Thành phố ấm tình người
Rất nhiều câu chuyện đẹp về tình người đang lan tỏa mạnh mẽ giữa mùa dịch Covid-19 ở TP HCM, để thấy rằng không ai bị lãng quên hay bị bỏ lại phía sau
Những ngày qua, giữa bộn bề lo toan do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng hàng loạt quán cơm miễn phí, giá rẻ vẫn nổi lửa; hàng loạt chủ nhà trọ quyết nhường cơm sẻ áo; hàng loạt điểm phát quà từ thiện mọc lên; hàng loạt quyết sách đầy tính nhân văn của chính quyền TP HCM hướng đến cộng đồng, đến những hoàn cảnh khó khăn.
Chuẩn bị suất cơm miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn tại quán chay Bình An (phường 6, quận 10, TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
“Mình sướng, họ khổ, nhìn sao đặng”
Bước sang tháng thứ 2, tình hình dịch Covid-19 vẫn “ nóng”, cũng là lúc anh Lê Văn Thành, – chủ một khu nhà trọ với hàng chục phòng cho thuê trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) – đứng ngồi không yên. Sau 2 đêm suy nghĩ, anh quyết định đến từng phòng trọ để thông báo miễn phí tiền trọ cho tất cả mọi người trong 2 tháng, nếu dịch vẫn còn sẽ tiếp tục miễn phí. “Người trọ đa phần là lao động chân tay, xa quê vào TP những mong có thêm chút tiền gửi về cho gia đình. Giờ tình cảnh này, họ chạy ăn còn khó, mình không giúp họ thì coi sao đặng hả em?” – anh Thành nói như tâm sự với chúng tôi.
Anh kể tiếp gia đình anh cũng chẳng giàu có gì, thu nhập gần như lệ thuộc vào tiền cho thuê, với bình quân hằng tháng gần 30 triệu đồng. “Thế nhưng, sống thì phải có trước có sau. Những người thuê nhà đã nuôi sống mình nhiều năm rồi, nay mình mở lòng chia sẻ cùng họ, âu cũng là chuyện phải làm, chỉ mong họ bớt khó, bớt khổ đi đôi chút là mừng rồi” – anh Thành nói.
Chưa dừng lại ở đó, anh Thành còn kêu gọi người thân gom góp để mua hàng chục phần quà gồm mì gói, đường, gạo… mang đến từng phòng trọ gửi tặng và khuyên mọi người bình tĩnh ở yên trong nhà để tránh lây lan dịch bệnh. Người trong xóm trọ nhà anh nhờ đó đã vững tâm hơn trong mùa dịch, dù khó khăn vẫn còn phía trước.
Cùng nghĩa cử, chị Hoa – chủ khu nhà trọ trên đường Lê Thị Hà, huyện Hóc Môn – vào ngày cuối tháng 3 đã treo bảng thông báo sẽ giảm nửa giá tiền cho người thuê. “Trong lúc này, số tiền 600.000 đồng đối với tôi là không nhỏ, bởi thu nhập đã giảm đi hơn nửa. Được chủ trọ hỗ trợ như vậy, mình cũng quyết tâm bám trụ lại TP để đợi qua dịch bệnh” – anh Lê Thành Trung, thuê trọ nhà của chị Hoa, chia sẻ. Tương tự, anh Đỗ Văn Thanh – chủ dãy nhà trọ hơn 10 phòng ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú – đã không ngần ngại thông báo miễn tiền trọ cho đến khi nào dịch bệnh lắng xuống. Bởi với anh, đây là lúc cần đùm bọc nhau để vượt qua khó khăn.
Việc miễn, giảm tiền thuê trọ đang ngày càng lan rộng trên địa bàn TP, đặc biệt ở huyện Bình Chánh đã trở thành phong trào. Ngày 2-4, gặp chúng tôi, lãnh đạo xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) cho biết qua thống kê đã có 59/117 chủ nhà trọ trên địa bàn giảm tiền phòng trong tháng 4 và 5-2020, từ 10% – 100% tiền phòng cho 749 phòng với 1.277 nhân khẩu. Lãnh đạo huyện Bình Chánh cũng thông tin hiện có hơn 2.600 chủ nhà trọ trên địa bàn đã bắt đầu miễn, giảm tiền thuê phòng cho người lao động.
