Thành phố cổ nguyên vẹn nhất châu Âu
Praha là một trong thành phố hiếm hoi ở Đông Âu không bị chiến tranh hủy hoại, đồng thời là thủ đô xinh đẹp của Cộng hòa Séc – đất nước không giáp biển, quê hương của người Bohemia.
1. Old Town
Là trái tim đầy sắc màu lung linh về đêm, khu phố cổ của Praha tập trung nhiều tòa nhà, thánh đường và hàng chục công trình được xây dựng từ thế kỷ 13. Phố cổ này nằm trong lòng thủ đô Praha xinh đẹp hiện vẫn còn giữ được vẻ đẹp cổ kính, quý phái bởi những công trình đồ sộ mang tên tòa thị sảnh Old Town, tháp đồng hồ thiên văn Astronomical, nhà hát lớn Estates và Municipal, tòa nhà phức hợp Corolinum theo kiến trúc Baroque sang trọng.
2. Cung điện Lobkowicz
Tọa lạc ngay phía đông lối ra vào của tòa lâu đài Praha cổ kính nhất thế giới là cung điện Lobkowicz thuộc sở hữu tư của dòng họ Lobkowicz quyền quý có từ đời thế kỷ 14. Cung điện là nơi lưu giữ bộ sưu tập siêu khủng từ các bản soạn nhạc kinh điển của Mozart và Beethoven đến những bộ nhạc cụ và súng ống vô cùng quý hiếm. Hàng năm, Lobkowicz chào đón hàng triệu lượt khách du lịch đến thăm quan miễn phí.
3. Quảng trường Old Town
Khu quảng trường chính của phố cổ Praha được bao quanh bởi nhà thờ Đức bà Tyn xám đen với hai ngọn tháp vút cao lên bầu trời, cùng tháp đồng hồ cao sừng sững bao gồm Đồng hồ Thiên văn Astronomical và lịch nguyên năm Calendarium thiết kế từ thế kỷ thứ 15. Mỗi khi chuông Skeleton ngân vang báo hiệu mỗi giờ, 12 bức tượng thánh tông đồ lại mở cửa sổ đồng hồ ra chào đón du khách.
4. Thánh đường St Vitus
Thánh đường Thiên chúa giáo La Mã Saint Vitus- được coi là nhà thờ lớn nhất, quan trọng nhất của Cộng hòa Séc, đồng thời cũng là một trong những nhà thờ cổ kính nhất châu -xây dựng từ năm 1344 theo kiến trúc Gothic. Không chỉ là nơi an nghỉ của các triều vua Bohemian với hệ thống lăng tẩm tuyệt đẹp, St Vitus còn là tòa kiến trúc tráng lệ, hùng vĩ với nội thất vô cùng ấn tượng, chắc chắn sẽ là điểm đến du lịch mãn nhãn cho du khách năm châu.
5. Cầu Charles IV
Cây cầu trứ danh gắn liền với vị Hoàng đế Charles IV (1316-1378) của Séc do kiến trúc sư Peter Parler (1330-1399) xây dựng hồi thế kỷ 14, bắc qua sông Vltava, nối giữa phố cổ Stare Mestro và khu Mala Strana được xem là đầu mối giao thương quan trọng giữa Đông và Tây Âu. Ấn tượng hơn, hai bên thành cầu Charles là quần thể 30 pho tượng thánh khác nhau bằng đá và mang kiến trúc Ma-rốc. Tương truyền, khi chạm tay vào tượng, mọi ước muốn của bạn sẽ thành hiện thực. Ngoài ra, cây cầu dài 516m dành cho người đi bộ này là điểm tụ tập vui nhộn của các nhạc công, họa sĩ và khách bộ du lịch trên toàn thế giới mỗi khi hè về.
Video đang HOT
6. Sở thú Praha
Một trong những danh thắng nổi tiếng hấp dẫn nhất châu Âu, nơi được trẻ em vô cùng yêu thích chính là sở thú của thủ đô Praha – nơi sinh sống của các loài hươu cao cổ, khỉ hay gấu Bắc cực. Điểm độc đáo, gây tò mò và thích thú cho mọi du khách nước ngoài chính là dịch vụ bán phân voi làm quà lưu niệm tại sở thú Praha do chính giám đốc sở lên ý tưởng và thực hiện khá thành công.
7. Xe điện tự hành Segway
Đến thủ đô Praha xinh đẹp, bạn sẽ có cơ hội được tận tay điều khiển chiếc xe điện tự điều khiển Segway nổi tiếng để tha hồ khám phá vẻ đẹp cổ kính của các tòa kiến trúc tráng lệ. Đặc biệt hơn, khi Giáng sinh sắp tràn về khắp nhân gian, người dân Séc cùng du khách nước ngoài lại được ngắm nhìn những ông già Noel cùng các thiên thần bên cạnh trên chiếc xe Segway náo nhiệt khắp nẻo đường phố.
