Thanh Hóa: Trồng sâm “tiến vua” cứ 1 sào dân lãi ròng 50 triệu đồng
Sâm Báo là loài sâm trước kia chỉ mọc ở núi Báo làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng ( huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Qua thời gian những gốc sâm Báo tự nhiên bị khai thác dần cạn kiệt.
Để phục hồi loại sâm quý “tiến vua”, tỉnh Thanh Hóa và công ty TRISO đã chú trọng nhân giống, bảo tồn loài sâm được ví “Đại Việt đệ nhất danh Sâm” là dược liệu quý để dâng vua, tiến chúa từ những năm 1400.
Đặc sản sâm “tiến vua”
Sâm Báo là loại cây thân thảo sống nhiều năm, cao từ 30-50 cm, rễ củ có hình trụ có màu trắng nhạt dài từ 15- 40 cm, thân cành có thể mọc đứng cũng có khi bò lan tỏa ra mặt đất, cành có hình trụ, lá mọc so le dưới gốc, có hình trái tim.
Trồng cây sâm Báo giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, khoai…Ảnh: Vũ Thượng
Hoa của loài sâm báo thường có hai màu đỏ và màu vàng khác gốc, cuống hoa dài. Quả hình trứng nhọn, có khía dọc, khi quả chín các khía nứt ra thành 5 mảnh, hạt hình màu nâu đen.
Thời gian trồng cây sâm Báo vào giữa tháng 2 (từ 15-20/2) là thời kỳ thời tiết không còn các đợt rét kéo dài, chỉ có mưa xuân và ấm dần lên. Thu hoạch từ tháng 11 trở đi. Sâm Báo thích hợp với đất nhiều mùn, tơi xốp, có lớp đất mặt sâu, thoát nước, nhiều ánh sáng ở vùng trung du và đồng bằng.
Trồng cây sâm Báo phải lên luống cao nhằm thoát nước
Lưu ý, đất trồng cây sâm Báo phải lên luống theo hướng dốc, tránh gây ngập úng cục bộ sau mưa lớn, đảm bảo thoát nước tốt trong mùa mưa. Sau khi cày, bừa, xử lý đất, tiến hành lên luống cao 25-30 cm, mặt luống rộng 80-100 cm, rãnh rộng 30 cm. Mật độ trồng sâm Báo 250.000 (cây/ha), khoảng cách trồng: 20cm x15cm.
Số lượng hạt để sản xuất 1 ha dược liệu sâm Báo từ 8-10 kg. Trước khi gieo giống phải phơi trong nắng nhẹ 1-2 giờ, sau đó ngâm trong nước ấm khoảng 1-2 giờ, vớt ra dội lại bằng nước lã cho đến khi thấy nước thải ra trong, để ráo nước và đưa vào ủ nóng, khoảng 2-3 ngày hạt có hiện tượng nứt nanh trắng ngà tiến hành gieo thẳng ra ruộng sản xuất dược liệu đại trà.
Video đang HOT
Sâm Báo đặc sản “tiến vua”. Ảnh: Vũ Thượng
Theo sách “Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo viết: “Nước Nam có nhiều Sâm, chỉ có sâm đất Biện Thượng (còn gọi là Bồng Thượng) công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân sâm ở núi Báo có nhiều hiệu nghiệm kì lạ”. Từ những năm 1400, thời vua Hồ, chúa Trịnh, loại dược liệu quý sâm Báo được dùng để dâng Vua, tiến Chúa.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, lương y Đỗ Quang Dũng cho biết: “Sâm Báo trước kia là đặc sản để “tiến vua” do nó có vị ngọt nhạt, tính bình, vào kinh tỳ phế có nhiều tác dụng như: Bổ mát, nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tâm dịch, trị ho, sốt nóng, phổi yếu…thân, lá, củ của cây sâm Báo dùng để ngâm rượu, tán thành bột pha nước uống trực tiếp rất tốt cho sức khỏe”.
