Thành Lương – ngôi sao không hào nhoáng của tuyển Việt Nam
Nhiều cầu thủ mất ăn mất ngủ chỉ để chờ HLV Park Hang-seo gọi lên tuyển, nhưng vẫn có người từ chối dù đã được gọi tên. Đó là Lương “dị”.
Quang Hải coi anh là “thần tượng”. Lịch sử coi anh là huyền thoại với 4 Quả bóng vàng Việt Nam. Giới mộ điệu lẫn chuyên môn đặt biệt danh cho anh là “dị”.
“Dị” từ lối đá đầy dị biệt trên sân cỏ, và “dị” từ sự bình dị, chân chất hiếm thấy của ngôi sao sân cỏ có gần như đủ mọi vinh quang trong làng bóng đá Việt Nam.
Anh là Phạm Thành Lương.
Thành Lương là trụ cột của đội tuyển Việt Nam trong gần 10 năm. Ảnh: Minh Chiến
Khó khăn không cản bước
Khi Thành Lương được HLV Henrique Calisto triệu tập lên ĐT Việt Nam tham dự AFF Cup 2008 và tạo ra lịch sử, anh mới chưa đầy 20 tuổi. Lương là cầu thủ trẻ nhất trong thành phần tuyển Việt Nam ngày đó, nhưng kịp tạo ra những dấu ấn không thể nào quên.
Cú đá ở khoảng cách hơn 30m mở tỷ số trong trận quyết chiến với Malaysia cùng pha ăn mừng với lá cờ Việt Nam giấu trong tất mãi trở thành khoảnh khắc đáng nhớ bậc nhất về tiền vệ gốc Hà Tây cũ.
Trước khi có được màn ra mắt đội tuyển đỉnh cao ấy, không mấy ai tin Thành Lương có thể chơi bóng chuyên nghiệp. Anh chỉ cao hơn 1,6 m và hoàn toàn lọt thỏm trong số những cầu thủ chuyên nghiệp vốn cũng không quá nổi trội về thể hình như ở Việt Nam. Sân đấu Thành Lương đá nhiều nhất trong những ngày đầu ấy là đấu trường phủi và sân ruộng ở quê nhà Phú Lưu Hạ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Thành Lương ra mắt đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008 và lập tức tạo ra lịch sử. Ảnh: Getty.
Thành Lương đam mê bóng đá từ nhỏ, nhưng do thể hình thấp bé nhẹ cân, nên sự nghiệp những ngày ấy của anh cũng trắc trở. Anh theo đội U15 Hà Tây được một thời gian, thì đội bóng giải tán. Lương lại phải lặn lội theo tập cùng đội Đường sắt Việt Nam dù phải thuê trọ một nhà kho bỏ hoang.
Video đang HOT
Những nỗ lực ngày đó của anh được đền đáp khi vào mắt xanh của Hà Nội ACB. Ở giải U17 quốc gia năm 2005, Thành Lương tỏa sáng giúp đội bóng của bầu Kiên vô địch. Chính anh ẵm luôn danh hiệu “Cầu thủ hay nhất giải”.
Từ ấy, Lương trở thành báu vật của Hà Nội ACB. Chơi xuất sắc và nhận được lời mời chào hậu hĩnh từ không ít những CLB lớn khi đó, song Lương trung thành và theo chân đội bóng ngay cả khi xuống hạng dù đang là chủ nhân của Quả bóng Vàng Việt Nam.
Anh nhận thức được rất rõ vấn đề. Hà Nội ACB đã trao cơ hội cho mình trong những ngày tuyệt vọng, và anh sẽ không ra đi dù đội bóng gặp khó khăn. Một thứ tư duy từa tựa như Gabriel Batistuta huyền thoại với Fiorentina ở trời Âu.
Chỉ đến khi Hà Nội ACB buộc phải giải thể, Thành Lương mới không còn là người của đội bóng đã trao cơ hội cho mình. Anh gia nhập CLB Hà Nội của bầu Hiển và lập tức chứng minh được vai trò và tầm ảnh hưởng khi liên tục trở thành cầu thủ hay nhất Việt Nam.
Điều ấy khiến giới chuyên môn và CĐV không ít lần đặt câu hỏi: Nếu Lương tới Bình Dương hay Đà Nẵng thay vì trung thành với Hà Nội ACB, sự nghiệp của anh còn có thể có thêm bao nhiêu Quả bóng Vàng Việt Nam?
