Thanh niên Hà thành xếp hàng ăn hoa quả dầm tự chọn
Khách được tự múc thoải mái bơ, mít, nhãn… theo ý thích với giá 35.000 đồng một cốc.
Khoảng một tháng nay, đoạn phố Ngô Quyền giao với Trần Hưng Đạo (Hà Nội) luôn đông đúc vào buổi tối, tiếng nhạc xập xình và dòng thanh niên nam nữ xếp hàng dài.
Quán Lak Lak chỉ bán hoa quả dầm – món giải nhiệt đã quá quen thuộc với người Hà Nội. Tuy nhiên, điều khác biệt khiến quán thu hút khách lại là mô hình bán hàng đặc biệt, và giá rẻ so với thị trường thủ đô.
Đến đây, sau khi được chỉ dẫn gửi xe, bạn sẽ được nhân viên hỏi đi mấy người, và mua mấy cốc hoa quả dầm.
Giá mỗi cốc hoa quả dầm là 35.000 đồng, khách phải thanh toán trước. Quán đông nên chủ quán phải để bảng thông báo về việc thu tiền trước kèm bảng báo giá sẵn các “combo” từ 1-10 cốc để không mất thời gian tính toán.
Sau đó, khách được phát những chiếc cốc nhựa rồi bắt đầu hành trình xếp hàng chờ được tự múc hoa quả.
Hoa quả ở đây có khoảng chục loại khác nhau, đều là các món hấp dẫn như bơ, mít, nho, dưa hấu, dưa vàng, xoài, đu đủ, thêm một số loại thạch, trân châu.
Video đang HOT
Hoa quả thái sẵn, để trong khay.
Đa số các khách đều cố gắng lấy đầy…
… thậm chí đầy đến có ngọn. Chiếc cốc nhựa khá lớn, đủ để khách cảm thấy thỏa mãn.
Khách múc hoa quả xong, nhân viên quán sẽ hỗ trợ thêm sữa đặc…
… nước cốt dừa
… và thêm đá. Lúc này khách chỉ cần tìm chỗ ngồi và nhẩn nha thưởng thức cốc hoa quả dầm, đủ no. Nhiều người nhận xét, với mức giá 35.000 đồng, hoa quả dầm ở đây đúng là “không tưởng”, phá giá thị trường. Tại nhiều tụ điểm nước hoa quả tươi của Hà Nội, một cốc hoa quả dầm đầy đặn như thế thường có giá cao hơn rất nhiều.
Điểm cộng nữa là vỉa hè phố Ngô Quyền rộng rãi, thoáng mát, rất hợp gu ẩm thực vỉa hè của giới trẻ Hà Nội. Nhân viên quán nhiệt tình, bạn sẽ được họ mời nước lọc để “lấy sức” xếp hàng.
Hoặc ai có người thân xếp hàng sẽ được nhân viên phục vụ nước miễn phí khi chờ đợi.
Theo_VietNamNet
TS.Lương Hoài Nam: "Bánh sử" khó ăn, nếu món ngon thì không cần bắt buộc
Cái mà học sinh cần khi học môn sử là kiến thức, kỹ năng của một nhà-sử-học để rồi tự mình tìm tòi, bổ sung, làm giàu kiến thức lịch sử trong suốt đời người.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới (mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến toàn dân đến ngày 20/9), sẽ có một số môn bắt buộc, một số môn học sinh được tự chọn. Những môn nào bắt buộc, những môn nào tự chọn thì còn phải bàn rất nhiều.
Ở các nước khác, người ta thường bắt buộc học 3 môn toán, tiếng mẹ để và ngoại ngữ chính (tiếng Anh), những môn đó học sinh thích hay không thích cũng phải học.
Còn các môn khác, từ trung học phổ thông, học sinh tự chọn theo sở thích, năng khiếu, định hướng nghề nghiệp tương lai. Hiện tại Bộ GD&ĐT chưa tiếp cận theo cách này và chúng ta sẽ cần kiến nghị thêm với Bộ.
Ở đây, tôi chỉ chia sẻ suy nghĩ của tôi về đề xuất của một số người lấy môn sử làm môn học bắt buộc. Đề xuất này có thể xuất phát từ thực tế là học sinh nước ta thường ghét môn sử và người Việt ta thường yếu kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới.
Cách dạy sử ở nước ta quả thật là chán, làm cho nhiều học sinh không thích học. Ở các nền giáo dục tiên tiến, người ta dạy sử là dạy cho học sinh các kiến thức, kỹ năng của một nhà-sử-học: dạy cách tìm thông tin lịch sử; cách bóc tách sự kiện khách quan và các quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá chủ quan của người khác về sự kiện sử; dạy cách hình thành, diễn đạt quan điểm của học sinh về sự kiện sử; dạy cách tôn trọng quan điểm của người khác về cùng sự kiện sử.
Ảnh minh họa. Xuân Trung
Còn chúng ta thường là cố nhồi vào đầu học sinh và bắt học sinh nhớ tất cả mọi thứ sau khi nhào nặn thành một cái "bánh sử" giống nhau cho mọi người.
