Thành Lộc: ‘NSND Thanh Tòng đã ra đi đúng lúc’
Vốn là em họ nên Thành Lộc và Bạch Long có không ít kỷ niệm với cố NSND Thanh Tòng. Người anh này cũng để lại trong họ những ấn tượng sâu đậm về cách đối nhân xử thế.
Sáng 24/9, NSND Thanh Tòng đã về với đất mẹ khi linh cữu của ông được đưa đi an táng ở Nghĩa trang Gò Đen, Long An.
Dẫu vậy, hình ảnh cây đại thụ của bộ môn cải lương tuồng cổ vẫn đọng lại trong tâm trí nhiều người. Trong đó phải kể đến NSƯT Thành Lộc cùng anh trai là nghệ sĩ Bạch Long.
Người nghệ sĩ mẫu mực, không có điểm xấu!
Nhắc về tính cách của người anh họ quá cố, NSƯT Thành Lộc dành cho ông sự ngưỡng mộ và kính trọng tuyệt đối. Thanh Tòng biết rõ mình là ngôi sao sáng ở bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ thốt ra bất kỳ câu nói tự cao, tự đại nào.
Thành Lộc cho biết: “Dù vị trí của anh Năm lúc đó có thể khiến nhiều người phải cúi đầu nhưng lúc gặp người lớn tuổi hơn như má Bảy Phùng Há hay bác Trần Văn Khê, anh vẫn khoanh tay chào như một đứa học trò. Đối với học trò, thế hệ hậu bối đàn em mà bây giờ là những người nổi tiếng, anh Năm cũng có thái độ trọng thị rất lớn”.
Cố NSND Thanh Tòng.
NSƯT Thành Lộc tâm sự rằng tính cách trên của anh họ ảnh hưởng đến mình không ít, cụ thể là trong cách hành xử. Mỗi khi gặp tiền bối, anh đều làm vậy.
Điểm hay kế tiếp nơi cố NSND Thanh Tòng qua lời kể của Thành Lộc là ông chưa một lần sử dụng quyền làm anh để chỉ đạo, áp đặt phải thế này phải thế kia mà luôn lắng nghe nếu ý kiến đàn em đúng. Nam NSƯT cho đây là đức tính rất tốt, cần có ở người làm nghệ thuật.
Anh nhớ lại: “Trong chương trình Gìn vàng giữ ngọc, tôi có nói với anh Năm là bản thân muốn có cái nhìn khác về nhân vật mình đảm nhận cho hợp với tính thời đại hơn, hơn nữa cách diễn của tôi thiên về kịch, anh Năm lắng nghe rất kỹ và đồng ý”.
Về phía nghệ sĩ Bạch Long, anh bày tỏ mình nể Thanh Tòng nhất là anh họ nói không với rượu chè, cờ bạc, lăng nhăng – điều hiếm nghệ sĩ nào làm được.
Bạch Long cho hay bản thân càng thêm trân quý anh họ ở tấm lòng yêu nghề mãnh liệt. Nam nghệ sĩ quá cố thà từ chối tình cảm của cô con gái chủ một ngân hàng lớn chứ nhất quyết chẳng chịu bỏ hát.
Video đang HOT
Bạch Long nhấn mạnh: “Anh ấy xứng đáng làm một Nghệ sĩ Nhân dân, đàn anh mẫu mực để đàn em noi theo. Bằng chứng là qua tài năng của anh Năm, anh cũng có vợ đẹp, con ngoan, nhà cao cửa rộng. Anh đi lên bằng công sức nghệ thuật của bản thân, bằng đồng tiền đi hát chân chính”.
Thành Lộc, Bạch Long coi Thanh Tòng như thầy
Trả lời Zing.vn, cả NSƯT Thành Lộc lẫn nghệ sĩ Bạch Long đều cho biết họ không khỏi bàng hoàng, sửng sốt và muốn hét lên thật to khi nhận tin dữ, bởi đây là sự mất mát quá lớn với đại gia đình Vĩnh Xuân – bầu Thắng – Minh Tơ.
Thành Lộc nhắc lại: “Ngay khi tôi báo tin cho các chị Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, anh Điền Thanh – những người cộng sự, từng diễn cùng anh Năm từ hồi còn là ban đồng ấu Minh Tơ đến sau này là Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Minh Tơ – mọi người đều khóc. Các anh chị đang sống xa xứ, không thể kịp bay về đây nhìn anh Thanh Tòng lần cuối”.
Cố NSND Thanh Tòng bên con gái Quế Trân lúc còn sống. Ảnh: FBNV.