8. Lâu đài Praha
Lâu đài tráng lệ như trong câu chuyện cổ tích thần tiên này là “viên ngọc quý” và là biểu tượng lâu đời nhất của nước Cộng hòa Séc, do Hoàng tử Borivoj (852 – 889) xây dựng khoảng năm 880 theo kiến trúc Baroque mang phong cách riêng của người Bohemia. Khu lâu đài phức hợp tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi trông ra xa bờ Vltava xinh đẹp hiện là nơi làm việc của tổng thống Cộng hòa Séc từ nhiều đời nay. Bên trong lâu đài còn có khu hầm mộ các vị vua Bo-hem, được trang trí lộng lẫy bằng vàng bạc và vật liệu quý. Có thể nói khi bước chân vào lâu đài, đặc biệt là khu hầm mộ, du khách sẽ cảm thấy như vừa bước chân qua ngàn năm lịch sử của thành phố cổ này.
9. Nhà thờ St Nicholas
Nằm trong khu phố cổ Praha, bên cạnh nhà thờ Đức bà Tyn, nhà thờ thánh Nicholas được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18 này là “hiện thân” của phong cách kiến trúc Baroque của thành cổ Praha tuyệt mỹ. Đây là nơi nhà soạn nhạc cổ điển vĩ đại người Áo Mozart (1756-1791) từng chơi đàn organ bên dàn đồng ca của nhà thờ.
10. Đồi Petrin
Không cần phải lặn lội đến “kinh đô ánh sáng” Paris để ngắm nhìn Eiffel, du khách cũng có thể ngắm nhìn tòa tháp “Tiểu Eiffel” cao 60m, với 299 bậc thang trên ngọn đồi tình yêu Petrin ngay giữa lòng thủ đô Praha xinh đẹp, cổ kính trên dòng sông Vltava thấm đẫm ráng chiều đỏ rực. Nếu nói Praha là trái tim của châu Âu, thì ngọn đồi Petrin hẳn là thiên đường tình yêu lãng mạn của các cặp uyên ương
Theo 24h
Bí ẩn đằng sau thành phố đá cổ Nan Madol
Huyền thoại của các thành phố bị mất như Atlantis và El Dorado luôn mê hoặc nhân loại qua nhiều thế kỷ vì sự huyền bí. Nhưng có lẽ, bí ẩn nhất là thành phố nằm ngoài khơi bờ biển Micronesia (Mỹ).
Nan Madol là một thành phố cổ đổ nát duy nhất của thế giới còn sót lại, nằm ở ngoài khơi bờ biển phía đông của đảo Pohnpie, là thủ phủ của triều đại Saudeleur, ngày nay là một trong bốn tiểu bang trong liên bang Micronesia. Nan Madol bao gồm khoảng 90 hòn đảo nhỏ nhân tạo liên kết với nhau bằng một mạng lưới kênh rạch và thường được gọi là "Venice của Thái Bình Dương". Cái tên Nan Madol có nghĩa là "không gian giữa", là chỉ đến các kênh rạch chằng chịt đan xen xung quanh thành phố.
Nan Madol đã giành được sự quan tâm rất nhiều từ các nhà khảo cổ học, vì các đảo được xây dựng gần như hoàn toàn bằng các bức tường bazan hình lăng trụ cao từ 5,5 m đến 7,6 m và dày khoảng 5,2 m. Bazan là một loại đá được hình thành từ dung nham núi lửa. Các bức tường được xây dựng bằng cách xếp chồng lần lượt các khối đá cao lên, trông như những cây gỗ bị chặt từng khúc bắt chéo lên nhau. "Nội thất" của thành phố được bao phủ bởi một đống san hô đổ nát, đống san hô đổ nát này có mật độ dày đặc và rất cao làm cho thủy triều không thể với tới được.
Các nhà khảo cổ học ước tính tổng số đá bazan hình lăng trụ để xây dựng nên bức tường chắn này là 250 triệu tấn. Tuy nhiên, câu hỏi mà các nhà khảo cổ đặt ra là " Vì sao các bức tường đá khúc bazan được xây dựng bằng cách xếp chồng lên nhau lại quá cao. Trong khi, mỗi một khúc đá bazan như vậy có thể trọng lên tới 50 tấn? ". Cho đến bây giờ nó vẫn là một ẩn số, họ vẫn chưa thể giải thích được câu hỏi do mình đặt ra.
Nhưng một câu chuyện dân gian địa phương lại nói rằng trước đây, những người khổng lồ sống trên đảo, chính họ là những người thực hiện công việc bê các khối đá cắt thành khúc này về, để xây dựng lên các bức tường. Truyền thuyết kể về câu chuyện của hai anh em tên là Olosopha và Olosipha. Họ sử dụng sức mạnh phép thuật của mình để vận chuyển các khối đá khúc từ một vùng đất xa xôi, bằng cách làm cho chúng bay trên không trung.
