Thành phố Mỹ dỡ tượng cựu phó tổng thống
Giới chức thành phố Charleston nhất trí dỡ tượng cựu phó tổng thống Mỹ John Caldwell Calhoun, một người ủng hộ chế độ nô lệ, khỏi quảng trường trung tâm.
Quyết định dỡ bức tượng của Calhoun (1782-1850), phó tổng thống Mỹ thứ bảy, được các ủy viên hội đồng thành phố Charleston, bang Nam Carolina, thông qua tối 23/6 với 13 phiếu thuận, 0 phiếu chống. Bức tượng được đặt trên cột trụ cao 30m sẽ bị đưa khỏi quảng trường trung tâm thành phố Marion.
Giới chức Charleston cho biết thêm bức tượng của Calhoun sẽ được đặt vĩnh viễn tại một địa điểm thích hợp, nơi nó sẽ được “bảo vệ và bảo tồn”. Thị trưởng thành phố John Tecklenburg dự đoán bức tượng sẽ được đưa đến một bảo tàng địa phương hoặc tổ chức giáo dục.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra một tuần sau khi Thị trưởng Tecklenburg tuyên bố gửi đề nghị dỡ tượng của cựu phó tổng thống Mỹ lên hội đồng thành phố. Tecklenburg cũng tham gia bỏ phiếu hôm 23/6.
Tượng cựu phó tổng thống Mỹ John Caldwell Calhoun trên độ cao 30m ở quảng trường Marion, thành phố Charleston, bang Nam Carolina, hôm 17/6. Ảnh: AFP.
“Tôi tin rằng chúng tôi đang viết một chương mới công bằng hơn trong trong lịch sử thành phố”, Tecklenburg phát biểu ngay trước khi bỏ phiếu. “Chúng tôi đã hành động đúng. Đó đơn giản là điều đúng đắn để chúng ta thực hiện”.
Video đang HOT
Ủy viên hội đồng thành phố Karl L. Brady Jr. cho biết hội đồng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản đối dỡ tượng, song ông vẫn bỏ phiếu tán thành điều này vì lương tâm.
“Ở Charleston, chúng tôi đặt chủ nghĩa da trắng thượng đẳng về đúng nơi nó thuộc về, đó là đống tro tàn của lịch sử”, Brady Jr. nói.
Động thái này diễn ra vài ngày sau lễ kỷ niệm lần thứ năm dành cho 9 giáo dân da màu bị sát hại trong một cuộc tấn công phân biệt chủng tộc ở một nhà thờ trung tâm thành phố Charleston. Các thành phố khắp nước Mỹ cũng đang tranh cãi về việc dỡ những bức tượng gây tranh cãi.
Cảnh sát Charleston bảo vệ khu vực phía dưới bức tượng cựu phó tổng thống Mỹ John Caldwell Calhoun hôm 17/6. Ảnh: AFP.
Cựu phó tổng thống Mỹ Calhoun là người kiên định ủng hộ chế độ nô lệ. Ông từng nói trong rất nhiều bài phát biểu ở thượng viện Mỹ những năm 1830 rằng “nô lệ ở miền Nam còn tốt hơn nhiều so với người da màu tự do ở miền Bắc” và gọi chế độ nô lệ là “lợi ích tích cực”.
Khoảng 40% nô lệ châu Phi được đưa đến Bắc Mỹ đã qua thành phố cảng Charleston và thành phố đã lên tiếng xin lỗi vào năm 2018 vì vai trò của mình trong buôn bán nô lệ. Chính quyền Charleston cho biết nhiều người không coi bức tượng của Calhoun là đài tưởng niệm thành tựu của một người gốc Nam Carolina, mà là một biểu tượng tôn vinh chế độ nô lệ và là một lời nhắc nhở đau đớn về lịch sử nô lệ ở thành phố.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd đã lan khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Người biểu tình liên tục đòi dỡ bỏ và đập phá những bức tượng lịch sử gây tranh cãi như tượng nhà buôn nô lệ ở Anh, tượng người tìm ra châu Mỹ Christopher Columbus, tượng cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, nói rằng những người biểu tình đã cư xử tồi tệ. Ông cáo buộc đám đông đang cố gắng phá hoại lịch sử và mạo phạm di tích. Trump cũng cảnh báo nghiêm trị bất cứ ai phá hoại các bức tượng hoặc đài tưởng niệm, nói rằng mức phạt có thể lên tới 10 năm tù.
