Thanh niên Ukraina đổ xô đăng ký tòng quân
Mặc dù chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra song do căng thẳng gia tăng trên bán đảo Crưm, nhiều thanh niên ở thủ đô Kiev, Ukraina đã đổ xô đi đăng ký tòng quân và sẵn sàng cầm vũ khí nếu quân đội Nga tấn công.
“Tôi muốn tham gia chiến đấu,” Roman Surzhikov, một kỹ sư 33 tuổi kiêm quân nhân dự bị, đang đứng chờ tới lượt mình tại một trung tâm tuyển quân ở Kiev hôm 4/3 cho biết, mặc dù cánh cửa của trung tâm này đã treo biển “đóng cửa”.
“Tôi không hề muốn chiến tranh, nhưng nếu nó xảy ra, tôi phải có nghĩa vụ lên đường chiến đấu. Tôi phải bảo vệ đất nước mình,” Surzhikov nói khi được hỏi lý do muốn tòng quân, đồng thời cho biết “10 triệu đàn ông Ukraina đã sẵn sàng cầm vũ khí”.
Surzhikov được yêu cầu quay lại sau vài ngày nữa và để lại thông tin cá nhân. Cho tới nay, chỉ có vài quân nhân dự bị Ukraina được huy động và Surzhikov không phải là một trong số đó.
Quân đội Ukraine đã được đặt trong tình trạng báo động vào cuối tuần trước, sau khi Quốc hội Nga phê chuẩn đề xuất đưa quân vào Ukraina của Tổng thống Vladimir Putin.
Phản ứng trước động thái trên từ Nga, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraina Andriy Parubiy hôm Chủ nhật (2/3) đã tuyên bố Kiev sẽ kêu gọi toàn bộ quân nhân dự bị, trong một động thái mà ông nói rằng để “đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”.
Mặc dù không phải là lệnh tổng động viên nhưng thông báo trên đã khiến hàng trăm thanh niên trên khắp Ukraina tới đăng ký tòng quân.
Video đang HOT
Cảnh quay trên truyền hình cho thấy dòng người xếp hàng dài trước các trung tâm tuyển quân. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraina từ chối tiết lộ có bao nhiêu người đã đăng ký đồng thời nói rằng đây là thông tin tối mật.
Sầm Hoa(Theo Telgraph/Kyiv Post)
Theo VNN
Kịch bản tấn công Nhật nào cũng thành thảm họa với Trung Quốc
Trung Quốc sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh ngắn gọn và nhanh chóng trên biển Hoa Đông - theo chuyên gia Mỹ. Song chuyên gia Nga kết luận, kịch bản nào cũng rất có thể trở thành thảm họa đối nội và đối ngoại cho Trung Quốc.
Một cuộc đụng độ giữa tàu tuần duyên Nhật Bản với tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Internet
"Chúng tôi đi đến kết luận rằng quân đội Trung Quốc đang đặt ra nhiệm vụ là sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh ngắn gọn và nhanh chóng nhằm tiêu diệt lực lượng quân sự của Nhật Bản trên biển Hoa Đông, chiếm giữ quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) hoặc thậm chí quần đảo phía Nam Ryukyu" - ông James Fannell, Chỉ huy trưởng tình báo Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - tuyên bố tại hội nghị ở San Diego hồi tuần trước.
Kết luận này được các nhà phân tích Mỹ rút ra dựa trên một loạt cuộc tập trận mà họ đã quan sát.
Tuy nhiên, chuyên gia Nga tại Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Vasily Kashin hôm qua (24.2) cho Đài Tiếng nói nước Nga hay, các cuộc tập trận này được người Trung Quốc tổ chức chỉ để tăng cường áp lực chính trị đối với Nhật Bản.
Không nghi ngờ gì rằng Trung Quốc cần có một kế hoạch nào đó trong trường hợp nảy sinh xung đột với Nhật Bản. Kế hoạch này cần bao gồm động thái hạ cánh xuống quần đảo Điếu Ngư trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chính trị.
Một cuộc khủng hoảng như vậy có thể sẽ xảy ra, nếu Nhật Bản quyết định bố trí đơn vị đồn trú thường trực trên quần đảo tranh chấp, hay xảy ra một vụ va chạm kèm theo sự mất mát về người của phía Trung Quốc.