Nam NSƯT cho biết việc anh họ đột ngột qua đời đối với gia đình thật sự là một tang lớn, sự tổn thất khó lời nào diễn tả được. Song nhìn ở góc độ khác, cái chết là một sự giải thoát.
“Anh Năm bị bệnh lâu rồi và căn bệnh cũng nhiều lần hành hạ thể xác anh. Đứng ở góc độ một người quan tâm đến sức khỏe của anh Năm, tôi nghĩ sự ra đi này là đúng lúc bởi nó sẽ giúp cho anh được bình yên hơn”.
Nói về những kỷ niệm khó quên cùng NSND Thanh Tòng, Thành Lộc kể năm 2007, gia tộc của anh làm chương trình cải lương có chủ đề Gìn vàng giữ ngọc, gồm hai vở cải lương đặc thù: một là cải lương hồ quảng và 2 là cải lương tuồng cổ – gồm vở Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân báo phu cừu. Anh họ đã tin tưởng giao cho anh hai vai nặng ký.
Nam NSƯT chia sẻ vì nhân vật Lý Đạo Thành hay Triệu Khuông Dẫn đều là hai vai diễn nằm ngoài tầm với của bản thân nên anh rất hoang mang, lo lắng trước lời đề nghị trên.
Nam NSƯT nói: “Tôi còn hỏi anh Năm rằng: Anh nghĩ sao mà anh giao cho em hai vai này, bộ anh định giết em hay sao?. Một đêm diễn cải lương truyền thống toàn anh em họ tộc mà em là đứa gần như ngoại đạo. Lúc đó anh đi hơi khó khăn rồi. Anh cầm cây gậy chống mà miệng cười xuề xòa và nói: Làm đi, làm đi! Anh biết mày làm được. Mày đừng có giấu nghề”.
Thật ra, anh Năm là người có con mắt nhìn rất tinh tường, chuẩn xác về tài năng ở các thế hệ đàn em. Anh không theo dõi nhiều con đường thoại kịch của tôi nhưng anh em trong dòng họ nên nhìn nhau là biết tỏng trong máu có gì rồi. Thành ra, anh cứ nói chắc như vậy”.
Thành Lộc trải lòng trong quá trình tập luyện, anh họ chưa thị phạm cho anh lần nào. Ông chỉ ngồi coi và góp ý. Nhưng chính niềm tin người anh lớn đặt hết vào nam nghệ sĩ đã khiến anh hết sức thận trọng và ý thức được nhiệm vụ mà bản thân gánh vác trên vai.
Anh cho đó là một trong những cách xử thế nghề nghiệp rất hay của cố NSND Thanh Tòng. “Đợt vừa rồi, anh Năm có chỉnh cho tôi cách hát, luyến láy thế nào để ra đúng chất hồ quảng. Tuy cái đó trong máu tôi rồi nhưng một chữ cũng thầy, hai chữ cũng thầy. Đối với tụi tôi, anh Năm không phải chỉ là một người anh trai lớn trong dòng họ mà anh còn là một người thầy”.
Khi còn nhỏ xíu, mỗi tối Thành Lộc đều ôm cột đình ngồi coi các bậc cha chú, anh chị trong đoàn đồng ấu Minh Tơ diễn. Lúc đó,Thanh Tòng đã là thần tượng trong mắt anh.
Về phía nghệ sĩ Bạch Long, anh cũng khẳng định dù NSND Thanh Tòng đã rời cõi tạm bản thân vẫn nhớ, yêu thương và kính trọng ông vẹn nguyên như trước đây – người từng dạy anh từ cách thoại, cách hát đến làm thế nào chọc cười hay lấy nước mắt khán giả.
Theo Zing
NSND Bạch Tuyết, Lệ Thủy nói về người bạn quá cố Thanh Tòng
Hai nữ nghệ sĩ cải lương gạo cội không khỏi bàng hoàng trước sự ra đi của người đồng nghiệp thân thiết, nhiều năm bó.
Tối 22/9, ngay khi biết tin NSND Thanh Tòng qua đời, NSND Lệ Thủy và Bạch Tuyết đã đến thắp hương, đồng thời gửi lời chia buồn cùng gia đình ông.
Cả hai cũng dành thời gian chia sẻ về cảm xúc khi nhận tin dữ và những kỷ niệm giữa bản thân với nam nghệ sĩ quá cố.
NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết: "Ông là nghệ sĩ nhưng cũng rất trọn vẹn trong đời thường"
Tôi vẫn nhớ lúc tôi, anh Tòng cùng mọi người đi chung đoàn 284. Đấy là chuyến đi giông bão. Khi đó, không có một nghệ sĩ nào làm việc dữ dội như anh ấy. Lúc đi, anh đóng vai khác nhưng sau giúp đoàn thế vai Võ Minh Thành.
