Thanh lý xe công, không nên ưu tiên cán bộ
Giá ô tô công bán thanh lý quá thấp khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về tính minh bạch trong đấu giá. Có thể sẽ có thêm hàng nghìn xe công được đưa ra bán, vậy việc tính giá có thay đổi gì?
Xe công dư thừa sẽ được ưu tiên bán cho cán bộ? (Ảnh: Hồng Vĩnh)
Hàng nghìn xe được bán
Sau khi thực hiện rà soát ô tô công trên cả nước, các bộ ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính dư ra 2.041 xe và phải thanh lý. Trong số này, tính đến hết năm 2016, các đơn vị đã thanh lý 1.100 xe, trong đó đã báo cáo về Bộ Tài chính 761 xe thanh lý, thu về 35,15 tỷ đồng, bình quân bán được 46,2 triệu đồng/xe.
Trước đó, vào tháng 6/2016, câu chuyện thanh lý xe công từng khiến dư luận xôn xao khi Bộ Tài chính công bố trong nửa năm, các đơn vị báo cáo thanh lý 264 ô tô công. Toàn bộ số xe này nguyên giá 79,68 tỷ đồng, nhưng trị giá còn lại chỉ 390 triệu đồng (trị giá trên sổ sách bình quân 1,4 triệu đồng/xe).
Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm tiêu chuẩn sử dụng và khoán xe công, nếu phương án được thông qua, số xe phục vụ chung sẽ giảm khoảng một nửa. Cụ thể, số xe phục vụ chung sẽ giảm từ hơn 17.000 xe hiện nay xuống còn khoảng 8.000 xe. Như vậy, sẽ có khoảng 8.000 ô tô công được đưa ra bán, xử lý (chưa kể khoảng 1.000 xe vẫn đang thực hiện thanh lý sau quá trình rà soát vừa qua).
Video đang HOT
Với số xe dôi dư này, Bộ Tài chính đề xuất trước tiên là bán chỉ định cho chức danh được xe công đưa đón nếu có đề xuất mua lại. Sau đó mới điều chuyển thay xe cũ hoặc bán đấu giá. Những người được đề xuất ưu tiên mua lại xe công có chức danh, hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên, tới chức danh thứ trưởng và tương đương (như: phó chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, thứ trưởng; phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh thành; phó chủ tịch HĐND, UBND Hà Nội và TP.HCM…).
Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho biết, khi ô tô công khấu hao hết, hoặc không còn đủ điều kiện sử dụng sẽ được thanh lý qua đấu giá công khai, tiền thu được sẽ nộp về ngân sách nhà nước. Hiện các quy định về thanh lý, đấu giá tài sản công đều có đầy đủ, phân cấp từ khâu định giá, thông báo mời thầu, tổ chức đấu giá… Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản công chịu trách nhiệm quyết định và giám sát tài sản thanh lý (trong đó có xe công). “Quy định đã rõ ràng, nếu đơn vị nào thực hiện không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Thắng nói.
Không nên chỉ bán cho cán bộ
Trao đổi với PV, chuyên gia thị trường giá cả – TS Ngô Trí Long cho rằng, trong trường hợp bán xe công sau khi sắp xếp, cắt giảm, khoán kinh phí sử dụng xe không thể gọi là thanh lý, đây là bán tài sản nhà nước dư thừa. Theo ông Long, tài sản bán thanh lý chỉ khi hết công năng sử dụng, còn xe dôi dư sau khi sắp xếp lại thừa ra nên đem bán dù vẫn còn dùng tốt, trị giá vẫn lớn.
Theo vị chuyên gia, đề xuất của Bộ Tài chính ưu tiên bán chỉ định cho cán bộ có nhu cầu là không nên. “Cán bộ đã có nhiều ưu ái, không nên tăng sự mất cân bằng trong xã hội, khi chúng ta đang cố gắng xóa bỏ điều đó. Rồi việc bán cho cán bộ mức giá nào, cán bộ mua để dùng hay bán lại hưởng chênh lệch… điều đó cũng rất đáng bàn”, ông Long nói.
Ông Long cho rằng, quy định bán đấu giá là để công khai, minh bạch, mọi người đều có cơ hội. Tuy nhiên, thực tế những vấn đề trong đấu giá như quân xanh, quân đỏ, bưng bít thông tin, tạo rào cản… khiến xã hội luôn nghi ngờ về tính công khai của đấu giá tài sản công. Ngay việc nhiều cơ quan bán đấu giá ô tô công theo lô, ông Long cho rằng, cũng tạo thêm rào cản, hạn chế người dân tham gia. “Những khuất tất trong đấu giá tài sản công vừa làm thất thoát tài sản nhà nước, vừa làm mất niềm tin của người dân”, ông Long nói.
TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, mỗi ô tô công chỉ bán được bình quân 46 triệu đồng là thấp. Dù thực tế có xe sử dụng 20-30 năm, hoặc để lâu ngày không dùng nên hư hỏng chỉ bán sắt vụ.
“Có xe khi khấu hao trên sổ sách chỉ còn 0 đồng, các đơn vị không sử dụng nhưng vẫn để đó thay vì bán ngay. Xe sau vài năm, thậm chí chỉ vài tháng là xuống cấp, hư hỏng mới đem bán thanh lý và không còn giá trị sử dụng, giá sẽ chẳng còn bao nhiêu. Nếu hết khấu hao bán ngay có thể thu về vài trăm triệu. Ở đây không chỉ câu chuyện giá xe, còn là trách nhiệm của các cơ quan công vụ với tài sản mua từ tiền thuế của người dân”, ông Thịnh nói.
