Thành phố của di sản và trang sức
Jaipur, thủ phủ của bang Rajasthan là một thành phố cổ kính xinh đẹp nằm ở khu vực phía Bắc của Ấn Độ, cách thủ đô New Delhi khoảng 270km.
Thành phố cuốn hút du khách bởi kiến trúc độc đáo, lịch sử phong phú và cả bàn tay tài hoa của những người thợ kim hoàn.
Jaipur có nhiều công trình kiến trúc độc đáo.
Thành phố di sản
Nằm trong lòng một đất nước có quá nhiều di sản nhưng Jaipur lại có sức hút đặc biệt với du khách bởi nơi đây mang phong cách rất riêng, từ màu sắc, kiến trúc cho tới những điều thú vị trong cuộc sống.
Jaipur còn có tên gọi khác là “Thành phố Hồng” nhờ màu sơn chủ đạo của hầu hết công trình trong thành phố. Và màu hồng trở thành màu sắc nhận diện của thành phố cho đến ngày nay.
Video đang HOT
Khác với những con đường ngoằn ngoèo thường thấy ở các thành cổ Ấn Độ, những con phố của Jaipur rộng, thẳng và vuông vức. Thành cổ này được vua Maharaja Jai Singh II, đồng thời là một nhà toán học và thiên văn học, trực tiếp vẽ thiết kế và ra lệnh xây dựng năm 1727.
Jaipur được coi là đô thị đầu tiên ở Ấn Độ có quy hoạch bài bản với hệ thống thành cổ bao quanh, bên trong là những con phố trải rộng và nhiều công trình kiến trúc bằng đá hoa cương. Các đường phố được kết nối với nhau và có quảng trường công cộng gọi là chaupurs. Thành phố có nhiều kỳ quan kiến trúc: Cung điện Thành phố, Pháo đài Amber, Jal Mahal (Cung điện Nước), Hawa Mahal (Cung điện Gió)…
Theo đánh giá của UNESCO, không giống như các thành phố khác trong khu vực nằm trong địa hình đồi núi, Jaipur được thành lập trên đồng bằng và được xây dựng theo một quy hoạch lưới được diễn giải dưới ánh sáng của kiến trúc Vệ Đà. Chợ, quầy hàng, nhà ở và đền thờ được xây dựng dọc theo các đường phố chính có mặt tiền thống nhất.
Năm 2019, UNESCO công nhận Jaipur – “Thành phố Hồng” là Di sản thế giới. Ngoài ra, tại đây còn có hai di sản thế giới được UNESCO công nhận là Đài thiên văn Jantar Mantar và Pháo đài Amer.
Jaipur là một trong những trung tâm chế tác đá quý lớn nhất thế giới.
Nghề kim hoàn nổi tiếng
Hành trình khám phá thành phố cổ Jaipur sẽ không trọn vẹn nếu bạn không đến thăm và tìm hiểu về nghề kim hoàn ở đây. Nghề kim hoàn gắn với Jaipur từ những ngày đầu thành lập bởi người thiết kế, nhà vua Maharaja Jai Singh II rất mê đồ trang sức. Dưới sự bảo trợ của nhà vua, Jaipur trở thành trung tâm trang sức, thu hút các nghệ nhân và thương nhân từ khắp nơi tụ hội về đây. Ngày nay, Jaipur là nơi hoạt động của hàng nghìn thợ kim hoàn và đại lý đồ trang sức, trở thành một trong những trung tâm chế tác đá quý lớn nhất thế giới.
Trên phố Johari Bazaar, con đường nổi tiếng nhất Jaipur, bạn sẽ thấy rất nhiều cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các cửa hiệu kim hoàn, bởi vậy, người ta gọi đây là “Con đường cửa hàng đá quý”. Đá quý, đồ trang sức được bày la liệt trên những chiếc sạp, tủ kính đơn giản, thậm chí bên lề đường. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở đây những chiếc vòng cổ, dây đeo, cài áo, nhẫn… xinh xắn có gắn hồng ngọc, saphia… lấp lánh.
Đồ trang sức ở Jaipur phần lớn được chế tác theo phong cách Kundan Meena truyền thống với những nét đặc trưng dễ nhận. Những người thợ thường sử dụng sáp trong khung viền của đồ vàng, bạc, kết hợp cùng các chất liệu khác như thủy tinh. Những họa tiết thường thấy là bông hoa với nhiều màu sắc như trắng, xanh lá cây, đỏ… phù hợp với những bộ trang phục truyền thống Ấn Độ.
