Thanh nhẹ món chè hoa cau
Hà Nội có nhiều món chè khác nhau. Trong muôn vàn các món chè tinh tế, cầu kỳ của mảnh đất Hà thành, chè hoa cau tuy bình dị nhưng mang tới cho ta hương vị thanh tao mà cuốn hút.
Cái tên chè hoa cau có lẽ bắt nguồn từ màu the vàng của hạt đậu xanh gần giống với những bông hoa cau mọng sữa được tách ra khỏi chẽ. Ngày bé, mỗi khi đến dịp lễ Tết, giỗ chạp, mẹ tôi thường nấu chè hoa cau để dâng cúng gia tiên. Trong làn hương trầm ngát thơm, những bát chè sóng sánh được mẹ tôi bày nghiêm ngắn trước ban thờ. Anh em chúng tôi thường ngóng chờ hết hương để được mẹ cho “thụ lộc” bát chè thanh mát.
Chè hoa cau dường như ăn mùa nào cũng hợp. Ngày thường, đi trên phố Hà thành, ta có thể dễ dàng bắt gặp những quán có bán món chè này. Mỗi quán đều mang phong vị riêng của người nấu ở độ “đậm, nhạt”, hương thơm, màu sắc món chè. Có người bạn sau bao năm vẫn nhớ về hương vị món chè hoa cau của bà cụ bán hàng ở góc phố ngày còn thơ ấu.
Cách chế biến chè hoa cau không quá cầu kỳ. Theo kinh nghiệm, ta nên chọn những hạt đậu xanh to, mẩy và đã được tách vỏ. Để đậu xanh được nhanh chín mềm, các bà các mẹ thường vo sạch và ngâm khoảng 6 tiếng hoặc qua đêm. Sau đó, ta vớt đậu ra, xóc chút muối và cho vào chõ đồ chín.
Video đang HOT
Có một bí quyết khiến chè hoa cau được sánh mịn đó là các bà các mẹ cho bột sắn dây hoặc bột năng vào nước nấu chè. Tuy nhiên, đừng cho trực tiếp bột vào nồi chè nhé. Ta hãy cho bột vào một chiếc tô sạch, từ từ rót nước lạnh và khuấy thật đều tay để đảm bảo bột tan hết.
Lá dứa rửa sạch rồi cho vào nồi với khoảng 1 lít nước và đường rồi đun trên lửa lớn. Chờ cho nồi nước sôi và lá dứa dậy mùi thì ta vớt bỏ lá và từ từ trút phần bột năng vào nồi nước. Lúc này, khuấy đều tay cho đến khi nồi nước trong, sánh là được. Giữ lửa ở mức liu riu rồi cho đậu xanh đã hấp chín vào khuấy thật nhẹ tay. Khi nồi chè sôi quãng 2 phút thì tắt bếp, bắc xuống để nguội.
Bát chè nấu xong thật bắt mắt những hạt đậu hanh vàng ẩn hiện trong lớp bột mờ ảo. Nếu thích, bạn có thể rưới chút nước cốt dừa, rắc thêm dừa tươi nạo sợi lên trên bát chè, rồi từ từ thưởng thức. Mùa hè, một số người thường cho đá bào vào đáy bát trước khi múc chè. Tuy nhiên, nếu cho đá vào bát chè sẽ làm nhạt bớt độ ngọt. Vậy nên tôi thường cho bát chè vào ngăn mát tủ lạnh trước khi ăn.
Múc một thìa chè nếm thử, ta cảm nhận độ sánh mượt của bột sắn quyện cùng đậu xanh chín mềm. Những người nội trợ khéo thường ướp hoa bưởi vào bột sắn dây từ độ mùa xuân. Khi hạ tới, các bà các mẹ lấy bột sắn dây ra nấu chè hoa cau. Bát chè hoa cau thanh mát, thoang thoảng hương bưởi khiến những ngày oi nóng của mùa hạ dường như dịu lại.
Một số người thường ăn kèm chè hoa cau với xôi vò tạo thành món xôi chè. Rắc chút xôi vò lên trên bát chè hoa cau, những hạt nếp căng mọng được phủ bên ngoài bằng lớp đậu xanh giã nhuyễn nằm trên bát chè sóng sánh. Dường như, sự dẻo thơm của xôi vò sinh ra để kết hợp với vị ngọt thanh của chè hoa cau.
Món chè hoa cau tuy bình dị vậy thôi, nhưng in sâu trong ký ức của những ai đã từng được thưởng thức bởi hương vị tinh tế, thanh tao.
