Thanh niên tông trọng thương CSGT: Lãnh đạo công an nói thật
Công an quận Thủ Đức, TP HCM xác định đây chỉ là vụ tai nạn giao thông và người điều khiển phương tiện cũng như cảnh sát giao thông đều có lỗi.
Liên quan đến vụ việc Thượng uý CSGT Đội Tuần tra dẫn đoàn (PC67, Công an TP HCM) bị xe máy của người vi phạm tông gây thương tích nghiêm trọng trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua địa bàn quận Thủ Đức, chiều ngày 16/2, Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức xác định: “Đây chỉ là một vụ tai nạn giao thông thông thường mà người điều khiển phương tiện, cũng như cảnh sát giao thông đều có những vi phạm nhất định”.
Theo hồ sơ khám nghiệm hiện trường của tổ xử lý tai nạn, thuộc Đội CSGT Công an quận Thủ Đức, khoảng 10h cùng ngày, anh Bùi Thanh Ngọc Ẩn (21 tuổi, quê Bình Phước, tạm trú tỉnh Đồng Nai) điều khiển xe máy chở bạn là Lê Phước Anh Trung (20 tuổi, cùng quê) lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng (hướng từ Gò Dưa về cầu vượt Linh Xuân).
Lúc này, tổ tuần tra của đội CSGT tuần tra – dẫn đường làm nhiệm vụ tại đoạn đường trên thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức, qua kiểm tra máy bắn tốc độ phát hiện Ẩn chạy quá tốc độ (71/50km/h) và chạy lấn tuyến nên Thượng úy Đỗ Hồng Hải đã tiến ra ngay trước mặt, hướng lưu thông của xe để ra hiệu dừng xe, kiểm tra hành chính.
Anh Ẩn cũng bị thương nặng sau vụ tai nạn. Ảnh: Kiến Thức
Vì đang lưu thông tốc độ cao, bất ngờ bị cảnh sát giao thông lao ra chặn nên Ẩn đã quýnh quáng, không kịp xử lý tình huống do đó đã đâm trực diện vào thượng úy cảnh sát giao thông này. Công an cũng xác định Ẩn không kiểm soát được tình huống trên, chứ không cố ý đâm vào cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.
Cú va chạm khiến Thượng uý Hải văng xa nhiều mét, 2 thanh niên cùng chiếc xe cũng té ngã xuống và cả 3 bị thương nặng nằm bất động được các CSGT cùng người dân nhanh chóng chuyển vào bệnh viện quận Thủ Đức và Đa khoa Hoàn Hảo cấp cứu. Do Thượng uý Hải bị thương nặng nên đã được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy để cứu chữa.
Cách đây không lâu, tại Hưng Yên cũng xảy ra một trường hợp tông CSGT trọng thương. Theo đó, vào sáng ngày 13/12/2015, Thượng tá Nguyễn Viết Chức, Phó trưởng Công an quận Long Biên cho biết, Công an quận Long Biên đã tạm giữ hình sự lái xe Đoàn Văn Chuyên (25 tuổi, Văn Giang, Hưng Yên).
Chuyên được xác định là tài xế điều khiển xe tải đâm vào thượng úy Nguyễn Quốc Đạt (chiến sĩ Đội CSGT số 5, Phòng CSGT Hà Nội) sáng 12/12/2015 khiến anh bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Theo Thượng tá Nguyễn Viết Chức, bước đầu cơ quan điều tra tạm giữ Chuyên để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Tuy nhiên, nếu đủ căn cứ xác định hành vi “Giết người” cơ quan điều tra sẽ khởi tố tài xế Chuyên về hành vi này.
Video đang HOT
“Chuyên biết việc CSGT ngã xuống đường những vẫn cố tình bỏ chạy chèn xe qua người cán bộ CSGT. Đây là một trong những tình tiết có dấu hiệu tội giết người”, Thượng tá Chức nói.
