Thành lập Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 30/11, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã diễn ra lễ thành lập Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản (Betoraku).
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Lễ thành lập Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản.
Hiệp hội được ra đời trong bối cảnh ngày càng nhiều gia đình người Việt Nam tại Nhật Bản bày tỏ mong muốn gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam cho các thế hệ con em người Việt được sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản.
Phát biểu tại lễ thành lập, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho rằng sự ra đời của Hiệp hội là mảnh ghép hết sức quan trọng trong việc cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng phát triển, góp phần cho cộng đồng ngày càng lớn mạnh hơn. Đại sứ nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa nhân tố quan trọng, là nền tảng không chỉ cho dân tộc phát triển mà còn là sợi dây gắn bó thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế của đất nước trong bối cảnh quốc tế hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Đại sứ quán đánh giá cao sự ra đời của Hiệp hội Văn hóa truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản, một đất nước cũng rất giàu truyền thống văn hóa và cho rằng việc hai dân tộc có được quan hệ tốt đẹp như ngày hôm nay cũng có sự đóng góp không nhỏ của sự giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai nước.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu bày tỏ hy vọng các hoạt động của Hiệp hội giúp gắn kết cộng đồng đoàn kết hướng về quê hương, đất nước bằng các giá trị văn hóa. Đại sứ kêu gọi Hiệp hội tiếp tục mở rộng thành viên, nâng cao vị thế, trình độ trong các lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Đại sứ bày tỏ sự vui mừng khi sự ra đời của Hiệp hội nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của giới trẻ Việt Nam tại Nhật Bản, thu hút được sự tham gia đông đảo của các bạn thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản. Đại sứ đề xuất Hiệp hội không chỉ giới hạn thành viên là người Việt Nam mà nên mở rộng phạm vi với các nghệ sĩ, nhà văn hóa của Nhật Bản. Điều đó sẽ làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước, cũng như làm giàu cho kho tàng văn hóa của Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Thọ, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng việc thành lập Hiệp hội vào thời điểm hiện nay là cần thiết và đúng lúc. Theo Giáo sư, cần có một tổ chức kế thừa, phát huy các nét đẹp của văn hóa Việt Nam, và tạo cơ hội để mọi người ý thức về lịch sử, văn hóa của cội nguồn, qua đó gắn bó với quê hương đất nước và làm phong phú đời sống tinh thần của mình. Giáo sư nhận định Hiệp hội cũng sẽ là tổ chức giúp các thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba, hiểu và yêu mến tiếng Việt, qua hiểu biết văn hóa nghệ thuật sẽ tự hào với lịch sử và văn hóa cội nguồn của mình.
Video đang HOT
Giáo sư Trần Văn Thọ cũng nêu lên một vai trò quan trọng khác của Hiệp hội là đẩy mạnh giao lưu với các cơ quan văn hóa Nhật Bản, qua đó vừa giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, vừa tìm hiểu và tiếp thu văn hóa, nghệ thuật Nhật Bản, từ đó làm cầu nối với các cơ sở văn hóa trong nước, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt – Nhật.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu chúc mừng bà Đỗ Khánh Hân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản.
Bà Đỗ Khánh Hân, Chủ tịch Hiệp hội, chia sẻ sự ra đời của Hiệp hội là khởi đầu một hành trình mới để tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật đáng tự hào của dân tộc Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần củng cố cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đoàn kết, giàu năng lượng, phát triển, hướng về quê hương đất nước, cũng như góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Bà Đỗ Khánh Hân cho biết Hiệp hội đặt ra 3 mục tiêu lớn để theo đuổi, gồm bảo tồn, tôn vinh, lan tỏa nét đẹp văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong cộng đồng nói riêng và tại Nhật Bản nói chung; vận động, kết nối, phát huy mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên; nỗ lực trở thành cầu nối giữa các hội nhóm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Nhật Bản, trở thành đối tác tin cậy và chất lượng của các cơ quan, tổ chức văn hóa, nghệ thuật tại Nhật Bản cũng như tại Việt Nam; góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt-Nhật.
Theo bà Đỗ Khánh Hân, Hiệp hội sẽ triển khai các dự án thiết thực để liên kết các hội nhóm và cá nhân đam mê văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Nhật Bản, nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau; thực hiện những dự án thiết thực trực tiếp hỗ trợ phổ biến và thúc đấy các hoạt động nghiên cứu, luyện tập và biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam cho các hội nhóm và cá nhân có quan tâm, đam mê; nâng cao hơn chất lượng, mở rộng hơn quy mô, đa dạng hóa hơn sự hiện diện văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong các sự kiện kinh tế, xã hội tại Nhật Bản.
Bà Đỗ Khánh Hân cam kết mọi hoạt động của Hiệp hội sẽ luôn đặt giá trị cộng đồng lên hàng đầu với mục tiêu cao nhất là tôn vinh và gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Việt Nam.
Arini Alit - Huyền thoại múa Bali
Arini Alit, một nghệ sĩ múa Bali huyền thoại, đã dành hơn 74 năm cuộc đời mình để biểu diễn và truyền dạy nghệ thuật múa truyền thống Bali.
Niềm đam mê cháy bỏng của bà đã đóng góp lớn trong việc gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của Bali ở Indonesia.
Bà Arini Alit bên cô học trò nhí đầy tiềm năng Rita.
