Thành phố La Mã cổ đại Thamugadi: Tàn tích bị sa mạc Sahara chôn vùi gần 10 thế kỷ
Từng là một tiền đồn quân sự thịnh vượng của Bắc Phi, Thamugadi bị lãng quên dưới lớp cát của sa mạc Sahara cho đến hàng thế kỷ sau đó.
Thành phố La Mã Thamugadi và những phát hiện đầu tiên
Thamugadi được thành lập bởi hoàng đến La Mã Trajan. Ảnh: AGE FOTOSTOCK
Được thành lập bởi hoàng đế Trajan vào khoảng năm 100 sau Công nguyên, thành phố Thamugadi, còn được gọi là Timgad hay Tamugas nằm ở tỉnh Mumidia của Bắc Phi. Là căn cứ của các cựu chiến binh Quân đoàn Augustan thứ 3, Thamugadi phát triển mạnh mẽ hàng trăm năm, trở nên thịnh vượng và trở thành mục tiêu hấp dẫn của những kẻ xâm lược. Sau cuộc tấn công của lực lượng Vandal năm 430, các cuộc xâm chiếm lặp đi lặp lại đã làm thành phố suy yếu, khiến nó không thể được phục hồi và bị bỏ hoang trong những năm 700.
Những lớp cát của sa mạc Sahara thổi tới và chôn vùi Thamugadi gần 10 thế kỷ cho đến những năm 1700, khi một nhóm các học giả Scotland tìm đến nơi này. Vào thời năm 1763, nhà quý tộc Scotland James Bruce đang làm việc tại lãnh sự Anh tại thành phố ven biển Algiers (ngày nay là thủ đô của Algeria). Ông Bruce là một học giả có nhiều mối quan tâm đến lịch sử, văn hoá. Trước khi đến Algeria để đảm nhiệm vị trí của mình, ông đã dành một vài tháng ở Ý để nghiên cứu về lịch sử của châu Phi và vai trò của khu vực này trong thời kỳ cổ đại.
Sau khi đụng độ với cấp trên ở London và bị sa thải vào năm 1765, thay vì trở về Anh, ông Bruce và một nghệ sĩ Florentine tên là Luigi Balugani đã bắt đầu một cuộc phiêu lưu trên khắp châu Phi. Trong hành trình của mình, họ đã ghi chép và tạo ra những bức tranh minh họa mô tả nhiều người và địa điểm phi thường mà họ gặp được.
Trong giai đoạn đầu của cuộc phiêu lưu, họ đã đi về phía Nam, đến sa mạc Algeria để tìm kiếm dấu vết của các nền văn minh cổ đại. Ông Bruce và Balugani đã nhìn thấy một số tàn tích La Mã khi họ khám phá nhiều vùng xa xôi hơn của khu vực.
Vào ngày 12/12/1765, họ đã xác định được địa điểm của Thamugadi cổ xưa. Nhiều người tin rằng họ là những người châu Âu đầu tiên trong nhiều thế kỷ đến thăm nơi này, nằm gần sườn phía Bắc của dãy núi Aurès. “Đây là một thị trấn nhỏ, nhưng đầy những tòa nhà trang nhã”, ông Bruce viết trong nhật ký. Ông tự tin rằng tàn tích này là những gì còn lại của thành phố do hoàng đế La Mã Trajan sáng lập hơn 1.000 năm trước đó.
Ông Balugani qua đời vào năm 1770 và ông Bruce trở lại London vào năm 1774. Khi ông báo cáo những phát hiện của mình, các thông tin vấp phải nhiều sự hoài nghi. Đến năm 1780, ông bắt đầu viết một cuốn hồi ký về thời gian ở châu Phi, một tác phẩm gồm 5 tập được gọi là “Chuyến du lịch khám phá nguồn gốc của sông Nile”, xuất bản vào năm 1790. Khi ông Bruce qua đời 4 năm sau đó, phần lớn các học giả Anh vẫn từ chối công nhận thành tích của ông.