Nhưng nói thật là tới giờ, tôi vẫn không hình dung ra ông tập tuồng như thế nào. Ông không nói sai bất kỳ từ nào, dù với một vai nặng mà mình chỉ là người thay thế. Vì khi đó, chúng tôi ít khi ở nhà và thường đi bằng xe buýt. Những chuyến đi đó đầy bất an...
Khi vở diễn lần đầu ra mắt ở Paris (Pháp), ông được toàn thể khán giả vỗ tay không ngớt, mọi thứ đều vỗ tay - ca cũng vỗ tay, nói cũng vỗ tay. Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn thấy thương ông, bởi vì ông luôn sống hết mình với nghề.
Tới vở Kim Vân Kiều, Thanh Tòng đóng vai Từ Hải. Nếu các bạn có xem DVD đó sẽ thấy chưa có ai đóng vai Từ Hải mà uy dũng, đẹp và hay như ông.
Rồi tôi còn có kỷ niệm khi cùng ông đóng vở Thái hậu Dương Vân Nga. Có thể nói vai Lê Hoàn, ông không phải người đầu tiên đóng. Nhưng lúc tập tuồng, tôi lại ngạc nhiên thêm lần nữa. Khi ông nói trúng và diễn đẹp vô cùng. Phải nói rằng, tôi rất thích.
Với một người hát tuồng cổ chuyên múa may quay cuồng khi đóng sang tuồng lịch sử hay tâm lý xã hội rất khó, thế nào cũng sẽ có những động tác bị thiếu hay thừa. Song ở NSND Thanh Tòng, điều này là không có.
NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết gửi lời chia buồn, động viên Quế Trân tiếp tục giữ vững niềm tin với bộ môn nghệ thuật cải lương và cố gắng nối nghề ba. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc.
Lúc gặp ông trong vai trò giám khảo như ở giải thưởng Trần Hữu Trang hay Chuông vàng vọng cổ, tôi thấy ông là một người rất thương và bảo bọc đồng nghiệp cũng như con cháu.
Có thể nói rằng ông là người nghệ sĩ cải lương tài hoa và đức độ. Tôi nghĩ thành công lớn nhất của ông là đã sinh và dạy dỗ được hậu duệ rất quý Quế Trân - một trong số ít nghệ sĩ trẻ của thời đại chúng mình có học, nghiêm túc, khiêm tốn và hết sức lễ phép.
Cô không có cho chúng ta thấy cô là một ngôi sao lớn và điều đó làm chúng tôi càng kính trọng ông hơn. Ông là nghệ sĩ nhưng cũng rất trọn vẹn trong đời thường.
Ai cũng sẽ ra đi, nhưng sự ra đi của ông có gì đó khiến tôi thấy tiếc nuối vì ông còn nhiều hoài bão đối với nghệ thuật cải lương tuồng cổ của Việt Nam. Ông cũng là một trong những cột trụ của phong cách cải lương tuồng cổ.
Ông muốn cải lương làm thế nào vẫn truyền thống mà hiện đại như ngày đầu tiên cải lương ra đời.
Cách đây 2 năm, trong lần làm giám khảo chung, tôi có rủ ông rằng "Anh Tòng ơi, anh chuẩn bị đi để chúng ta cùng làm một việc...". Tôi dự định là tập những dạng mới, tuồng với thời lượng khoảng 30 phút nhằm thể hiện hoài bão của mình cùng cải lương, với một nội dung mà nó thích nghi với thời đại.
Khi tôi nói như thế, ảnh mới trả lời là: "Tôi cũng ham lắm chị ơi! Nhưng, tôi đang bệnh nên không biết làm có đủ sức để làm hay không".
Mới đây, ở chương trình của HTV, chúng tôi gặp nhau và tôi có nhắc anh thêm lần nữa. Anh nói anh vẫn nhớ nhưng vì lúc bệnh lúc hết nên chưa bắt tay làm được. Tôi có nói với anh: "Anh ráng sống dai dai chút...".
Anh Tòng khi đó rất thảnh thơi. Anh bảo: "Ai rồi cũng phải đi chị à!".
Theo Zing
Quế Trân kể về những ngày cuối đời của NSND Thanh Tòng Con gái của NSND Thanh Tòng cho biết ông nằm liệt giường nhiều tháng nay. Đến cuối đời, tình cảm ông dành cho bộ môn nghệ thuật cải lương vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Sau ca sĩ Minh Thuận, làng giải trí Việt lại nhận tin dữ và mất mát lớn khi NSND Thanh Tòng qua đời vào sáng 22/9. Vốn là...