Thành phố Mỹ áp lệnh giới nghiêm vì biểu tình
Thị trưởng Minneapolis áp lệnh giới nghiêm với thành phố, sau ba ngày biểu tình bạo lực vì người đàn ông da màu chết khi bị cảnh sát bắt.
Thị trưởng Jacob Frey yêu cầu toàn bộ dân thành phố Minneapolis, bang Minesota, không ra đường hàng ngày kể từ 20h tới 6h sáng hôm sau, lệnh giới nghiêm kéo dài cho đến 31/5. Lực lượng thực thi pháp luật, nhân viên cứu hỏa và y tế, binh sĩ Vệ binh Quốc gia được triển khai để giữ trật tự được miễn trừ.
Trong thời gian giới nghiêm, dân chúng không được ra ngoài hoặc tụ họp ở nơi công cộng. Những người vi phạm có thể lĩnh án tù 90 ngày và phải nộp phạt 1.000 USD, theo thông cáo của chính quyền thành phố.
Minneapolis ban hành lệnh giới nghiêm cùng ngày cơ quan chức năng bắt Derek Chauvin, cựu sĩ quan cảnh sát gây ra cái chết cho George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi. Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ ba, vô tình gây ra cái chết cho người khác, và tội ngộ sát do bất cẩn. Ba cựu sĩ quan cảnh sát khác đang bị điều tra và có thể bị truy tố.
Một người biểu tình tỏ thái độ phản đối trước mặt binh sĩ Vệ binh Quốc gia gác trên đường phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, ngày 29/5. Ảnh: Reuters.
Floyd bị bốn cảnh sát khống chế hôm 25/5 do cáo buộc liên quan đến một vụ tiêu thụ tiền giả. Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy Floyd trong vài phút, trong khi người đàn ông liên tục cầu xin và nói “tôi không thể thở nổi”. Floyd sau đó chết tại bệnh viện.
Các cuộc biểu tình đòi công lý cho Floyd bùng phát thành bạo lực tối 27/5. Những người biểu tình trở nên quá khích, ném pháo sáng và đồ vật vào cảnh sát, xông vào đốt phá đồn cảnh sát và cướp bóc các cửa hàng.
Vệ binh Quốc gia Mỹ triển khai 500 binh sĩ tới hai thành phố của bang Minnesota là Minneapolis và Saint Paul để hỗ trợ lực lượng chức năng theo đề nghị của Thống đốc Tim Walz.
Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ cho biết đang điều tra quyết liệt về cái chết của Floyd. Các cuộc biểu tình đòi công lý cho Floyd gợi lên ký ức về các cuộc bạo loạn ở Ferguson, bang Missouri, năm 2014, sau khi một sĩ quan cảnh sát bắn chết một thanh niên người Mỹ gốc Phi bị nghi ngờ là cướp.
Người biểu tình Mỹ đốt đồn cảnh sát
Đám đông biểu tình đòi công lý cho người đàn ông da màu bị ghì chết xông vào đốt phá đồn cảnh sát ở thành phố Minneapolis.
Một nhóm người biểu tình tối 28/5 vây quanh đồn cảnh sát Phân khu Ba ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota để phản đối vụ cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu George Floyd hôm 25/5.
Người biểu tình liên tục la hét "Không công lý, không hòa bình", ném pháo sáng và đồ vật về phía cảnh sát, trong khi cảnh sát bắn đạn cao su để đáp trả. Hành vi quá khích của người biểu tình diễn ra sau khi các công tố viên cùng ngày tuyên bố họ vẫn chưa quyết định có truy tố 4 cảnh sát liên quan tới cái chết của Floyd hay không.
Đến 22h, khi người biểu tình trèo qua hàng rào xông vào đồn, cảnh sát buộc phải lên xe rút lui. Đám đông xông vào đốt phá đồn cảnh sát, khiến một phần của tòa nhà bốc cháy.
Người biểu tình đốt phá đồn cảnh sát Phân khu Ba ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, hôm 28/5. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi sẽ châm lửa phóng hỏa ở đây, thế nên mọi người hãy cẩn thận", một người đàn ông hét lên khi đám đông ùa vào đồn cảnh sát. Bom xăng bắt đầu được ném vào tòa nhà, khiến ngọn lửa bốc lên cao.
Phát ngôn viên Sở cảnh sát Minneapolis cho hay toàn bộ nhân viên trong đồn cảnh sát đã rời khỏi tòa nhà trước đó. Chính quyền thành phố Minneapolis cảnh báo người biểu tình tránh xa tòa nhà, cho hay trong đồn nhiều khả năng có chất nổ.
Video quay từ trực thăng cho thấy ngọn lửa cuồn cuộn bốc lên từ đồn cảnh sát Phân khu Ba và khu vực gần đó.
Ngọn lửa bốc lên từ đồn cảnh sát Phân khu Ba và khu lân cận ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, hôm 28/5. Video: Twitter/ Seth Kaplan.
Tình trạng bất ổn tiếp tục leo thang ngay cả sau khi Thống đốc bang Minnesota Tim Walz đã yêu cầu điều 500 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia tới thành phố Minneapolis và Saint Paul. Walz nói ông ủng hộ các cuộc tuần hành ôn hòa, nhưng vô cùng lo ngại về tình trạng bạo lực khi các tòa nhà bị đốt cháy, cửa hàng bị cướp bóc và người dân đụng độ với cảnh sát.
Các cuộc biểu tình hòa bình đòi công lý cho Floyd bắt đầu biến thành bạo lực vào tối 27/5 và kéo dài đến 28/5. Các cuộc biểu tình này còn nghiêm trọng hơn hôm 26/5, khi người dân đụng độ với cảnh sát, song chưa xảy ra thiệt hại trên diện rộng.
Floyd bị 4 cảnh sát da trắng khống chế hôm 25/5 do cáo buộc liên quan đến một vụ tiêu thụ tiền giả. Một sĩ quan đã ghì chặt đầu gối lên gáy Floyd vài phút, trong khi anh liên tục cầu xin: "Tôi không thể thở nổi". Floyd sau đó tử vong trong bệnh viện.
Thị trưởng Minneapolis, Jacob Frey, cho biết các cuộc biểu tình phá hoại đã cho thấy nỗi tức giận của cộng đồng da màu suốt 400 năm bất bình đẳng. Thị trưởng Saint Paul, Melvin Carter, một người da màu, kêu gọi người dân hãy biểu tình trong hòa bình để thúc đẩy phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng và ngăn những sự việc thương tâm tiếp tục xảy ra.
Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ cho biết đang điều tra quyết liệt về cái chết của Floyd. Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định "công lý sẽ được thực thi".
Bang Mỹ yêu cầu điều vệ binh quốc gia ứng phó biểu tình Chính quyền bang Minnesota đề nghị Lực lượng Vệ binh Quốc gia tiếp viện khi biểu tình đòi công lý cho người bị cảnh sát ghì chết ngày càng phức tạp. Thống đốc bang Minnesota Tim Walz hôm 28/5 đề nghị Lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ khi nạn trộm cắp bắt đầu nổ ra ở thành phố Saint Paul, trong...