Thành phố của những người lớn tí hon
Hoạt động sáng tạo thời trẻ thơ là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công khi trưởng thành. Trong lúc nhiều người trưởng thành đã đánh mất năng khiếu sáng tạo trong thế giới “hợp lý” của người lớn, thì những ai vẫn tiếp tục phát huy được năng khiếu đó, sẽ tìm ra được cả một thế giới phong phú cho mình.
Từ những thực tế…
Các bạn nhỏ trước khi bước ra xã hội rộng lớn, trong một bối cảnh nhỏ hơn là gia đình mình, phải học cách quan sát và nhận biết cảm xúc của những người thân, cả cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực, tiếp đó là có cách phản ứng hợp lý, đúng mực với từng trường hợp – đó chính là sự đồng cảm.
Thực ra, trong mỗi bạn nhỏ của chúng ta đều ẩn chứa những mầm mống của sự đồng cảm, biết cách khơi gợi sẽ giúp cho năng lực ấy không bị thui chột. TS. Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, một chuyên gia tâm lý giáo dục trẻ em cho rằng : “Sự đồng cảm không chỉ là lòng trắc ẩn và mong muốn được chia sẻ với những cảnh ngộ bất hạnh, mà đó là sự tinh tế của con người trong việc cảm nhận bản thân mình và thế giới xung quanh để có thể sống hài hòa cùng môi trường thiên nhiên và xã hội. Năng lực đồng cảm quan trọng không kém gì những kỹ năng khác mà các bố mẹ gần đây muốn con mình được học, nếu chưa nói là quan trọng nhất vì đó là cái gốc của lòng nhân ái, tính nhân văn của một con người khi trưởng thành”.
Qua đó, từ ngày 28/5 – 31/7/2011 tại nhà M3 Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), Công ty CP Truyền thông Văn hóa và Giáo dục Rồng Vin và Trung tâm Kidz Academy (K.A.) phối hợp tổ chức hoạt động của trại hè để rèn luyện các kĩ năng sống cho các bé từ 6 đến 12 tuổi, trong đó, điểm nhấn là kĩ năng đồng cảm.
Các học viên sẽ trải qua 1 khóa học ngắn với những bài giảng qua các câu chuyện giàu trí tưởng tượng về các cảnh đời khó khăn, các tình huống gợi lòng trắc ẩn với TS. Giáo dục Thụy Anh nhằm khơi gợi tố chất tinh tế, nhạy cảm; khả năng quan sát chi tiết; khả năng tưởng tượng, đặt mình vào vị trí của người khác và bằng tưởng tượng nhận được những trải nghiệm mà người khác có thể phải trải qua; khả năng lưu giữ những cảm nhận có được do trải nghiệm; khả năng chia sẻ khó khăn với người khác, cùng người khác giải quyết vấn đề…
… đến phát huy tính sáng tạo ở trẻ em
Tính sáng tạo ở trẻ em có thể do bẩm sinh, nhưng phần lớn là dựa trên môi trường sống xung quanh. Cho tới khi trẻ được 8 tuổi thì sức sáng tạo của não trẻ đang ở giai đoạn cao nhất, và những gì mà trẻ học được từ khi sinh ra cho đến khi 8 tuổi có thể sẽ tác động rất mạnh mẽ đến tương lai của các em. Cha mẹ ngoài việc phải khuyến khích con sử dụng trí não và óc tưởng tượng của các con vào mọi lúc, còn cần cho con tham gia nhiều hoạt động có thể để kích thích và bồi dưỡng cho trí não, óc tò mò và các kỹ năng sáng tạo đang phát triển của trẻ. Khơi dậy khả năng sáng tạo ở trẻ không chỉ là kích thích quá trình tư duy ở trẻ mà còn khiến trẻ thích thú khi được tham gia các hoạt động vui chơi.
Video đang HOT
Trại hè thành phố những người lớn tí hon chủ đề “Sáng tạo” là nơi các bạn nhỏ có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình để xây dựng một cộng đồng, giải quyết vấn đề và phát triển mối quan hệ với những người khác, là một trong số ít nơi thực sự mang đến cho các em nhỏ một tiếng nói và một phương tiện biểu hiện để nói những gì các bạn muốn nói, tạo ra những gì các bạn muốn tạo ra và để trở thành những người mà các bạn muốn trở thành!
Các hoạt động đó sẽ khơi dậy sự gắn kết của trẻ với những người xung quanh. Với mong muốn và khơi gợi khả năng sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi bạn nhỏ; giúp các bạn tự tin, can đảm thể hiện ý tưởng sáng tạo, và sự khác biệt; tạo ra tinh thần lạc quan, vui vẻ, có thái độ nhìn nhận mọi việc tích cực và ứng dụng thái độc tích cực đó trong cuộc sống và trong học tập; khơi gợi sự gắn kết của các bạn nhỏ với những người xung quanh.
