Thanh long ruột đỏ nặng 1,5kg có giá 500.000 đồng/kg ăn có vị gì?
Giá 1 kg thanh long ruột đỏ nhập từ Đài Loan về Việt Nam gấp hơn 15 lần so với thanh long ruột đỏ tại Việt Nam.
Khoảng một tháng nay, một số cửa hàng bán trái cây nhập khẩu tại Hà Nội và TP.HCM rộ lên thông tin về thanh long ruột đỏ của Đài Loan có giá từ 350.000 đến 500.000 đồng/kg nhưng vẫn hút khách tiêu dùng. Những quả thanh long này có kích cỡ khá lớn, có quả nặng tới 1,5 kg.
Trong khi giá 1 kg thanh long Đài Loan không hề rẻ nhưng lại được săn đón thì hiện hàng Việt bán tại vườn là 15.000-20.000/kg. Cũng là thanh long ruột đỏ nhưng tháng 10 vừa qua, ở Long An giá giảm mạnh từ 20.000 xuống còn khoảng 7.000-10.000 đồng/kg loại 1; loại 2 và loại 3 giảm chỉ còn 2.000-3.500 đồng/kg.
Anh Minh Long ( quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay: “Phải chăng người Việt quá sính ngoại, cùng là một trái thanh long ruột đỏ, sao không ăn thanh long Việt Nam mà ăn của Đài Loan chi cho mắc”.
Đồng tình với anh Long, anh Phạm Tuấn (một bạn đọc quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay: “Tại sao lại đổ xô nhập khẩu thanh long trong khi đó là đặc sản của Việt Nam?”.
Theo ông Hiệp, thanh long ruột đỏ Việt Nam có chất lượng không thua kém gì các giống thanh long khác.
Mặc dù giá nhập khẩu trái thành phẩm vào Việt Nam cao như vậy nhưng anh Bùi Tùng (một người trồng thanh long ruột đỏ giống Đài Loan tại Phú Thọ theo hướng hữu cơ) cho hay anh bán ra giá sỉ chỉ 30.000 đồng/kg.
“Thanh long ruột đỏ giống Đài Loan được định danh ở Việt Nam là TL04. Trái từ 400 đến 800g. Giống này cho sản lượng từ 1,5 đến 3 tấn một đợt trái, một năm từ 4 đến 5 đợt” – anh Tùng chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hiệp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận , cho hay ông chưa nhận được thông tin về thanh long ruột đỏ nhập từ Đài Loan về bán 500.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, đây chỉ là cách thổi phồng giá trị, chỉ bán chơi chứ không thể nhập về để bán đại trà.
Ông cũng cho hay thanh long ruột đỏ Việt Nam ngon hơn nhiều và quả cũng 400-800g, có quả lên tới 1 kg.
“Theo quan điểm của tôi, thanh long ruột đỏ Đài Loan trên thực tế cho mẫu mã, tai của quả không được đẹp và ngon bằng như thanh long ruột đỏ của Việt Nam. Tôi đã từng trồng giống này nhưng sau đó cũng nhổ bỏ và trồng lại giống Việt Nam.
Video đang HOT
Chưa xét về hàm lượng dinh dưỡng giữa hai giống nhưng giống thanh long ruột đỏ Việt Nam cho ra sản phẩm ngọt, trái tròn trịa, không thua kém giống thanh long nào trên thị trường cả”.
Ông cũng cho hay hiện nay thanh long của Việt Nam chủ yếu xuất vào thị trường Trung Quốc, nên không có lý do gì nước ta lại nhập khẩu ngược lại loại quả này và bán với mức giá đó cả.
Ông Hiệp thông tin: Giá bán của thanh long ruột đỏ Việt Nam xuất xỉ là 40.000 đồng/kg, khi bán lẻ có giá 70.000- 80.000 đồng/kg.
Ngoài ra, hiện nay Bình Thuận đang trồng một loại thanh long ruột tím hồng, cho ra sản phẩm ngon, giòn hơn rất nhiều với mức giá sỉ là 60.000 đồng/kg và bán lẻ từ 100.000 đồng/kg.
Theo Thu Hà ( Pháp Luật TPHCM)
Trung Quốc thu hoạch rộ thanh long, trái "rồng" Việt đi đâu về đâu?
Báo chí Trung Quốc đưa tin, những ngày qua, nông dân ở huyện Trường Hưng (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) nhộn nhịp thu hoạch thanh long. Việc nước ngày mở rộng diện tích thanh long cũng khiến lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dự báo sẽ chững lại.
Tham vọng về cây thanh long của Trung Quốc
Cụ thể, trang GiuangMing online thông tin, thanh long ở huyện Trường Hưng là loại thanh long ruột đỏ, được trồng trong nhà kính. Trong vòng hai năm qua, chính quyền địa phương này đã nổ lực để giảm nghèo cho người dân địa phương, trong đó có việc xây dựng các mô hình nông nghiệp như trồng thanh long, giới thiệu các kỹ thuật mới trong nông nghiệp, tăng cường kinh doanh nông sản online và phát triển du lịch nông nghiệp....
