Thanh nhẹ phở chua
Gia vị lạ nhất của phở là vị chua của dấm đường được làm từ chuối tây chín trồng tại Lạng Sơn trong nước sốt vàng ươm, sền sệt.
Món phở chua lạ tên, lạ miệng vốn gắn liền với hai địa danh Lạng Sơn và Cao Bằng. Tại đó, phở chua được coi như món khai vị trong các buổi tiệc, món chữa cháy cho những người đã ê hề với thịt cá. Phở chua ăn vào mùa lạnh, cái cay của ớt làm ấm lòng, ăn vào mùa nóng lại có cảm giác thanh mát nhờ vị chua của nước sốt.
Phở chua đã du nhập vào Sài Gòn khá lâu và đến nay còn một tiệm trên đường Nguyễn Thiện Thuật của cặp vợ chồng người Hoa bán loại phở này. Quán bình dân, nằm trong hẻm, nhưng khá nổi tiếng và được nhiều người biết đến.
Tô tóp mỡ sa tế giòn rụm, thơm nồng.
Nếu ai chưa từng ăn phở chua sẽ ngạc nhiên với tô phở không một làn khói, chẳng thấy mùi thơm của hành, của thịt, của nước phở lan toả trong không gian của loại phở này. Thịt gà, lòng, rau, hành phi, phở… đều “nấp” dưới lớp nước sốt vàng đậm, sền sệt khiến nhiều người e ngại. Càng lạ hơn khi trên bàn ăn hiện diện chén ớt hiểm đỏ tươi, cay nồng, tô tóp mỡ sa tế lạ mắt, ăn thử thấy giòn rụm, cay cay, thơm béo.
Cách ăn truyền thống của phở chua là khách tự nêm nếm gia vị trước khi ăn. Nhưng khi du nhập vào Sài Gòn, phong cách của món ăn này đã đồng hóa để hợp thói quen, khẩu vị. Vì thế, thực khách chỉ cần thêm một ít ớt, ít tóp mỡ sa tế vào tô, trộn đều là có thể dùng ngay.
Video đang HOT
Hầu hết gia vị đều ẩn dưới lớp nước sốt vàng, sền sệt.
Bí quyết tạo nên sức hấp dẫn của phở chua chính là nước sốt. Để có nước sốt ngon, người chế biến phải phi thơm hành, tỏi, rồi đun cùng với ớt, cà chua, dấm đường, đường, nước mắm, gừng, sau đó, cho bột năng vào để cô cho sánh nồi lại. Gia vị “hay” nhất của nồi nước sốt chính là dấm đường. Đây là thứ dấm rất riêng của Lạng Sơn, làm từ quả chuối tây chín.
Khi ăn, nước sốt sền sệt chua ngọt quyện với những gia vị khác làm nên hương vị rất lạ. Sợi phở dai mềm, cái giòn của đậu phụng, tóp mỡ, béo của hành phi, ngọt của thịt gà, bùi của miếng gan, sần sật của miếng tim, rau muống bào, chua nhẹ của nước sốt, cay nồng của ớt – tất cả như hòa quyện, đánh thức tất cả các cảm quan của người dùng. Thỉnh thoảng ngơi nghỉ với chén nước dùng được nấu từ gà dọn kèm tô phở, món ăn ít khô, ít ngán hơn, vị cũng đậm hơn. Ăn hết tô, vị chua đọng lại nên vẫn thấy chưa no, vẫn muốn ăn thêm. Phở chua ăn một lần còn lạ miệng, đến hai lần, ba lần sẽ trở nên nghiện hương vị độc đáo của nó.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hết bún lạ lại đến phở lạ
Bạn đã bao giờ ăn phở trà, phở chua, phở đà điểu hay phở bò kobe chưa????
Phở trà
Thực ra đây là tên gọi khác của món phở chay. Đối với một số bạn thường ăn chay hay tập Yoga thì có lẽ đã từng nghe qua món phở này rồi. Điều đặc biệt nhất của món phở này phải kể đến nồi nước dùng. Khác hẳn loại nước dùng bình thường đậm đà béo ngậy, nước phở trà vẫn thơm nồng mùi quế chi, hoa hồi, thảo quả vẫn ngọt vị nhưng cái ngọt này dường như thanh khiết hơn, nhẹ nhàng hơn và dễ gần hơn.
Nhìn vào một bát phở trà, chắc hẳn bạn sẽ phải hoa mắt bởi sao có nhiều thứ đến vậy? Nào là củ sen, ngưu bàng, rau câu, nấm đông cô, carot, váng đậu... tất cả được sắp xếp thật khéo, nằm gọn trong lòng bát thật là đẹp.
Cơ mà, để ăn được phở trà, bạn phải chịu khó một chút nhé! Bởi phở chỉ được bán duy nhất vào buổi trưa chủ nhật hàng tuần thôi. Địa chỉ chính xác là: quán chay thiên nhiên 33B ngõ 127 Thái Hà nhé!
Phở đà điểu
Món phở này đã có từ rất râu rồi nhưng hình như không được nhiều người biết đến thì phải? Điểm đặc biệt của thịt đà điểu là mềm nhưng chắc thịt, ngọt mà không bở, thơm như thịt hươu nhưng lại giống thịt gà. Chỉ cần từng đó thôi cũng đủ làm bạn phải tò mò rồi đúng không? Và còn nữa, thay vì dùng xương bò để hầm nước dùng, họ dùng luôn xương đà điểu đấy các bạn ạ. Vì thế, nước chan ở đây ngoài vị thơm như bình thường thì còn có cả mùi thơm rất đặc trưng của thịt đà điểu nữa cơ.
Món phở này có bán ở quán Q&Q - 73 phố Núi Trúc nha! Giá một bát vào khoảng 30k - 40k thì phải.
Phở bò Kobe
Điều đầu tiên, bọn tớ xin nói là món phở này chỉ có tính chất là giới thiệu thôi, bởi giá của nó phải vào hàng siêu "khủng", tận 250k một bát đấy! Nhưng nếu biết được nguồn gốc và mùi vị của thịt bò Kobe thì có lẽ bạn cũng phải gật gù thôi. Sơ sơ thì là thế này: bò Kobe được nuôi dưỡng và chăm sóc rất kì công, thức ăn cho những chú bó này thường là lúa mạch, ngô Mỹ non, gạo Nhật... thức uống "yêu thích" là... bia. Chưa hết, hàng ngày, bò Kobe còn được giải trí, thư giãn bằng nhạc của Mozart, Chopin... và masasge với rượu sake các bạn ạ. Còn về mùi vị thì đúng là khỏi chê rồi, nếu như với bò Úc, các bạn thấy mềm nhưng vẫn cảm nhận được các thớ thịt thì với bò Kobe khi cho vào trong miệng, miếng thịt mềm như tan ra, thơm ngậy mà không hề béo... rất rất là ngon!
Vì đã mất công giới thiệu rồi, nên bọn tớ cũng giới thiệu nốt là món phở này có bán ở Khách sạn vườn Thủ Đô - 48A Láng Hạ nhá!
Ngoài ra, còn có hàng phở chua ở trên phố Nguyễn Chí Thanh và hàng phở Cay ở phố Tông Đản nữa, giá cả chỉ vào khoảng 20k thui. Nếu có dịp thử thì các bạn nhớ chia sẻ cảm nhận với Kênh14 nghen.