Còn một câu chuyện khác nữa kể về một nhà ảo thuật, người này cũng giống như hai anh em Olosopha và Olosipha trong truyền thuyết, ông ta vận chuyển những khối đá bằng cách cho chúng bay trong không trung về, để xây dựng thành phố Nan Madol và các bức tường. Mỗi câu chuyện đều đề cập đến sự vận chuyển các khối đá từ một nơi xa không rõ nguồn gốc, nhưng các nhà khoa học khẳng định rằng địa điểm lấy đá bazan để xây dựng nên các bức tường không đâu xa, đó là trên hòn đảo đối diện với thành phố Nan Madol.
Một lý thuyết mà các nhà khoa học đưa ra là những người xây dựng đã vận chuyển các khối đá khúc thông qua bè mảng. Nhưng trong một thí nghiệm cho thấy các khối đá này sẽ bị chìm xuống nước ngay lập tức vì trọng lượng khá nặng. Mặc dù, người ta đã tìm thấy những bộ xương trong thành phố với số lượng tương đối lớn, xem mối quan hệ giữa cái chết và việc vận chuyển đá có liên quan với nhau không, nhưng cũng chưa giải thích được gì về các bức tường đá bazan được hình thành như thế nào. Nó vẫn còn là một bí ẩn, vì không có tàn dư của các thiết bị máy ra đời sớm vào thời điểm đó mà có thể giúp các nhà xây dựng chuyển đá đến và xây các bức tường. Nan Madol vẫn tràn ngập trong tranh cãi khoa học và truyền thuyết.
Cứ bí ẩn này tiếp nối bí ẩn khác và các nhà khảo cổ cũng không thể giải thích được về tính năng độc đáo của mạng lưới đường hầm dưới nước, kết nối các đảo rời rạc với nhau. Các đường hầm được xem như là một lối thoát, bắt đầu từ trung tâm của thành phố tỏa ra về phía đại dương. Các đường hầm được tạo ra một cách rõ ràng và rành mạch để kết nối các đảo với nhau. Cho đến ngày nay, các nhà thám hiểm dưới đáy biển vẫn đang cố gắng để khám phá ra những tuyến đường bí mật, nhưng một đường hầm hoàn chỉnh vẫn chưa được phát hiện ra.
Theo lịch sử của người Pohnpei, thành phố Nan Madol bị chiếm đóng bởi một dòng tổ tiên gọi là Saudeleurs, hay còn gọi là "chúa tể của khu vực Nan Madol". Họ muốn có một thành phố riêng độc quyền cai trị. Dưới triều đại của mình, họ thành lập nhà nước Pohnpei thống nhất các các đảo để cai trị.
Đặc biệt triều đại Saudeleurs chỉ cư trú tại khu vực trung tâm thành phố Nan Madol. Nhiều thường dân cũng chung sống với bậc đế vương trong khu vực này để phục vụ họ khi cần thiết. Nan Madol không có nước ngọt và thực phẩm, cho nên nguồn thực phẩm cơ bản được những thường dân này mang từ bên vào ngoài thành phố.
Sau một thời gian, triều đại Saudeleurs bị lật đổ bởi một nhóm người được gọi là Nahnmwarki. Khi đã giành được quyền cai trị thành phố Nan Madol, nhóm người này không ở lại đây lâu dài mà chuyển ra khu vực lân cận thành phố để sống vì họ thấy khó khăn trong việc vận chuyển nước ngọt cũng như thực phẩm từ bên ngoài vào. Vì vậy mà thành phố đã bị bỏ rơi.
Người ta tìm thấy nhiều địa điểm mai táng trong thành phố Nan Madol. Đó là những tòa nhà hình chữ nhật được xây dựng lên, làm nơi an nghĩ cho dòng tộc Saudeleurs. Trong năm 1985, tàn tích của Nan Madol đã được đưa vào lịch sử một quốc gia.
Ngày nay, Nan Madol hình thành một khu khảo cổ bao gồm hơn 18 km2 và bao gồm các kiến trúc bằng đá được xây dựng trên một rạn san hô bằng phẳng dọc theo bờ biển của đảo Temwen và một số hòn đảo nhân tạo khác liền kề với bờ biển Micronesia của đảo Pohnpei.
Thành phố cổ Nan Madol không phải là địa điểm sôi động và tốt cho vấn đề ăn uống và ngủ nghĩ. Nhưng với ánh hào quang màu nhiệm của thời tiền sử đan xen thì nó là một nơi tốt nhất cho việc trải nghiệm nghệ thuật thiền, cho bạn cảm giác thư thái, hòa quyện tâm hồn mình với thiên nhiên hoang dã.
Một số hình ảnh về thành phố cổ Nan Madol:
Bản đồ thành phố cổ Nan Madol.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Kinh đô cổ Krakow Nằm bên dòng sông Wisla thơ mộng, thành phố cổ nhất của Ba Lan trầm lắng, tĩnh mịch. Đây từng là nơi sinh sống của các nhà vua, được người dân coi là thủ đô tinh thần bởi bề dày lịch sử hơn 1000 năm. Từ thủ đô Waszawa, du khách đến thành phố cổ Krakow bằng tàu hỏa trong khoảng 3 giờ....