Giữa năm 2016, khi thông tin thanh lý 264 xe công trị giá còn lại chỉ 390 triệu đồng khiến dư luận xôn xao, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh việc bán thanh lý tài sản nhà nước, đặc biệt với ô tô công.
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)
Ô tô công thanh lý có chiếc chỉ 6 triệu đồng
"Mức giá 46,2 triệu đồng được tính bình quân dựa trên các báo cáo của đơn vị gửi về, có những ô tô chỉ thanh lý 6 triệu đồng như xe Lada của Nga", ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính, lý giải.
Để làm rõ thông tin liên quan giá bán thanh lý xe công 46,2 triệu đồng/xe công bố tại buổi họp báo của Bộ Tài chính mới đây, chúng tôi đã trao đổi thêm với ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính, về mức giá này.
Ông Thắng cho biết: "Mức giá 46,2 triệu đồng được tính bình quân dựa trên các báo cáo của đơn vị gửi về, có những ô tô chỉ thanh lý 6 triệu đồng như xe Lada của Nga".
Theo ông Thắng, việc thanh lý xe công sẽ thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và do đơn vị quản lý xe đó thực hiện theo quy định về bán đấu giá tài sản nhà nước. Sau khi có kết quả, các đơn vị gửi báo cáo về Cục Quản lý công sản tổng hợp, nhập vào dữ liệu quản lý tài sản công. Nguồn thu từ việc thanh lý tài sản sẽ nộp về ngân sách địa phương của đơn vị đó. Ông Thắng cũng cho rằng để đảm bảo hiệu quả việc thanh lý tài sản công thì cần phải nâng cao chất lượng định giá tài sản, tăng cường cơ chế công khai, giám sát thông tin về quá trình thực hiện đấu giá.
Trong năm 2016, cả nước đã thanh lý hơn 1.100 ô tô công đã qua sử dụng, mức giá trung bình là 46,2 triệu đồng/xe.
Theo báo Tiền phong, trước đó, vào tháng 6/2016, câu chuyện thanh lý xe công từng khiến dư luận xôn xao khi Bộ Tài chính công bố trong nửa năm, các đơn vị báo cáo thanh lý 264 ô tô công. Toàn bộ số xe này nguyên giá 79,68 tỷ đồng, nhưng trị giá còn lại chỉ 390 triệu đồng (trị giá trên sổ sách bình quân 1,4 triệu đồng/xe).
Trao đổi với PV, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng Bộ Tài chính cần kiểm tra, rà soát công tác định giá tài sản ở các đơn vị khi đấu giá thanh lý, bán xe qua sử dụng. Việc đấu giá thanh lý, bán đấu giá xe qua sử dụng cần được minh bạch, công khai, hợp lý. "Một chiếc taxi sử dụng 10 năm ít ra cũng được 30%-40% giá xe mới rồi" ông Long dẫn chứng.
Ông Long cũng lưu ý theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản nhà nước được thanh lý trong trường hợp hết hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng không thể sử dụng được và việc sửa chữa không có hiệu quả. Do đó khi dùng khái niệm xe thanh lý nghĩa là xe đó không còn sử dụng được nữa (xe phế thải, sắt vụn).
Việc thanh lý xe công phải tuân thủ Nghị định 52/2009 hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Theo đó, quy trình đấu giá tài sản công đều trải qua bốn bước: Định giá; công báo thông tin; lập hồ sơ; tổ chức đấu giá. Các khâu này đều có sự giám sát của hội đồng gồm đại diện cơ quan tài chính, tư pháp... "Tuy nhiên, nhiều người khó tiếp cận được thông báo mời đấu giá thanh lý xe công trên phương tiện truyền thông. Bởi hội đồng đấu giá tài sản thường chỉ đặt ra mức giá khởi điểm dưới 50 triệu đồng cho những xe đã qua sử dụng. Với mức giá này, thông tin đấu giá không bắt buộc phải công khai trên báo giấy, truyền hình hay trang tin điện tử theo Điều 57 Luật Đấu giá tài sản" ông Long nói thêm.
Trước đó, tại buổi họp báo của Bộ Tài chính ngày 8-3, ông Trần Đức Thắng thông tin: "Hết năm 2016 cả nước đã thanh lý hơn 1.100 chiếc. Trong số hơn 1.100 xe đã thanh lý có hơn 760 xe đã được báo cáo nộp tiền vào ngân sách nhà nước với số tiền 35,7 tỉ đồng".
Ông Thắng cũng cho hay còn hơn 2.000 xe dư hoặc phải thanh lý nhưng các địa phương và bộ, ngành chưa báo cáo hết số lượng.
(Theo Vietnamnet)
Xóa bỏ tình trạng "xe công là của ông" Khác với cuộc chiến vỉa hè với đối tượng là những người lấn chiếm và hàng rong, cuộc chiến xe công chạm vào toàn "ông lớn" với mặc định là mình có đẳng cấp hơn người và nhất thiết phải thể hiện điều đó. Xóa bỏ tình trạng "xe công là của ông" Sự bành trướng của xe công đã đến mức cần...