Thành phố Nagoya của Nhật Bản cấm bước đi trên thang cuốn
Chính quyền thành phố Nagoya ( Nhật Bản) vừa công bố một sắc lệnh mới, yêu cầu người dân phải đứng yên trên thang cuốn thay vì đi lại. Luật cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10.
Nhân viên nhà ga cầm biển báo khuyến cáo hành khách đi an toàn trên thang cuốn. Ảnh: Japan News
Theo tờ Japan Today, tại Nagoya, người đi lại thường có thói quen đứng yên ở phía bên trái của thang cuốn và để trống phía bên phải cho những người muốn đi lên hoặc xuống. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, đã xảy ra nhiều vụ việc người dân mất thăng bằng và xô ngã người khác cũng như các vụ tai nạn liên quan đến hành khách chạy lên xuống thang cuốn.
Chính vì vậy, lệnh cấm mới được đưa ra nhằm yêu cầu người dân phải đứng yên trên bất kỳ thang cuốn nào tại các nhà ga và các địa điểm công cộng khác trong thành phố, bất kể họ đứng bên trái hay bên phải.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là làm thế nào để cho người đi lại biết về sắc lệnh này và thực thi nó để ngăn ngừa những tai nạn như té ngã. Không có hình phạt cho người vi phạm quy định.
Chính quyền thành phố Nagoya đã chạy quảng cáo trên truyền hình và dán áp phích về sắc lệnh mới tại các ga tàu lớn.
Nagoya không phải là thành phố đầu tiên áp dụng động thái này. Vào tháng 10/2021, chính quyền tỉnh Saitama là cơ quan đầu tiên trong cả nước thực thi sắc lệnh tương tự.
Một nghiên cứu sau đó cho thấy việc thực thi sắc lệnh đã làm giảm tỷ lệ người di chuyển trên thang cuốn từ 60% xuống còn 38%, nhưng hiện tại tỷ lệ này đã trở lại mức trước quy định.
Người Việt oằn mình trước nắng nóng và giá điện leo dốc ở Nhật
Nhiều người Việt ở Nhật cho biết giá điện tăng mạnh gần đây, kết hợp với nắng nóng bất thường, đang ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như các khoản chi và tiết kiệm của họ.
Vừa tốt nghiệp hồi tháng 4 ở Nhật, Ngọc Huyền (23 tuổi) trong tháng này phải chuyển ra khỏi ký túc xá và tự thuê nhà ở Tokyo. Thông báo về giá điện tăng mạnh ít nhiều khiến cô ngần ngại, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng bất thường gần đây ở Nhật.
"Gas, điện, nước đều tăng, giá yen giảm, thời tiết nắng nóng, mọi thứ đổ dồn vào một lúc khiến tôi đôi khi cảm thấy khó chịu", Huyền nói với Zing.
Đồng tình, Nguyễn Trọng Lâm (31 tuổi), thực tập sinh ngành thép tỉnh Ishikawa từ cuối năm 2015, cho biết chi phí cho tiền điện của anh đang tăng mạnh so với năm ngoái, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bản thân.
Anh Lâm và chị Huyền nằm trong số nhiều người Việt tại Nhật đang phải vật lộn với phí sinh hoạt gia tăng do lạm phát cộng với tác động của giá yen giảm. Ngoài vấn đề về tỷ giá tiền tệ, họ đặc biệt chú ý đến giá điện tăng trong thời gian gần đây, điều mà báo đài liên lục nhấn mạnh là tăng cao nhất trong vòng 5 năm.
Giá điện leo dốc
Theo Asahi, giá điện gia dụng trong tháng 8 sẽ tăng từ 10% đến 30% so với một năm trước, chủ yếu là do giá nhiên liệu tăng cao, 10 công ty điện lớn ở Nhật Bản cho biết hồi cuối tháng 6.
Mức tăng này được cho là cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Giá điện được dự kiến tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Video đang HOT
Giá điện bán sỉ ở Tokyo trong vòng 18 tháng, tính đến ngày 2/8. Ảnh: Bloomberg.
Kể từ giữa năm ngoái, các công ty điện lớn của Nhật Bản thường xuyên thông báo tăng giá. Mức tăng mới trong tháng 8 đánh dấu 12 tháng liên tiếp Chubu Electric Power điều chỉnh giá, trong khi với Hokkaido Electric Power là 17 tháng liên tiếp.
Tám công ty khác không thể tăng phí vì họ đã hoặc sẽ sớm chạm mức trần trong hệ thống điều chỉnh giá điện hàng tháng dựa trên sự biến động của giá nhiên liệu. Hokkaido Electric Power cũng đạt mức trần vào tháng 8.
Tính ở riêng Tokyo, giá điện đã tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng, theo Bloomberg. Tình trạng này được cho là một phần do nhiệt độ tăng cao, gây áp lực lên hệ thống lưới điện.