Trại hè là nơi trẻ em lứa tuổi 6-12 sử dụng trí tưởng tượng của mình để xây dựng một cộng đồng, giải quyết vấn đề và phát triển mối quan hệ với những người khác có nguồn gốc đa dạng.
Nghề truyền thống
Với mong muốn giúp cho các bạn nhỏ có thể hiểu biết rõ hơn về mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, trại hè chủ đề Nghệ thuật sẽ giới thiệu với các em một số nghề truyền thống của Việt Nam. Các em sẽ được chia thành những nhóm nhỏ và mỗi nhóm sẽ tượng trưng cho một làng nghề truyền thống và các em chính là những nghệ nhân. Những sản phẩm các em làm được tại những buổi đi tìm hiểu các làng nghề truyền thống được trưng bày tại trại hè.
Handmade
Với chủ đề Handmade có thể giúp các em nhỏ thỏa niềm vui sáng tạo thông qua các buổi hướng dẫn làm thiệp, làm hoa đất, hoa voan, kết hột bẹt, kết cườm, thêu, nào là vòng hạt gỗ, hạt đá tự xỏ, túi xách, giày dép làm bằng tay, quần áo thêu tay. Với những món đồ độc đáo,cá tính sẽ giúp các em có nhu cầu khẳng định cái tôi của mình. Để tạo ra cái độc đáo trong món đồ, người làm ra nó sẽ phải bỏ ra kha khá công sức và tâm huyết để thể hiện cho ra cái cá tính riêng của mình.
Nghệ thuật thiết kế
Trong chủ đề này các em nhỏ sẽ được học những kiến thức cơ bản về nghệ thuật thiết kế, cụ thể là thiết kế thời trang và thiết kế sản phẩm. Qua đó chính tay các em sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo có một không hai để trưng bày tại triển lãm trong khuôn viên trại hè.
Tái chế
Gốc gác từ đồ cũ nhưng qua bàn tay khéo léo của các em sẽ cho ra những sản phẩm cực kỳ bắt mắt và độc đáo. Chủ đề tái chế, sáng tạo sản phẩm mới bằng những nguyên vật liệu cũ chắc chắn sẽ hấp dẫn các em nhỏ yêu thích sáng tạo và có mắt thẩm mỹ cùng trí tưởng tượng phong phú. Các em sẽ được học cách thiết kế và sáng tạo ra những đồ vật đáng yêu từ vỏ trứng, vỏ lon bia, túi e-co, giấy vở, chai nhựa, quần áo cũ. Thông qua những hoạt động này giúp các em có ý thức bảo vệ môi trường và rèn luyện tính tiết kiệm.
Buổi tổng kết cuối khóa của các em sẽ là một buổi đấu giá hoặc triển lãm các sản phẩm do chính các em sáng tạo và thiết kế. Số tiền quyên góp được sẽ gây quỹ từ thiện ủng hộ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Nguoiduatin
"Hành trang" cho thí sinh thi môn năng khiếu
Nhìn tổng quan số lượng thí sinh đăng kí dự thi ĐH, CĐ năm 2010 và dự báo mùa tuyển sinh 2011 - số thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành có môn thi năng khiếu sẽ rất cao.
Tuy nhiên, sau mỗi kì thi, bên cạnh những nụ cười hạnh phúc được bước chân vào giảng đường ĐH, còn đó những nỗi niềm ngơ ngác của thí sinh không hiểu tại sao mình thất bại?
Ngộ nhận sở thích và năng khiếu
Hào quang của một số ngành nghề, từ môi trường thực tế mà thí sinh thấy qua hình thức bề nổi hoặc cổng thông tin mang tính tô hồng, gợi nên những ảo tưởng về tương lai trong mơ khiến cho các bạn quên kiểm soát năng lực thực sự mình có thể đạt được nó hay không. N.B - SV ngành thiết kế nội thất, tâm sự: "Sau ba lần thi mình mới đậu vào khoa mỹ thuật công nghiệp, sau hai năm học mình mới nhận ra mình không có năng khiếu, những bản thiết kế, đồ án của mình nhạt nhòa, giống ý tưởng đâu đó thiếu hẳn sáng tạo. Mình không biết nếu cứ theo học mình sẽ ra sao? Nhưng mình biết chắc, một nhà thiết kế tồi nếu thiếu ý tưởng sáng tạo thì rất khó hoặc có thể nói là không thể thành công trong môi trường đòi hỏi sự tinh tế và sáng tạo cao của ngành nghề này". Tâm sự của B. đã cho thấy rõ một điều: giữa sở thích và năng lực thể hiện còn một khoảng cách rất xa.