Video đang HOT
Điểm phát quà cho người khó khăn, người bán vé số thất nghiệp trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP HCM. Ảnh: LÊ PHONG
Lòng thơm thảo nở rộ
Những tấm lòng thơm thảo của người TP có lẽ bắt đầu nở rộ từ việc Chính phủ quyết định tạm ngưng dịch vụ xổ số trong 15 ngày, từ 1-4, để phòng chống dịch. Vừa nghe thông tin trên, thông qua các đoàn thể, tổ khu phố, rất nhiều người dân ở TP hăng hái ủng hộ tiền, vật phẩm để giúp người nghèo. Bà Nguyễn Thanh Tiến – ngụ đường Huỳnh Văn Bánh, phường 14, quận Phú Nhuận – đã chuyển đến người nghèo, người vô gia cư 2 triệu đồng lương hưu và không quên vận động chòm xóm, con cháu tham gia ủng hộ với mong muốn người nghèo được ấm lòng trong lúc khó khăn.
Cứ thế, những ngày gần đây, trên đường phố, giữa các khu dân cư ở TP, ai cũng dễ dàng bắt gặp những quán cơm miễn phí, giá rẻ, hàng loạt điểm phát quà từ thiện mọc lên để chung tay chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Sáng 3-4, xóm vé số tại khu Đồng Tiến ( phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) không còn ảm đạm như những ngày trước đó, dù đây là ngày thứ 3 gần 140 người không có việc làm. Có được như vậy là nhờ ngoài việc được miễn, giảm tiền trọ, người bán vé số còn được nhiều mạnh thường quân quan tâm. Điển hình như quán cơm chay Bình An trên đường Ngô Quyền (phường 6, quận 10), trung bình mỗi ngày tặng 100-200 phần cơm cho bà con gặp khó khăn. Chủ quán cơm cho biết việc làm này sẽ kéo dài đến khi nào hết dịch bệnh thì ngưng.
Nổi bật nhất có lẽ là hệ thống quán cơm tương trợ 2.000 đồng Nụ Cười, bởi chỉ tính riêng ngày 2-4, hệ thống quán cơm này đã nấu tổng cộng 1.700 suất cơm cho người nghèo.
Cũng ấn tượng không kém là danh sách các điểm tặng quà cho người nghèo ở TP HCM đang tăng lên từng ngày. “Dịch mà, mỗi người một phần quà” – là bảng hiệu được treo trước một cửa hàng trên đường Võ Văn Kiệt, quận 6. Mấy ngày qua, mỗi ngày chủ nhà để sẵn 80 phần quà, chủ yếu là nhu yếu phẩm… “Những tấm lòng thơm thảo của người dân TP đã thực sự sưởi ấm chúng tôi. Chắc chắn khó khăn rồi sẽ qua khi hết dịch bệnh nhưng những gì chúng tôi nhận được lúc này thực sự khó có thể quên” – bà Thủy (hành nghề bán vé số, quê ở Phú Yên) bày tỏ sự hàm ơn.
Những quyết sách nhân văn
Để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, ngoài những tâm lòng thơm thảo, ngoài gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra trị giá hơn 61.500 tỉ đồng của trung ương, chính quyền TP HCM sẽ chi hơn 2.700 tỉ đồng để hỗ trợ chống dịch Covid-19, trong đó dành 1.800 tỉ đồng để giúp các đối tượng khó khăn do tác động của dịch bệnh ở TP. Theo đó, sẽ hỗ trợ người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, tính từ tháng 4, dự kiến sẽ có 600.000 người – bao gồm cả giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn – được hỗ trợ.
Đặc biệt, những người yếu thế cũng được TP HCM hết sức quan tâm khi mới đây, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP đã đề xuất UBND TP hỗ trợ người bán vé số trên địa bàn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số tiền 50.000 đồng/người/ngày.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Minh Tấn cho biết qua thống kê của các quận, huyện, hiện có 11.947 người bán vé số cư trú trên địa bàn (thường trú và tạm trú) gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm thu nhập, ngưng việc làm. Thời gian hỗ trợ là 15 ngày, kể từ 1-4. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện hỗ trợ gần 9 tỉ đồng.
Chưa hết, TP sẽ còn dùng ngân sách để hỗ trợ, giúp đỡ người vô gia cư, lãnh đạo TP yêu cầu Sở LĐ-TB-XH chuẩn bị các cơ sở lưu trú, rà soát tất cả trường hợp lang thang, cơ nhỡ – nhất là người già, không nơi cư trú – để chăm sóc, theo dõi sức khỏe nhằm giúp họ vượt qua khó khăn và phòng chống dịch một cách hiệu quả.
Ủy ban MTTQ TP HCM cho biết tính đến 15 giờ ngày 3-4, số tiền nhân dân TP ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 là 68,772 tỉ đồng, trong đó tiền mặt hơn 53 tỉ đồng và hàng hóa trị giá 15,77 tỉ đồng.
Liên tiếp những tin vui
Thể hiện tình tương thân tương ái của người Việt xưa nay, các nghệ sĩ trong ngày 2-4 đã tặng hàng chục tấn gạo đến những người có hoàn cảnh khó khăn ở TP HCM.