Giữa thủ phủ Denpasar của Bali sôi động và trầm mặc, hiện đại và truyền thống đan xen, nhiều người biết đến một nữ nghệ sĩ nổi tiếng về nghệ thuật múa truyền thống Bali vừa biểu diễn vừa dạy múa cho các lứa tuổi. Ngoài nổi tiếng về nghề, người nghệ sĩ này còn rất đặc biệt bởi ở tuổi 81, bà vẫn đang truyền dạy kỹ năng và niềm đam mê múa Bali cho hàng trăm học trò.
Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ hẹp, nhưng bên trong ngôi nhà của người nữ nghệ sĩ lại mở ra một không gian cổ tích với lối thiết kế đặc trưng truyền thống Bali, tạo nên sự hài hòa giữa con người, thiên nhiên và thần linh. Một đền thờ nhỏ được đặt trang trọng giữa khu vườn. Những khung cửa được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn truyền thống.
Ngôi nhà của bà Arini Alit mang nét đẹp đặc trưng của những ngôi nhà Bali truyền thống.
Nghệ sĩ Arini Alit dành một khoảng không gian mở, thông ra khu vườn, rộng chừng 100m2, làm nơi dạy múa. Ở đây còn có một sân khấu với một dàn các nhạc cụ truyền thống đã được lưu giữ qua mấy đời. Học trò của bà có lứa tuổi phổ rộng từ 4 tuổi đến hơn 50 tuổi, thường tập trung đông nhất vào 2 ngày cuối tuần. Những lớp học như thế đã được duy trì từ hơn 50 năm qua với khoảng 150 đến 200 học viên mỗi tuần.
Bà Arini Alit bên dàn nhạc cụ gia truyền.
Bà Arini Alit cho biết, múa cũng là một hình thức thờ cúng đối với người Bali, vì vậy bà muốn duy trì, gìn giữ nó. Theo bà, nghệ thuật múa cũng giúp làm sạch và thanh lọc tâm trí, khi hóa thân vào những điệu múa, người nghệ sĩ được thăng hoa và đến gần hơn với vũ trụ vạn vật.
Bà Arini xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, cha của bà là nhạc công chơi đàn gamelan, một bộ nhạc cụ gõ truyền thống. Bà bắt đầu học múa từ năm 7 tuổi với thầy giáo đầu tiên là người chú ruột, vốn là một vũ công nổi tiếng.
Bà Arini Alit trong một thế múa đặc trưng của nghệ thuật múa Bali truyền thống.
81 tuổi đời với hơn 74 năm đắm mình trong âm nhạc và những chuyển động huyền bí của nghệ thuật múa truyền thống Bali, niềm đam mê dường như vẫn không hề nguôi vơi mà luôn cháy trong từng bước chân, ánh mắt, thế tay của người nghệ sĩ. Bà đã từng biểu diễn tại các buổi lễ nghi thức quốc gia qua các đời Tổng thống và có những chuyến lưu diễn dài hàng tháng tại nước ngoài như Nhật Bản.
Theo bà, trong múa Bali không có vũ điệu nào là khó nhất, mà cái khó là kết hợp được các chuyển động tay, chân, đầu cổ, mắt và toát lên được thần thái của mỗi điệu múa.
Ngoài biểu diễn, bà đã duy trì các lớp dạy múa từ năm 1973 đến nay. Rất nhiều học trò của bà đã trở thành những nghệ sĩ múa nổi tiếng. Ita Uliantika là một trong những học trò xuất sắc của bà, cô ghé qua thăm bà khi vừa trở về từ một buổi biểu diễn. Và điệu múa điêu luyện của cô ngay trên lớp học đơn sơ, nơi đã giúp cô trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, khiến người thầy của cô cảm thấy hài lòng.
Nghệ sĩ múa Bali nổi tiếng, Ita Uliantika, từng theo học bà Arini Alit từ năm 6 tuổi.
Cô Ita Uliantika cho biết đã học múa ở đây từ năm 6 tuổi. Dù đã biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn của quốc gia hay nhiều nơi trên thế giới như Hàn Quốc, Đức,... nhưng mỗi lần trở về đây, Ita vẫn cảm thấy rất đặc biệt và thân thuộc. Cô có một mong ước sau này sẽ mở các lớp dạy múa để gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống của Bali giống như người thầy của mình.
Bên không gian mở của lớp học trong một buổi sáng với cái nắng Bali rực rỡ, bà Arini Alit uốn nắn từng động tác cho cô học trò nhỏ 6 tuổi đã học múa được 2 năm. Những động tác của cô bé đã khá thuần thục và toát lên được cái hồn của nghệ thuật múa Bali. Cô bé bày tỏ rất thích múa và mong muốn lớn lên sẽ múa đẹp và được đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới như bà giáo của mình.
Bà Arini Alit tỉ mỉ uốn nắn học trò từng động tác.
Hàng chục năm gắn bó, biểu diễn và truyền dạy các điệu múa Bali cho nhiều thế hệ, bà Arini coi công việc này như một cách để thỏa sự đam mê đã ăn sâu vào con người bà. Những lớp học múa của bà hàng chục năm qua đã góp phần lưu giữ một nét nghệ thuật văn hóa đặc trưng, độc đáo của hòn đảo đậm chất bản sắc này.
Bài và ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Indonesia)
Chuyên gia đánh giá hợp tác ASEAN - Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng Ngày 14/12, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Giáo sư Tetsuya Watanabe nhận định có nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Nhật Bản và Hiệp hội các quốc Đông Nam Á (ASEAN), cũng như giữa Nhật Bản và Việt Nam. Giáo sư Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á...