Người Ấn Độ nói chung đều say mê các loại trang sức, do vậy, không chỉ người giàu mà ngay cả tầng lớp bình dân cũng thường xuyên sắm trang sức cho mình. Trong khi những người Ấn Độ giàu có đến thăm Jaipur để tìm đá quý, khách bình dân và du khách có thể tìm thấy những món đồ rẻ tiền, chất lượng trong hàng chục cửa hàng quanh thành phố. Dĩ nhiên, để bảo đảm có được món đồ tốt thì người mua cần kiên nhẫn và con mắt tinh tường.
Du khách có thể tìm hiểu kiến thức về lịch sử đồ trang sức Ấn Độ nói chung và thành phố Jaipur nói riêng tại Bảo tàng Amrapali trên đường Ashok Marg. Nơi đây lưu giữ một bộ sưu tập hàng trăm tác phẩm trang sức hiếm có.
Theo khảo sát của Conde Nast Traveler Readers Choice, Jaipur hiện xếp thứ 7 trong số các thành phố xứng đáng ghé thăm nhất châu Á. Hãy thử một lần đến Jaipur để trải nghiệm thành phố đặc biệt này!
Giảm giá vé tham quan, mở cửa thêm nhiều di tích ở Mỹ Sơn
Cùng với việc củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở cửa đón du khách tham quan các di tích đã được chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam trùng tu.
Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn triển khai đồng thời gói nâng cao chất lượng dịch vụ, khuyến mãi, giảm giá vé từ 30-50% cho khách tham quan. Các hoạt động này nhằm gia tăng lượng khách đến Di sản này sau khi dịch COVID-19 được khống chế và đẩy lùi.
Khách du lịch đã bắt đầu quay trở lại tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: Hữu Trung/TTXVN
Theo đó, ngoài việc mở cửa các di tích trong nhóm tháp K và H đã trùng tu chống xuống cấp để phục vụ khách tham quan, các chuyên gia đã hoàn thành việc phục dựng 4 trụ lớn, đặt phía trước cửa nhóm tháp A để du khách tham quan dễ hình dung sự uy nghiêm một thời của các đền tháp ở Mỹ Sơn.
Theo các chuyên gia, nhóm tháp A là nhóm tháp ấn tượng nhất tại quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, là nhóm tháp có nhiều tháp còn nguyên vẹn nhất. Việc phục dựng hoàn thiện các trụ lớn phía trước nhóm tháp A cũng như tiến hành trùng tu nhóm tháp này sẽ tạo ra điểm nhấn đối với du khách.
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết: Bên cạnh việc mở cửa thêm các di tích, chú trọng chất lượng các dịch vụ vận chuyển, ẩm thực, hướng dẫn, cung cách phục vụ, trong kế hoạch kích cầu dài hơi sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, bắt đầu từ ngày 1/6 - 1/9/2020, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn giảm 30% giá vé đối với khách du lịch nói chung và 50% đối với khách đoàn có hộ khẩu tại tỉnh Quảng Nam. Học sinh dưới 16 tuổi sẽ được miễn phí tham quan, giảm 10% giá tất cả các mặt hàng lưu niệm trong quần thể Di sản. Đoàn khách có 10 người trở lên sẽ được chụp ảnh lưu niệm với các hướng dẫn viên và diễn viên múa Chăm tại Không gian nhà biểu diễn, được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các nghệ sĩ người Chăm biểu diễn.
Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn là quần thể kiến trúc đền tháp cổ của người Chăm pa, với hơn 70 đền tháp được xây dựng từ thế kỷ thứ VII-XIII. Năm 1999, khu di tích Mỹ Sơn đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Do tác động của thời gian và nhiều yếu tố khác, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn từng bị xuống cấp nghiêm trọng. Di sản này đã nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ nhiều nước trên thế giới và các tổ chức phi chính phủ trong việc trùng tu chống xuống cấp. Gần đây nhất, Dự án trùng tu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được thực hiện từ năm 2015 - 2021 với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Ấn Độ tài trợ 50 tỷ đồng để tập trung trùng tu quần thể các nhóm tháp A, K và H.
Từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và thường xuyên được trùng tu, chống xuống cấp, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu đối với du khách, nhất là khách quốc tế mỗi khi đến Quảng Nam.
Công nhận thêm 5 cây di sản tại Khánh Hòa Năm cây di sản gồm: Cây đa sộp (lá to), cây đa sộp (lá nhỏ), cây kơ nia, hai cây dầu (cạnh nhau). Ngày 22-5, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22-5), tại UBND xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Hội - VACNE), đã trao Bằng chứng...