Giá điện bán sỉ ở Tokyo đã tăng gấp đôi lên 86,1 yen mỗi kWh vào hôm 2/8, mức cao nhất kể từ tháng 1/2021, theo dữ liệu từ sàn giao dịch điện quốc gia. Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng và giá than tăng cũng đang đẩy chi phí sản xuất điện ở Nhật Bản lên cao.
Anh Lâm, thực tập sinh ngành thép, cho biết tháng trước, 3 người trong nhà anh sử dụng hết khoảng 13.000 yen tiền điện (2,3 triệu VNĐ), tăng khoảng 30% so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Đinh Thu Trà (22 tuổi), du học sinh ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, cũng cho biết tương tự. Trà nói điện tại nhà thuê của cô thông thường chỉ khoảng 11.000 yen, nhưng tháng trước đã tăng tới 19.000 yen. Trà ước tính con số đó trong tháng này có thể tăng lên 22.000 yen do nắng nóng và giá điện tăng.
Đinh Thu Trà (22 tuổi) du học sinh ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi. Ảnh: NVCC.
"Giá điện ở vùng tôi đang sống cao hơn so với các vùng khác", Trà chia sẻ.
Đức Hoà (27 tuổi), hiện sinh sống và làm quản lý cho một nhà hàng tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, cũng cho rằng nắng nóng là một phần nguyên nhân khiến giá điện tăng và khiến việc tiết kiệm điện trở nên khó khăn hơn.
Sống ở Nhật được 7 năm, Hoà chia sẻ thời tiết những năm gần đây thay đổi nhiều so với những năm đầu khi anh đặt chân đến đất nước này. Nhiệt độ có những ngày lên tới gần 40 độ C. Các nhà chức trách phải cảnh báo về khả năng sốc nhiệt.
"Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tại Nhật Bản trong những tuần vừa qua tăng vọt. Gần đây, việc các nhà cung cấp điện thông báo tăng giá khiến tôi e ngại", anh nói.
Văn Tuấn (24 tuổi), ở Tokyo, cho biết thêm rằng chi phí mỗi thứ tăng một chút, cộng với việc giá yen giảm đang khiến các khoản tiết kiệm hàng tháng của anh thâm hụt và không thể gửi tiền về cho gia đình, vì tiền tiết kiệm vốn đã ít hơn, giờ đổi sang tiền Việt lại còn "lỗ".
"Lạm phát tăng cao, đồng yen giảm mạnh cùng với việc sinh hoạt phí tăng lên, mỗi thứ một chút cộng dồn lại cũng thành một khoản khá lớn. Tôi cũng phải điều chỉnh lại những khoản tiền tiết kiệm dự kiến hàng tháng do những thay đổi này", anh nói.
"Đôi khi tôi còn tự hỏi sao tiền lương của mình lại giảm nhiều đến vậy", Tuấn kể.
Ngọc Huyền chia sẻ đồng cảnh ngộ và cho biết cô đã không gửi tiền về cho gia đình kể từ đầu năm.
Khó lòng tiết kiệm điện vì nắng nóng
Để giúp người dân đối phó giá điện tăng cao, chính phủ đã kêu gọi tiết kiệm, đồng thời công bố chương trình thưởng điểm cho các hộ gia đình tiết kiệm điện.
Theo hệ thống, các hộ gia đình từ tháng 8 sẽ được tặng điểm trị giá 2.000 yen nếu họ tham gia vào những chương trình tiết kiệm điện do các đơn vị bán lẻ điện nước tổ chức, Asahi đưa tin.
Đức Hoà (27 tuổi) hiện sinh sống và làm quản lý cho một nhà hàng tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: NVCC.
Dẫu vậy, các cư dân cho biết dù muốn, họ khó lòng tiết kiệm, đặc biệt là trong mùa hè và mùa đông.
"Nhà tôi có con nhỏ, trời nắng nóng thế này nên phải bật điều hòa suốt", chị Đặng Hường, sống ở Nagoya, nói.
Anh Lâm cho biết với giá điện cao như hiện nay, dù chính phủ không kêu gọi, anh cũng nghĩ đến chuyện tiết kiệm. Tuy nhiên anh nói rằng thời tiết nắng nóng như hiện tại khiến anh không thể cắt giảm đáng kể việc sử dụng điện. "Tôi chỉ có thể cố bằng cách tắt bớt các bóng đèn không sử dụng, nhưng điều đó cũng không đáng là bao".
Anh cho biết thêm ngay cả khi đi làm, các công ty cũng luôn phải mở máy điều hòa không khí để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên.
Theo NHK, nhiều vùng của Nhật Bản hôm 2/8 đã ghi nhận mức nhiệt bất thường lên tới 38 độ C. Nhiệt độ cao nhất vào ban ngày lên tới 39,5 độ C tại thành phố Koshigaya ở tỉnh Saitama, và thành phố Kofu ở tỉnh Yamanashi. Thành phố Kumagaya và thị trấn Hatoyama ở tỉnh Saitama, cũng như thành phố Ome ở khu vực Tokyo cũng hứng chịu mức nhiệt lên tới 38,9 độ C.
Đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề nắng nóng, anh Lâm nói rằng thời tiết không chỉ ảnh hưởng đến giá điện mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và một số chi phí khác của người lao động, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời.
Anh xác nhận trong tháng 6 và tháng 7, Nhật Bản thường xuyên có những ngày nóng trên 35 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ cảm nhận khi làm việc có thể cao hơn, do cộng hưởng nhiệt từ mặt đất và các vật liệu xung quanh.
"Có nhiều người ngất xỉu khi làm việc ngoài trời, trong đó có các công nhân Việt Nam. Theo ngành thép, tôi gần đây đã được làm việc trong nhà xưởng với điều kiện dễ chịu hơn, nhưng cũng từng chịu cảnh tương tự", anh kể.
Anh Lâm cho biết chi phí ăn uống của những người làm việc ngoài trời đôi khi bị dội lên vì thời tiết. Một số người tự nấu ăn mang theo nhưng phải bỏ và mua đồ ăn trưa bên ngoài vì đồ ăn nhanh thiu do nóng.
"Có lần tôi mang cơm theo nhưng phải bỏ hết thức ăn, sau đó vào cửa hàng tiện lợi mua chai nước có vị đào để chan vào cơm ăn. Một số người chúng tôi về sau rút kinh nghiệm chỉ mang cơm trắng theo, còn đồ ăn thì đến giờ nghỉ trưa mới đi mua để ăn kèm", anh Lâm chia sẻ.
Người dân tránh nóng dưới hệ thống phun sương trên đường phố ở Tokyo, ngày 28/6. Ảnh: Reuters.
Văn Tuấn chia sẻ trải nghiệm tương tự. Sống 6 năm tại Nhật, Tuấn cảm nhận nắng ở Nhật thời gian gần đây rất gắt, có khi lên tới 38-39 độ C. "Có người chết vì sốc nhiệt".
Là kỹ sư ôtô, Tuấn cho biết dù công ty đã trang bị điều hòa trong xưởng, nắng nóng vẫn khiến điều kiện làm việc rất khó chịu. Vì vậy, chuyện các công ty cắt giảm tiêu thụ điện trong mùa hè như thế này là rất khó.
Thời tiết bất thường khiến một số người thậm chí bất chấp tiền điện tăng cao.
Trà cho biết năm nay, tình trạng nắng nóng đã bắt đầu từ đầu tháng 5. Những ngày vừa qua, nhiệt độ lên đến đỉnh điểm, có thời điểm nắng nóng lên tới 38-39 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ cảm nhận khi bước ra ngoài đường lên tới 45-46 độ, thậm chí còn cao hơn.
Với những ngày nắng nóng cao độ như vậy, Trà "chấp nhận tiền điện tăng cao, bật điều hoà cả ngày dù không ở nhà" để khi đi học trở về, cô có thể thoát khỏi cái nóng ngay lập tức, chứ không cần chờ đợi trong căn phòng đã hầm hập cả ngày.
Lo lắng về mùa đông
Với giá điện leo thang nhiều tháng liên tiếp và không có dấu hiệu dừng lại, nhiều người lo lắng cho mùa đông sắp tới.
Sống ở Nhật được 7 năm, anh Lâm cho biết mùa đông, chi phí điện cho một căn hộ 3 người ở của anh thường gấp đôi mùa hè và gấp 3 lần mùa xuân hoặc mùa thu. "Nếu giá điện cứ liên tục tăng như thế này, tôi lo cho mùa đông tới".
Mùa đông vừa qua, trung bình mỗi tháng nhà anh có thể phải đóng đến khoảng 22.000-23.000 yen tiền điện (với giá yen khi đó vẫn ở mức cao). Nếu đà tăng hiện tại vẫn không dừng, anh sợ tiền điện sẽ dội lên đáng lo ngại.
Chính phủ Nhật Bản đang kêu gọi người dân giảm tiêu thụ điện. Ảnh: Bloomberg.
"Mùa đông ở Nhật Bản rất lạnh, việc sử dụng điều hòa hoặc máy sưởi - vốn là những thứ rất ngốn điện - là nhu cầu không thể cắt giảm", anh giải thích.
Có cùng nỗi lo, Hòa cho biết hệ thống sưởi thứ gần như không thể tắt trong suốt mùa đông khắc nghiệt và thường kéo dài ở Nhật Bản. "Tôi lo hoá đơn điện cuối năm nay sẽ là một gánh nặng", anh nói.
Tuấn chia sẻ thêm dù mùa hè còn chưa qua, vợ chồng anh dự định trích một khoản tiền lương mỗi tháng để cho vào quỹ "tiền điện mùa đông", phòng trường hợp giá điện vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay.
Nhật Bản đối mặt với mùa Hè 'cực nóng' Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản tiếp tục hứng chịu thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiều nơi trên cả nước có nhiệt độ trên 38 độ C. Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 29/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN Cụ thể, có tới 57 địa điểm ở Nhật Bản trải qua "ngày cực...