Sản phẩm được bào chế từ sâm Báo. Ảnh: Vũ Thượng
Trồng sâm Báo thu lời 50 triệu/sào/năm
Cây sâm Báo tại xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc), đang cho thấy giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, khoai, lạc…nên người nông dân ở nơi đây đã “mạnh tay” chuyển đổi cây trồng, đầu tư giống, đi học hỏi kỹ thuật mở rộng diện tích trồng cây sâm Báo.
Cây sâm Báo hay bị mắc bệnh thối rễ. Ảnh: Vũ Thượng
Bà Hoàng Thị Thơ (xóm Đoài) chia sẻ: “Hiện tại gia đình tôi đang trồng 5 sào cây sâm Báo, so với cây hoa màu khác thì cây sâm này trồng rất khó, hay mắc sâu bệnh, nhưng bù lại giá trị kinh tế lại cao. Nếu thời tiết “ủng hộ” và trừ mọi chi phí thì 1 sào thu lời cũng khoảng 50 triệu đồng/năm”.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm quan mô hình sản xuất dược liệu sâm Báo
Để phát triển cây sâm Báo, ngày 22/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kí quyết định phê duyệt Dự án phát triển cây Sâm báo ở xã Vĩnh Hùng giao cho Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn (trực thuộc tập đoàn TRISO GROUP). Dự án này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và du lịch ở địa phương.
Được biết, năm 2019, Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn đã trồng được 2,5 ha sâm báo năng suất đạt 3 tấn/ha, thu hoạch được 7,5 tấn theo giá bán bình quân trên thị trường là 150.000 đồng/kg sâm tươi, doanh thu đạt 1 tỷ đồng.
Giá bán sâm Báo tươi giá từ 150.000-200.000 đồng/kg
Ngoài ra, công ty còn chế biến các sản phẩm như: Nước ép bổ dưỡng, trà sâm Báo, rượu sâm Báo…đồng thời, công ty còn tạo điều kiện cho 20 lao động ở địa phương với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Từ việc công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn (trực thuộc tập đoàn TRISO GROUP) hợp tác, liên kết, hỗ trợ đầu tư giống, phân bón và một phần tài chính, cũng như về mặt kĩ thuật sau đó sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm sâm Báo cho nhân dân đang giúp người trồng sâm Báo tại xã Vĩnh Hùng yên tâm mở rộng diện tích.
Sâm Báo sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao
“Sản phẩm sâm Báo đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đánh giá sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Cây sâm Báo phát triển rất tốt trên đất xã Vĩnh Hùng, tới đây chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu sâm Báo gắn với quảng bá du lịch tại địa phương”, ông Lê Văn Tiến-Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Thanh Hóa: Sạt lở bờ sông Mã, người dân kêu cứu
Thời gian qua, người dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), sống trong cảnh lo sợ vì bờ sông Mã đoạn qua xã này đang bị sạt lở nghiêm trọng, người dân mất đất sản xuất.
Bất lực nhìn "hà bá nuốt" đất
Vĩnh Hòa là một xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nhiều năm qua diện tích đất nông nghiệp ở địa phương này đang bị thu hẹp dần do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra đến mức đáng báo động. Để khắc phục tình trạng đó người dân địa phương đã dùng nhiều biện pháp để giữ từng tấc đất như ra sức kè, đắp, trồng tre... nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Người dân xã Vĩnh Hòa xót xa nhìn "bờ xôi, ruộng mật" liên tục bị sạt lở, chìm nghỉm xuống sông
Trong mấy năm gần đây tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, vùng sạt lở kéo dài cả hàng chục mét. Nhiều chỗ biến thành những vách đất dựng đứng, cao chênh vênh cứ mỗi đợt sóng mạnh là từng tảng đất màu mỡ lại đổ sập xuống sông và chìm nghỉm.
Người dân nơi đây đã liên tục "kêu cứu" tới chính quyền địa phương và các cơ quan báo chí, vì người dân cho rằng hoạt động khai thác cát trái phép đang khiến tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn, cướp đi hàng chục ha đất nông nghiệp và đang đe dọa tài sản, tính mạng người dân.
