Thanh niên Thủ đô phòng chống tai nạn thương tích
Để phổ biến kiến thức cũng như góp phần hạn chế số trẻ em bị tai nạn thương tích hàng năm, sáng qua 25-5, Thành đoàn Hà Nội đã phát động “Thanh niên Thủ đô với phòng chống tai nạn thương tích”.
Trẻ em rất cần được rèn luyện các kỹ năng cơ bản
để phòng chống tai nạn thương tích
Tại lễ phát động, Thành đoàn đã tập huấn về phòng, chống tai nạn thương tích cho hơn 1.000 cán bộ Tổng phụ trách Đội và học sinh tiểu học về các kỹ năng cơ bản phòng, chống tai nạn thương tích trong dịp hè. Đây là hoạt động nhằm nâng cao năng lực phòng, chống tai nạn thương tích, từng bước hạn chế, giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích trong thanh thiếu nhi.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng hơn 7.000 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, bình quân có hơn 20 em tử vong/ngày. Chi phí cho việc điều trị, phục hồi chức năng và mất khả năng lao động ở Việt Nam rơi vào khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, riêng cho trẻ em ước tính khoảng 11.000 tỷ/năm.
Theo ANTD
Thương lắm những ca bỏng nặng của trẻ
100% các ca trẻ nhập viện điều trị bỏng ở Khoa bỏng nhi, Viện Bỏng Quốc Gia là do người lớn lơ là, mất cảnh giác. Chỉ một chút sơ sẩy, các bậc phụ huynh đã khiến con mình gặp tai họa, chịu đau đớn và để lại di chứng suốt đời.
Chỉ vì một chút sơ sẩy của người lớn...
Video đang HOT
Đã mấy tuần trôi qua nhưng vợ chồng anh Trần Đức Minh (ở Thạch Thất - Hà Nội) vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại giây phút đứa con trai chưa đầy 1 tháng tuổi của mình khóc thét lên khi bị bà nội và cô "vô tình" đánh rơi xuống chậu nước nóng trong lúc tắm.
Nhìn những đứa trẻ bọc kín mình vì bông băng, chúng tôi không khỏi rơi nước mắt.
Ngay lập tức vợ chồng anh Minh đã đưa con vào Khoa bỏng nhi, Viện Bỏng Quốc gia để điều trị. Tại đây, các bác sỹ cho biết, cháu bé bị bỏng nhiệt ướt diện rộng (khoảng 20%), do tiếp xúc với môi trường nước nóng quá mức cho phép với da trẻ sơ sinh. Rất may là nhiệt độ nước không quá cao, nên cháu bé chỉ bị bỏng diện rộng chứ không bị bỏng sâu.
Sau gần 1 tháng điều trị, tình hình của cháu bé đã dần ổn định và có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
Một trường hợp tai nạn khác là cháu Bùi Tiến Đạt (2 tuổi, ở Giao Thủy - Nam Định). Số là nhà neo người, không có người trông nom nên chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ cháu, thường trải chiếu cho con ngồi ở góc nhà chơi rồi lúi húi nấu cơm dưới bếp. Chả biết loay hoay thế nào mà chỉ mấy phút sau cậu bé 2 tuổi đã ngồi gọn trong nồi canh cua mới bưng từ bếp lên để ở giữa nhà.
Thấy con khóc thét, chị hoảng hốt chạy lên nhà và kêu cứu mấy người hàng xóm. Sau khi làm mấy thao tác sơ cứu bỏng đơn giản: rủa bằng nước lạnh, bôi kem đánh răng lên vết bỏng, chị yên chí là con không sao. Hôm sau, nghe người hàng xóm mách là lấy lá khoai nước giã nhỏ đắp lên vết thương sẽ nhanh khỏi hơn, chị Hạnh liền làm theo.
Tuy nhiên, vết thương của Đạt ngày càng nặng hơn, chị Hạnh và gia đình đã phải đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định điều trị. Ngay lập tức, cháu Đạt được chuyển lên viện tuyến trên do mức độ nguy hiểm của vết thương, bỏng sâu 50%.
Phải mất hơn 2 tháng điều trị tại Khoa bỏng nhi, Viện Bỏng quốc gia, trải qua 5 cuộc phẫu thuật cấy ghép da, cháu Đạt mới hồi phục và xuất viện.
Báo động tai nạn bỏng ở trẻ nhỏ
Mỗi ngày, khoa Bỏng nhi, Viện Bỏng Quốc Gia tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện do những tai nạn hết sức ngẫu nhiên mà 100% nguyên nhân là do sự sơ suất, mất cảnh giác của người lớn gây nên.
Trẻ lớn hơn cũng gặp tai nạn bỏng thương tâm.
Cũng theo thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), bình quân mỗi ngày có hơn 20 trẻ từ 0-19 tuổi bị tử vong do tai nạn thương tích (TNTT). Số trẻ bị thương vẫn chưa có thống kê cụ thể. Điều này cho thấy, TNTT đang hàng ngày đe dọa sự sinh tồn của trẻ nhỏ.
Đáng buồn hơn là không ít những trường hợp trẻ nhỏ gặp phải TNTT ngay trong chính ngôi nhà của mình, do chính sự sơ suất, lơ là, mất cảnh giác của các bậc phụ huynh.
Trong số các cháu nhỏ đang điều trị tại Khoa bỏng nhi, Viện Bỏng Quốc Gia có tới 70% là bị bỏng nhiệt ướt (bỏng nước sôi, bỏng hơi, bỏng thức ăn sôi nóng, bỏng dầu mỡ sôi ở nhiệt độ cao...), 20% bị bỏng nhiệt khô (bỏng lửa, bỏng điện, bỏng do kim loại nóng chảy...) và còn lại là do các nguyên nhân bỏng khác.
" Hiện nay, không gian sống của trẻ nhỏ đang có rất nhiều hiểm họa rình rập có thể gây ra những tai nạn cho trẻ như: ngộ độc thức ăn, ngã, va đập, bỏng nhiệt khô, bỏng nhiệt ướt, bỏng axit, đuối nước, trẻ bị ngạt và sặc dị vật,... Vì vậy, số trẻ nhỏ phải nhập viện do những tai nạn thương tích ngày càng nhiều hơn", TS. Nguyễn Hải An, Phó chủ nhiệm Khoa bỏng nhi, Viện Bỏng Quốc Gia cho biết.
Cần một môi trường an toàn hơn cho trẻ
Thường xuyên giám sát trẻ. Tạo ra những không gian sống, không gian vui chơi an toàn cho trẻ là cách tốt nhất để tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc cho trẻ nhỏ.
Các bác sỹ đều có chung nhận định: Khi trẻ vui chơi trong nhà, phụ huynh phải chọn nơi an toàn. Các vật dụng trong nhà cũng cần phải là những vật dụng an toàn với trẻ nhỏ. Các gia đình có trẻ nhỏ nên sử dụng cốc chén bằng nhựa hoặc bằng chất liệu khó vỡ. Các góc cạnh của bàn ghế cần được bọc lại bằng chất liệu mềm. Ổ điện nên bố trí ở vị trí cao... Và quan trọng nhất vẫn là phụ huynh phải nêu cao cảnh giác, bảo vệ con em mình.
"Khi trẻ bị bỏng cần lập tức tiến hành sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện để giảm thiểu tối đa thương tích cho trẻ. Tuyệt đối không được dùng mẻ, kem đánh răng, mỡ trăn để đắp lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến bệnh nặng thêm gây khó khăn trong điều trị..." TS. Nguyễn Hải An nhấn mạnh.
Theo VTC