Tàn dư của một thành phố La Mã lộng lẫy
Thành phố được khai quật sau gần 10 thế kỷ bị chôn vùi dưới lớp cát của Sahara. Ảnh: GRAND PALAIS
Video đang HOT
Thamugadi tiếp tục bị lãng quên trong cát sa mạc cho đến năm 1875, sau chuyến đi của ông Robert Lambert Playfair, một đại sứ Anh ở Algeria. Trong cuốn sách xuất bản năm 1877 của mình, ông Playfair đã tỏ lòng tôn kính với người tiền nhiệm Bruce và cung cấp nhiều chi tiết hơn về Thamugadi. Những quan sát của ông cho thấy tầm quan trọng của thành phố đối với toàn khu vực, chú ý rằng nó được xây dựng tại giao lộ của sáu con đường La Mã.
Theo ý kiến của ông Playfair, kiến trúc này thay thế cho thành phố Lambaesis lân cận – thủ đô quân sự Nubia của đế chế xưa. Ông cũng kết luận rằng Thamugadi từng là một trung tâm hoạt động thương mại và nông nghiệp. Ông cũng mô tả sự tráng lệ của thành phố La Mã cổ đại này. Trên mặt đất bên dưới cổng vẫn còn có những đường rãnh sâu cho thấy giao thông đông đúc vào thành phố dọc theo con đường hoàng gia sầm uất.
Người Pháp nắm quyền kiểm soát địa điểm này vào năm 1881, một vài năm sau chuyến thăm của đại sứ Playfair, và duy trì sự hiện diện ở đó cho đến năm 1960. Trong thời gian này, địa điểm này đã được khai quật một cách có hệ thống. Dù bị chôn vùi trong nhiều thế kỷ dưới cát nhưng may mắn thay, Thamugadi không bị công trình nào nằm đè lên. Thamugadi là một trong số ít các thành phố La Mã được khai quật toàn bộ.
Những nghiên cứu quan trọng
Nghiên cứu được thực hiện bởi ông Playfair và các học giả người Pháp khác đã cho phép những nhà sử học ghép lại lịch sử của thành phố. Ban đầu, thành phố được đặt tên là Colonia Marciana Trajana Thamurga để vinh danh em gái của Hoàng đế Trajan.
Vào giữa thế kỷ thứ III sau Công nguyên, dân số thành phố đạt đỉnh 15.000 người. Họ có những tòa nhà công cộng đẹp, bao gồm một thư viện tráng lệ và tổng cộng 14 phòng tắm. Địa điểm này cũng có vai trò chiến lược trong việc bảo vệ biên giới phía Nam của Đế chế La Mã. Bắc Phi là trung tâm sản xuất ngũ cốc và Quân đoàn Augustan thứ 3 đã đóng quân tại Thamugadi để vận chuyển lương thực đến Rome.
Hai năm một lần, hàng trăm người sẽ được giải ngũ khỏi quân đoàn, và họ định cư ở Thamugadi để làm nông nghiệp. Sự hiện diện của họ cũng phục vụ như một sự răn đe đối với những kẻ xâm lược.
Cuộc khủng hoảng chung xảy ra ở biên giới của Đế chế La Mã cuối cùng đã gây thiệt hại cho Thamugadi. Sau khi bị những kẻ phá hoại cướp bóc trong thế kỷ thứ V, thành phố bắt đầu chìm vào hoang tàn. Sau khi phía Tây của La Mã sụp đổ, Thamugadi hồi sinh ngắn ngủi như một trung tâm Kitô giáo, và một pháo đài được xây dựng bên ngoài thành phố vào năm 539. Tuy nhiên, thành phố đã bị bỏ hoang trước hoặc trong cuộc xâm lược của người Ả Rập vào những năm 700.
Từ thời điểm đó, Sahara dần dần bao phủ Thamugadi, và nó bị ẩn giấu trong 1.000 năm cho đến khi James Bruce và những học giá khác khám phá ra, mang lại vinh quang bị chôn vùi của thành phố. Thamugadi được chỉ định là Di sản Thế giới của UNESCO năm 1982.
PHƯƠNG PHƯƠNG
Theo National Geographic
Đế chế hùng mạnh bậc nhất lịch sử tan nát sau hơn 3 thế kỷ tranh đấu với Nga
Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) tồn tại được 623 năm, từng đánh bại những đối thủ sừng sỏ như đế chế La Mã, nhưng đến khi tranh đấu với Nga thì bắt đầu xuống dốc không phanh.
Đế chế Ottoman từng đánh đâu thắng đó, cho đến khi chạm tới vùng đất của Nga.