Về phía thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, Thượng tá Chức cho biết, cơ quan điều tra đã có tường trình của thượng úy Đạt. Theo đó, thượng úy Đạt tường trình, khi phát hiện xe tải biển số Hưng Yên có dấu hiệu vi phạm giao thông nên dừng xe để giải quyết. Tuy nhiên, tài xế đã không chấp hành yêu cầu mà lao thẳng xe vào người dẫn tới sự việc.
Thùy Dung (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Cảnh sát được phép truy đuổi người vi phạm giao thông khi nào?
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu phạm tội, sau khi ra hiệu lệnh dừng rồi mà người vi phạm vẫn cố tính bỏ chạy thì cảnh sát giao thông có thể truy đuổi.
Hỏi: Dân phòng, dân quân, bảo vệ dân phố, công dân, cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có được phép truy đuổi người vi phạm giao thông không?
Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Người Lao Động
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 87 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: "Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ...".
Bên cạnh đó, theo Điều 5 Thông tư 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có các quyền sau:
"1. Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
2. Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.
3. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
4. Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
5. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
6. Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.
7. Tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi có ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
8. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật".
Theo Điều 10 Thông tư 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 quy định về biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ và xuất trình khi có yêu cầu, phải đeo biển hiệu (thẻ xanh)...
Trường hợp người lái xe vi phạm không có dấu hiệu tội phạm
Căn cứ Điều 20 Thông tư số 66/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định về Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông đường bộ, đối với trường hợp người lái xe vi phạm không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy, thì thực hiện như sau:
- Tổ tuần tra, kiểm soát giao thông nhanh chóng ghi nhận các đặc điểm của xe như biểm kiểm soát, màu sơn, nhãn hiệu, loại xe; đặc điểm của người lái xe, sau đó thông báo cho các tổ tuần tra, kiểm soát giao thông liền kề trên tuyến, các lực lượng khác để phối hợp, hỗ trợ ngăn chặn.
- Tổ tuần tra, kiểm soát giao thông liền kề trên tuyến khi nhận được yêu cầu phối hợp, hỗ trợ phải triển khai ngay lực lượng ngăn chặn, dừng phương tiện của người vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông để kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lái xe vi phạm có dấu hiệu tội phạm
Tại Khoản 1, Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định, mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng quy định của pháp luật.
Khoản 1, Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: "Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất...".
Như vậy, căn cứ các quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của cảnh sát giao thông vừa trích dẫn ở trên, pháp luật hiện chưa có quy định nào cho phép cảnh sát truy đuổi người vi phạm mà chỉ cho phép cảnh sát, Thanh tra giao thông dừng xe của người điều khiển vi phạm lại một cách an toàn.
Tóm lại, khi phát hiện người vi phạm có lỗi hành chính, chưa cấu thành tội phạm hình sự (như không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ...) nhưng không chịu tuân thủ hiệu lệnh, cảnh sát có thể ghi lại biển số xe của người vi phạm rồi thông báo cho các chốt kiểm tra liền kề hoặc các tổ tuần tra để kịp thời ngăn chặn hoặc chụp ảnh, ghi hình để làm bằng chứng xử lý sau chứ không cần thiết phải truy đuổi.
Cảnh sát giao thông, Dân phòng, Dân quân, Bảo vệ dân phố, công dân khi phát hiện người vi phạm luật giao thông đường bộ mà thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự thì được bắt giữ và bàn giao cho cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Kinh hoàng xe độ chế chở gỗ Anh Lữ Văn Dũng, xã Ia Jlơi, người điều khiển xe máy tự độ chế vừa từ rừng về cho biết: "Một cái xe máy độ chở được khoảng một tấc gỗ, nếu gỗ nhóm 2 căm xe thì bán được 500.000 đồng, trừ chi phí xăng dầu thì bỏ túi được 200.000 đồng". Trên đoạn đường từ thị trấn Ea Sup đến...