Nông dân Trung Quốc đóng gói thanh long vừa thu hoạch tại tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Xinhua.
Nhờ đó, nhiều mô hình trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành. Sản lượng thu hoạch cũng ngày càng lớn. Chính quyền địa phương này còn đặt tham vọng sẽ phát triển trồng nội địa, giảm lượng thanh long nhập khẩu vào Trung Quốc trong những năm tới.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cũng cho biết, hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.
Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10.666 ha, kế đó là các địa phương như Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến... Diện tích trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới.
Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 - 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam. Quảng Tây cũng là một trong số các địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam, bên cạnh các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam.
Một công nhân chăm sóc thanh long tại vườn sinh thái nông nghiệp Xuanxin ở làng Nanwuhui của Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Việc trồng thanh long trong khu vườn này bắt đầu vào năm 2013 với 4ha. Ảnh: Xinhua
Đó chính là lý do thời gian gần đây thanh long Việt Nam thường xuyên gặp khó về đầu ra. Thời điểm hiện tại, giá bán buôn thanh long trên thị trường Trung Quốc bắt đầu xu hướng chững lại và giảm nhẹ.
Ông Trương Quang An - Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu (Long An) cho biết, đang vào vụ thu hoạch nên giá thanh long hiện khá rẻ. Trái loại 1, đóng vào thùng xuất khẩu có giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng, 26.000 - 27.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ.
Còn giá mua tại vườn (mua xô) thấp hơn nhiều. Thanh long ruột trắng chỉ đạt 8.000 đồng/kg trong khi thanh long ruột đỏ bán xô có giá 13.000 đồng/kg.
"Điều đáng lo ngại là Trung Quốc đã trồng thanh long từ nhiều năm nay và họ bắt đầu cho thu hoạch. Do đó, lượng nhập từ Việt Nam có thể giảm. Hiện thanh long ruột đỏ của Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc nên nếu thị trường này giảm mua, doanh nghiệp Việt Nam có nước... đổ bỏ", ông An nhận định.
Thanh long trồng ở Trung Quốc là loại ruột đỏ, được trồng trong nhà kính. Ảnh: Xinhua.
"Cửa" ra cho thanh long ruột đỏ ngày càng hẹp
Theo ông An, hiện thanh long ruột trắng của Việt Nam còn có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc trong khi ruột đỏ gần như chỉ xuất khẩu sang thị trường này. Chưa kể, thanh long ruột trắng còn có thể chế biến sấy khô, làm nước ép..., trong khi thanh long ruột đỏ nếu ép nước sẽ không để được lâu vì đổi màu, sấy khô cũng bị "bầm tím" nên rất khó bán.
"Do 2 năm qua Trung Quốc tăng mua ruột đỏ nên bà con đã chặt ruột trắng để chuyển sang ruột đỏ rất nhiều. Bây giờ Trung Quốc vào mùa thu hoạch ruột đỏ, nếu họ giảm mua sẽ rất khó cho nông dân Việt Nam", ông An lo lắng.
Để tăng cường xuất khẩu bền vững sang thị trường rộng lớn này, mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện bộ cẩm nang Xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Trung Quốc dành một số ưu tiên như giảm 50% thuế VAT cho nhập khẩu thanh long tại cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Quảng Tây). Tuy nhiên, tại cửa khẩu này, Trung Quốc kiểm soát việc nhập khẩu thanh long qua đường biên mậu thông qua việc chỉ cấp phép cho một số doanh nghiệp nhập khẩu thanh long với số lượng nhất định và theo kế hoạch cụ thể.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), từ ngày 1.4.2018 vừa qua, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về nhãn mác nguồn gốc, xuất xứ...
Phần lớn thanh long ruột đỏ của Việt Nam hiện nay chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc. Ảnh: Thuận Hải.
Theo đó, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin "Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu" tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm "hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm".
Thông tin bao gồm tên sản phẩm hoa quả, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Như vậy, Trung Quốc đang ngày càng siết chặt hơn việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam vào thị trường này, các yêu cầu về chất lượng cũng ngày càng nâng cao hơn.
Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Huy Long An (tỉnh Long An), cho rằng, Việt Nam không thể bỏ qua thị trường Trung Quốc mà phải xem đây là thị trường béo bở, vì nhu cầu nhập khẩu nông sản, thực phẩm ngày càng tăng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải "hiểu thị trường" thì mới có thể tận dụng và phát triển được các lợi thế như gần đường biên mậu, dễ dãi hơn trong các tiêu chuẩn về chất lượng... Trung Quốc cũng đang ngày càng siết chặt các vấn đề về chất lượng cũng như tăng dần các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Theo Danviet
Bình Thuận quản chặt thương nhân nước ngoài núp bóng mua thanh long trái phép UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn chỉ đạo về việc siết chặt hoạt động mua bán của thương nhân nước ngoài núp bóng kinh doanh thanh long không đúng pháp luật. Ngày 4/11, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận xác nhận Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai vừa có công văn chỉ đạo công tác quản lý nhà nước đối...