Chè nếp
Mẹ thích nhất chè nếp. Mẹ quan niệm dân mình làm ruộng nên nếu có nấu chè cúng tổ tiên, chè nếp là lựa chọn phù hợp nhất. Vậy nên nhà tôi, những ngày rằm hay mùng năm tháng năm (Tết Đoan ngọ), mẹ luôn nấu chè nếp.
Chè nếp của mẹ là thuần nhất. Nếp rặt, không dặm các loại đậu. Tôi nhớ chị Ba hỏi, sao mẹ không thêm đậu đen, đậu trắng vào ? Mẹ nói đậu vào sẽ làm loãng độ ngon của nếp. Để chè ngon, phải chọn loại nếp dẻo, nếp mới, hạt mẩy, đều. Nấu món chè này không khó. Đem nếp vo sạch rồi ngâm khoảng ba tiếng cho hạt nếp mềm ra rồi bỏ vào xửng hấp chín. Sau đó bắc hỗn hợp đường, nước lên đun sôi rồi bỏ nếp vào. Đun nhỏ lửa, khuấy đều cho đường quyện vào nếp. Khi đặc lại là đã hoàn thành nồi chè. Khi nấu, nhớ tránh khuấy nhiều, hạt nếp sẽ nát. Để chè thơm ngon thì nhớ giã nhuyễn gừng bỏ vào. Điểm cốt yếu của món chè này là phải tạo được độ dẻo vừa đủ. Không được đặc cũng đừng lỏng. Khô quá hay dẻo quá đều mất ngon.
Với mẹ thì không có thứ chè nào ngon bằng chè nếp. Vị ngọt của đường, dẻo mềm của hạt nếp, mùi thơm của gừng đã làm nên thứ hương vị đơn giản, đậm đà khó cưỡng. Có lần, không thể nhịn được cơn thèm ngọt, tôi có xin mẹ thử ùm một miếng. Ồ, cũng đâu đến nỗi dẻo quánh, ngọt lịm như tôi đã hình dung. Ngọt, dẻo, thơm nhưng vừa đủ.
Ăn được rồi thì đâm ghiền. Tôi đã lén bê mấy chén chè, bỏ vô tủ giấu với hy vọng chè nếp để nguội sẽ thành món ngon hảo hạng. Trước khi ra mở cổng chuồng bò, tôi sẽ rón rén ăn một chén, uống hơi nước rồi vui vẻ đưa bò qua sông. Sáng sẽ ngủ dậy sớm, lén bê chén chè ra sau hè. Ăn vụng cực ngon mà.
Trong mấy chị em, chị Hai cũng ghiền chè nếp như mẹ nên đếm từng chén rồi tung tin nhà có con chuột thèm chè nếp, nó có thể ăn một lần .. bốn chén. Tôi tảng đi, như không nghe thấy gì, như mình là đứa ghét chè nếp nhất thế gian.
Lần này, mấy anh chị em hẹn nhau về mẹ nhân dịp mùng năm tháng năm. Trước khi bắt đầu, mấy chị em có họp nhanh thực đơn cho ngày đoàn tụ. Chị Hai biết ý mẹ nên phán, nấu gì nấu, nhưng nhất định phải có chè nếp. Chỉ chén chè nếp là trọn vẹn nhất với mẹ.
Trong lúc mấy chị em lụi cụi nấu nướng thì ôn lại chuyện ngày thơ. Trong câu chuyện đó, chẳng thế thiếu những ngày rằm, mùng năm tháng năm đã có những chén chè bị trộm. Kể xong rồi phán đoán. Tôi cũng như xưa, chọn cách im lặng. Mẹ nằm võng coi ti vi, lắng nghe câu chuyện rồi nhìn tôi cười. Tôi hiểu, là mình dù tinh quái đến đâu cũng không qua được mắt mẹ nên cười thú tội.
Ước sao mùng năm tháng năm nào cũng có mẹ để cả nhà cùng ăn chè nếp.
Mát lành có chè trôi nước Thời tiết dạo này thật nóng nực! Dạo quanh phố xá, tôi thấy những quán chè ven đường tấp nập người ra, kẻ vào. Chẳng cần đợi những chú ve kêu râm ran chào hạ, cũng biết là mùa hè đã đến rồi! Chè trôi nước. Ảnh: TL Chè là một bát "soup" ngọt đặc biệt. Trên cái nền đó, người ta cho...