Nghệ sĩ Việt Hương hỗ trợ 5 tấn gạo cho những người bán vé số, bán hàng rong, thợ hồ đang cư trú tại TP HCM. Còn MC Đại Nghĩa viết trên trang Facebook cá nhân: “Những anh chị, cô chú đang sống tại địa bàn TP HCM hãy cho Đại Nghĩa địa chỉ, tên và số điện thoại người nhận. Nếu thuộc những trường hợp: Nhà các bạn thật sự khó khăn trong mùa dịch này, nếu nhà hàng xóm của bạn mà bạn biết họ cũng rất khó khăn, nếu bạn biết những người bán vé số đâu đó, nếu bạn biết những hoàn cảnh nào đó mà bạn có thể đến tận nơi, Đại Nghĩa sẽ gửi đến bạn mỗi hoàn cảnh như vậy 10 kg gạo”. Ca sĩ Lâm Khánh Chi thì phát đi thông báo: “Quán chay tụi em sẽ thực hiện chương trình phát cơm từ thiện trong 14 ngày (từ ngày 1 đến 15-4). Một ngày 240 phần. Mọi người có thể đến địa chỉ: 733 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10 để nhận cơm hằng ngày”.
Đặc biệt, chiều 3-4, ca sĩ Bích Thủy, người con thứ 9 của nhạc sĩ – NSƯT Bắc Sơn, đã trao tặng 1 tấn gạo cho chương trình “Cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19″ của Báo Người Lao Động.
Th.Hiệp
NHÓM PHÓNG VIÊN
Đà Nẵng cho viên chức có thai và con nhỏ được ở nhà
Các cán bộ, công chức, viên chức có tiền sử bệnh hiểm nghèo, có nguy cơ cao thì được phép ở nhà.
Tối 31-3, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan liên quan tạm dừng hoạt động tất cả các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu để phòng chống dịch COVID-19.
TP chỉ cho phép mở cửa các loại hình khám chữa bệnh, bán thuốc và vật tư y tế, chất đốt, ngân hàng, bưu chính viễn thông, cấp điện, cấp nước, hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất... đối với cửa hàng ăn uống bán qua mạng hoặc bán mang đi, chỉ được phép hoạt động đến 0 giờ ngày 2- 4.
Các quận, huyện, xã, phường phải thông báo chủ trương của Chính phủ, TP đến tận từng hộ gia đình. Chủ tịch UBND TP yêu cầu nhân dân nghiêm túc thực hiện và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đà Nẵng dừng việc tiếp nhận hồ sơ công dân nộp trực tiếp tại tổ 1 cửa, chỉ xử lý qua mạng kể từ ngày 2-4. Ảnh: HOÀI AN.
Thành phố tăng cường hoạt động của các Trạm kiểm soát phương tiện trên địa bàn, hạn chế tối đa các phương tiện ra vào TP, dừng việc di chuyển từ vùng có dịch vào TP, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, chở nguyên vật liệu sản xuất theo quy định.
Sở Du lịch thông báo đến các cơ sở lưu trú yêu cầu không để khách ra khỏi nơi lưu trú.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các quận, huyện có biện pháp hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo, cận nghèo và những hộ khó khăn không đủ lương thực trong thời gian cách ly toàn xã hội.
Ông Thơ cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan chủ động quyết định số lượng người làm việc hàng ngày trên tinh thần: phân công cán bộ trực cơ quan và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thật cần thiết đến công sở để giải quyết các công việc cấp bách, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, trực tiếp tham gia chống dịch và các nhiệm vụ cần thiết khác.
Các cơ quan không tập trung đông người tại công sở trong cùng một thời điểm mà tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà. Riêng đối với các trường hợp phụ nữ mang thai, có con nhỏ và các cán bộ, công chức, viên chức có tiền sử bệnh hiểm nghèo, có nguy cơ cao thì được phép ở nhà.
Bên cạnh đó, các cơ quan dừng việc tiếp nhận hồ sơ công dân nộp trực tiếp tại tổ 1 cửa, chỉ xử lý qua mạng kể từ ngày 2-4. Trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan trực tiếp xử lý hồ sơ xem xét, quyết định. TP cũng cho tạm dừng hoạt động của Ban Tiếp công dân TP và chỉ tiếp nhận, xử lý ý kiến công dân qua email, điện thoại.
HOÀI AN
Thái Nguyên tích cực tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số Thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên có nhiều giải pháp thiết thực tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo tại 124 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, như đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phân bón, giống ngô, lãi suất vay nuôi bò sinh sản theo Quyết định số 2037 của UBND tỉnh. Sở Lao...