Mỹ 'trữ hàng vạn viên đạn' ở thủ đô đối phó biểu tình
Vệ binh Quốc gia Mỹ đối phó biểu tình ở thủ đô Washington được chuẩn bị hàng chục nghìn viên đạn, sẵn sàng nổ súng khi khẩn cấp, theo NYTimes.
Quan chức Lầu Năm Góc hồi đầu tháng họp trực tuyến với chỉ huy Vệ binh Quốc gia Mỹ tại các bang nhằm tìm phương án đối phó phong trào biểu tình phản đối cái chết của người da màu George Floyd, cũng như chuẩn bị cho kịch bản xảy ra tấn công vũ trang nhằm vào Nhà Trắng và các cơ quan chính phủ tại thủ đô Washington, New York Times hôm 10/6 tiết lộ, dẫn thông tin từ hàng chục quan chức quân đội và các tài liệu mà tờ báo thu thập được.
Các nội dung trao đổi trong cuộc họp được mô tả là "rất gấp gáp và thẳng thừng", trong đó xác định thời gian và số lượng Vệ binh Quốc gia có thể triển khai ở thủ đô Washington ngay khi có yêu cầu. Những bang do đảng Cộng hòa kiểm soát như Utah, Nam Carolina, Tennessee và Tây Virginia nhanh chóng nhận trách nhiệm góp quân, trong khi Vệ binh Quốc gia tại một số bang cung cấp vũ khí và đạn.
"Hàng chục nghìn viên đạn súng trường và súng ngắn được cất trữ trong kho quân khí ở thủ đô và chia thành từng kiện nhỏ có đánh dấu bang xuất xứ. Chúng có thể được dùng để tấn công người biểu tình trong trường hợp khẩn cấp", bài viết của New York Times có đoạn.
Vệ binh Quốc gia bang Nam Carolina triển khai gần Nhà Trắng hôm 3/6. Ảnh: Army Times.
Thông tin này cho thấy những vấn đề mà quan chức chính phủ và quân đội Mỹ phải đối mặt sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu họ giải quyết các cuộc biểu tình tại thủ đô Washington, đồng thời kêu gọi các bang triển khai "lực lượng áp đảo" và hành động mạnh tay với người biểu tình.
Một số chỉ huy Vệ binh Quốc gia lo ngại việc điều quân tới thủ đô Washington mà không được biết rõ nhiệm vụ của họ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley và Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy dường như đã cảnh báo rằng nếu Vệ binh Quốc gia không giải quyết được biểu tình, Tổng thống Trump sẽ triển khai Sư đoàn lính dù số 82 để can thiệp.
Vệ binh Quốc gia là lực lượng quân sự dự bị của các lực lượng vũ trang Mỹ. Mỗi bang và vùng lãnh thổ Mỹ đều có lực lượng Vệ binh Quốc gia riêng, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ thống đốc, người đóng vai trò là tổng tư lệnh Vệ binh Quốc gia ở bang đó.
Lực lượng này hiện có khoảng 350.000 thành viên, có nhiệm vụ ứng phó với các tình huống khẩn cấp nội địa hoặc tham gia chiến đấu ở nước ngoài như một bộ phận của Lục quân Mỹ. Vệ binh Quốc gia không có quyền hành pháp như cảnh sát, nhưng được phép mang vũ khí khi thực hiện nhiệm vụ và được quyền nổ súng trong trường hợp khẩn cấp.
Nhà Trắng từng muốn triển khai 10.000 quân chính quy ứng phó biểu tình, nhưng vấp phải phản đối từ Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.
Biểu tình vẫn diễn ra tại thủ đô Washington và nhiều nơi khác trên nước Mỹ để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát sau cái chết của Floyd. Vệ binh Quốc gia bang Kentucky được xác định là lực lượng đã bắn chết David McAtee, một người da màu trong cuộc biểu tình bạo lực rạng sáng 1/6.
Bệnh nhân ung thư kể về chuỗi ngày tự cách ly giữa điểm nóng Covid-19 "Mọi người đều giống như đang bước đi trên những quả trứng. Đại dịch này càng được kiểm soát sớm bao nhiêu, tôi và những bệnh nhân ung thư khác càng an toàn bấy nhiêu", bệnh nhân này chia sẻ. Trong đại dịch Covid-19, đối tượng dễ bị tổn thương hàng đầu là những người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc bất...