Kỷ lục gia bình dị
Bản thân Thành Lương có lẽ không bao giờ đặt ra câu hỏi đó cho chính mình. Năm 2014, sau khi được xướng tên là chủ nhân của Quả bóng Vàng Việt Nam, Lương chia sẻ “Văn Quyết là người xứng đáng nhận được giải thưởng”, đồng thời khiêm tốn thừa nhận bản thân “nhận được nhiều may mắn”. Với Thành Lương, Quả bóng Vàng dường như là món quà chứ không phải đích đến cho những nỗ lực của anh.
Quả bóng Vàng năm 2014 là lần thứ ba Thành Lương bước lên bục vinh quang, sánh ngang với Lê Công Vinh và Lê Huỳnh Đức. Sau cùng, Lương tạo nên lịch sử vào năm 2016 khi giành Quả bóng Vàng thứ 4 trong sự nghiệp, qua đó trở thành ngôi sao độc nhất vô nhị về giải thưởng cá nhân trong làng bóng đá Việt Nam.
Với sự bình dị của mình, Thành Lương luôn chiếm trọn cảm tình của giới mộ điệu. Anh gần như không có anti-fan, dù đội tuyển Việt Nam với Thành Lương làm trụ cột sau năm 2008 hoàn toàn trắng tay với vinh quang.
Thành Lương vẫn chơi tốt cho CLB Hà Nội dù qua tuổi 30. Ảnh: Minh Chiến.
Trong một lần chia sẻ, Lương từng kể chuyện khi khoe được triệu tập lên ĐTQG, dân làng chẳng mấy người tin. Phải đến khi Lương xuất hiện trên tivi, tất cả mới gật gù.
Khi thời gian dần tạo ra ảnh hưởng tới Thành Lương, anh chọn cách rút lui. Năm 2016, Thành Lương từ giã ĐTQG sau thất bại tại AFF Cup. Sau này, trong một buổi giao lưu với Hội CĐV Việt Nam, Thành Lương mới nói lý do: “Tôi không phải từ chối nghĩa vụ với ĐTQG, mà thấy mình nên dừng lại để tạo cơ hội cho các em trẻ”.
Sau khi Thành Lương chia tay đội tuyển, bóng đá Việt Nam thất bại thêm trước khi sang trang với triều đại của HLV Park Hang-seo. Sự xuất sắc của thế hệ Văn Hậu, Quang Hải khiến ít nhiều người hâm mộ không nhớ về Thành Lương dù trong màu áo CLB Hà Nội, Lương vẫn thể hiện cực tốt mỗi khi được trao cơ hội.
Song vẫn có người nhớ đến Thành Lương, đó là HLV Park. Tháng 4/2019, Thành Lương từng được nhà cầm quân người Hàn Quốc mời trở lại tuyển quốc gia.
Tuy nhiên, Lương từ chối. “Nếu thầy Park hay đội gặp vấn đề, ở thời điểm hay hoàn cảnh khó khăn, tôi không bao giờ dám từ chối lời đề nghị trân trọng như thế. Thế nhưng, lâu nay dưới thời HLV Park Hang-seo, các ĐTQG đều chơi tốt. Mọi thứ đều đang ổn, thế nên tôi thấy không cần thiết”, anh nói.
Lời từ chối ấy là đủ để nói về Thành Lương. Anh chưa từng nghĩ mình là ngôi sao hơn tất cả, mà luôn đặt tập thể lên hàng đầu trong mọi giai đoạn của sự nghiệp.
Trong thế giới khác, Thành Lương có thể đã là mẫu huyền thoại lớn thu hút sự chú ý của người hâm mộ bởi không chỉ tài năng, những danh hiệu, mà còn truyền cảm hứng và tạo ra các tranh cãi xung quanh hành trình vươn lên trong sự nghiệp cùng đời tư và thái độ.
Tuy nhiên, Thành Lương đã chọn con đường của riêng mình. Sự nghiệp của anh có vinh quang, có cay đắng nhưng chưa từng xuất hiện bê bối, lá mặt lá trái.
Đó sẽ luôn là hình mẫu cho những cầu thủ trẻ bởi sự nỗ lực vươn mình từ khó khăn khiêm tốn và lễ độ. Thành Lương xứng đáng là huyền thoại bóng đá Việt Nam chính từ những điều giản đơn đó.