Ông Phạm Văn Viên (60 tuổi, xã Vĩnh Hòa) cho biết: "Gia đình tôi có 1.500 m2 đất nông nghiệp nhưng bị sông Mã cuốn trôi gần hết, chỉ còn lại vài chục mét. Cứ đà này, không chỉ đất sản xuất không còn mà nhà tôi cách bờ sống 20m cũng chả mấy chốc mà bị sạt xuống sông".
Nhiều tàu hút cát, không số hiệu ngang nhiên hút cát trái phép. Khi lực lượng chức năng đến các tàu liền bỏ chạy, rất khó xử lý
Cũng tương tự nhà ông Viên, gia đình ông Phạm Văn Kính, người dân thôn Nghĩa Kỳ bức xúc nói: "Hơn 6 ha đất thầu trồng hoa màu của gia đình tôi đang bị sạt lở gần hết. Thời gian gần đây xuất hiện tập trung nhiều tàu hút cát không có số hiệu, khai thác ngoài điểm mỏ. Người dân chúng tôi đã dùng đất đá xua đuổi nhưng không được. Cứ hễ người dân gọi được cán bộ xã ra hiện trường thì tàu cát lại cất vòi, thả thuyền trôi tự do hoặc chạy mất hút".
Loay hoay tìm cách xử lý vì... không có phương tiện
Trong quá trình ghi nhận thực trạng sạt lở tại khúc sông này, phóng viên phát hiện nhiều tàu hút cát vẫn miệt mài đưa những "vòi rồng" cắm sâu xuống lòng sông theo từng tiếng gầm rú của động cơ, cát được bơm lên tàu ào ào.
Trao đổi với ông Lê Văn Trung- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa xác nhận, có việc người dân liên tục phản ánh tình trạng tàu khai thác cát trái phép diễn ra trên sông Mã đoạn qua địa bàn xã.
Hàng nghìn mét vuông đất của người dân bị "hà bá" cuốn trôi
"Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã cho lực lượng công an đi kiểm tra. Có rất nhiều tàu thuyền khai thác đấy không đeo số hiệu nên chúng tôi không biết được của đơn vị nào, nên rất khó nhận biết để xử lý. Bên cạnh đó, mỗi khi nhận được phản ánh, chúng tôi báo cho cấp trên và triển khai lực lượng, khi chúng tôi ra đến điểm hút cát thì các tàu đã đi xa hoặc di chuyển vào điểm mỏ.
Vừa qua, tôi đã chỉ đạo Công an xã làm báo cáo tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn để gửi về Công an huyện xin ý kiến chỉ đạo. Cùng với việc không có phương tiện vây bắt, nên vừa qua UBND xã đã báo cáo UBND huyện xem xét, bố trí lực lượng và phương tiện để ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn. Nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi", ông Trung nói.
Những năm gần đây, người dân sống dọc bờ sông Mã luôn nơm nớp lo sợ, sống trong cảnh bất an khi mà tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, cát tặc vẫn ngày đêm lộng hành trên nhiều tuyến sông, mất đất sản xuất, nhà cửa và tính mạng của người dân bị đe dọa. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Vĩnh Lộc cần sớm vào cuộc, quyết liệt xử lý tình trạng khai thác cát trái phép và tuyệt đối không cấp lại mỏ cho những khu vực đang có nguy cơ sạt lở cao, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân ven sông.
Kim Oanh
GNI hỗ trợ hơn 160 triệu đồng nâng cấp trường Mầm non-Tiểu học Vĩnh Ninh, Thanh Hóa Mới đây, tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam đã tiến hành hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất cho trường Mầm non-Tiểu học Vĩnh Ninh, xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 160 triệu đồng. GNI đã giúp trường Mầm non-Tiểu học Vĩnh Ninh, Thanh Hóa nâng cấp cơ sở...