Đế chế Ottoman hình thành ở vùng đất ngày nay gọi là Anatolia, do một thủ lĩnh bộ tộc Kayi tên Osman thành lập vào cuối thế kỷ 13. Đế chế Ottoman trỗi dậy ở thời kỳ mà hai đế chế hùng mạnh nhất thời bấy giờ là Đế chế La Mã và Đế chế Byzantine (Đông La Mã) đều đã suy yếu vì chiến tranh liên miên.
Đến giữa thế kỷ 14, Đế chế Ottoman tiến sâu về phía tây, kiểm soát vùng Balkan. 100 năm sau, đế chế Ottoman góp công lật đổ đế chế La Mã và đến thế kỷ 17, đế chế Ottoman đã kiểm soát một khu vực rộng lớn, trải dài từ Tây Á, đông nam và trung châu Âu, phía bắc và đông bắc Phi, vùng Caucasus.
Ở thời kỳ đỉnh cao, đế chế Ottoman kiểm soát hơn 5,6 triệu km2 diện tích lãnh thổ với số dân 15 triệu người. Đế chế Ottoman luôn được biết đến là một trong những đế chế lớn nhất và mạnh nhất lịch sử nhân loại.
Mối thù truyền kiếp giữa Nga-Ottoman
Điều duy nhất mà đế chế này không làm được là cạnh tranh quyền lực với đế quốc Nga. Mối quan hệ kình địch Nga-Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) hình thành từ thế kỷ 16. Đó là khi đế quốc Nga trỗi dậy mạnh mẽ, vươn tầm ảnh hưởng đến Đông Âu và Bắc Âu. Sa hoàng Nga coi mình là người bảo vệ của cộng đồng Cơ Đốc giáo ở phương Đông sau khi thành Constantinople (Istanbul ngày nay) thất thủ năm 1453 dưới tay Đế chế Ottoman của người Thổ. Đế chế Ottoman sau này lấy Constantinople làm thủ đô và trở thành "cái gai" trong mắt Nga.
Căng thẳng Nga-Ottoman lên đến đỉnh diểm khi đế chế tiếp tục mở rộng lãnh thổ vào Trung Đông và vùng Balkans - khu vực sinh sống của người Slav theo Chính thống giáo, được Nga bảo vệ.
Từ năm 1568 đến 1878, đế chế Ottoman của người Thổ đã tiến hành 12 cuộc chiến tranh với đế quốc Nga, nhằm mở rộng lãnh thổ về phía biển Đen và khu vực Caucasus. Trong các cuộc chiến này, Nga giành chiến thắng 8 lần, còn người Thổ chỉ chiến thắng 4 lần.
Đế chế Ottoman ở thời hùng mạnh nhất.
Các trận chiến liên miên và phần lớn thua cuộc thuộc người Thổ đã khiến đế chế Ottoman suy yếu. Các sultan (vua) vào lúc này thường chỉ vui thú hưởng lạc trong hậu cung. Đến khi các đối thủ ở châu Âu và đế quốc Nga trỗi dậy mạnh mẽ thì các vị vua Ottoman vội vàng tiến hành cải cách nhưng đều đã muộn.
Giai đoạn năm 1568-1570, cuộc chiến đầu tiên giữa đế chế Ottoman và đế quốc Nga nổ ra chỉ vì vua Ottoman có kế hoạch xây dựng một kênh đào, đi qua vùng đất mà Sa hoàng Nga là Ivan Bạo chúa chiếm được.
Người Thổ khi đó chưa quá lo ngại Nga nên chỉ đem đến vùng Balkan một đội quân nhỏ và công binh. Cuộc chiến kết thúc khi đội quân Ottoman vừa bị chết cóng, vừa phải đối đầu với đội quân thiện chiến đến từ phương đông.
Đến năm 1676, Đế chế Ottoman lại gây chiến với Nga ở vùng đất ngày nay là Ukraine. Người Thổ muốn tiếp tục mở rộng lãnh thổ vào sâu trong lãnh địa của người Slav, bằng cách sử dụng chính những người Slav ở Crimea để phục vụ chiến tranh với đế quốc Nga. Cuộc chiến kết thúc với phần thắng nghiêng về Nga, dù lãnh thổ của hai phe không thay đổi;
Năm 1686, tình hình trở nên khó khăn khi các quốc gia ở châu Âu, Áo, liên minh Ba Lan-Lithuania ngả về Nga để đẩy lùi đế chế Ottoman khỏi Hungary, Ba Lan và vùng Balkan. Trong khi người Thổ chịu tổn thất nặng nề, đế quốc Nga gần như không tốn binh lực vì để các đồng minh phương Tây gánh hầu hết phần việc.