Việt Nhật
Thành Lương vất vả theo kèm ngoại binh cao gần 1,9 m
Không phải mẫu cầu thủ mạnh về thể hình và tranh chấp, Quả bóng vàng Việt Nam Phạm Thành Lương rất vất vả khi theo kèm tiền vệ ngoại binh Oloya Moses.
Chiều 25/3, CLB Hà Nội mở cửa buổi tập cho truyền thông tham dự lần đầu tiên kể từ khi V.League bị hoãn hồi giữa tháng 3. Buổi tập của đội bóng thủ đô có vệ sĩ đeo khẩu trang đứng bảo vệ ở nhiều vị trí.
Trong phần đấu nội bộ, CLB Hà Nội chia đôi đội hình. Nhóm đá chính gồm Phạm Đức Huy, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Quang Hải, ba ngoại binh Oloya Moses, Pape Omar Faye và Papa Ibou Kebe... Nhóm dự bị gồm những Hồ Minh Dĩ, Trương Văn Thái Quý, Phạm Thành Lương và nhiều cầu thủ trẻ khác.
Cầu thủ từng giành 4 Quả bóng vàng Việt Nam Thành Lương là cái tên nổi bật trong đội dự bị. Vài năm trở lại đây, Thành Lương không còn giữ được vị trí đá chính. Dù vậy, đẳng cấp và trình độ rất cao giúp Thành Lương vẫn hữu dụng với CLB Hà Nội. Nhiều thế trận mà Quang Hải hay Hùng Dũng không xử lý được, HLV Chu Đình Nghiêm đều đưa Thành Lương vào sân để hóa giải.
Thành Lương có tình huống tranh chấp với ngoại binh cao 1,88 m Oloya Moses. Anh rất vất vả khi theo kèm cầu thủ người Uganda. Dù kỹ thuật và khéo léo, tranh chấp tay đôi lại không phải điểm mạnh của Lương "Dị".
Khi gặp các đối thủ "đồng cân đồng lạng", Thành Lương mới thể hiện được đầy đủ năng lực. Anh xoay trở khôn ngoan, khiến tiền vệ tuyển Việt Nam Hùng Dũng vất vả cản phá.
Hơn một năm trở lại đây, Hùng Dũng thăng tiến vượt bậc. Anh lấy suất đá chính ở tuyển Việt Nam, chơi cực hay tại CLB Hà Nội và đặc biệt thăng hoa dưới màu áo U22 Việt Nam ở SEA Games 2019. Nhiều người dự đoán Hùng Dũng sẽ trở thành chủ nhân Quả bóng vàng Việt Nam 2019. Lễ trao giải hiện bị hoãn do dịch Covid-19.
Không khí thân thiện trên sân tập giúp các cầu thủ có cơ hội phô diễn nhiều kỹ năng. Ngoại binh Rimario Gordon nhiều lần có những pha lừa bóng trước Phạm Đức Huy. Rimario không thể ký hợp đồng với CLB Hà Nội mùa này do những rắc rối liên quan tới giấy tờ chuyển nhượng. Anh vẫn gắn bó với đội bóng thủ đô và có thể được đăng ký ở giai đoạn lượt về.
Bên ngoài sân, Trần Đình Trọng (ngoài cùng phải) đã trở lại sân tập cùng đội bóng. Anh vẫn đang trong quá trình điều trị chấn thương. Đợt trước, Đình Trọng tập luyện tại PVF một thời gian. Anh được dự đoán bình phục trong 2 tới 3 tháng nữa. Ngoài Đình Trọng, Trần Văn Kiên (ngồi) là một tuyển thủ quốc gia khác của CLB Hà Nội đang chấn thương.
HLV Chu Đình Nghiêm và các học trò mới trở lại tập luyện vài ngày sau một tuần nghỉ. Đội bóng thủ đô nói riêng và V.League nói chung đang trải qua những ngày buồn chán khi giải đấu bị hoãn vì đại dịch. Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đưa ra ba phương án tổ chức giải vào đầu tháng 4, giữa tháng 4 và tháng 5. Với diễn biến hiện tại của dịch bệnh, khả năng V.League trở lại đầu tháng 4 là rất thấp.
Nên công bố các danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2019 Hơn 2 tháng trôi qua kể từ sau khi gala Quả bóng vàng Việt Nam 2019 bị tạm hoãn vì dịch Covid-19, đến nay giải thưởng này đã khá chìm lắng, do đó giới chuyên môn đề nghị BTC nên công bố các danh hiệu, còn gala trao thưởng tạm thời tính sau. Thực tế, danh tính chủ nhân của các giải thưởng...