Thành phố Hồ Chí Minh: Xử lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng
Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường công tác quản lý các đối tượng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú nhất định.
Người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong một lần được rà soát, tập trung về trụ sở phường. Ảnh: sggp.org.vn
Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, qua khảo sát trên địa bàn thành phố, người ăn xin, sống nơi công cộng tập trung nhiều ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh và một số quận trung tâm như Quận 1,3, 4, địa bàn giáp ranh quận 5 và quận 10, Phú Nhuận.
Để công tác tập trung các đối tượng có hiệu quả, Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp tục tăng cường rà soát trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm, trực đường dây nóng 24/24 để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, phối hợp kịp thời với các quận, huyện tập trung đúng đối tượng theo quy định.
Một số quận, huyện cho biết công tác tập trung người ăn xin lang thang và người không có nơi cư trú trên địa bàn thời gian qua nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều người dân. Để tránh tình trạng các đối tượng di chuyển từ địa bàn này qua địa bàn khác các địa phương, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong công tác rà soát, để tập trung có hiệu quả.
Theo ông Lê Chu Giang, mỗi năm Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp nhận khoảng 2.000 lượt người ăn xin, người sống ở nơi công cộng để làm hồ sơ phân loại đối tượng. Hiện nay Trung tâm tiếp nhận hơn 200 người từ các quận huyện chuyển về. Mặt khác, thành phố cũng có 16 Trung tâm Bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng hơn 6.500 người, trong đó có 6 Trung tâm chuyên nuôi dưỡng các nhóm đối tượng người cao tuổi, bại liệt, tàn tật, trẻ em, thanh thiếu niên… thường xuyên tiếp nhận các đối tượng từ Trung tâm Hỗ trợ xã hội chuyển qua.
Ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng được xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý xã hội trên địa bàn thành phố với hướng giải quyết mang tính căn bản, thiết thực, đi vào chiều sâu và bền vững. Chủ trương của thành phố là tập trung tuyên truyền, vận động người dân không cho tiền trực tiếp các đối tượng ăn xin trên đường phố, người dân có lòng hảo tâm có thể ủng hộ các quỹ từ thiện của các tổ chức, đơn vị có chức năng làm công tác từ thiện xã hội để hỗ trợ các đối tượng.
Video đang HOT
Theo quy định của Thành phố Hồ Chí Minh, những người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định sẽ được chuyển đến các Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố để nuôi dưỡng, chăm sóc trong vòng tối đa 3 tháng. Trong thời gian này, các đối tượng được học văn hóa, học nghề và tham gia lao động sản xuất cho phù hợp để có thể hội nhập cộng đồng khi trở về địa phương.
Bên cạnh nguồn lực Nhà nước, thành phố cũng huy động nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích người dân, các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ thực hiện các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng tại các trung tâm như văn hóa văn nghệ, học nghề, sinh hoạt khác để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm.
Ông Lê Chu Giang cho biết thêm, phần lớn các đối tượng ăn xin, sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố từ các tỉnh, thành khác đến. Vì vậy, sau khi xác minh, đối tượng nếu có địa chỉ nơi cư trú sẽ chuyển về địa phương.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này cần có sự phối hợp từ các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động gia đình quản lý không để các đối tượng tiếp tục đi lang thang. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, từ đó ổn định đời sống người dân, hạn chế số lượng người lang thang ăn xin đến thành phố.
Theo NTD
TP.HCM: Tu sĩ không khất thực, người nghèo không ăn xin
Khi phát hiện người xin ăn, người dân có thể gọi vào các số đường dây nóng để cơ quan chức năng tập trung đưa họ vào các cơ sở xã hội; Thành Hội Phật giáo hướng dẫn không để tu sĩ đi khất thực để tránh tình trạng giả danh...
Cảnh người già ăn xin như thế này thường thấy ở TP.HCM Ảnh: Tuổi Trẻ
Kể từ ngày 28/12, TP.HCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội.
Người dân có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo trợ xã hội), số điện thoại: 38.292491 (giờ hành chính) hoặc 0903.959929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội, số điện thoại: 35.533258 (24/24 giờ).
Khi phát hiện người xin ăn, người dân có thể thông báo tới các số trên cho cơ quan chức năng, sẽ có chế độ hỗ trợ cho người báo tin.
Trực đường dây nóng 24/24 giờ để nhận tin báo
Trung tâm hỗ trợ xã hội được giao nhiệm vụ tăng cường khảo sát, phối hợp với các lực lượng công an, thanh niên xung phong, các đoàn thể... tập trung người lang thang về các cơ sở xã hội.
Đường dây nóng của trung tâm sẽ trực 24/24g để tiếp nhận thông tin về người lang thang trên địa bàn TP.
Theo quyết định của UBND TP, nếu là người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc có dấu hiệu mắc các bệnh về thần kinh, tâm thần được đưa về Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần. Các đối tượng khác đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
Đồng thời đưa về địa phương nơi cư trú hoặc giải quyết hồi gia nếu xác minh đối tượng có nơi cư trú nhất định (hoặc có người bảo lãnh đối với những người bị bệnh tâm thần).
Người nào bị đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội từ lần thứ hai trở lên thì trung tâm tiếp nhận nuôi dưỡng. Tại đây, các đối tượng được học văn hóa, học nghề và giới thiệu việc làm. Người nước ngoài lang thang xin ăn sẽ được đưa về nước theo quy định.
Chủ trương "không cho tiền người xin ăn"
Ngoài các biện pháp nêu trên, UBND TP cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP (Thành hội Phật giáo, Tổng Tòa giám mục TP... ) phổ biến chủ trương đến giáo dân, phật tử, người có đạo đồng thuận với chủ trương của TP: "không cho tiền người xin ăn".
Tình trạng người xin ăn lang thang phải được giải quyết theo hướng căn bản, thiết thực và bền vững.
Thành Hội Phật giáo có văn bản hướng dẫn không để tu sĩ đi khất thực trên địa bàn TP, tránh tình trạng giả danh tu sĩ xin ăn (khất thực) lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền.
Để chăm lo cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, TP tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa và huy động đóng góp của xã hội. Người dân có lòng hảo tâm đóng góp thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội TP...
Theo_VnMedia
Bệnh viện Bạch Mai thụ tinh ống nghiệm thành công ca đầu tiên Sáng nay (22/12), tại Hà Nội diễn ra lễ tiễn ra viện trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai. Điều đặc biệt là dù thành lập sau so với 19 Trung tâm Hỗ trợ sinh sản trong cả nước, nhưng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bạch Mai đã có bước tiến vượt bậc...