Học sinh không còn phân biệt được đâu là sự-kiện-khách-quan, đâu là quan điểm chủ quan của cơ quan quản lý giáo dục. Tất nhiên các em cũng chưa được khuyến khích hình thành và diễn đạt các quan điểm riêng về sự kiện sử.
Nếu chúng ta vẫn dạy sử theo kiểu đó, chẳng bao giờ học sinh thích học sử. Mà nếu có nhồi được vào đầu học sinh một ít kiến thức sử theo kiểu đó, lượng kiến thức sử đó đâu có được là bao đối so với lịch sử bao la của đất nước và thế giới?
Cái mà học sinh cần khi học môn sử là các kiến thức, kỹ năng của một nhà-sử-học để rồi tự mình tìm tòi, bổ sung, làm giàu kiến thức lịch sử trong suốt đời người.
Kiến thức, kỹ năng sử học vô cùng quan trọng đối với con người, có thể nói cho đến tận khi chết. Đơn giản là vì chỉ cần sau một giấc ngủ, chỉ ngày mai thôi, tất cả những gì xảy ra hôm nay đã trở thành "lịch sử" và chúng ta cần "xử lý" chúng như những "sự kiện sử".
Kiến thức, kỹ năng sử học ảnh hưởng rất lớn đến kỹ năng sống của một con người, đâu phải chỉ là biết để cho biết, biết để thi?
Kiến thức sử của tôi không quá giàu, nhưng nó đã giúp tôi rất nhiều trong công việc, nhất là trong quan hệ với các đối tác kinh doanh nước ngoài.
Một lần gặp và làm việc với đối tác Ireland, tôi bảo họ là tôi rất thần tượng Michael Collins và James Joyce người Ireland. Chỉ có vậy thôi mà các bạn Ireland đã rất vui và chúng tôi có đủ đề tài để nói chuyện rôm rả suốt cả buổi ăn tối.
Thật ra, tôi đâu có biết nhiều về Michael Collins, ngoài một bộ phim về ông? Tôi cũng đâu biết gì nhiều về James Joyce, ngoài cuốn "Người Dublin" của ông và một số thông tin tiểu sử của ông mà tôi tự tìm?
Nhưng các bạn Ireland vui, vì tôi, một người nước ngoài, nói về những người hùng của họ. Nếu một người nước ngoài nào đó nói chuyện với chúng ta về Lê Lợi và Nguyễn Trãi, chắc chắn chúng ta cũng sẽ rất vui và quý mến người đó, đúng không?
Hay như năm ngoái, tôi đi Mỹ. Đối tác của tôi là một ông già 70 tuổi gốc Armenia. Tôi nói với ông là vợ tôi trước đây học ở Erevan, thủ đô Armenia.
Tôi nói chuyện với ông về cuộc xâm lược và thảm sát của Ottoman tại Armenia, về sự công bằng khi Quốc hội Mỹ gần đây có nghị quyết gọi nó là "tội ác diệt chủng". Ông bạn già của tôi nước mắt lưng tròng vì cảm động.
Trước đó, tôi không biết rằng gia đình ông là nạn nhân của Ottoman và họ đã phải rời bỏ Armania vì cuộc xâm lược của Ottoman. Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều thứ khác, từ trận động đất kinh hoàng ở Armenia năm 1988, đến quan hệ căng thẳng giữa Armania và Azerbaijan...
Nhờ những câu chuyện đó, quan hệ của chúng tôi trở nên rất thân thiện và hợp tác trong công việc với nhau rất thuận lợi. Không chỉ là đối tác, mà chúng tôi còn là bạn bè. Với ông, một người Việt Nam mà biết về quê hương ông như vậy đã là nhiều. Mà thật ra tôi đâu có biết nhiều về Armenia?
Tôi kể hai chuyện trên để nói rằng kiến thức, kỹ năng sử học có thể giúp ích rất nhiều trong cả cuộc sống và công việc của mỗi người. Nếu không dùng các kiến thức sử để làm việc gì, thì ít ra cũng để chuyện trò với nhau. Để khỏi phải ngồi cắn móng tay khi không có chủ đề khác mà các bên có hứng thú trao đổi.
Vậy nên, tôi ủng hộ việc tăng cường dạy lịch sử cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Chỉ có điều là, tôi đề nghị dạy lịch sử theo cách khác, chứ không phải theo cách dạy lịch sư chán òm lâu nay trong nhà trường.
Khi việc học lịch sử trở nên hấp dẫn, bổ ích đối với học sinh thì không cần quy định nó là môn học bắt buộc, nhiều học sinh vẫn sẽ chọn học nó vì lợi ích của chính mình.
TS. Lương Hoài Nam
Theo giaoduc
Ngôi mộ 6.000 năm tuổi bị di dời vì nhầm là "đống đá vụn" Ngôi mộ có từ thời tiền sử với niên đại 6.000 năm tuổi đã bị nhầm là "đống đá vụn" và bị di dời khẩn trương để không gây ảnh hưởng tới cảnh quan. Những công nhân xây dựng ở thị trấn Cristovo de Cea, vùng Galacia, Tây Ban Nha vừa vô tình phá hủy một ngôi mộ cổ 6.000 năm tuổi vì...