu muốn tạm rời phố thị tấp nập, bạn có thể đến các quán cà phê Đà Lạt nằm biệt lập giữa thung lũng thông reo ngập nắng, lắng nghe thanh âm của...