Năm 1710, vua Thụy Điển Charles XII bại trận ở Nga và rút chạy về thành trì của người Thổ ở vùng đất ngày nay là Modolva. Quân Nga do Sa hoàng Peter Đại đế dẫn đầu yêu cầu người Thổ giao nộp Charles XII. Nhưng quân Ottoman phản ứng bằng cách tràn ra tấn công, khiến quân Nga thiệt hại nặng. Thừa thắng xông lên, đế chế Ottoman chiếm lại vùng Azoz bị mất và khiến Nga phải cam kết không can thiệp vào vấn đề nội bộ của liên minh Ba Lan-Lithuania - là đồng minh của Ottoman ở thời điểm đó.
Đế chế hùng mạnh xuống dốc không phanh
Đế chế Ottoman từng nắm quyền kiểm soát đến Ukraine và Crimea ngày nay.
Trận đánh bắt đầu sự xuống dốc của đế chế Ottoman chính là cuộc chiến với Nga giai doạn 1768-1774. Người Thổ được đánh giá trên cơ trong cuộc chiến này bởi đế quốc Nga có phần suy yếu và bị vấn đề nổi loạn ở Ba Lan chi phối.
Hải quân Ottoman ở Biển Đen khi đó chiếm trọn sức mạnh trên biển, trong khi bộ binh là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất lúc bấy giờ. Nhưng kết quả cuộc chiến hoàn toàn bất ngờ. Người Nga đánh bại đế chế Ottoman dù Anh, Pháp và Áo cố gắng can thiệp bằng ngoại giao. Quân Nga tiếp tục nhấn chìm hạm đội Ottoman ở Địa Trung Hải, Caucasus và Crimea.
13 năm sau, người Thổ liên tiếng yêu cầu đế quốc Nga trả lại Crimea và các cảng biển quan trọng ở Biển Đen. Đáp trả lại, Nga liên minh với Áo đánh sâu vào trong lãnh thổ Ottoman, thậm chí còn đến ngay trước thành trì Istanbul. Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi đế chế Ottoman ký hiệp ước công nhận chủ quyền của Nga với Crimea và vùng đất ngày nay là Ukraine.
Trong cuộc chiến tranh Crimea năm 1853-1856, đế chế Ottoman giành chiến thắng cuối cùng trước đối thủ truyền kiếp là Nga. Ottoman khi đó yếu đến mức cần có Pháp, Anh nhảy vào can thiệp vì mâu thuẫn trong việc phân chia quyền lực ở vùng đất của người Thổ. Chiến thắng này không giúp đế chế Ottoman giành được thêm bất cứ vùng đất nào, trong khi đế quốc Nga bị phong tỏa ở Biển Đen.
Ngày 29.10.1914, đế chế Ottoman phát động cuộc chiến với Nga ở bờ Biển Đen, sau này leo thang thành Thế chiến 1. Anh và Pháp lúc này lại đổi phe, liên minh với Nga gây chiến với đế chế Ottoman. Đó là lúc các cường quốc hiện đại xâu xé lãnh thổ Ottoman.
Theo hiệp ước năm 1920, Pháp và Anh chiếm các vùng đất ở Trung Đông. Quân đồng minh tiến vào thủ đô Constantinople với lý do chấm dứt chiến tranh. Đế chế Ottoman lúc này chỉ còn kiểm soát một vùng đất nhỏ ở Anatolia.
Đó là lúc những người Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa dân tộc đứng lên đấu tranh đòi độc lập. Năm 1922, đế chế Ottoman chính thức chấm dứt sự tồn tại, đặt nền móng cho nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Theo Danviet
Phiến quân nã pháo vào doanh trại lính Nga gây thương vong Hành động tấn công trực diện vào địa điểm đóng quân của binh lính Nga do nhóm vũ trang FSA thực hiện có thể sẽ dẫn tới hành động trả đũa. Hãng thông tấn khu vực Trung Đông Al Masdar News cho biết, Quân đội Syria Tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã bắn một số quả đạn pháo về...