Câu hỏi chính là liệu Trung Quốc có xem xét nghiêm túc phương án hành động như vậy như một giải pháp để quyết định vấn đề lãnh thổ không, hay nó được lập ra để dự phòng trong trường hợp cuộc khủng hoảng chính trị nặng nề không thể hòa giải được.
Trong mọi trường hợp, Trung Quốc khó ra khỏi cuộc xung đột
Có vẻ Trung Quốc sẽ chỉ tiến hành hoạt động quân sự chống lại Nhật Bản trong trường hợp cực đoan nhất, nếu nước này bị dồn vào chân tường sau các biện pháp chính trị của Nhật Bản và Mỹ.
Trong tất cả các trường hợp khác, Trung Quốc sẽ không tham gia xung đột quân sự, bởi kịch bản thuận lợi để Trung Quốc ra khỏi cuộc xung đột sẽ rất khó xảy ra.
Hoạt động chiếm giữ quần đảo có lẽ sẽ khả thi, nhưng cực kỳ nguy hiểm. Hạm đội Nhật Bản được trang bị kỹ thuật và được đào tạo khá tốt. Một điều rất quan trọng là Nhật Bản có điều kiện để nhận được thông tin tình báo từ Mỹ và các phương tiện kỹ thuật của nước này. Điều đó làm giảm cơ hội để Trung Quốc tiến hành một chiến dịch tấn công bất ngờ - điều kiện quan trọng để thành công trong hoạt động như vậy.
Nhưng giả sử quân đội Trung Quốc có thể đánh bại hạm đội Nhật Bản trong quần đảo và đưa lực lượng của họ bố trí trong khu vực này. Ngay sau khi quần đảo bị chiếm giữ, tàu ngầm diesel-điện của Nhật Bản và tàu hạt nhân Mỹ sẽ xuất hiện, trong khi đó triển vọng Trung Quốc chống lại lực lương này không mấy lạc quan.
Trung Quốc đã tích lũy đáng kể khả năng kỹ thuật phòng không, nhưng vị trí địa lý của quần đảo sẽ cho phép không quân Mỹ sử dụng các sân bay mặt đất ở Nhật Bản một cách khả quan nhất.
Tiếp đó, Trung Quốc sẽ có thể kiểm soát vùng trời trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku bằng các tổ hợp S-400 nằm trên đất liền. Nhưng tầm bắn tới mục tiêu trong phạm vi các đảo sẽ gần với giới hạn khả năng của S-400 (quần đảo cách đất liền khoảng 330km).
Đối phương có thể bắn trúng mục tiêu ở gần hòn đảo bằng vũ khí chính xác mà không cần đi vào khu vực hành động của các tổ hợp. Bố trí các hệ thống như vậy trên hòn đảo nhỏ với địa hình khó khăn là điều khó khả thi về mặt kỹ thuật và khó đạt mục đích về mặt chiến thuật.
Vì vậy, sau khi chiếm đóng được quần đảo, các lực lượng Trung Quốc có thể sẽ bị cô lập. Sau khi một số lực lượng tàu ngầm đáng kể của Mỹ và Nhật Bản tập trung trong biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ khó có thể giữ được quần đảo đã chiếm đóng và có lẽ cũng sẽ không thể sơ tán binh lính ra khỏi đó.
Với Trung Quốc, sự phát triển kịch bản như vậy rất có thể trở thành thảm họa đối nội và đối ngoại. Thật khó hình dung rằng người Trung Quốc sẽ mạo hiểm theo cách như vậy. Bởi lẽ đó, các cuộc tập trận của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích chủ yếu là gây áp lực đối với Nhật Bản.
Theo Báo Lao động
An ninh khu vực: Vì sao VN phải kết thân với Ấn Độ? Đông Á đang nóng lên trước những gây hấn liên tục về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh lạnh đang âm thầm diễn ra trong khu vực. Một bên là Trung Quốc, với xu hướng bá quyền đang đòi đến 90% chủ quyền Biển Đông qua đường lưỡi bò 9 đoạn. Bên còn lại: Nhật Bản, Hàn Quốc...