Điều này còn minh chứng rõ hơn khi nhìn vào các lớp học năng khiếu mỹ thuật. Hiệu quả phân nhóm có năng khiếu tiếp thu nhanh thể hiện chính xác, tình cảm hơn. Nhóm không năng khiếu thời gian làm bài lâu hơn, kết quả cũng thấp hơn rất nhiều.
Hành trang chuẩn bị trước kì thi
Yếu tố khách quan trước mỗi kì thi khiến thí sinh thường hay hoang mang làm ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả của thí sinh là tâm lí. Tâm lí chiếm phần nhiều tác động đến tinh thần cũng như hiệu quả bài thi của các bạn.
Thông thường thí sinh không hiểu hết về ngành học mà mình chọn sẽ học những gì? Ngành học yêu cầu gì ở người học? Ví dụ ở bộ môn mỹ thuật đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, sự đột phá trong ý tưởng sáng tạo, khẳng định tố chất và nét riêng độc lập. Đó chính là những yếu tố mà thí sinh cần phải quan tâm đặc biệt. Tránh sao chép, thể hiện theo lối mòn, hãy chủ động cho giám khảo thấy ý tưởng của mình là gì? Cách thể hiện có gì mới? Điểm sáng tạo luôn chiếm một nấc cao trong thang điểm.
Ngành năng khiếu mỹ thuật tùy mỗi trường sẽ có yêu cầu về môn thi riêng (trang trí, bố cục, hình họa). Môn trang trí có hai phần là trang trí cơ bản và trang trí ứng dụng. Nếu các trường chuyên về mỹ thuật tạo hình hoặc sư phạm mỹ thuật thiên về trang trí cơ bản, thì các trường khối mỹ thuật công nghiệp luôn hướng về trang trí ứng dụng. Nét chung của phần thi trang trí luôn là bố cục cân đối nhịp nhàng, họa tiết sáng tạo, đa dạng độc đáo, màu sắc thể hiện tinh tế có gam màu chủ đạo. Tránh sử dụng quá nhiều màu hoặc chơi màu sặc sỡ, lòe loẹt.
Bố cục còn gọi là vẽ tranh: chú ý nội dung chủ đề, cách xây dựng cấu trúc nhân vật, tỉ lệ, không gian, nhịp điệu trong bài. Đa phần thí sinh bị rơi vào lối minh họa, kể chuyện... làm bố cục lỏng lẻo thiếu hẳn sự sinh động.
Môn thi hình họa nội dung có khác nhau, có thể là bài vẽ tĩnh vật, vẽ đầu tượng, vẽ chân dung bán thân hoặc toàn thân (mẫu thật). Ở phần thi này yếu tố dựng hình và lên bóng rất quan trọng, đòi hỏi độ chính xác, chọn góc nhìn đẹp không nên vẽ ngang mẫu hoặc sau mẫu. Không nên đánh bóng quá đậm hoặc quá nhạt mà tùy theo sắc độ ánh sáng và chất liệu mẫu để diễn đạt. Bố cục cần chú ý hướng nhìn, nhân vật phải hợp lý với khổ giấy quy định. Vẽ quá to hoặc quá nhỏ đều thất bại.
Cuối cùng phải chuẩn bị các vật dụng vẽ cẩn thận (bút chì 2b đến 6b, cọ vẽ các loại, màu vẽ, bảng pha màu, bảng vẽ, nước rửa cọ, nước pha màu...). Giấy vẽ sẽ do nhà trường phát.
Thời gian mỗi môn thi ngắn hay dài tùy trường sẽ khác nhau. Do đó thí sinh cần nắm rõ thời gian quy định để làm bài cho hợp lý. Thời gian một buổi thi thường đòi hỏi thí sinh phải làm nhanh, hoàn thành ngay trong buổi thi. Nếu bài làm quá cầu kì, nhiều chi tiết sẽ rất khó kịp thời gian. Màu nên để khô 15 phút trước khi nộp bài tránh lem màu qua các màu khác hoặc bài vẽ khác.
Theo PLXH
Vân Trang gây ấn tượng với tiết mục thi hát Tối 7/3, 18 thí sinh "Duyên dáng truyền hình Asean" ra mắt khán giả với trang phục truyền thống. Vân Trang - đại diện của Việt Nam - cũng tạo bất ngờ với tiết mục hát "Nắng có còn xuân" trong phần thi Năng khiếu. Đêm 7/3 mở màn cho cuộc thi Duyên dáng Truyền hình Asean lần thứ hai. Ở phần thi...